Làng Việt kiều Campuchia ở hồ Dầu Tiếng: Lênh đênh những phận đời…

Làng Việt kiều Campuchia ở hồ Dầu Tiếng: Lênh đênh những phận đời…

RFA
2019-12-10

\"Người

Người dân ở đây bám sông, hồ để kiếm sống mỗi ngày

Rời Campuchia trở về Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Thành, đang sinh sống tại hồ Dầu Tiếng, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; ông sinh ra ở Campuchia, và từng lưu trú tại Pursat; khu vực gần biển hồ Campuchia – Tonle Sap. Cả cuộc đời ông gắn liền với biển hồ và nghề đánh cá, nhưng ông cho biết có nhiều lý do khiến ông và các gia đình khác chọn đường trở về quê hương để sinh sống, ông nói:

Làm ăn ở trển nó không ổn định cái chỗ này. Vì nó nhiều các chính quyền quá. Vì Camphuchia có biết bao nhiêu đảng, đảng này tranh giành đảng kia rồi xảy ra bắt bớ dân tình khó làm ăn.

Theo lời kể của các gia đình đang sinh sống tại hồ Dầu Tiếng thì hành trình trở về VN là một chặng đường gian nan. Họ mất khoảng 3-4 ngày di chuyển bằng ghe xuồng, đêm nằm ngủ giữa đồng không mông quạnh và cuối cùng cũng về được VN. Hầu như những người về từ Campuchia như họ đều sống tập trung tại Bo Túc, Tây Ninh, hoặc có thể đến làng bè thuộc ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương – cũng là nơi Việt kiều Campuchia tập trung sống cùng nhau – như người đàn ông này:

Trên đường đi thì cũng hồi hộp, biết về đây sống như thế nào. Thì lúc đó cũng suy nghĩ không biết về đây sống được không.

Đi 3-4 ngày mới tới đây. Cũng vất vả lắm ngủ lang thang vậy đó. Chỗ nào trống đất ruộng đồ thì lên đó ngủ chứ dưới vỏ đâu có ngủ được đâu. Đi 2-3 gia đình chung chỗ nào trống trống đất ruộng người ta đó thì lên đó trải cái su ra, mền mùng gì đó căng ra nằm ngủ.

Tìm nơi yên ổn mưu sinh

Từ ngày trở về Việt Nam, sinh sống cùng nhau tại hồ Dầu Tiếng, những người mang mác “Việt Kiều Campuchia” cho biết họ thoát được cảnh bắt bớ của phía chính quyền Campuchia. Tuy nhiên, họ lại đang lo những chuyện khác…

Tại Hồ Dầu Tiếng, họ vẫn với công việc đánh bắt cá mưu sinh. Tuy thu nhập không cao nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng: cảm thấy yên bình hơn.

Ông Thành và con trai cùng nhau đánh bắt cá, ông cho biết cả hai cha con ông được thoải mái mưu sinh trên hồ, ông nói thêm.

Kiếm 4-5 triệu được, tiền này á. Mình thấy thu được vậy đó heng, còn việc chi phí xăng dầu ăn uống thì nó đâu còn. Thành ra hơi thiếu thốn. Tiền xăng làm một ngày mình làm như vậy thí dụ mình thu được 5-7 chục ngàn, 1 trăm ngàn tiền này đi, thì tiền xăng hết 2-3 lít thì nó còn lại được mấy chục ngàn.

Nói chung bên hải sản đồ…chạy lên xuống gặp tui hoài mà nay người ta không làm khó khăn gì mình đâu. Mình làm đúng cái nghề của mình thôi.

Theo giải thích của ông Thành, nghĩa là miễn gia đình ông đánh bắt cá đúng luật (đánh bắt thông thường, không dùng điện chích) thì chính quyền Việt Nam không cấm đoán.

Mình hiểu chứ. Cá 8 ly, 1 phân thì người ta cấm đâu cho bắt. Thì mình cũng không nên làm cái nghề đó. Vì người ta muốn để cho dưỡng con cá lại để cho nó lớn lên được cá bự mình bắt thuận tiện hơn. Mình bắt cá con lần lần nó đứt giống thì nó đâu có còn, đâu có lớn được mà sinh đẻ thêm.

Thoát đói nhưng vẫn chông chênh

Con trai ông Thành cho biết ngoài công việc đánh bắt cá để kiếm tiền, gia đình ông còn nhận được sự trợ giúp của chính quyền và các mạnh thường quân. Nhiều đoàn đến thăm và tặng lương thực, nên gần như họ không sợ đói. Con ông Thành cho biết:

Trung bình cũng đủ ăn đủ xài, không thiếu thốn gì nữa đâu. Trên người ta cấp quà thì lâu lâu có 5-10 ký gạo ăn. Khi 4-5 ngày, khi 10 ngày cũng có.

\"Không

Không có giấy tờ, những đứa trẻ sống tại đây không được đến trường Photo: RFA

\"\"/

Tuy vậy, một công việc tốt hơn để có thu nhập cao hơn nhằm trang trải cho các nhu cầu khác như sửa chữa nhà là mơ ước của bà con nơi đây. Nhiều người chia sẻ muốn có thêm đồng vào đồng ra để sửa chữa nhà tạm vì hiện giờ sống qua ngày là chủ yếu.

Bên cạnh đó, điều họ bận tâm nhất là chưa được cấp hộ khẩu hoặc giấy tờ hợp lệ để yên ổn sinh sống mặc dù họ đã ở đây gần 2 năm. Và hai nơi Tây Ninh cũng như Bình Dương gần như không ai có giấy tờ tùy thân…Một gia đình sống tại hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh tâm sự:

Về đây cũng đâu có giấy tờ hợp lệ gì đâu. Người ta chứng nhận mình là người ở đây vậy thôi.

