TQ đối mặt tình trạng vỡ nợ
Thứ Hai, 09 Tháng Mười Hai 20193:00 SA
Thị trường tài chính Trung Quốc đang gặp vấn đề. Ảnh: Bloomberg.
Liên tiếp những dấu hiệu tiêu cực từ thị trường tài chính Trung Quốc đang đặt chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trước những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Nền kinh tế có nguy cơ tiếp tục lâm vào suy thoái
Chính phủ Trung Quốc đang có chiều hướng \”đưa ra những nỗ lực tối thiểu để duy trì nền kinh tế không đi chệch hướng\”, Kinh tế Trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Goldman Sachs Andrew Tilton nhận định trong một bài phỏng vấn trên Bloomberg.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là tình trạng tài chính hoạt động thiếu hiệu quả của các ngân hàng nhỏ và các công ty nhà nước, những thành phần mà nếu không có sự hỗ trợ từ Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nguy cơ sống còn, dẫn đến tình trạng gia tăng các trường hợp vỡ nợ và nền kinh tế tiếp tục lâm vào tình trạng suy thoái.
Tập đoàn Tewoo có trụ sở tại thành phố Thiên Tân, thuộc sở hữu và được vận hành bởi chính quyền địa phương sẽ vỡ nợ với khoản thanh toán 300 triệu USD trái phiếu đáo hạn vào giữa tháng 12.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nơi khác tại Trung Quốc trong những tháng gần đây, và các rủi ro thường tập trung ở những ngân hàng quy mô nhỏ.
Sự lạc quan từ những thể chế tài chính này đã suy giảm mạnh kể từ tháng 5, khi nhà chức trách đã thực hiện quyền can thiệp kiểm soát đối với một ngân hàng ở Mông Cổ và thông báo việc mất khả năng chi trả đối với một số chủ nợ. Kể từ đó, cơ quan chức năng cũng đã can thiệp vào việc điều hành của ít nhất 2 ngân hàng và thực hiện việc bảo lãnh cho 2 ngân hàng khác.
Trong báo cáo Ổn định Tài chính thường niên được công bố vào tuần này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC đã liệt kê 586 trong tổng số gần 4.400 ngân hàng ở mức \”rủi ro cao\”, con số cao hơn so với năm ngoái. Điều này cũng cho thấy các nguy cơ liên quan đến ngừoi tiêu dùng cá nhân, khi tỉ lệ nợ gia đình so với mức chi tiêu khả dụng đã tăng từ 93,4% từ năm 2017 lên 99,9% năm 2018.
Tình thế lưỡng nan của Trung Quốc
PBoC và các nhà lập pháp từ lâu đã khuyến cáo về rủi ro từ những khoản nợ lớn của các tập đoàn, hiện đã lên tới mức tỉ lục 165% GDP trong 2018, theo số liệu từ Bloomberg Economics.
Trong thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư có vẻ như đang đặt kì vọng vào việc nhà lập pháp có thể kiểm soát các rủi ro tài chính của đất nước, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tích cực.
Việc chính phủ Trung Quốc bán hơn 6 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD trong tuần này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, trong khi tình trạng bất ổn của thị trường trái phiếu đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2018, một phần là bởi lòng tin của thị trường trước triển vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm kí thoả thuận thương mại.
PBoC cho biết hiện cơ quan này đang đốc thúc các ngân hàng gặp khó khăn huy động vốn, giảm thiểu các khoản nợ xấu, cũng như thay đổi cách thức điều hành. Cơ quan này cũng đưa ra các chính sách khuyến khích các ngân hàng quy mô nhỏ sát nhập và tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Vào thứ năm vừa qua, Uỷ ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đã kêu gọi cần tăng cường khả năng tài chính của các ngân hàng nhỏ, cũng như thiết lập các cơ chế dài hạn để ngăn ngừa rủi ro. Cũng trong đầu tuần, Uỷ ban Kiểm soát Chứng khoán Trung Quốc đã yêu cầu cần có biện pháp bảo vệ các cổ đông, đặc biệt là các nhà đầu tư bán lẻ, trong khi đồng thời tích cực kiểm soát tính thanh khoản và rủi ro tín dụng trong thị trường vốn.
Ở dấu hiệu cho thấy nhà chức trách đang ngày càng lo ngại về xu hướng đi xuống của nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn vào thứ tư đã yêu cầu chính quyền địa phương cần đẩy nhanh quá trì xử lý nợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Bước đi này cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt: trong khi những biện pháp này có thể thúc đẩy ổn định kinh tế và tài chính trong ngắn hạn, nguy cơ là điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng nợ lớn hơn trong tương lai.
Nhà chức trách đang cố gắng \”duy trì kỉ cương trong thị trường, nhưng mỗi khi có một vấn đề tiêu cực nào đó xảy ra, những hậu quả từ đó khiến họ nhanh chóng phải đưa ra biện pháp nới lỏng\”, Michael Pettis, giáo sư tại trường Đại học Bắc Kinh nhận định. \”Nhà chức trách càng mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này, hậu quả sẽ khiến thị trường càng lúc bị méo mó và đòi hỏi những quyết sách khó khăn hơn để xử lý\”.