Rumani sau 30 năm \’\’hậu toàn trị\’\’ vẫn là nỗi đau đầu với Liên Âu
Đăng ngày: 17/12/2019
Trọng Thành
Cách nay 30 năm, ngày 16/12/1989, phong trào chống chế độ cộng sản toàn trị Rumani bùng phát tại Timisoara, một thành phố miền tây Rumani. Trong vài ngày phong trào lan ra cả nước. Ceausescu bỏ trốn, chế độ toàn trị sụp đổ. Tuy nhiên, tiến trình chuyển sang dân chủ của Rumani không êm chèo mát mái. 30 năm sau toàn trị, Rumani vẫn là nỗi đau đầu với Liên Hiệp Châu Âu, cho dù các nỗ lực của Liên Âu bước đầu mang lại kết quả.QUẢNG CÁO
Mặc dù đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 01/01/2007, Rumani cùng Bulgari, hai quốc gia Đông Âu trong giai đoạn quá độ sang dân chủ, vẫn được đặt dưới một cơ chế giám sát đặc biệt của Liên Hiệp Châu Âu, mang tên \’\’cơ chế hợp tác và thẩm định\’\’ (cooperation and verification mechanism). Cơ chế này cho phép Bucarest được Liên Hiệp Châu Âu theo dõi và hỗ trợ nhằm khắc phục thiếu hụt về dân chủ. Ủy Ban Châu Âu thường xuyên ra báo cáo đánh giá thực trạng \’\’cải cách tư pháp, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức\’\’, xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Rumani.
\’\’Cơ chế hợp tác và thẩm định\’\’ đặc biệt
Trong báo cáo đánh giá bước tiến của Rumani, theo \’\’cơ chế hợp tác và thẩm định\’\’, hồi tháng 11 năm ngoái, Ủy Ban Châu Âu kết luận là có nhiều yếu tố cho thấy các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này \’\’có thể bị đảo ngược\’\’. Ủy Ban kêu gọi các định chế quyền lực Rumani \’\’khẳng định rõ thái độ kiên quyết ủng hộ sự độc lập của tư pháp, cuộc chiến chống tham nhũng, và tái lập… các quyền lực đối trọng ở tầm quốc gia, để ngăn ngừa mọi nguy cơ tiến bộ bị đảo ngược\’\’. Quan điểm của Ủy Ban Châu Âu được hai định chế chủ chốt khác của Liên Hiệp, là Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu, chia sẻ.
Tính độc lập của tư pháp liên tục bị đe dọa xâm phạm từ phía chính phủ và Quốc Hội Rumani là điều mà Ủy Ban thường xuyên ghi nhận. Một trong các ví dụ mới nhất là việc nhân vật đầy quyền lực, nguyên chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch đảng Xã Hội – Dân Chủ cánh tả Liviu Dragnea, tìm mọi cách ngăn cản cuộc chiến chống tham nhũng, nhằm trở thành thủ tướng. Chính trị gia đầy quyền lực này bị bắt giam hồi tháng 5/2019, với tội danh lạm dụng quyền lực. Người kế nhiệm lãnh đạo đảng Xã Hội – Dân Chủ, nữ chính trị gia Viorica Dancila, thủ tướng Rumani tiếp tục bám víu quyền lực cho đến khi bị các đảng đồng minh bỏ rơi, bị Nghị Viện bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 10/2019.
Nếu so sánh với nhiều quốc gia Đông Âu cũ, Rumani được đánh giá là quá chậm trễ trong tiến trình dân chủ hóa. Trong lúc Croatia, quốc gia thành viên Liên Âu từ 2013, đang trên đường gia nhập Schengen, không gian tự do đi lại của Liên Hiệp, thì Ủy Ban Châu Âu vẫn dè dặt trước triển vọng Rumani gia nhập Schengen.
