Phẫu thuật thông tim

Phẫu thuật thông tim

Bác Sĩ Hồ Ngọc MinhDecember 20, 2019

\"\"/
Phẫu thuật thông tim (Hình: sciencebasedmedicine.org)

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số điện thoại liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

Phẫu thuật thông tim (angioplasty) là một phương pháp y khoa tiêu chuẩn nhằm khai thông động mạch vành tim bị nghẽn, khi bị bệnh tim hay bị tai biến động mạch tim.

Như ta đã biết, mạch máu vành tim có thể bị lở loét và cholesterol tụ tập vào đó tạo thành “plaque”, đại loại như bị nghẽn ống nước. Thật ra, cholesterol được tích tụ từ phía bên trong vách của động mạch, phía dưới chỗ bị hư hại, sau đó, vách động mạch bị òa vỡ ra, và những mảnh vụn cholesterol nầy trôi vào mạch máu và làm nghẽn nhiều chỗ khác, tạo ra hiện tượng đột quỵ tim.

Trong từ angioplasty, chữ “angio” có nghĩa là mạch máu, còn chữ “plasty” có nghĩa là sữa chữa, nắn nót trở lại, cũng như plastic surgery có nghĩa là giải phẫu chỉnh hình. Bác sĩ thường gọi angioplasty là “percutaneous coronary intervention, hay PCI, dịch nôm na là “can thiệp vào hệ thống mạch vành tim, xuyên qua da”.

Khi làm phẫu thuật thông tim, bác sĩ sẽ luồn một đường ống vào một mạch máu ở dưới háng hay cổ tay. Sau đó, với sự hướng dẫn của hệ thống X-ray, đường ống sẽ luồn đến chỗ nghẽn của động mạch vành tim. Cuối cùng, một bong bóng nhỏ được phình lên, hay một ống kim loại nhỏ gọi là stent được nhét vào sau đó để mở rộng chỗ bị nghẽn.

So với giải phẫu tim để nối ghép động mạch, phương pháp thông tim ít gây ra thương tổn phụ. Vì khỏi phải mở tung lồng ngực, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Trung bình, phẫu thuật thông tim chỉ tốn độ 30 phút đến vài giờ. Có khi bệnh nhân phải ở lại trong bệnh viện qua đêm để hồi phục.

Phẫu thuật angioplasty còn được áp dụng trong các trường hợp nhẹ khác, như bị mệt tim, tức ngực (angina), hoặc để tăng lượng máu lưu thông cho dù ngay sau khi bị đột quỵ tim.

Có hai loại thông tim:

1.Balloon angioplasty, bao gồm dùng sức căng của bong bóng thổi phồng để thông chỗ nghẽn. Thật ra hầu như phương pháp nầy luôn luôn  sẽ đi kèm với phương pháp kế tiếp.

2.Đặt ống kim loại “stent” vào mạch máu, phòng chống trường hợp mạch máu bị nghẽn trở lại.

Stent thường được làm bằng lưới kim loại, có khi được bao bọc bằng thuốc gọi là “drug eluting stents” (DES), nhằm tăng hiệu năng chống mạch máu bị nghẽn trở lại. Hầu như, đại đa số trường hợp thông tim đều dùng lưới kim loại có bọc DES. Trong năm 2018, có khoảng 1.8 triệu lưới stent được sử dụng.

Để chuẩn bị cho phẫu thuật thông tim, bệnh nhân phải theo lời dặn dò của bác sĩ. Nên khai báo cho bác sĩ biết tất cả các thứ thuốc đang uống, cho dù là thuốc phụ, hay thuốc dược thảo. Một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu. Như tất cả các loại giải phẫu, trước ngày làm phẫu thuật, bệnh nhân phải nhịn đói, và có khi nhịn uống nước khoảng 12 tiếng. Lý do, để tránh bị sặc nước hay thức ăn vào trong phổi trong khi gây mê.

Bác sĩ thường phải cho thử máu, nhất là thử tình trạng của trái thận, xem có đủ khả năng lọc và giải trừ thuốc cản quang gọi là contrast giúp X-ray được chính xác hơn.

Nói chung, phương pháp thông tim khá an toàn, ít khi bị nguy hiểm, rắc rối. Tỉ số nguy cơ bị nguy hiểm vào khoảng 5%. Tuy nhiên một số tình trạng sự cố có thể xảy ra như:

1.Chỗ cắt ở háng hay cổ tay có thể bị chảy máu không cầm lại.

2.Mạch máu bị hư hại, kể cả mạch máu thận do phản ứng phụ của thuốc cản quang contrast.

3.Bị dị ứng với thuốc contrast.

4.Bị đau ngực.

5.Bị rối loạn nhịp tim.

6.Chỗ nghẽn không thông được phải tiến hành mổ tim cấp kỳ.

7.Bị tai biến não, hay bị đột quỵ tim.

8.Bị rách động mạch.

9.Bị tử vong.

10.Cuối cùng, luôn luôn có nguy cơ chỗ nghẽn bị ngẽn trở lại.

\"\"
(Hình minh họa: Getty Images)

Thường thường, người cao tuổi, nguy cơ bị tăng cao hơn. Ngoài ra những người bị bệnh tim nặng, bị nghẽn động mạch nhiều chỗ, hay bị suy thận cũng dễ bị tai biến trong khi làm phẫu thuật.

Sau khi xong phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng. Thường thường, bệnh nhân sẽ ở lại trong bệnh viện từ vài giờ, có khi qua đêm. Sau đó, không được lái xe khoảng 24 tiếng, và không được khiêng vác vật nặng trong vòng một vài tuần. Bệnh nhân có thể đi làm trở lại trong vòng một tuần, tùy theo lời khuyên của bác sĩ.

Tổng quan, phẫu thuật thông tim tương đối ít bị nguy hiểm so với mổ tim. Ở Mỹ, trung bình có khoảng 1.2 triệu ca thông tim được tiến hành mỗi năm. Bác sĩ thường khuyên làm phẫu thuật thông tim một khi có vấn đề với hệ thống động mạch vành tim.

Tuy vậy, một nghiên cứu mới đây nhất, trong Tháng Mười Một, 2019, từ trường Đại Học Y Khoa New York University Grossman School of Medicine, cho biết, các phương pháp thông tim và ngay cả giải phẫu tim để ghép nối động mạch vành, vẫn không có hiệu quả bằng thuốc men và thay đổi nề nếp sống. Nói chung, các phương pháp nầy chỉ tốn tiền, tốn công, nguy hiểm, nhưng chẳng có lợi gì hơn so với uống thuốc, ăn uống cẩn thận, và… tập thể dục đều đặn!

Bài Liên Quan

Leave a Comment