Không có giấy người ta đâu có cho nhà trọ nhà gì mướn, rồi cũng đi giăng lưới, đi nhổ mì, đi mần hồ.

Mình cũng chưa biết làm sao. Không có hộ khẩu hay chứng minh gì hết trơn. Mới về đây 1,2 năm nay.

Giăng lưới thì vài trăm ngàn có, vài chục ngàn có chứ đâu có được nhiều đâu.

\"con

Người trẻ có sức đi làm mưu sinh, còn phận những người già cả như gia đình ông bà này, cơ cực hơn nhiều. Ông bị tai biến, còn bà vá lưới có khi một ngày không kiếm ra nổi 10 ngàn đồng, bà nói:

Lúc ổng còn mạnh thì còn đi giăng lưới này kia sống kiếm ăn được. Giờ ổng bịnh tai biến rồi nằm một chỗ không có mần gì được.

Kiếm 10 ngàn còn không  có. Hai ngày mới được một cái.

Không giấy tờ, không hộ khẩu khiến cho nhiều người dù có nhiều mong muốn đổi đời nhưng vẫn không thực hiện được.

Mình đâu có làm công ty được. Công ty người ta đâu có nhận mình vô làm đâu. Mình đi làm công trình này kia nọ thì được.

Ông Thành phân bua, gia đình ông được Tổng lãnh sự quán Battambang cấp vào năm 1991 nhưng chính quyền VN hiện nay không dựa vào giấy tờ đó để cấp hộ khẩu. Theo như ông biết thì trước đây, những trường hợp như ông đều được VN cấp hộ khẩu. Giờ, hình như VN tạm dừng chương trình đó rồi. Ông Thành tiếc nuối giải bày.

Người ta tạm dừng một thời gian mần hộ khẩu. Đầu tiên về xã thì nói giấy này làm hộ khẩu được. Nhưng mà lúc đó tui về còn khổ, xe cộ không có rồi không biết nữa thành ra không đi làm được. Chứ năm rồi tui lên trển làm mấy cô nói người ta đình lại một thời gian. Chừng nào người ta làm được thì điện xuống cho hay.

Người ta nói sắp xếp nhưng mà không biết chừng nào có.

Rất nhiều trường hợp rời bỏ Campuchia về Hồ Dầu Tiếng sinh sống đều không có giấy tờ chứng minh Quốc tịch, xuất cảnh từ Campuchia, do đó thời gian cư trú của họ tại Việt Nam trở nên khó khan, nhất là làm giấy khai sinh cho con cái.

Mình không có hộ khẩu không mua bảo hiểm được.

Con trai ông Thành lo lắng về tương lai của những đứa cháu của anh sẽ vất vả như anh. Không được đi học, không biết chữ…

Mấy đứa nhỏ ngày sau không được học chắc cũng y chang như mình lúc trước vậy thôi. Cuộc sống của mình đâu có ổn định được. Tự làm tự kiếm ăn chứ biết làm sao bây giờ.

Con gái ông Thành cho biết, chị sinh con ở Campuchia, rồi đùm đề cả gia đình về Việt Nam. Có thể nói, ba thế hệ cùng nhau sống tại làng việt kiều này…Con gái chị đã 5 tuổi và cũng chưa có giấy khai sinh để đi học

Mong muốn được đến trường

Trường hợp có được giấy tờ tạm trú thì con cái được đến trường. Con gái ông thành chia sẻ:

Mấy người về trước người ta có giấy tạm trú này kia đó, người ta có giấy tờ đưa đi học. Ưu tiên cho mấy người về trước. Còn người sau sau này thì không dám nhận nữa.

Hoặc có những lớp dạy học miễn phí cho các trẻ nhỏ ở làng Việt kiều Bình Dương:

Người ta cũng xuống đây dạy nè, người ta cũng ưu tiên cho những người Cam không có giấy tờ, cũng học mà nó còn nhỏ tuổi quá không học được. Lo mê chơi quá trời. Nào học được thì học, không được thì nghỉ.

Ở Tây Ninh thì hàng xóm của gia đình ông Thành, có con đang đi học cho chúng tôi biết:

Như mấy đứa con của tui lúc sanh ra trên Cam nó không có giấy khai sanh nên về đây làm giấy học cũng khó khăn hơn.

Năm rồi không có học được. Năm nay mới mần giấy vô học được.

Còn tại Bình Dương, những hộ chưa có giấy tờ thì con cái vẫn chưa được đến những trường học chính quy của nhà nước và học lâu dài.

Mong muốn sao có giấy tờ hợp lệ với người ta mà sống, con cái này kia được đi học chứ mong muốn gì bây giờ.

Được chính quyền tỉnh Tây Ninh và Bình Dương hỗ trợ từ năm 2016 nên nhiều trẻ em tại làng này đã được đến trường. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều em không đủ điều kiện vẫn phải ở nhà.

Ở Bo Túc, Tây Ninh thì đường xá dễ đi lại, nhưng ở làng Việt Kiều bên phía Bình Dương, con đường đi học còn khó khăn và gập nghềnh hơn, nhất là mùa mưa gió.

Mong mỏi duy nhất của bà con nơi đây là được chính quyền hai nơi này tái khởi động lại chương trình cấp giấy tờ cho các Việt Kiều Campuchia. Có như vậy thì con cái họ mới được cấp giấy khai sinh để đến trường, may ra mới có thể mong có cơ hội đổi đời trên mảnh đất quê hương – bỏ cái cảnh lênh đênh sông nước hết đời này đến đời sau…

Bài Liên Quan

Leave a Comment