Lo sợ gia tăng khi virus tả lợn châu Phi lây lan nhanh ở Đông Nam Á

Lo sợ gia tăng khi virus tả lợn châu Phi lây lan nhanh ở Đông Nam Á

\"A

Indonesia là quốc gia tiếp theo ở châu Á bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, một loại virus đang tàn phá ngành chăn nuôi trên toàn khu vực này.

Hôm 18/12, Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết gần 30.000 con lợn đã chết vì căn bệnh này ở Bắc Sumatra.

Ước tính, khoảng một nửa số lợn của Trung Quốc bị chết do virus này trong năm nay.

Úc rất lo ngại và đã liên tục đẩy mạnh các biện pháp an toàn sinh học nhằm ngăn chặn dịch tả lợn.

Dù vô hại với con người, nhưng virus bệnh này ó thể giết chết lợn trong vòng vài ngày, với tỉ lệ tử vong có thể lên tới 100%, theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).

\"fever

Virus rất khoẻ và có thể tồn tại trong bảy ngày mà không cần vật chủ, và trong nhiều tháng với các sản phẩm thịt lợn đông lạnh.

Những quốc gia nào bị ảnh hưởng nặng nhất?

Chịu ảnh hưởng nặng nhất cho đến nay vẫn là Trung Quốc, nhưng virus này đang lây lan khắp Đông Nam Á.

Việt Nam và Philippines cũng đã trải qua một số đợt bùng phát tồi tệ nhất trong khu vực.

Các nhà phân tích tại công ty tài chính chuyên hoạt động trong ngành thực phẩm Rabobank dự đoán, sản lượng thịt lợn của Việt Nam sẽ giảm 21% trong năm nay và thêm 8% trong năm tới.

Philippines có thể chứng kiến sự sụt giảm tới 13% tổng đàn lợn của mình vào năm 2020. Rabobank dự báo, tổn thất đàn lợn ở Trung Quốc vào mức 55% trong năm nay.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo nói với các phóng viên rằng đến nay, đã cách ly được virus này ở một phần của Bắc Sumatra.

\”Các biện phát xử lý nghiêm túc đang được thực hiện, bao gồm cả việc cô lập các khu vực\”, ông Limpo nói.

Bệnh này cũng đã được phát hiện ở Mông Cổ, Campuchia, Hàn Quốc, Bắc Hàn, Myanmar và Đông Timor, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.

Tại Việt Nam, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được báo chí trích dẫn cho biết, đến đầu tháng 12/2019, ,dịch tả lợn châu Phi đã giảm. Theo đó, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019.

Tuy nhiên, tính đến ngày 25/ 11/2019, số lượng lợn chết và tiêu hủy đã khoảng 5,9 triệu con, theo báo Lao động.

Giá lợn hơi tại Việt Nam dự báo sẽ vào đợt tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2020 do cung giảm.

Ngoài châu Á, OIE cho biết căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số khu vực thuộc Đông Âu và vùng cận Sahara của châu Phi.

Các quốc gia phản ứng thế nào?

Úc, vốn được biết đến với các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, đang chi thêm 66 triệu Úc kim (khoảng 45 triệu đôla Mỹ) cho các biện pháp ngăn chặn virus này.

Tuy nhiên, những vụ bắt giữ gần đây cho thấy mức độ khó khăn của công việc này.

Trong sáu tháng qua, chính quyền Úc đã thu giữ 32 tấn sản phẩm thịt lợn từ hành lý của hành khách và trong các bưu kiện.

\”Trong đó, 49% có dấu hiệu mắc tả lợn Châu Phi\”, bà Margo Andrae, Giám đốc điều hành của Australian Pork Limited, một tổ chức xúc tiến đại diện cho các nhà sản xuất thịt lợn, cho biết.

Tổ chức Australian Pork Limited ước tính, một đợt bùng phát dịch có thể có gây thiệt hại tới 2 tỉ đôla Úc đối với ngành này, vốn có trị giá 5,3 tỷ đô la Úc và sử dụng tới 36.000 nhân công.

