Chuly sưu tầm
Lăng Ông Bà Chiểu.
Lăng Ông Bà Chiểu và hiểu lầm rất nhiều người mắc phải .
Phàm người sống ở Sài Gòn – không ai không biết đến Lăng Ông Bà Chiểu, nhưng rất ít người biết được nguồn gốc chính xác của tên gọi này. Nhiều người ở nơi khác mới chuyển đến thường hiểu lầm là cái lăng thờ Ông và thờ Bà tên Chiểu. Có một câu chuyện ví von lan truyền trên Internet rằng :
Em mới quen một cô bạn, nhà ở đường Vũ Tùng sát chợ Bà Chiểu, do cổ người Cà Mau lên đây mướn nhà để đi học, em mới hỏi
– Em ở đây bao lâu rồi ?
– Hơn 2 năm rồi anh
– Vậy em biết về khu Bà Chiểu này cũng nhiều ha
– Đúng rồi anh
– Đố em trong lăng Ông thờ ai ?
– Thì thờ ông Chiểu bà Chiểu chứ ai
– Hả ???? Ai nói với em vậy
– Ủa chứ người ta hay nói lăng ông bà Chiểu mà!
Thật ra Lăng Ông nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu cho nên thường được gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Vậy Ông là ai và Bà là ai?
Lăng Ông .
Lăng Ông, có tên Thượng Công Miếu, là khu lăng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng quận Bình Thạnh. Hằng năm, trong ba ngày Tết, lăng Ông tràn ngập rừng người đi lễ. Ban đầu người dân vùng Sài Gòn Chợ Lớn đến lăng mộ để tưởng niệm công ơn của Đức ông Lê Văn Duyệt, nhưng những thế hệ sau tin rằng Lăng Ông hiển linh, đến cầu an và cầu phước rồi sau đó hái lộc đầu xuân. Những ngày 1-3/8 âm lịch là ngày giỗ của Tả quân nên Lăng cũng có rất đông người về dự lễ.
[I]Lăng Ông ngày thường yên tĩnh.
và cũng rất nhộn nhịp náo nhiệt vào ngày lễ .
Do có hiềm khích với vua Minh Mạng (điển hình nhất là vụ án Lê Văn Khôi), cho nên sau khi chết, mồ mả của Lê Văn Duyệt bị vua cho san bằng, xiềng lại bằng xích sắt, đánh trên mộ 100 roi, dựng bia khắc 8 chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”. Đến năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị (con của Minh Mạng) cho phá bỏ xiềng xích và đắp lại mộ.
Năm 1848, tới thời vua Tự Đức (cháu vua Minh Mạng) Lê Văn Duyệt được truy phong là “Vọng các công thần, chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân, quận công”. Quan chức làng Long Hưng tỉnh Mỹ Tho (Định Tường, Tiền Giang) tìm ra được Lê Văn Niên, con của bà Lê Thị Hổ (em Lê Văn Duyệt), gọi Lê Văn Duyệt bằng cậu, trả lại 32 mẫu ruộng làm của hương quả thờ cúng họ Lê.
Phần mộ được đắp lại cho rộng thêm và sửa sang lại miếu thờ. Trong khu vực lăng còn có phần mộ của vợ ông là bà Đỗ Thị Phận cùng hai cô hầu.
Hằng năm có hai lễ hội lớn tại lăng, đó là ngày giỗ của Tả quân Lê Văn Duyệt từ ngày 01 đến 03 tháng Tám âm lịch và ngày hội đầu xuân, mồng một và mồng hai Tết.
Khi Lê Văn Duyệt mất, dân gian xem ông như một vị thần, vì vậy việc thờ cúng, tế lễ mang nghi thức thờ thần, tế thần, không giống như ngày lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Huỳnh Đức, mà mang tính dân gian như lễ vía Bà Chúa Xứ hoặc vía Điện Bà ở Tây Ninh.
Số người dự đến cả chục vạn người, trong đó số người Hoa chiếm phân nửa. Bởi vì lúc sinh thời, Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt có những chính sách giúp đỡ cho cộng đồng người Hoa phát triển ngành nghề và an cư lạc nghiệp ở quê hương thứ hai của họ là Sài gòn Gia Định, Việt Nam.
