Việt Nam ‘Gắn kết và thích ứng’ trong năm Chủ tịch ASEAN 2020?
Lê Viết ThọBBC News Tiếng Việt
- 10 tháng 12 2019
Việt Nam đã chọn chủ đề \’Gắn kết và Chủ động thích ứng\’ cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Nhưng nước này sẽ làm cách nào để \’gắn kết\’ các quốc gia ASEAN nhằm \’thích ứng\’ với những căng thẳng và thay đổi trong khu vực?
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về chủ đề của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, Giáo sư Aleksius Jemadu, khoa Chính trị quốc tế, Đại học Pelita Harapan (Indonesia) nói rằng, chủ đề này cho thấy tham vọng của Việt Nam là làm cho ASEAN quyết tâm hơn trong việc bảo vệ lợi ích chung của các thành viên.
\”Điều này xét ra cũng phù hợp với các ưu tiên chính trị và kinh tế của Hà Nội. Bởi một trong những mối quan tâm lớn của Việt Nam là ASEAN sẽ bị suy yếu do lợi ích xung đột của các thành viên. Theo quan điểm của Hà Nội, một ASEAN bị chia rẽ có thể gây tổn hại cho lợi ích chiến lược của nước này,\” Giáo sư Aleksius nói.
Việc bảo vệ lợi ích chiến lược như vậy là quan trọng, giữa những căng thẳng sẽ còn gia tăng trong khu vực.
Căng thẳng sẽ gia tăng?
Phó giáo sư Oriana Skylar Mastro, Trường Đại học Georgetown và là học giả thường trú tại Viện Kinh doanh Hoa Kỳ, trong bài viết đăng trên tờ The Economist dự đoán rằng nếu năm 2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc cạnh tranh trong cuộc chiến thương mại thì năm tới 2020, hai nước sẽ tăng cường cạnh tranh về an ninh. Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để nắm quyền lãnh đạo khu vực châu Á sẽ gia tăng, và Biển Đông sẽ là một trong những khu vực diễn ra sự cạnh tranh căng thẳng đó.
Cụ thể, Phó giáo sư Oriana cho rằng, Trung Quốc sẽ đi xa hơn ở Biển Đông bằng cách như có thể thiết lập thêm nhiều tiền đồn hơn trên Trường Sa, chiếm bãi cạn Scarborough bằng máy bay không người lái.
Trung Quốc cũng có thể tăng cường khả năng quân sự nhằm nắm giữ các đảo hay thực thể ở Trường Sa, Hoàng Sa, hoặc đưa ra tuyên bố tiếp tục hạn chế quyền tự do hải hành của các quốc gia khác, theo Phó giáo sư Oriana.
Bà Oriana giải thích cụ thể hơn rằng, Hoa Kỳ đã quyết định đẩy lùi Trung Quốc ra khỏi các khu vực mà Trung Quốc đang nắm quyền ảnh hưởng. Trung Quốc đã nắm các khu vực này bằng những phương thức cưỡng chế bằng sức mạnh, đi đêm hay tham nhũng – tức là những cách thức cạnh tranh không mấy lành mạnh.
\”Nhưng ngay cả khi Mỹ có nhượng bộ một bước thì điều đó cũng thể thuyết phục được người Trung Quốc rằng, họ cần từ bỏ chiến lược giành quyền kiểm soát trên thực tế. Và do đó, Trung Quốc sẽ không điều hoà vị thế của họ. Điều này khiến tôi nghĩ rằng, căng thẳng sẽ còn gia tăng,\” Phó giáo sư Oriana viết qua email với BBC News Tiếng Việt.
Còn Giáo sư Aleksius thì nói rằng, ông hy vọng với việc là Chủ tịch ASEAN, trong năm 2020 Việt Nam sẽ tiến xa hơn trong việc hàn gắn sự thống nhất của ASEAN, bởi điều đó rất quan trọng với một khu vực đang phát triển mạnh về kinh tế, có sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
Thêm vào đó, Giáo sư Aleksius cũng hy vọng rằng, Hà Nội sẽ tìm cách giải quyết các mối bận tâm của Ấn Độ để RCEP sẽ được tất cả 16 nước cùng tham gia; đồng thời, ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm cho sự cân bằng và hài hòa lợi ích của tất cả các bên.
