Trung Quốc xây sân bay trong rừng ở Campuchia nhằm mục đích gì?
24/12/2019
Một đường băng giữa rừng đang khơi dậy nhiều nghi ngờ về ý đồ của Trung Quốc đối với Campuchia và tham vọng quân sự của nước này trong khu vực. Theo một bài báo đăng trên báo New York Times thì phi đạo chạy dài ‘như một vết sẹo’ qua nơi từng là một khu rừng già hoang sơ ở vùng tây nam Campuchia.
Một khi hoàn tất vào năm tới trên một dải bờ biển hẻo lánh, Sân bay Quốc tế Dara Sakor sẽ có đường băng dài nhất nước. Cách đó không xa, các công nhân đang đốn cây trong một công viên quốc gia để mở đường cho một cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu chiến.
Công ty Trung Quốc xây cảng và phi đạo nói các cơ sở này chỉ được sử dụng vào các mục đích dân sự. Nhưng quy mô của thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai tại Dara Sakor –bao gồm 20% bờ biển Campuchia trong thời gian 99 năm, đã làm nhiều người nghi ngờ.
Các hoạt động tại Dara Sakor và các dự án khác của Trung Quốc ở gần đó đang làm dấy lên lo ngại là Bắc Kinh có kế hoạch biến quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này thành một tiền đồn quân sự.
Những công trình xây dựng trước đó của Trung Quốc trên các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, trên khắp Ấn Độ Dương và xa hơn, tới căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở nước ngoài tại Djibouti, quốc gia vùng Sừng châu Phi – đã gióng lên hồi chuông báo động về tham vọng quân sự của Trung Quốc vào một thời điểm khi mà sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực đang suy yếu.
Được biết đến như ‘chuỗi ngọc trai, , chiến lược quốc phòng của Trung Quốc có thể được nhiều lợi thế từ ‘viên ngọc quý’ Campuchia.
Tờ New York Times trích lời Tiến sĩ Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Occidental ở Los Angeles, đặt nghi vấn: Tại sao người Trung Quốc xuất hiện ở giữa một khu rừng để xây một đường băng? Tiến sĩ Ear tự trả lời: “Điều này sẽ cho phép Trung Quốc phóng sức mạnh không quân của mình trên trên khắp khu vực và thay đổi toàn bộ luật chơi.”
Campuchia, nước từng nhận được sự giúp đỡ hào phóng của phương Tây sau khi vùng nông thôn nước này bị tàn phá trong Chiến tranh Việt Nam, trước đây được coi như một nước nằm sâu trong quỹ đạo chính trị dân chủ phương Tây.\”Tại sao người Trung Quốc xuất hiện giữa một khu rừng ở Campuchia để xây một đường băng? Vì nó cho phép Trung Quốc phóng sức mạnh không quân trên trên khắp khu vực, và thay đổi toàn bộ luật chơi.”Tiến sĩ Sophal Ear, nhà khoa học chính trị tại Đại học Occidental ở Los Angeles,.
Nhưng với tham vọng trở thành lãnh đạo nắm quyền lâu nhất Châu Á, Thủ tướng Hun Sen đã quay lưng với các cuộc bầu cử tự do và nền pháp trị. Ông ta mạnh mẽ đả kích Hoa Kỳ và quay sang sưởi ấm quan hệ Trung Quốc, hiện là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.
Các quan chức quân sự Mỹ cho biết là tiếp tục đi xuống dọc theo bờ biển từ Dara Sakor, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận độc quyền để mở rộng một căn cứ hải quân Campuchia hiện có, dù Bắc Kinh một mực phủ nhận là họ có ý đồ quân sự ở Campuchia.
Trung tá Dave Eastburn, người phát ngôn của Lầu Năm Góc nhận định qua email với báo NYT: “Chúng tôi lo ngại đường băng và các cơ sở của bến cảng tại Dara Sakor đang được xây dựng trên quy mô lớn đủ để có thể được dùng vào các mục đích quân sự, vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện tại và các hoạt động thương mại như dự kiến.”
Trung Tá Eastburn nói: “Bất kỳ bước nào của chính phủ Campuchia, mời chào sự hiện diện quân sự của nước ngoài, cũng sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.”
Một báo cáo của tình báo Mỹ công bố trong năm nay nêu lên khả năng Campuchia đang rơi vào chế độ chuyên chế giữa lúc ông Hun Sen siết chặt quyền lực nắm trong tay trong suốt 34 năm qua, dẫn đến sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại nước này.
Ông Hun Sen phủ nhận ông đang để cho quân đội Trung Quốc thiết lập sự hiện diện ở Campuchia. Chính phủ của Hun Sen tuyên bố đường băng và cảng Dara Sakor sẽ biến khu rừng nhiệt đới hẻo lánh trở thành một trung tâm hậu cần toàn cầu, có thể ‘tạo ra những phép lạ’, như chương trình quảng cáo Dara Sakor nói.
Một người phát ngôn của chính phủ Campuchia, Pay Siphan, khẳng định:
“Sẽ không có mặt quân đội Trung Quốc ở Campuchia, không hề có, Ai nói có là bịa đặt.”
Ông nói có lẽ “người da trắng muốn kiềm giữ Campuchia” bằng cách ngăn nỗ lực phát triển kinh tế của nước này.”