Tổng thống Trump nói gần đạt được thỏa thuận thương mại với TQ
- 13 tháng 12 2019
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm hôm 13/12 khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tiến gần hơn đến việc ký kết thỏa thuận thương mại, trước khi đợt áp thuế mới lên hàng Trung Quốc bắt đầu.
Thỏa thuận này có thể được công bố hôm nay 13/12, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã chốt một số điều khoản.
Washington được cho là đã đồng ý xóa bỏ một số thuế quan, trong khi Bắc Kinh sẽ thúc đẩy mua hàng nông sản của Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề khó khăn hơn vẫn còn phía trước.
Sáng sớm 13/12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,2% trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,9%.
Trước đó, triển vọng lạc quan về một thỏa thuận thương mại đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ lên cao, với S & P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.
\”Đây là một khởi đầu tốt,\” Trưởng bộ phận thương mại quốc tế Myron Brilliant nói với đài truyền hình CNBC sau cuộc họp tại Nhà Trắng rằng,
Hoa Kỳ đã thông báo về đề nghị giảm một nửa thuế suất đối với hàng hóa có tổng trị giá khoảng 350 tỉ đô la của Trung Quốc, mà trong đó, một số đã tăng lên tới 25%. Đổi lại, Trung Quốc sẽ cam kết tăng cường mua nông sản Mỹ.
Một thỏa thuận như vậy sẽ mang lại chiến thắng cho ông Trump – vốn đang chịu nhiều áp lực chính trị, mà tâm điểm là cuộc tranh luận về luận tội của ông đang diễn ra tại Quốc hội Hoa Kỳ.
\”Họ muốn thoả thuận đó và chúng ta cũng vậy!\” ông Trump viết trên Twitter.
Tuy nhiên, thỏa thuận được gọi là Giai đoạn 1 này, không đem lại nhiều kỳ vọng cho việc giải quyết dứt điểm các vấn đề gốc rễ được coi là nguyên nhân gây ra cuộc chiến thương mại, chẳng hạn như việc Trung Quốc trợ cấp cho một số ngành công nghiệp.
Bà Jennifer Hillman, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và cũng là một cựu quan chức thương mại viết:
\”Điều này KHÔNG nên được mô tả như một thỏa thuận thương mại,\” bà viết trên Twitter.
\”Đó là một thỏa thuận mua và bán, hầu như không giải quyết được gì các mối quan ngại thực sự của Hoa Kỳ (cộng với phần còn lại của thế giới) đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc.\”
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố, tiến bộ đạt được với một thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại. Cuộc chiến này đã khiến mức thuế áp lên lượng hàng hoá Mỹ-Trung có tổng trị giá hơn 450 tỷ đô la và phủ bóng u ám lên nền kinh tế toàn cầu.
Vào tháng 10, ông Trump cũng từng tuyên bố rằng, hai bên đã đồng ý các điều khoản cho \”Giai đoạn 1\” của thoả thuận, nhưng rồi các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn đến nay.
Nếu không đạt tiến triển trong đàm phán, Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc có tổng trị giá hơn 150 tỉ đô la vào ngày 15/12 tới.
Các đợt áp thuế trước đây đã gây thất vọng nặng với người tiêu dùng Mỹ – động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Còn lần này, dự kiến thuế suất được áp lên một loạt các mặt hàng gia dụng như điện thoại thông minh, sách thiếu nhi, giày dép và quần áo.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính rằng, nếu không đạt thỏa thuận thương mại để tránh đợt áp thuế tiếp theo và tạm ngưng một số hàng hoá trong các đợt áp thuế trước đây, tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ có thể thấp hơn 0,4% trong năm tới.
Các quan chức Nhà Trắng đã tranh luận rằng, mục tiêu của thuế quan chỉ là nhằm khiến Trung Quốc từ bỏ các hành động thương mại \”không công bằng,\” như cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Phân tích của Karish Vaswani, Phóng viên kinh tế theo dõi khu vực châu Á
Đang có nhiều triển vọng lạc quan về một thỏa thuận thương mại, nhưng điều cũng đáng để chúng ta suy ngẫm là tại sao ông Trump lại khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Ông tuyên bố ngay từ đầu là muốn mang lại sân chơi bình đẳng và chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh.
Mỹ cho biết, Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp của nước này theo cách không công bằng và ăn cắp sở hữu trí tuệ từ các công ty Mỹ; nhờ đó, Trung Quốc nắm được lợi thế quan trọng.
Không rõ những vấn đề này rồi có nằm trong văn bản cuối cùng của bất kỳ thỏa thuận nào hay không. Và điều đó có nghĩa là mục tiêu của cuộc chiến thương mại mà ông Trump để ra ngay từ đầu vẫn chưa đạt.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm, các công ty đã phải chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, cũng như các doanh nghiệp phải vật lộn trong các quyết định mở rộng và tuyển dụng trong sự bất ổn của cuộc chiến thương mại.
Một lợi thế của Washington là đe dọa áp nhiều mức thuế lên hàng hoá Trung Quốc. Đình hoãn hoặc bãi bỏ các mức thuế này có thể là đòn bẩy duy nhất mà ông Trump có, từ đó, mạo hiểm với một thỏa thuận mà thực chất là nhắm đến một chiến thắng chóng vánh và dễ dàng.
Trung Quốc nói bị Hoa Kỳ chèn ép
Trong khi đó, theo Reuters, nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị cho biết hôm thứ 13/12 rằng, Hoa Kỳ đã liên tiếp hành động để tấn công và chèn ép Trung Quốc, làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin giữa hai nước vốn rất khó để có được.
Ông Vương Nghị nói rằng, Hoa Kỳ đã tận dụng nhiều diễn đàn, sự kiện quốc tế khác nhau để làm tổn hại đến hệ thống xã hội Trung Quốc, con đường phát triển và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc với các nước khác, và cáo buộc Trung Quốc một cách vô căn cứ với đủ loại tội phạm.
Ông Vương Nghị phát biểu như vậy tại hội nghị thường niên ở Bắc Kinh về các vấn đề quốc tế và ngoại giao Trung Quốc.