Nỗ lực giảm căng thẳng Hàn-Nhật tại Thành Đô
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn tại kỳ họp thượng đỉnh cam kết thúc đẩy quan hệ tài chính giữa các nước.
Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi tạo một khu vực tự do thương mại giữa ba quốc gia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In tái xác nhận sự ủng hộ dành cho chương trình Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Trung Quốc đề xuất.
Cả ba nước đã nhấn mạnh nhu cầu cần tiếp tục đối thoại quanh mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn.
Bên lề cuộc họp thượng đỉnh đang được tổ chức tại Thành Đô, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Nam Hàn và Nhật Bản cũng đã gặp nhau nhằm nỗ lực cải thiện quan hệ sau một giai đoạn khó khăn trong quan hệ song phương.
Các tranh chấp quanh vấn đề thương mại và bồi thường sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai đã làm tổn hại quan hệ trong những tháng gần đây.
Đây là lần gặp chính thức đầu tiên giữa hai nước trong thời gian hơn một năm qua.
Ông Moon và ông Abe đã gặp nhau trong 45 phút, dài hơn thời gian 30 phút dự kiến.
Ông Moon nói rằng ông hy vọng các khác biệt sẽ sớm được giải quyết thông qua đối thoại, bởi hai nước có một mối quan hệ không thể tách rời, \”kể cả khi có những lúc có thể không thật dễ chịu\”.
Nhưng ông Abe lại có lời lẽ cứng rắn hơn, nói rằng Seoul phải chịu trách nhiệm đưa ra các biện pháp giải quyết tranh cãi song phương.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề Bắc Hàn giữa lúc có quan ngại là Bình Nhưỡng đang có kế hoạch \”quà tặng Giáng Sinh\” – điều mà các phân tích gia tin rằng có thể sẽ là một lần thử tên lửa – nếu như Mỹ không chịu nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân.
Một hình ảnh vệ tinh mới được đưa ra trong mấy ngày gần đây cho thấy có một cấu trúc mới đang được xây dựng ở địa điểm nơi Bắc Hàn sản xuất các thiết bị quân sự phục vụ cho việc phóng tên lửa tầm xa.
Vì sao quan hệ Nam Hàn – Nhật Bản xấu đi?
Năm 2018, tòa án Nam Hàn ra lệnh cho một hãng Nhật phải bồi thường cho người Nam Hàn bị hãng này cưỡng bức lao động trong thời gian Đại chiến Thế giới thứ hai.
Vấn đề đã khiến nhiều người ở Nam Hàn giận dữ, và nhiều người tẩy chay hàng Nhật. Một người thậm chí đã đập phá chiếc xe hơi Nhật của mình.
Chủ đề này cũng làm bùng lên những căng thẳng quanh nhóm các hòn đảo cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.
Chính phủ Nhật cương quyết giữ lập trường, nói toàn bộ các vấn đề bồi thường chiến tranh đều đã được dàn xếp bằng thỏa thuận 1965, vốn là cơ sở để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.
Sau đó, trong tháng 8/2019, Nhật tuyên bố sẽ xóa bỏ quy chế đối tác thương mại ưu đãi dành cho Nam Hàn, và áp chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực điện tử quan trọng của nước này – mảng mang tính sống còn cho các công ty Nam Hàn như Samsung.
Seoul sau đó tuyên bố vì việc trên, họ quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo.
Tuy nhiên, Nam Hàn đã hủy bỏ quyết định này vào tháng trước.
Lịch sử phức tạp
Hai quốc gia vốn có quá trình quan hệ phức tạp.
Ít nhất là từ hồi Thế kỷ 7, hai nước vào lúc này lúc khác đã xảy ra giao tranh.
Năm 1910, Nhật sáp nhập Triều Tiên, biến vùng lãnh thổ này thành thuộc địa của mình.
Vào cuối thập niên 1930, Nhật bắt đầu cưỡng bức người dân làm việc trong các nhà máy và hầm mỏ, hoặc phải đi lính.
Nhật cũng gửi hàng chục ngàn phụ nữ trên toàn châu Á, mà nhiều người là dân Triều Tiên, tới các nhà thổ quân đội để phục vụ binh lính Nhật.
Sự cai trị của Nhật tại Triều Tiên chấm dứt vào năm 1945 khi Nhật bại trận.
Nhưng phải mất đến 20 năm sau đó, Tổng thống Nam Hàn Park Chung-hee mới đồng ý bình thường hóa quan hệ với Nhật để đổi lấy hàng trăm triệu đô la tiền vay và tài trợ.