Tả quân Lê Văn Duyệt là bậc khai quốc công thần, là vị tướng giỏi phò Chúa Nguyễn Ánh vạn dặm trường chinh từ khi Chúa Nguyễn còn gian nan bôn tẩu cho đến lúc lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Ông người làng Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (Định Tường). Thân phụ là Lê Văn Toại, gốc Quảng Nghĩa, dời vào sống ở Định Tường. Ông theo chúa Nguyễn Phúc Ánh từ lúc 17 tuổi. Đến năm 1789, ông bắt đầu đứng vào hàng tướng lãnh của Chúa Nguyễn.
Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định Thành hai lần. Lần thứ nhất từ 1813 đến 1816, lần thứ hai từ 1820 cho đến lúc qua đời năm 1832. Ông rất có uy quyền, ai ai cũng kính phục, gọi ông là “Ông Lớn Thượng”.
Các nước lân cận đương thời đều sợ oai phong của ông, gọi ông là “Cọp Gấm Đồng Nai”. Ông là một trong ngũ hổ tướng bao gồm Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức và Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu.
Lê Văn Duyệt là ái nam ái nữ bẩm sinh chớ không phải tự hoạn để làm thái giám. Sau này, ông lập được nhiều công, vua Gia Long gả cho ông một cung nữ tên Đỗ Thị Phận về làm vợ.
Ông qua đời ngày 28-8-1832, thọ 69 tuổi.
Lăng nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu cho nên thường được gọi là Lăng Ông Bà Chiểu.
Chợ Bà Chiểu .
Chợ Bà Chiểu, cùng với Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom thân thuộc với người Sài Gòn được cho là tên của 5 người vợ vị tướng Lãnh Binh Thăng.
Chợ Bà Chiểu năm 1968 và hiện nay. Ảnh: Panoramio.
Học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), một trong 18 nhà bác học thế giới thế kỷ 19 cho rằng, Ông Lãnh là vị lãnh binh tên Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), võ tướng nhà Nguyễn thời vua Tự Đức. Ông thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của Nam Kỳ. Còn 5 người phụ nữ được đặt tên chợ ở Sài Gòn vốn là các bà vợ của ông. Những vị quan đa thê thời xưa thường áp dụng phương pháp kinh tế tự túc nên vị lãnh binh đã lập 5 chợ ở khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà cai quản một cái. Việc này tránh các bà đụng mặt nhau, đồng thời chuyên tâm làm kinh tế.
Lãnh binh Thăng quê ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, từng tham gia các trận đánh ở đồn Cây Mai, đồn Thủ Thiêm và vùng phụ cận khi quân Pháp chiếm thành Gia Định. Ông nổi tiếng với chiến dịch Mù U gây tổn thất nặng cho địch. Về sau ông phối hợp với nghĩa quân Trương Định ở Gò Công tiếp tục chống Pháp.
Năm 1867, tướng Thăng tử trận ở Gò Công, được đưa về an táng tại quê nhà. Hiện, ông được thờ với vị Thành Hoàng và đức Trần Hưng Đạo ở đình Nhơn Hòa, đường Cô Giang (quận 1). Ngôi đình gần cây cầu và chợ mang tên ông. Ngoài ra, tên Lãnh Binh Thăng cũng được đặt cho một con đường tại quận 11.
Trong các chợ do vợ của ông Lãnh quản lý, Bà Chiểu là một trong những ngôi chợ lâu đời ở Sài Gòn. Sơ khai là chợ xổm, năm 1942, chợ được xây lên với diện tích gần 8.500 m2, nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh. Năm 1987, chợ được nâng cấp, sửa chữa. Đến nay, chợ có khoảng 800 hộ, kinh doanh khoảng 40 mặt hàng.
Cố nhà văn Sơn Nam cho rằng, Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên. Bà Chiểu là “nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên”.
Tuy nhiên trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển lại cho rằng nên thận trọng khi cho “Ông Lãnh” và “Bà Chiểu”, Bà Điểm”, “Bà Hom”, “Bà Hạt”, “Bà Quẹo” là vợ chồng.
Bởi theo ông, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ. Giống như chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), do người đàn bà tên Hoa đã hiến đất xây chợ và là người đầu tiên buôn bán nên người ta lấy tên bà đặt cho ngôi chợ.
(Bài viết do Ban Biên Tập tổng hợp từ nhiều nguồn .)