Đưa tay che trời, thói mị dân không cần che dấu

Đưa tay che trời, thói mị dân không cần che dấu

23/12/2019


\"Ảnh
Ảnh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/9/2019.

Trong những ngày gần đây Hà Nội sống trong không khí mù mịt như bị sương mù đậm đặc bao phủ. Người dân lo lắng nhưng không có phương pháp nào phòng chống lại đám bụi ấy. Cái khẩu trang thô sơ có lẽ là vũ khí duy nhất làm cho người Hà Nội an tâm một chút khi ra phố sinh hoạt mặc dù đa số biết rằng đối với loại bụi mịn hàm lượng PM2.5 thì cái khẩu trang mỏng dính của họ chỉ là miếng vải trang trí cho nỗi sợ hãi đang mỗi ngày một lớn.

Chính quyền Hà Nội chừng như bị bao vây bởi hàng ngàn câu hỏi và những trả lời lấp lửng của cấp thẩm quyền càng gây bức xúc cho người dân hơn là tạo cảm giác tin tưởng cho họ. Cách đây ít lâu ông Vũ Đăng Định – người phát ngôn UBND TP Hà Nội, đưa ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: “khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Định còn cho biết các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.”

Trong tất cả nguyên nhân gây cho Hà Nội phủ dày một màn bụi mà ông Định đưa ra không có nguyên nhân nào thuyết phục. Người dân chỉ cần nhìn sang những thành phố của các nước như Bangkok hay Phnom Penh có nước nào không có những sinh hoạt giống như Hà Nội nhưng không khí của họ có dày đặc bụi như Hà Nội đâu. Không nói đâu xa, ngay tại chính thủ đô này chưa khi nào người dân ngưng các sinh hoạt như vừa nói nhưng hàng trăm năm nay làm gì có hiện tượng bụi mù che phủ như bây giờ?

Có lẽ thấy những nguyên nhân mà người phát ngôn của UBND TP Hà Nội đưa ra chưa thuyết phục, trong cuộc họp chiều 19/12 về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nêu ra hàng loạt nguyên nhân và giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường trong đó Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phương tiện giao thông là một trong số những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, Bộ TN&MT đề xuất xe từ ngoại tỉnh phải rửa sạch trước khi vào Hà Nội!

Điều đáng chú ý tuy là cuộc họp giải pháp cấp bách kiềm soát chất lương mội trường là cuộc họp quan trọng và được trông đợi bởi những ngày qua, các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM luôn ở ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân nhưng chính ông Trần Hồng Hà cho rằng báo chí sẽ loan tin vấn đề này một cách đồng bộ sẽ gây tác hại cho nhận thức của người dân vì vậy ông không cho phép báo chí tham dự cuộc họp sau 15 phút bắt đầu.

Hành động này của ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho thấy hai vấn đề còn tồn tại trong chính phủ Việt Nam hiện nay. Thứ nhất là quan liêu thứ hai là thiếu minh bạch.

Báo chí bị xem là công cụ tuyên truyền của nhà nước chứ không phải là cơ quan truyền thông trung thực nhằm phản biện những chính sách sai trái của nhà nước nên bất cứ cơ quan nào cũng có quyền hành xử như ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhằm che đậy những gì mà nhà nước không muốn người dân biết tới.

Thiếu minh bạch từ chuyện lớn tới chuyện nhỏ là thói quen, tập quán của cả hệ thống. Trong vai trò Bộ trưởng TN&MT ông Trần Hồng Hà biết như trong lòng bàn tay nguyên do xảy ra vấn đề bụi mịn xuất phát từ tham vọng phát triển không bền vững của các nhà máy điện than trên khắp nước mà Thủ đô Hà Nội là nạn nhân lớn nhất trong tất cả các đô thị trong Nam ngoài Bắc.

Cả hệ thống chính quyền không hề nhắc tới nguyên nhân gây ra bụi mịn đến từ các nhà máy điện than chung quanh Hà Nội mới là nguồn cơn gây ô nhiễm không khí hiện nay. Theo số liệu được các chuyên gia môi trường công bố hồi gần đây thì chung quanh Hà Nội có đến 20 nhà máy điện than đang hoạt động có công suất lớn. Theo Giáo sư Nghiêm Trung Dũng hiện đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội thì phần lớn các nhà máy này mới chỉ có thiết bị xử lí bụi thường, một số có khả năng xử lí SO2, chưa có nhà máy nào có thiết bị xử lí NOx. NOx là tên gọi chung của nhóm khí thải ni tơ oxit – một trong những loại khí thải cực độc gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, và là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính và gây ra mưa axit cũng như bụi mịn.

Không cần phải học hỏi đâu xa, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc có thể ngồi ngay tại Hà Nội, gõ vào Google về ô nhiễm bụi mịn PM2.5 sẽ có ngay bài học từ Bắc Kinh nơi từng có những ngày tháng thê thảm vì bụi mịn bao phủ như Hà Nội đang chịu đựng.

Bắc Kinh không phải như Hà Nội nên họ không đưa ra những lý do khôi hài như chính quyền của ngàn năm văn vật. Bắc Kinh biết ngay bụi mịn đến từ khí thải của nhà máy điện than và tuyên chiến với nạn ô nhiễm không khí từ năm 1998 nhưng phải đến năm 2013, thủ đô Trung Quốc mới thực sự hành động với các biện pháp mạnh tay và đồng bộ. Nhà máy điện than cuối cùng ở Bắc Kinh đã được đóng cửa vào tháng 3/2017 trong nỗ lực cải thiện bầu không khí ở thủ đô Trung Quốc.

Trong 5 năm từ 2013 đến 2017, hàm lượng PM2.5 (bụi mịn có đường kính 2,5 micromet trở xuống) đã giảm 35%, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP)

Không phải chỉ Bắc Kinh mới biết tầm nguy hại của nhà máy điện than, Hàn Quốc cũng xác định vai trò của các nhà máy điện than đã làm không khí của nước này đã có dấu hiệu ô nhiễm, và hành động cụ thể của Seoul là có thể đóng cửa tới 15 nhà máy điện than ở nước này từ tháng 12 tới tháng 2/2020 để hạn chế ô nhiễm không khí.

Còn Việt Nam thì sao?

Lý do mà các cấp chính quyền che dấu tuyệt đối sự nguy hại của các nhà máy điện than trên toàn quốc, điển hình tại Hà Nội hiện nay, vì không ai dám thừa nhận sai lầm của cả bộ máy khi thi nhau ôm trọn các nhà máy điện than đã phế đi của Trung Quốc về Việt Nam sử dụng. Không những vậy hàng năm một số tiển kết sù vẫn được trả cho Trung Quốc đề nhập than về cho các nhà máy hoạt động. Số tiền ấy chắc chắn không phải chỉ trả cho Trung Quốc mà thôi, chúng còn được bùa phép tăng lên nhiều lần cho các cấp có “quan tâm” đến thương vụ bạc tỷ này.

Chình quyền Việt Nam nói chung và UBND TP Hà Nội nói riêng đang cố lấy tay che trời thay vì nhìn nhận sự thật. Bàn tay nào đủ lớn để khỏa lấp hàng tấn bụi mịn trong không khí đang giết lần mòn người dân yếu đuối không những từ thiên nhiên mà còn từ sức mạnh của đồng tiền đến từ Trung Quốc?

  • Mặc LâmNhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau. Các bài viết của Mặc Lâm là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment