Nước Đức vẫn im lặng trước các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc

Nước Đức vẫn im lặng trước các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc

Thứ Ba, 17 Tháng Mười Hai 2019

Kể từ khi có các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và sự xuất hiện gần đây một ‘tài liệu nội bộ’ xác nhận Bắc Kinh đàn áp nghiêm trọng ở Tân Cương, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, theo báo DW ngày 5/12.

Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký Luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông. Tiếp theo, ngày 3/12, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua “Đạo luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ”, kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc có hành vi vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, trong 6 tháng bất ổn ở Hồng Kông và các thông tin liên tục về các cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Thủ tướng Merkel, do lợi ích thương mại với Trung Quốc, đã không lên tiếng một cách rõ ràng ủng hộ phong trào dân chủ, hoặc lên án các trại giam giữ.

“Đã đến lúc bà Angela Merkel cần đưa vấn đề Tân Cương vào chương trình nghị sự của Hội đồng châu Âu sắp tới, để châu Âu khẳng định quan điểm về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt”, Gyde Jensen, người đứng đầu Ủy ban nhân quyền tại Hạ viện Đức nói với DW News Asia.

Trong một bài phát biểu trước Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức vào ngày 27/11, bà Merkel nói rằng Đức và Châu Âu thấy mình đứng giữa một đối kháng toàn cầu: “Một mặt, Mỹ, một thiên đường của tự do kinh tế, và mặt khác, một hệ thống ở Trung Quốc, được tổ chức xã hội theo một cách hoàn toàn khác, với sở hữu nhà nước rõ ràng, và đôi khi đàn áp, đậm nét”.

“Giải pháp hòa bình” cho Hồng Kông?

Phong trào dân chủ của Hồng Kông đòi hỏi một Quyền bầu cử phổ quát, người dân được bầu cả Hội đồng Lập pháp và Đặc khu trưởng, nhưng Bắc Kinh thì muốn đưa một người trung thành với chính quyền vào vị trí này.

Katrin Kinzelbach, giáo sư chính sách nhân quyền quốc tế tại Đại học Erlangen-Nieders của Đức, nói rằng chính phủ Đức nên có “lập trường rõ ràng” đối với Hồng Kông.

“Kết quả bầu cử cấp quận cho thấy người Hồng Kông không muốn bị” trực tiếp “cai trị bởi Bắc Kinh,” bà nói. “Thông điệp này cần được chính phủ Đức ủng hộ một cách công khai.”

Chủ tịch Ủy ban nhân quyền của Nghị viện, Jensen, nói trên phương tiện truyền thông xã hội sau cuộc gặp với Hoàng Chi Phong hồi tháng 9 rằng, Đức cần “đứng sau” những người biểu tình ôn hòa ở Hồng Kông đang đấu tranh cho “quyền tự do và lời hứa của một quốc gia, hai chế độ”.

Lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ?

Mặc dù Đức đã cùng 22 quốc gia trong một sự kiện bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 9 đã ký kết một tuyên bố chính thức lên án các trại giam giữ và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tuy nhiên Berlin và EU vẫn chưa đưa ra một khuôn khổ chung cho hành động.

“Các báo cáo liên tiếp cho thấy hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ tại các trại ở Tân Cương, một điều thật kinh khủng,… Trung Quốc phải thực hiện các bước rõ ràng để cải thiện tình hình nhân quyền ở Tân Cương”, Bärbel Kofler, ủy viên Ủy ban chính sách nhân quyền và hỗ trợ nhân đạo của Đức nói.

Hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục ở Trung Quốc

Sau chuyến thăm Trung Quốc của bà Merkel vào tháng 9, giám đốc của tập đoàn công nghiệp khổng lồ Siemens của Đức, Joe Kaeser, đã nói Đức nên ủng hộ và tôn trọng Trung Quốc.

Siemens, cùng với BASF và VW đều đang có nhà máy sản xuất ở Tân Cương.

Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Berlin thận trọng hơn và đang cố gắng duy trì mối quan hệ ít biến động hơn với Bắc Kinh, vì Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Đức với thương mại song phương đạt 199,3 tỷ euro (221,2 tỷ USD) trong năm 2018.

“Tất nhiên, chính phủ Đức phải dung hòa các lợi ích khác nhau trong chính sách với Trung Quốc, bao gồm cả lợi ích kinh tế”, học giả nhân quyền Kinzelbach nói.

\"bmw-trungquoc\"/
Các lãnh đạo của BMW và lãnh đạo doanh nghiệp Đức bắt tay với các quan chức Trung Quốc (ảnh: DW.com).

Vậy Đức có thể làm gì?

“Với sự leo thang ở Hồng Kông, sẽ là chính xác và tương đối dễ dàng để xem xét các quy định xuất khẩu hiện có”, ông Kinzelbach nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt có sẵn để giải quyết các vi phạm nhân quyền, có thể bao gồm cấm vận vũ khí, hạn chế nhập cảnh cho cá nhân và đóng băng tài khoản.

Tuy nhiên, bất kỳ sắc lệnh trừng phạt nào nhắm vào các vi phạm nhân quyền liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ phải được thực hiện trong khuôn khổ của Liên minh châu Âu, và điều này rất phức tạp, do chính sách đối với Trung Quốc của mỗi nước EU là khác nhau.

“Đức có thể là một động lực của EU trong việc thực hiện các bước theo hướng này, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra,” ông Kinzelbach nói.

Trong bối cảnh ông Donald Trump gia tăng sức ép đối với các công ty Mỹ phải đóng cửa các hoạt động của họ tại Trung Quốc và sản xuất nhiều hơn các sản phẩm trong nước, thì bà Merkel lại mong muốn khởi động một giai đoạn mới trong quan hệ giữa EU với Trung Quốc, với mục tiêu đạt được lập trường chung giữa châu Âu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment