Nguyễn Khoa Đăng: Vị quan trừ bạo an dân, giữ gìn phép nước

Nguyễn Khoa Đăng: Vị quan trừ bạo an dân, giữ gìn phép nước

  • Trần Hưng
  • Thứ Ba, 10/12/2019 • 224 Lượt Xem

Dòng họ Nguyễn Khoa ở Đàng Trong lập được nhiều công lao lớn, trong đó nổi bật có Nguyễn Khoa Đăng. Người dân xem ông như Bao Công, bởi ông giúp dân trấn áp đạo tặc, lại không sợ cường quyền, đòi tiền công từ cả người nhà của Chúa, yêu cầu các Hoàng thân quốc thích phải theo phép nước bắt đầu từ người cao nhất, khiến ai cũng nể sợ, giúp triều đình giữ được kỷ cương.

Về dòng họ Nguyễn Khoa huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong bộ “Quý hương tiên nguyên dã sử” của làng Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa  có ghi chép như sau:

“Ông Nguyễn Ư Kỳ, nguyên Thái phó triều Lê và là cậu ruột của tướng Nguyễn Hoàng. Năm Mậu Ngọ 1557, ông Ư Kỳ theo Nguyễn Hoàng vào trấn miền Nam. Khi đi ông có dẫn theo một người con nuôi mới lên sáu tuổi, tên là Nguyễn Đình Thân (1553-1633), vốn là người ở làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.”

Nguyễn Đình Thân làm tướng qua hai đời chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Con cháu ông đều làm quan cho các chúa Nguyễn. Con ông là Nguyễn Khoa Chiêm làm Thượng thư bộ Lại, giỏi văn thơ.

Năm 1690, Nguyễn Khoa Chiêm sinh người con thứ ba, đặt tên là Nguyễn Khoa Đăng. Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh từ nhỏ, 18 tuổi đã làm quan, trải qua các chức vụ Nội Tán kiêm Án Sát Sứ, Tổng Tri Quân Quốc Trọng Sự, tước Diên Tường hầu.

Sử liệu cũng như rất nhiều giai thoại đều mô tả Nguyễn Khoa Đăng có tài xử án, trấn áp đạo tặc.

Lập công ở Truông Nhà Hồ, Phá Tam Giang

Truông Nhà Hồ là một địa danh ở giữa xã Vĩnh Chấp (Quảng Trị) và xã Sen Thủy (tỉnh Quảng Bình), “Truông” nghĩa là vùng đất hoang nhiều cây cỏ. Khu vực này rất rộng lớn và thời đó vốn là sào huyệt một băng cướp lớn và rất nguy hiểm, khiến dân chúng quanh vùng chẳng được yên thân.

Vì đây là tuyến là đường giao thông chính nên các chuyến hàng của Triều đình và địa phương thường xuyên qua lại. Nhiều chuyến hàng bị cướp tấn công mà quan lại địa phương không thể dẹp được, cũng không tìm được hang ổ của chúng.

“Quốc sử quán triều Nguyễn” chép rằng chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Nguyễn Khoa Đăng đi kinh lược để dẹp yên bọn cướp này.

Nguyễn Khoa Đăng bèn cho xe chở lúa đi ngang qua Truông, dưới đáy xe có khoét lỗ để lúa rải xuống đường làm dấu. Bọn cướp không tha, liền xông ra cướp lấy chở về cất ở sào huyệt. Nhờ kế ấy mà Nguyễn Khoa Đăng có thể cho quân vây bắt, từ đó vùng Truông Nhà Hồ mới được yên.

Phá Tam Giang là một địa phận ở Thừa Thiên Huế, là một trong những tuyến đường thủy chính đến kinh thành Huế. Đây là giao điểm của các con sông, cửa ra biển lại hẹp nên có nhiều chỗ nước xoáy, mỗi khi có gió lớn sóng to thì dễ bị lật thuyền dân, người dân lo lắng không dám đi lại.

\"Nguyễn
Phá Tam Giang ngày nay. (Ảnh từ wikipedia.org)

Khi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng kinh lý đến vùng này và cùng các quan sở tại quan sát Phá Tam Giang, ông nói rằng: “Mọi chuyện rắc rối ở Phá Tam Giang đều do con sông dữ cong như mình thuồng luồng này. Chính bờ nó cao, nước lại sâu, tạo thành cái phễu hút gió vào thành giông tố, nhấn chìm thuyền đấy. Phải bắt nó thuần phục thôi”!

Nói rồi Nguyễn Khoa Đăng cho người đào bờ ruộng mở rộng sông đi đến nơi thấp. Thế nước sâu được giảm xuống. Từ đó thuyền của người dân qua lại không còn lo bị đắm nữa.