Ngày 22/10/2019 vừa qua Ủy Ban Châu Âu ra báo cáo thường niên đánh giá các tiến bộ của Rumani và Bulgari, theo \’\’cơ chế hợp tác và thẩm định\’\’. Bulgari được khen ngợi. Về phần Rumani, Ủy Ban tuy thừa nhận chính phủ Bucarest, kể từ tháng 6/2019, đã \’\’khởi sự một tiến trình đối thoại mới\’\’ với tư pháp, tuy nhiên các nỗ lực này cần phải được biến thành các biện pháp ổn định, lâu dài về phương diện lập pháp và hành pháp, nhằm thực thi các khuyến nghị của Liên Âu.
Phe độc tài toàn trị biến hình để tiếp tục thao túng xã hội
Theo giới quan sát, một trong các nguyên nhân chính khiến Rumani khó dân chủ hóa là do các thế lực chính trị, kế thừa chế độ độc tài toàn trị, tìm mọi cách gây ảnh hưởng trong xã hội, thao túng quyền lực. Xã hội Rumani vẫn còn rất khó khăn trong việc đối mặt với quá khứ toàn trị và tội ác của chế độ độc tài cộng sản.
Chỉ đến cuối tháng 11/2019, cựu tổng thống Ion Iliescu (cầm quyền hai lần, từ 1990 đến 1996 và từ 2000 đến 2004) mới bị đưa ra tòa xét xử về cáo buộc \’\’chống nhân loại\’\’. Theo công tố Rumani, thừa lệnh của nhà độc tài Ceaucescu, nguyên bộ trưởng Thanh Niên chế độ toàn trị Ion Iliescu nằm trong số những người chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 800 người, và hơn 2.000 người bị thương trong thời gian cuộc chính biến 1989, từ 22/12 đến 31/12.
Trả lời AFP, một trong các nạn nhân, ông Aurel Dumitri, 60 tuổi, cho biết ông phẫn nộ vì tư pháp Rumani, trong vòng 30 năm qua, đã không làm gì để làm sáng tỏ các tội ác này. Với công dân nói trên, và ắt hẳn là nhiều người khác, Rumani cần phải có một cuộc cách mạng mới.
Cuộc tranh đấu bền bỉ
Theo một số nhà quan sát, cho đến nay, Rumani là quốc gia duy nhất trong số các nước cộng sản cũ Đông Âu không có bảo tàng về chế độ toàn trị.
Dù sao, thì tình hình tại Rumani gần đây đã có một số thay đổi ngoạn mục, nhờ nhiều nỗ lực tranh đấu bền bỉ của xã hội dân sự Rumani, được Liên Âu hỗ trợ. Tháng 7/2019, tổng thống Klaus Iohannisđã thông qua luật mới, liên quan đến việc thành lập Viện Bảo tàng về các Tội ác Man rợ của chế độ cộng sản tại Rumani (Muzeul Ororilor Comunismului in Romania). Bảo tàng sẽ được đặt tại Tòa Nghị Viện Rumani ở Bucarest. Cuối tháng 11/2019, tổng thống Klaus Iohannis, chính trị gia cánh hữu trong những năm vừa qua liên tục nỗ lực ủng hộ thể chế pháp quyền, chống tham nhũng tại Rumani, đã tái đắc cử với hơn 63% phiếu bầu. Ngày 14/12/2019, tổng thống Rumani được trao tặng giải thưởng Charlemagne cao quý của Liên Hiệp Châu Âu, để vinh danh ông vì những đóng góp quý báu cho sự thông hiểu lẫn nhau tại châu Âu.
Rumani tiếp tục được đặt dưới sự theo dõi đặc biệt của Liên Âu theo cơ chế ‘\’cơ chế hợp tác và thẩm định\’\’. Tuy nhiên con đường chuyển hóa sang xã hội dân chủ của Rumani đang có những khởi sắc. Kinh nghiệm của quốc gia cộng sản Đông Âu cũ chắc chắn là đặc biệt quý giá đối với nhiều xã hội cũng đang tìm đường thay đổi, bởi đây là một quốc gia mà con đường thoát khỏi chế độ cộng sản toàn trị kéo dài và đầy gian truân.