Tâm hồn cởi mở, nụ cười lạc quan chính là kho báu vô hình của đời người
Đời người tựa như con thuyền trên sóng nước, không thể luôn thuận buồm xuôi gió, rất nhiều phiền não có thể ghé thăm bạn bất cứ lúc nào. Nhưng khi đối mặt với khó khăn, nếu bạn vẫn giữ được tâm hồn cởi mở, nụ cười lạc quan thì kỳ tích sẽ có thể xuất hiện.
Quả thật không dễ dàng cho bất cứ ai để luôn giữ nụ cười trên môi mỗi ngày, bởi cuộc đời lúc thăng lúc trầm, có lên có xuống. Nếu mất mát quá lớn, căng thẳng quá nhiều, áp lực dồn dập, ta có còn đủ tỉnh táo vui vẻ để đối mặt với nó hay không? Nhưng thay vì lo lắng và buồn bã, ta hãy để tâm hồn lắng xuống chầm chậm, bình tĩnh và nở một nụ cười lạc quan thì có thể chuyển bình thường thành vui vẻ, nhọc nhằn thành thoải mái, đau khổ cũng là những trải nghiệm tốt đẹp và đáng quý. Biết bao câu chuyện lịch sử đã minh chứng điều này.
Quay ngược thời gian đến với câu chuyện của nhà tâm lý học nổi tiếng người Do Thái, Viktor Emil Frankl. Ông đã chịu đựng đau khổ khôn cùng trong trại tập trung của Đức Quốc xã, nơi cái chết và máu vương đầy khắp nơi. Nhiều phụ nữ, trẻ em, và người già đã chết mỗi ngày. Không ai có thể tìm thấy một chút nhân đạo và tôn trọng từ những tên cai ngục. Vì thế ông Frankl đã sống trong nỗi lo sợ khủng khiếp ngày qua ngày, và đã chịu đựng những khổ cực tận cùng về thể chất lẫn tinh thần.
Ngày nọ, khi cùng với các tù nhân lao động ở bên ngoài trại giam, ông đã lo sợ rằng mình sẽ không thể sống sót để trở về. Khi phân nửa công việc hoàn thành, thắt giày đột nhiên bị hỏng, ông đã nghĩ rằng đó là một điềm xấu. Trong tâm đầy những ý nghĩ bất an khiến ông cảm thấy mệt mỏi về cuộc đời này.
Để lấy lại bình tĩnh, ông mơ tưởng rằng mình tràn đầy sức lực và đang giảng bài trong căn phòng có ánh đèn thật sáng. Sau đó nhắm mắt lại, ông cảm thấy dễ chịu hơn và một nụ cười khẽ nở trên môi, nụ cười mà ông đã đánh mất từ lâu! Ngay lúc ấy ông tự bảo mình một cách hào hứng: “Thật tuyệt! Chừng nào còn thấy được nụ cười, ta sẽ không chết trong cái trại tập trung này và ta sẽ sống sót bước ra khỏi đây”.
Và quả thật, sau này ông đã thật sự bước ra khỏi trại tập trung. Tất cả bạn bè rất ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn thân thể ông toát ra một tinh thần trẻ trung, và khuôn mặt không để lộ chút đau khổ nào.
Còn trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Tào Tháo bại trận tại Xích Bích, cả trăm vạn đại quân bị Chu Du dùng hỏa công đánh bại, toàn quân gần như không còn ai. Tuy nhiên trải qua mấy phen nguy nan, ông vẫn ngẩng mặt lên trời mà cười, không vì thế mà mất đi tự tin. Cuối cùng ý chí ngoan cường của Tào Tháo đã giúp ông ra khỏi vũng bùn của thất bại.