Úc đã thắt chặt các nỗ lực kiểm dịch tại thành phố Darwin – điểm nhập cảnh chính của các chuyến bay từ Đông Timor, nơi gần đây đã tuyên bố một đợt bùng phát tả lợn.

Mặc dù ở Darwin không có trang trại chăn nuôi lợn, nhưng nơi đây có một đàn lợn hoang có nguy cơ bị lây nhiễm.

\”Nếu quý vị hỏi tôi vài tháng trước, tôi sẽ nói rằng tôi rất sợ, nhưng bây giờ tôi thấy đỡ hơn nhiều\”, bà Andrae nói.

\"Butcher

Đức gần đây cũng tăng cường các biện pháp để ngăn chặn căn bệnh này sau khi tìm thấy virus trong một con lợn rừng từ Ba Lan chạy qua.

Hoa Kỳ chưa có trường hợp nào mắc tả lợn Châu Phi nào, nhưng vẫn đưa ra các yêu cầu liên quan đến sức khỏe động vật nhập khẩu.

\"Presentational

Cuộc đua vắc-xin

Chừng nào động vật bị nhiễm vẫn chủ yếu ở châu Phi và những đợt bùng phát ở châu Âu được giải quyết nhanh chóng bằng cách tiêu hủy, thì nỗ lực phát triển một loại vắc-xin là rất thấp.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát sang châu Á với hàng triệu con bị ảnh hưởng, các nhà khoa học đang chạy đua để đưa ra một loại vắc-xin. Nhưng virus phức tạp một cách bất thường khiến nỗ lực này trở nên khó khăn hơn.

Hy vọng đặt vào những gì được gọi là vắc-xin sống giảm độc lực, chứa đủ virus để động vật tự phát triển kháng thể nhưng không dễn đến việc vật nuôi bị nhiễm bệnh.

Đã có những nghiên cứu đầy hứa hẹn, ví dụ như việc tiêm vắc-xin cho lợn rừng ở châu Âu, nhưng để có được vắc-xin thương mại thì cần thêm nhiều năm nữa.

Có khả năng vắc-xin tả lợn đầu tiên sẽ được tạo ra từ Trung Quốc, bởi đây là quốc gia có nguy cơ cao nhất và có quá trình đưa vắc-xin ra thị trường nhanh.

\"Presentational

Tác động đến ngành công nghiệp thịt lợn?

Giá thịt lợn trên khắp châu Á đã tăng, và trong một số trường hợp, đẩy lạm phát tăng.

Con số lạm phát gần đây nhất của Trung Quốc cho thấy, giá tiêu dùng tăng 4,5%, mức nhanh nhất trong chín năm qua, với thịt lợn đóng góp phần lớn vào mức tăng đó.

Cơ quan xếp hạng Fitch cho biết, giá bán buôn nội địa ở nước này tăng gần gấp đôi vào năm 2019. Dự đoán giá thịt lợn ở Đông Nam Á cũng có khả năng tăng.

Rabobank cho biết, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng gấp đôi. Giá thịt bò và thịt gà cũng tăng do người tiêu dùng chuyển từ thịt lợn sang các loại thịt khác.

Tommy Wu, nhà kinh tế từ tổ chức nghiên cứu và dự báo kinh tế Oxford Economics, cho biết có khả năng giá sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới khi nhu cầu thịt lợn tăng dịp Tết Nguyên đán.

Tin tốt, theo lời ông Wu, là những nỗ lực an toàn sinh học của Trung Quốc đã bắt đầu có tác động.

Ông nghĩ rằng ngành công nghiệp này ở Trung Quốc đã khá hơn, nhưng cảnh báo rằng sự phục hồi hoàn toàn có thể phải mất nhiều năm.

\”Chúng ta vẫn sẽ thấy mức giảm 40% so với đỉnh về lượng thịt lợn,\” ông nói.

Bài Liên Quan

Leave a Comment