Còn xét về tổ chức ASEAN, theo Giáo sư Aleksius, đây vẫn là một tổ chức khu vực với mỗi nước luân phiên nắm vai trò chủ tịch. Điều này có thể sẽ hạn chế khả năng và tính linh hoạt của tổ chức này trong việc đối phó với các vấn đề khu vực. Việt Nam dự kiến sẽ tìm cách tăng cường bộ máy của ASEAN, đặc biệt là vai trò của Tổng thư ký.
Chủ tịch ASEAN là cơ hội cho Hà Nội?
Trả lời câu hỏi Việt Nam nên làm gì, Phó giáo sư Oriana nói rằng, bà không phải là một chuyên gia về Việt Nam, nhưng nghĩ rằng, với cơ hội nắm giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Hà Nội có cơ hội cản trở các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm đạt được tính hợp pháp và sự công nhận cho các yêu sách và vị thế của nước này đối với các quyền hàng hải.
\”Tôi cho rằng, Hoa Kỳ sẽ áp dụng nhiều sáng kiến hợp pháp hơn nhằm chống lại Trung Quốc, và có lẽ hai nước [Việt Nam và Mỹ ] có thể phối hợp tốt hơn những nỗ lực này. Điểm mấu chốt là Biển Đông đòi hỏi các nỗ lực cả về ngoại giao, pháp lý, kinh tế và quân sự nhằm bảo đảm rằng quyền tự do hàng hải được tiếp tục duy trì. Nếu Việt Nam miễn cưỡng trong hợp tác quân sự [chính sách bốn không], có lẽ sẽ cần sự hợp tác của cả ba quốc gia. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng Việt Nam sẽ chào đón sự tham gia nhiều hơn của quân đội Hoa Kỳ trong vấn đề này.\”
Còn với Giáo sư Aleksius. khi được hỏi rằng vậy vai trò chủ tịch luân phiên trong năm 2020 sẽ giúp Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc như thế nào, ông nói rằng, Hà Nội đứng trước một nan đề.
\”Một mặt, Việt Nam không muốn hy sinh quan hệ kinh tế vốn ngày càng thắt chặt với Trung Quốc. Bởi nếu không, điều này sẽ tạo sự gián đoạn đáng lo ngại cho đà tăng trưởng kinh tế của nước này.
\”Nhưng mặt khác, Việt Nam sẽ không muốn tỏ ra yếu đuối và do đó, nước này sẽ làm hết sức mình để đưa ra những gì mà họ xem là yêu cầu chính đáng của họ ở Biển Đông. Đây là lý do tại sao ngay từ đầu, Hà Nội đã rất chú trọng vào việc tạo sự gắn kết và khả năng phản ứng của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực.
\”Hà Nội sẽ có xu hướng tận dụng vai trò của ASEAN để nâng vị thế thương lượng của mình với Bắc Kinh.
\”Việt Nam cũng sẽ tiếp tục hồi sinh quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia khác và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện và tham gia của nước này, nhất là của Hoa Kỳ, trong các cơ chế của ASEAN, nhằm bảo đảm sự hài hòa và ổn định khu vực,\” Giáo sư Aleksius nói.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, với Việt Nam cũng không hẳn là con đường trải toàn hoa hồng.
Về chuyện này, Giáo sư Aleksius nói với rằng, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 là làm thế nào để bảo đảm rằng tất cả các thành viên ASEAN sẽ lên tiếng trong việc thuyết phục Trung Quốc đẩy nhanh việc hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Theo ông, đây hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng, bởi khó khăn không chỉ đến từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh thổ, mà còn từ thái độ thực dụng của một số nước ASEAN, ngay cả các bên đưa ra yêu sách chủ quyền như Philippines và Brunei.
\”Nếu những nước này tiếp tục với chủ nghĩa thực dụng của họ, Việt Nam sẽ bị bỏ lại đơn độc trong cuộc đấu tranh nhằm yêu cầu Trung Quốc có những nhượng bộ cần thiết trong dự thảo về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông,\” ông nói.
Một thách thức khác nữa, cũng theo Giáo sư Aleksius , chính là thái độ thờ ơ của nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump trong việc đối phó với sự cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á. Trong khi đó, các thành viên ASEAN kỳ vọng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ giúp cân bằng với những ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Còn trên lĩnh vực kinh tế, thách thức của Việt Nam là làm thế nào để thuyết phục Ấn Độ rằng, việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với ASEAN và các đối tác đã có FTA với ASEAN sẽ có lợi, bởi nó không chỉ là minh chứng cho Chính sách hướng Đông của nước này, mà còn tăng cường tính đa cực trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tạo cơ sở cho sự ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.