Và các bạn có biết rằng vào tháng 12 năm 1914, nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison đã chứng kiến phòng thí nghiệm của ông bị đốt thành tro bụi bởi một vụ cháy lớn. Chỉ trong một đêm, ông gần như đã mất đi tất cả thành quả nhờ lao động khó nhọc trong suốt cuộc đời mình. Mặc dù ông đã bảo hiểm số tiền 238.000 đô-la cho phòng thí nghiệm, nhưng tổn thất thực sự trong vụ cháy ước tính hơn 2 triệu đô-la.
Sáng hôm sau, Edison nhìn đống đổ nát và nói: “Có một giá trị lớn trong vụ tai nạn này. Tất cả sai lầm của ta đã bị thiêu trụi bởi ngọn lửa. Tạ ơn Chúa, con có thể bắt đầu lại từ đầu”. Ba tuần sau vụ cháy, Edison đã phát minh ra chiếc máy hát đầu tiên trên thế giới.
Sự lạc quan thật sự cần thiết trong những lúc bạn gặp thất bại hay đau khổ. Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng, một người vui vẻ, lạc quan, rộng lượng, hào phóng sẽ có một tâm hồn thanh thản, cũng như môt cuộc sống khỏe mạnh trường thọ. Còn những người hay cau có, oán trách thì tỷ lệ mắc bệnh tật rất cao và tuổi thọ cũng giảm sút.
Ví như đại học John Hopkins đã từng làm nghiên cứu với các sinh viên: Họ lựa ra 127 sinh viên ngẫu nhiên và chia làm hai nhóm dựa trên đặc điểm tính cách. Nhóm 1 là thận trọng, thiếu thích nghi còn nhóm 2 thì luôn vui tươi, lạc quan, cởi mở, linh hoạt. Kết quả sau 15 năm tốt nghiệp đại học, nhóm 1 có 13 người qua đời, còn lại thì hầu hết bị bệnh tật; trong khi đó số người thuộc nhóm 2 hầu hết khỏe mạnh và còn sống đầy đủ.
Chúng ta phải công nhận rằng hầu như ai cũng muốn nhìn thấy người khác nở nụ cười trên mặt vì nó tạo ra sự gần gũi và dễ tiếp cận. Bởi vậy, người hay cười thường rất cuốn hút và có rất nhiều bạn. Người ta nói: “Một ly rượu có thể giải ngàn nỗi sầu”, nhưng thật ra rượu không thể giải phóng tâm hồn con người từ tận đáy lòng. Nếu có thể ngước lên trời và cười với cái tâm của mình, cười thoát ra khỏi sự lo lắng của thế giới trần tục, quên đi danh vọng, giàu sang, thả lỏng mình ra khỏi bụi trần thì cần uống rượu để làm gì nữa?
Lúc đó thất bại và phiền não không thể khiến người ta thất vọng, mà giúp họ có cơ hội để bắt đầu lại mới hoàn toàn, tựa như tôi luyện ý chí trong ngọn lửa khắc nghiệt. Trên con đường nhân sinh, bao nhiêu phiền não kéo đến nhưng nếu cứ mãi rên rỉ oán trách liệu có tác dụng gì. Chi bằng hãy dũng cảm đứng dậy, người ấy mới thật sự mạnh mẽ. Chẳng hạn như Edison, bao nhiêu thứ tâm huyết trong đời đều bị xóa sạch vẫn không thể xóa đi sự lạc quan khoáng đạt của ông.
Đại đa số con người thế gian vì quá chấp trước vào tài sản hữu hình mà bỏ quên các tài sản vô hình, từ đó rất khó vượt qua thất bại phiền não. Tinh thần cởi mở, nụ cười lạc quan có thể khiến con người tân sinh, và chính là kho báu vô hình trong đời người. Khả năng để thăng hoa tinh thần của mỗi người cũng chính là nụ cười. Nếu bạn có thể làm điều này, môi trường bên trong của bạn sẽ không trở nên tệ hơn, nếu bạn có thể giữ tinh thần lạc quan và cười trong lúc khủng hoảng, đó mới là một sự thông thái tuyệt diệu.