Nhật Bản đang cải tiến tàu khu trục thành siêu tàu sân bay để đối phó với TQ

Nhật Bản đang cải tiến tàu khu trục thành siêu tàu sân bay để đối phó với TQ

Ngày đăng 10-12-2019

Nội các Nhật Bản đã chấp thuận chuyển đổi hai khu trục hạm mang trực thăng 27.000 tấn lớp Izumo thành tàu sân bay có khả năng vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35B nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc ở Hoa Đông.

\"\"/

Theo thông tin trên, Nội các Nhật Bản (12/2018) đã chấp thuận chuyển đổi hai khu trục hạm mang trực thăng 27.000 tấn lớp Izumo thành tàu sân bay có khả năng vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35B. Tàu sân bay lớp Izumo của Nhật bản dài 248 m, rộng 38 m, vận tốc tối đa đạt 56km/h, thủy thủ trên tàu gồm 500 người và có lượng giãn nước tối đa 27.000 tấn, lớn hơn các loại tàu sân bay hạng nhẹ của châu Âu, chỉ thua kém tàu sân bay cỡ lớn của Mỹ, Nga và Pháp. Tàu có thể chở 14 trực thăng được thiết kế để chống các loại tàu ngầm hoặc ngư lôi, và khi yêu cầu cần kíp nó có thể mang tới 28 chiếc trực thăng, hoặc với vài chuyển đổi nó còn có thể mang tiêm kích tàng hình F-35B trên hạm. Tàu lớp Izumo có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 rà phá thủy lôi cải tiến. chiến hạm này còn được thiết kế để trong trường hợp cần huy động sẽ mang theo tối đa 7 chiếc SH-60K và 7 chiếc MCH-101. Trực thăng trên tàu có nhiệm vụ chính như chống tàu ngầm, chống thuỷ chiến, giám sát, cảnh giới và vận chuyển cứu nạn. Đáng chú ý, Izumo có boong tàu lớn và 5 bàn cất- hạ cánh nên có khả năng cất và hạ cánh đồng thời 5 máy bay một lúc và chỉ cần một vài sửa đổi cần thiết tàu chiến lớp Izumo có khả năng triển khai tới 15 máy bay tàng hình F-35B. Việc mang được tới 15 chiếc F-35B sẽ khiến tàu chiến lớp Izumo “vượt mặt” tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc khi vừa có thể tác chiến giống tàu sân bay thực sự lại có thể làm nhiệm vụ của tàu đổ bộ tấn công. Với năng lực đó, chiến hạm lớp Izumo sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận trên biển, đồng thời thể hiện vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến đổ bộ quy mô lớn. Hệ thống vũ khí trên tàu Izumo được trang bị tên lửa RIM-16, pháo bắn nhanh Phalanx, ngư lôi Mark 46…

Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có hai tàu sân bay trên 60.000 tấn và có thể mang theo mỗi chiếc từ 45 đến 55 máy bay J-15 (nhiều gấp đôi số lượng khoảng 20 máy bay F-35B của một chiếc lớp Izumo). Không những vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng mới thêm 2 tàu sân bay trong tương lai, biến số lượng tàu sân bay của nước này lên con số 4.

Có thể thấy việc chuyển đổi các tàu lớp Izumo thể hiện sự gia tăng năng lực tác chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), nhưng rõ ràng Trung Quốc đang đi trước Nhật Bản vài năm, không chỉ về số lượng, mà còn về kinh nghiệm vận hành tàu sân bay. Nhật Bản có thể sẽ không phải đối tượng cạnh tranh trực tiếp của Hải quân Trung Quốc, nhưng ưu thế quân sự trên biển của Trung Quốc dường như ảnh hưởng đến các kế hoạch tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã mua 43 máy bay F-35B STOVL (biến thể cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) và đang nỗ lực nâng cấp các khu trục hạm trực thăng lớp Izumo để phù hợp với loại máy bay này. Có vẻ như Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tính tới khả năng này ngay từ khi đóng mới lớp tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai và công việc được cho là khá dễ dàng.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/3) công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không tiết lộ căn cứ đóng quân và thời điểm đưa các chiến hạm mới vào biên chế. Ngoài ra, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032. Theo Asia Times, nhằm tăng cường hoạt động tuần tra và bảo vệ lãnh hải trên vùng biển Hoa Đông, xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang lên kế hoạch đưa vào trang bị hàng loạt các tàu tuần tra thế hệ mới, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Dựa theo kế hoạch trên ba tàu đầu tiên của lớp tuần tra mới của Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ bắt đầu được khởi đóng trong năm tài khóa 2020, trong vòng 10 năm sẽ đưa 12 tàu vào biên chế. Đây được xem là bước đi đúng đắn của Tokyo, nếu như nước này muốn “giải phóng” các tàu khu trục luôn phải túc trực ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này cũng ít nhiều nói lên hạn chế của Phòng vệ Biển Nhật Bản khi họ sở hữu khá nhiều tàu tuần tra nhưng không phải tàu nào cũng có thể hoạt động ở biển Hoa Đông. Và theo nhiều nhận định, khả năng lớn lớp tàu tuần tra mới của Nhật Bản sẽ thay thế cho các tàu tuần tra mang tên lửa lớp Hayabusa đang hoạt động trong hạm đội nước.

Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong những năm gần đây, Hải quân, không quân Trung Quốc nhiều lần điều tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay các loại áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải triển khai lực lượng giám sát và ngăn chặn với tần suất ngày càng tăng. Sức ép tăng lên sau khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, việc Nhật Bản quyết định nâng cấp sức mạnh quân sự, nhất là việc thông qua quyết định cải tạo tàu khu trục thành tàu sân bay trực thăng sẽ là quyết định sáng suốt để đối phó với các mối đe dọa an ninh, chủ quyền lãnh thổ từ Bắc Kinh.

Bài Liên Quan

Leave a Comment