Từ bầu tổng thống Mỹ đến tổng thống Pháp, bàn tay can thiệp của GRU
Tú Anh Đăng ngày 09-12-2019
Ảnh minh họa : Tranh cử tổng thống Pháp 2017.REUTERS/Robert Pratta
Tại Pháp, Cuộc tổng đình công chống dự án cải cách hưu trí tiếp tục làm tê liệt giao thông. Hôm nay, Paris tiếp tổng thống Nga và Ukraina trong nỗ lực tái lập hoà bình tại Donbass, một nhiệm vụ bất khả. Bên cạnh thời sự nóng bỏng này, chọn đúng ngày Putin đến Pháp, nhật báo Le Monde công bố bằng cớ chứng minh tình báo quân đội Nga can thiệp vào bầu cử Pháp, đánh phá Emmanuel Macron năm 2017.
Cuộc tấn công đến từ nước Nga : APT28 và 26165
Qua tựa « MacronLeaks, cuộc tấn công đến từ nước Nga », Le Monde trưng bày những bằng chứng sau hai năm điều tra với kết luận : cuộc tấn công mạng đánh phá chiến dịch tranh cử của ứng viên Macron năm 2017 là do mạng lưới tin tặc của GRU, An Ninh Quân Đội Nga, sau khi đã thành công đánh phá ứng cử viên đảng Dân Chủ Hoa Kỳ Hillary Clinton năm 2016.
Sau hai năm kiên nhẫn phanh ra từng manh mối, khởi đầu máy điện tử của ban vận động bầu cử của Emmanuel Macron bị xâm nhập và tiếp theo là một số thông điệp bị phát tán ngay trước ngày bầu cử tổng thống Pháp, Le Monde có thể kết luận « hai đơn vị tin tặc của Nhà nước Nga đã tìm cách khuynh đảo bầu cử Pháp ». Vào lúc đó, ban tham mưu của ứng viên Macron chỉ tố cáo « một dạng can thiệp » từ nước ngoài.
Trong cuộc tìm kiếm sự thật này, còn có các chuyên gia của Google, của hãng an ninh mạng Fire Eyes. Tất cả đều truy đến gốc hai đơn vị trực thuộc cơ quan an ninh quân đội Nga gọi tắt là GRU, gần đây cải danh thành GU. Bắt đầu là nhóm APT28, từ tháng 03/2017 gài bẫy đối tượng bằng thông điệp mồi để từ đó xâm nhập đánh cắp mật mã và dữ liệu. Vào thời điểm đó, quan hệ giữa APT28 với GRU chỉ là mối nghi ngờ. Nhưng qua công cuộc điều tra tỉ mỉ của Chưởng lý đặc biệt Mỹ Robert Muller, người ta biết rõ APT28 và đơn vị 26165 của GRU là một nhà. Một số điệp viên của 26165 đã bị tư pháp Mỹ nêu đích danh là thủ phạm đánh cắp thư điện tử của Hillary Clinton rồi tiết lộ cho WikiLeaks phát tán để đánh phá uy tín ứng cử viên đảng Dân Chủ Hoa Kỳ. Phương pháp hành động này vào năm 2016 tại Mỹ không khác gì chiến thuật tiến hành tại Pháp giữa hai vòng bầu tổng thống vào năm 2017.
Để đánh lừa những người thân cận của ứng viên Macron, tin tặc dưới tên Sandworm, dùng mồi là một bài báo liên quan đến kinh tài của đảng cực hữu mà Le Monde đăng ngày 25/02/2017, trước bầu cử ba tháng, gửi vào máy của tổ chức « Tiến Bước ». Các chuyên gia lần tìm ra đến nguồn cội và phát hiện một đơn đứng sau Sandworm : đơn vị 74455, ít ai biết nhưng luôn phối hợp với đơn vị 26165 của GRU.
Mà Sandworm và Fancy Bear, tên khác của APT28 là hai mặt của một đồng tiền từng xâm nhập phá Thế Vận Hội Pyeonchang, Hàn Quốc năm 2018 và xâm nhập vào máy tính quản trị bầu cử tại Mỹ năm 2016.
Giới điều tra may mắn phát hiện tên của một tin tặc bị tình nghi là thành viên của đơn vị 26165, bị để sót lại trong một tài liệu phổ biến được đánh cắp từ máy vi tính của ban tham mưu ứng viên Macron.
Theo Le Monde, những phát hiện về hành động bất hảo của Nga từ năm 2014 đối với Ukraina, đối với Tây phương và tổng thống (tương lai) Macron sẽ được tư pháp của Pháp quan tâm. Một cuộc điều tra đầu tiên đã được tiến hành liên quan đến các vụ đánh cắp thông điệp. Biện lý Paris từ chối tiết lộ thêm.
Điệu Tango của Putin và phương án B của Kiev
Trong bối cảnh NATO chia rẽ, tổng thống Pháp cố tạo điều kiện hòa giải với nước Nga của Putin, báo chí Pháp đưa một loạt bài phân tích thiệt hơn. La Croix phân tích « điệu nhảy Tango » sàng qua sàng lại của Putin.Trong hồ sơ nhân quyền tại Nga, Le Monde phân tích một số bản án tùy tiện, kết án thật nặng những blogger nhưng rồi phải thả trước áp lực đường phố. Trong bài « cuộc thử thách hòa bình tại Donbass », nhật báo độc lập cảnh báo « Macron bán ảo giác ».
La Croix cũng không tin Putin có thiện chí. Trong bài xã luận, nhật báo Công giáo phân tích hai lập trường : Zelensky tuyên bố không phát động chiến tranh tái chiếm lãnh thổ nhưng muốn kiểm soát toàn vùng biên giới của nước mình. Còn tổng thống Putin, tự xưng là người bảo vệ Donbass nhưng giựt dây cuộc chiến này để đánh phá, cản trở nước láng giềng phát triển kinh tế và gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu.
Le Figaro cũng suy đoán hòa bình khó tái lập tại Donbass. Nhưng theo nhật báo thiên hữu, tổng thống Ukraina tham gia hội nghị tay tư và song phương tại Paris với hai kế hoạch A và B chuẩn bị sẵn.
Nếu kế hoạch A, Nga rút quân, Ukraina tổ chức bầu cử theo thỏa thuận Minks, không được Putin chấp thuận, thì Kiev tiến hành phương án B : không mất thời giờ tranh cải, tuyên bố hai tỉnh Donbass bị Nga chiếm đóng, tăng cường binh lực ở chiến tuyến, rồi gia tăng đầu tư, tạo điều kiện cho dân chúng hai bên trao đổi buôn bán và chuyển ngân, thu hút cư dân Donbass qua vùng chính phủ kiểm sóat làm việc để từ từ làm suy kiệt phần đất do phe thân Nga cai trị.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng tham gia luận bàn chính trị với bài phân tích châu Âu cần NATO trong bối cảnh Nga càng ngày càng hung hăng. Theo Les Echos, nguy cơ làm rạn nứt liên minh không phải vì tuyên bố gây « sốc » của Macron hay của Erdogan. Uy tín của NATO bị đe dọa nghiêm trọng là do « một người lãnh đạo mưu lược, hiểm độc và bất nhân đang ngồi tại Washington ».