Nhớ ơn Nguyễn Khoa Đăng, người dân có câu rằng:

Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ Truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang .
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên.
Đường vô muôn dặm quan san,
Anh vô anh được bình an em mừng.

Dân gian còn truyền nhiều chuyện Nguyễn Khoa Đăng xử án giúp dân, nhiều vụ án dù quan địa phương cũng chịu nhưng ông lại phá án một cách thần kỳ, vì thế mà họ gọi ông là Bao Công.

Giữ yên kỷ cương phép nước

Nguyễn Khoa Đăng làm chức quan Nội tán lập được công lao, được chúa Nguyễn tin tưởng, giao cho ông kiêm thêm chức Án Sát Sứ. Ông nhậm thêm chức, ra quy ước, định lại điều lệ. Một hôm ông tra sổ sách thì thấy số bạc có trong kho công không khớp với số bạc ghi trong sổ sách, chênh lệch khá nhiều.

Ông gọi quan coi kho đến hỏi, vị quan này nói rằng số chênh là do các bậc Hoàng thân quốc thích mượn không trả. Nguyễn Khoa Đăng bèn hỏi sao không đòi, quan coi kho đáp rằng:

Bẩm làm sao đòi được ạ! Cho người đến, năm bẩm, mười bái, mãi mời được vào hầu. Các mệ, các ông hoàng bà chúa đỏng đảnh nói: “Ta nợ nhà Chúa, chứ ta nợ gì ngươi. Chúa với ta là chỗ tình thân, nỡ nào đòi mấy món quèn này!” Tôi nói lại, nếu không đòi được Chúa sẽ trị tội, họ lại bảo “Lo gì, chúng ta mỗi người nhận cho một ít, ngươi có lấy đâu, mà ta có chịu trả đâu mà có tội!”

Nguyễn Khoa Đăng liền mang sổ kho bạc và sổ nợ vào phủ Chúa cho Chúa xem rồi nói rằng:

“Hoàng thân quốc thích quen tiêu dùng xa xỉ rồi. Gấm lụa phải Hàng Châu mới dùng. Đồ trong nhà phải gốm Minh gốm Thanh mới quý. Một viên ngọc hàng nghìn lượng tranh nhau mua, trong khi một nghìn lạng có thể được một nghìn bộ áo giáp cho quân lính. Nợ nhà nước thì phải đòi. Các ông hoàng, bà chúa có trả thì mới tiết kiệm, bớt hoang phí được. Phép tắc phải thi hành từ người hoàng tộc, người nào càng thân thiết với Chúa càng phải đòi trước. Xin Chúa ban lệnh cho”.

Chúa đồng ý cho thi hành.

Nguyễn Khoa Đăng hiểu rằng để đòi được nợ thì phải làm từ cao xuống thấp, nên bắt đầu từ người thân thích quyền cao nhất. Ông thấy người nợ nhiều nhất và cũng thân thiết với Chúa nhất chính là chị ruột của Chúa tức Trưởng công nữ, suốt 5 năm trời nợ chồng nợ chất mà không trả. Nguyễn Khoa Đăng bèn cho người đợi lúc kiệu của Trưởng công nữ ra khỏi phủ thì chặn lại đòi nợ.

Vụ việc làm Trưởng công nữ giận quá khóc lóc với Chúa kể tội quan Nội tán. Chúa nói rằng phép nước thì phải thi hành từ những người thân thích nhất thì mới có hiệu quả, mới làm gương cho kẻ dưới, quan Nội tán làm thế là đúng rồi trách thế nào được. Rồi dùng tiền của riêng mình đưa cho chị để trả nợ công.

Quả nhiên các Hoàng thân quốc thích biết chuyện Trưởng công nữ bị chặn kiệu và phải trả nợ, Chúa thì bênh quan Nội tán, vì thế mà đều đưa tiền ra trả đầy đủ không còn ai nợ nữa.

\"nguyễn
Mộ Nguyễn Khoa Đăng và vợ. (Ảnh từ wikipedia.org)

Xưa kia các quan đều e dè mà không dám động chạm đến người nhà của Chúa, chỉ có Nguyễn Khoa Đăng là dám làm điều này. Việc ấy cho thấy ông không chỉ tài năng đức độ mà còn không sợ cường quyền.

Sử nhà Nguyễn ghi chép rằng Nguyễn Khoa Đăng tính tình nghiêm khắc, ngay thẳng, không nể kẻ quyền thế. Tất nhiên nhờ Chúa ủng hộ nên những người như ông mới có đất dụng võ ở Đàng Trong.

Việc đòi nợ công của ông cũng cho thấy việc thực thi pháp luật phải bắt đầu từ trên xuống dưới mới có hiệu quả. Ở trên làm gương, ở dưới nhìn lên mới thấy mà làm theo được.

Trần Hưng

Bài Liên Quan

Leave a Comment