Dân biểu Hoa Kỳ sẵn sàng bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa

Dân biểu Hoa Kỳ sẵn sàng bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa

Thanh Trúc
2019-12-13

\"Hình

Hình minh họa. Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal tại một buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ về nhân quyền Việt Nam hôm 11/6/2015

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal hôm 12/12 cho Đài Á Châu Tự Do biết ông rất sẵn lòng bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, người đang phải thụ án tù 7 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Trước đó, vào ngày 10/12, thân nhân của anh Nguyễn Văn Hóa cho biết gia đình đã gửi thư cho dân biểu Lowenthal, đề nghị ông bảo trợ cho Hóa. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với Dân biểu Alan Lowenthal về đề nghị của gia đình Hóa và tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cũng như những dự định mà ông định làm để gây sức ép lên Việt Nam nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền. Trước hết, nói về TNLT Nguyễn Văn Hóa, Dân biểu Alan Lowenthal cho biết:

Dân biểu Alan Lowenthal: Hồi tháng 6 năm nay tôi và Thượng Nghị sĩ Ed Markey đã viết một bức thư, tức là một bức thư thuộc hai Viện (Thượng Viện và Hạ Viện) gửi cho Ngoại trưởng Pompeo để cảnh báo về tình hình tự do báo chí (ở Việt Nam) và Hóa cũng là một trong những trường hợp được đề cập. Tôi đã nói rất nhiều về việc Hóa đã bị bắt như thế nào và bị kết án tù 7 năm ra sao, chính phủ Việt Nam đã sử dụng điều 88 Bộ luật Hình sự (cũ) cáo buộc Hóa tuyên truyền chống nhà nước. Tôi biết khá nhiều về Hóa, tôi biết Hóa là một nhà báo và Hóa đã đưa thông tin về ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Tôi cũng biết là Hóa phản đối việc thắt chặt kiểm soát tự do trên internet. Hóa chỉ làm công việc của một nhà báo, một nhà báo tự do và anh ấy bị bắt giữ và không may bị kết án.

\"TNLT

TNLT Nguyễn Văn Hóa tại phiên tòa ở Hà Tĩnh hôm 27/11/2017 AFP

Thanh Trúc: Mới đây người chị của Nguyễn Văn Hóa cho Đài Á Châu Tự Do biết là Nguyễn Văn Hóa mong muốn được một vị dân biểu Hoa Kỳ bảo trợ mà qua đó tên ông được nhắc đến. Ông nghĩ sao khi nghe về đề nghị này?

DB A. Lowenthal: Tôi rất vui nhận việc này. Tôi đã nghe về Hóa, về việc anh ấy bị bỏ tù bất công. Tôi đã bảo trợ một số tù nhân lương tâm. Tôi nằm trong Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos. Những người được tôi bảo trợ đã được trả tự do và những người khác đều qua Ủy ban này. Tôi sẵn sàng nhận bảo trợ cho anh ấy và tôi sẽ thu xếp. Tôi nghĩ là chị gái của Hóa nên liên hệ với văn phòng của chúng tôi để bắt đầu quá trình này. Tôi cần một giấy tờ hoặc nói chuyện chính thức với chị gái Hóa để bắt đầu quá trình bảo trợ.

Thanh Trúc: Trước đây một trong những tù nhân chính trị ở Việt Nam, tên là Nguyễn Tiến Trung, từng được ông bảo trợ. Xin cho biết ông đã làm gì để giúp đỡ Nguyễn Tiến Trung? Tính đến lúc này ông có nghe tin tức gì về người này không?

DB A. Lowenthal: Tôi có nhận được tin tức về Trung. Tôi đã lên tiếng cho Trung với các đồng nghiệp của mình, với Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là đại sứ Kritenbrink. Tôi đã nói về Trung công khai và trước Quốc hội. Tôi rất vui là Trung đã được tự do. Chúng tôi có liên hệ với Trung hồi năm ngoái khi Trung xin vào học ở trường đại học Oregon để lấy bằng thạc sĩ. Tôi đã viết thư giới thiệu cho Trung và anh ấy đã bắt đầu vào học từ tháng 9. Anh ấy có nói với chúng tôi là anh sẽ xin học lên Tiến sĩ.

Thanh Trúc: Thưa ông ngoài trường hợp Nguyễn Văn Hóa thì hiện tại hơn 100 tù chính trị hãy còn bị giam giữ ở Việt Nam. Ông và những người đồng nhiệm trong quốc hội đã làm gì để gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, đòi trả tự do cho họ. Mặt khác, trong khi họ vẫn đang bị cầm tù thì ông có yêu cầu gì hầu giúp đỡ họ không?

DB A. Lowenthal: Cả Caucus về Việt Nam ở Hạ Viện và Ủy ban quan hệ đối ngoại, cùng Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đã thực hiện nhiều buổi điều trần về vấn đề này. Bất cứ khi nào tôi gặp các quan chức Việt Nam hay Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao, tôi đều kêu gọi chú ý vào các trường hợp tù nhân lương tâm. Tôi đề cập vấn đề này với Đại sứ Mỹ. Trong lần gặp đầu tiên của tôi với Đại sứ  Dan Kritenbrink, các đồng nghiệp của tôi trong Caucus về Việt Nam đã trao cho ông ấy một danh sách các tù nhân lương tâm mà chúng tôi muốn ông ấy quan tâm cùng làm việc với chúng tôi. Tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Tôi đã viết thư cho Ngoại trưởng Pompeo. Khi chúng tôi quay lại làm việc vào tháng tới, chúng tôi sẽ liên hệ với Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này và chúng tôi cũng đã có những thành công trong việc đòi trả tự do cho một số tù nhân lương tâm. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ thêm tù nhân lương tâm nên đây công việc liên tục.

Thứ nhất là đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Thứ hai là đạo luật Nhân quyền Việt Nam mà tôi đồng ủng hộ cùng Dân biểu Chris Smith. Sau đó chúng ta có thể áp dụng Đạo luật Magnitsky. – Dân biểu Alan Lowenthal

Thanh Trúc: Hồ sơ nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ  những năm qua, theo ông tại sao tình hình  tiếp tục xấu đi như vậy, chính phủ Mỹ có phần nào trách nhiệm trong chuyện tiêu cực này không?

DB A. Lowenthal: Tôi không muốn dùng cơ hội này để đổ lỗi lên chính quyền Mỹ. Điều tôi muốn nói là chính quyền Mỹ bây giờ có những ưu tiên khác hơn so với chính quyền trước. Thời của chính quyền Mỹ trước khi tôi được bầu vào Quốc hội, trong quan hệ song phương với Việt Nam, chúng ta nói về vấn đề này khi Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương rằng nhân quyền là quan ngại chính. Nếu họ muốn làm việc với Mỹ thì họ phải có cải thiện trong hồ sơ nhân quyền. Cho nên nhân quyền nằm ở trong danh sách ưu tiên rất cao. Bây giờ, chính quyền mới vẫn coi nhân quyền là vấn đề quan trọng nhưng Hoa Kỳ giờ quan ngại nhiều hơn về vấn đề an ninh hàng hải, thương mại, và không gây sức ép mạnh về vấn đề nhân quyền. Không phải họ không làm mà chúng ta không thấy là vấn đề nhân quyền được đặt ưu tiên cao. Ở Hạ viện, tôi tin là vấn đề nhân quyền và vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam cũng quan trọng. Bất cứ ai (ở Việt Nam) lên tiếng về tự do tôn giáo, tự do bày tỏ ý kiến, các blogger, những người hoạt động báo chí đều là những người mà chính quyền Việt Nam đang đàn áp. Đó là điều mà tôi cho rằng quan trọng nhất. Tôi vẫn luôn đưa vấn đề này ra và tôi hy vọng là Đại sứ Kritenbrink hiểu được tại sao tôi làm điều này. Tôi nói chuyện với Đại sứ Kritenbrink mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Gần đây chúng tôi đang nói về trường hợp của ông Michael Nguyen, người vừa bị kết án tù 12 năm. Ông ấy là cư dân ở Orange County, là công dân Mỹ. Trước đó tôi có làm việc cho trường hợp của anh Will Nguyen, cố gắng để anh ấy được trả tự do. Anh ấy bị kết án nhưng rất may là anh được trả về Mỹ ngay. Đây là công việc liên tục. Tôi thường xuyên thách thức chính phủ Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã rất nhiệt tình hợp tác giúp đỡ chúng tôi qua ngài đại sứ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự thành công nhiều. Chúng tôi hy vọng chính quyền Mỹ và Tổng thống Mỹ (chúng tôi thường xuyên viết thư cho Tổng thống) sẽ coi vấn đề nhân quyền là ưu tiên số 1.

Thanh Trúc: Thưa ông Luật Magnitsky Toàn Cầu xem chừng chưa tác động gì tới những người vi phạm quyền con người ở Việt Nam. Theo ông thì Hoa Kỳ cần làm gì để có thể áp dụng Đạo luật này với Việt Nam?

DB A. Lowenthal: Theo tôi, điều mà chúng ta cần làm trước tiên là xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), và sau đó áp dụng Đạo luật Magnitsky. Việt Nam đã từng trong CPC nhưng sau đó chúng ta nói rằng họ đã có tiến bộ. Khoảng 10 hay 15 năm về trước họ được rút khỏi danh sách này. Vì tình trạng vi phạm nhân quyền vô cùng tồi tệ ở Việt Nam. Chúng tôi gần đây cũng có đưa ra Đạo luật Nhân quyền cho Campuchia, đạo luật đó đã được Hạ viện thông qua và chính phủ Mỹ đã xác định 2 người ở Campuchia theo đạo luật Magnitsky. Tôi muốn thấy Đạo luật Magnitsky được áp dụng ở Việt Nam và những người tham gia vi phạm nhân quyền sẽ bị đưa vào danh sách này. Nhưng để làm được này chúng ta cần làm hai việc. Thứ nhất là đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Thứ hai là đạo luật Nhân quyền Việt Nam mà tôi đồng ủng hộ cùng Dân biểu Chris Smith. Sau đó chúng ta có thể áp dụng Đạo luật Magnitsky.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn Dân biểu Alan Lowenthal về bài phỏng vấn này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment