Trần Quang Thành: Hồng Kông thắp lửa cho dân chủ Trung Quốc Đại Lục
Thứ Năm, 26 Tháng Mười Hai 20193:00 SA
Hội thảo “Thế giới phản bức hại ngăn chặn ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) tàn bạo, hưởng ứng làn sóng thoái Đảng” đã diễn ra tại Tại trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 10/12. Ông Trần Quang Thành, một luật sư nhân quyền nổi tiếng và là học giả thỉnh giảng tại Trung tâm nghiên cứu chính sách công tại Đại học Công giáo Mỹ, đã có bài thuyết trình tại hội thảo. Cùng ngày, phóng viên của tờ Vision Times đã có buổi phỏng vấn riêng với ông Trần Quang Thành về tình hình hiện tại ở Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Dưới đây là phần nội dung phỏng vấn.
Phóng viên: Trong chiến dịch biểu tình vì dân chủ của người dân Hồng Kông kéo dài hơn nửa năm qua, những người tranh đấu bất chấp bị bắt bớ đánh đập hoặc thậm chí bị giết hại mà vẫn không lùi bước, kiên định yêu cầu Chính phủ Hồng Kông phải đáp ứng năm yêu cầu quan trọng nhất, ông có thể chia sẻ cách nhìn về về cuộc đấu tranh này?
Trần Quang Thành: Nếu lần này quyền bầu cử phổ thông kép đích thực (bầu Trưởng Đặc khu và Hội đồng Lập pháp) không được thực thi tại Hồng Kông thì không thể giải quyết được bất ổn thảm họa ở Hồng Kông; các vấn đề còn lại cũng có căn nguyên từ vấn đề này, do đó vấn đề mấu chốt là quyền bầu cử phổ thông đích thực.
Khi giải quyết vấn đề này thì tình hình Hồng Kông có thể tạm thời bình ổn, nhưng nếu chế độ độc tài cộng sản không sụp đổ thì chúng vẫn có thể tùy tiện dùng thủ đoạn bạo lực hoặc cách thức đê tiện khác để phá hoại pháp trị, dân chủ và tự do của Hồng Kông. Do đó, tóm lại là khi nào ĐCSTQ chưa sụp đổ thì chưa ai được an toàn, không chỉ có Hồng Kông mà cả Mỹ cũng không thể thoát khỏi số phận bị ĐCSTQ xâm nhập phá hoại.
Cách tiếp cận lần này của ĐCSTQ ở Hồng Kông đã vô dụng, bao nhiêu năm qua ĐCSTQ đã cài cắm vô số thân tín tại Hồng Kông nhằm gây ảnh hưởng sâu sắc toàn diện đối với Hồng Kông nhưng đã hoàn toàn thất bại, đặc biệt rõ nhất là trong bầu cử Hội đồng quận vừa qua, điểm nhấn trước đó là sự thất bại của lập pháp Điều 23 tại Hồng Kông liên quan đến cái gọi là an ninh quốc gia của ĐCSTQ. Nếu ĐCSTQ tiếp tục sử dụng những con người cũ tại Hồng Kông, sẽ không thể kiểm soát được Hồng Kông thông qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hiện nay. Liệu họ có thể dựa vào chiến tranh? Rõ ràng hiện nay ĐCSTQ không dám hành động như vậy.
Mọi người đều có thể thấy, sự can thiệp kịp thời của Quốc hội Mỹ với việc kịp thời ban hành “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông” đã thể hiện rõ thái độ của phương Tây. Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan là ông Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) cũng khẳng định rõ, nếu ĐCSTQ đàn áp Hồng Kông thì họ sẽ đứng về phía Hồng Kông. Mặc dù ông đề nghị chăm sóc nhân đạo cho người vô gia cư, nhưng ở đây rõ ràng là ông muốn sát cánh cùng các nước dân chủ phương Tây và Mỹ để hỗ trợ Hồng Kông, lần này ĐCSTQ lại bị hóc thêm xương, đó là một số kết quả chúng ta đã thấy được.
Ngoài ra còn có kết quả vô hình khác, đó là phong trào ở Hồng Kông đã giúp có thêm nhiều người dân Trung Quốc Đại Lục thức tỉnh, trước đây không mấy ai bất đồng hoặc thức tỉnh vì hệ quả hàng chục năm bị ĐCSTQ tuyên truyền nhồi sọ một chiều và phong tỏa tiếng nói phản biện. Thế giới bên ngoài phổ biến cho rằng ĐCSTQ nuôi đội ngũ dư luận viên lên mạng internet kiểm soát dư luận và dùng tường lửa ngăn chặn thông tin phản biện phát huy tác dụng lớn, nhưng thực ra chưa hẳn, vì xu thế thức tỉnh của người Trung Quốc là không thể đảo ngược, không có cách nào để ĐCSTQ kéo được người dân Trung Quốc đi thụt lùi, có thể vững tin vào cỗ máy truyền thông trung ương của chúng, thứ duy nhất hiện giờ ĐCSTQ có thể dựa vào là dùng bạo lực để duy trì quyền lực, nhưng điều này có lâu bền không? Khi xảy ra biến cố lớn, khi nội bộ ĐCSTQ chia rẽ nhiều phe phái, và khi các phe phái trong ĐCSTQ ám hại lẫn nhau, khi đó sức mạnh của quần chúng sẽ trỗi dậy.
Ở Trung Quốc Đại Lục hiện nay người ta có thể bị cơ quan chức năng bắt giữ chỉ vài dòng tin nhắn nhạy cảm nào đó, trong bối cảnh này thì người ta chỉ có thể thảo luận tình hình Hồng Kông trong không gian riêng tư, từ quan điểm này tôi nghĩ rằng người Hồng Kông đã thắp lên ngọn lửa dân chủ ở Trung Quốc.
Tại Mậu Danh tỉnh Quảng Đông, đông đảo người dân đã hô hào khẩu hiệu “Khôi phục Mậu Danh”, rõ ràng khẩu hiệu này học theo Hồng Kông. Trong trái tim của người Trung Quốc Đại Lục, mồi lửa tự do đã được chiến dịch biểu tình vì nhân quyền ở Hồng Kông thắp lên, chỉ cần có thời cơ thuận lợi là sẽ bùng lên với sức mạnh không gì cản được. Do đó tôi nghĩ Hồng Kông là khu vực chuyển tiếp của dân chủ và chuyên chế, bất kể bình diện chính trị hay địa lý, hiện nay cộng đồng quốc tế đã tập trung sự chú ý vào Hồng Kông, tiếp theo tin rằng xu thế toàn thế giới tẩy chay ĐCSTQ sẽ dần phát triển mạnh mẽ hơn.
Phóng viên: Hôm 24/11, trong lần trả lời phỏng vấn “60 phút” tại Úc, cựu điệp viên Vương Lập Cường của ĐCSTQ cho biết rằng, “Đài Loan là công việc quan trọng nhất của chúng tôi”, có thể thấy đặc vụ ĐCSTQ thâm nhập sâu vào các tổ chức truyền thông, cơ sở tôn giáo… Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trần Quang Thành: Thông tin mà Vương Lập Cường chỉ ra là không đáng ngạc nhiên, vào năm 2013 khi tôi đến thăm Đài Loan đã có một số thông tin về tôi, nhiều tổ chức truyền thông mà bề ngoài tưởng như là truyền thông tự do nhưng im lặng.
Cho đến khi chúng tôi chứng kiến chuyện họ tham gia vào bầu cử trong Hội đồng Lập pháp và tranh chức Chủ tịch, tôi đã trả lời phỏng vấn và nói về một số vấn đề dân chủ Trung Quốc, trong đó vấn đề “một quốc gia, hai chế độ” là điểm kích thích, ranh giới là sông Trường Giang, sông Hoàng Hà, nếu mọi người tiếp thu như thế nào thì thúc đẩy lên phía bắc và cả Đài Loan như vậy, ĐCSTQ nên thử những lựa chọn như vậy để xem người dân lựa chọn như thế nào.
Nhiều tổ chức truyền thông Đài Loan cho rằng Trần Quang Thành cổ xúy “một quốc gia, hai chế độ”. Lúc đó tôi biết rằng Đài Loan đã bị ĐCSTQ xâm nhập rất nghiêm trọng. Đài Loan vừa mới tiến tới dân chủ, năng lực của hệ thống cũng như những cá nhân trong đó còn chưa thuần thục. Ví dụ chuyện gặp mặt giữa tôi và Viện trưởng Viện Lập pháp Đài Loan Vương Kim Bình vốn là chuyện tốt nhưng đột nhiên bị hủy bỏ, lúc đầu cả tòa án và viện kiểm sát ở Đài Loan đã chuẩn bị cho buổi gặp, đã kích hoạt, nhưng sau đó họ đã bị hủy bỏ. Nghĩa là có xen vào của Quốc dân đảng.
Qua trường hợp này có thể thấy, cái khung dân chủ bên ngoài của Đài Loan đã được dựng lên, nhưng để trưởng thành trong bề sâu văn hóa thì cần một thời gian, để người ta thực sự có suy nghĩ và tư tưởng độc lập. Chỉ có thể nhìn rõ trưởng thành về dân chủ Đài Loan trong trường hợp, giả sử có vài quan điểm của đảng phái bạn tham gia mà bạn không tán thành thì bạn có quyền chọn quan điểm của bạn.
Nhắc đến chuyện cài người xâm nhập của ĐCSTQ, đừng kể Đài Loan mà ngay cả Mỹ cũng bị người của ĐCSTQ xâm nhập với mức độ khủng khiếp. Trong những năm gần đây ĐCSTQ đã thao túng nhân sự với mức độ khá cao tại Đài Loan thông qua cây gậy kinh tế, lợi ích kinh tế. Do đó tôi cảm thấy Đài Loan đã bị ĐCSTQ thâm nhập kiểm soát, làm tinh hình tồi tệ đi, phá hủy nền dân chủ của Đài Loan, những gì chúng ta trông thấy và nghe thấy có thể chỉ là một phần nhỏ, vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết rõ.
Khi tôi ở trong tù, tại đó tôi thấy ĐCSTQ đã bắt ba người từ Đài Loan, một trong số họ bị kết án tử hình vì làm gián điệp cho Đài Loan. Một người khác bắt tay với một số quan chức ĐCSTQ để kiếm tiền tại thị trường Trung Quốc Đại Lục, sau này xảy ra mâu thuẫn và quan chức ĐCSTQ đã tống ông ta vào tù. Cần hiểu rằng, trong quan hệ với người của ĐCSTQ, chỉ cần bạn có cách nghĩ tưởng tin vào ĐCSTQ là bạn sẽ thất bại, vấn đề bị xui xẻo chỉ là vấn đề thời gian, không nên ôm ấp bất cứ hy vọng gì vào chế độ tà ác của ĐCSTQ.
Phóng viên: Ông từng trao đổi với Viện trưởng Hành chính Lại Thanh Đức và Tổng thống Thái Anh Văn?
Trần Quang Thành: Khi đến Đài Loan tôi đã gặp họ, về bối cảnh của Tổng thống Thái Anh Văn thì tôi không phải nói nhiều, tóm lại chúng tôi không gặp nhau công khai mà chỉ gặp riêng tư, Tổng thống Thái Anh Văn cho trợ lý bố trí mời tôi đi dùng bữa, trong quá trính đó chúng tôi trao đổi với nhau, khoảng thời gian không dài lắm, tôi thấy Thái Anh Văn nhận thức rất rõ ràng về dân chủ của Đài Loan, trình độ của người dân Đài Loan về dân chủ, sự cạnh tranh giữa hai đảng tại Đài Loan và trong nội bộ đảng của họ.
Tôi cảm thấy vấn đề duy nhất của Thái Anh Văn là bước chân ra ngoài khuôn khổ chưa đủ lớn, nghĩa là đối với ĐCSTQ bà ấy chưa đủ cứng rắn, chưa thấy rõ rằng Đài Loan là một thành viên của gia đình dân chủ, phải sát cánh với các nước dân chủ chống lại chính quyền độc tài, trong vấn đề này phải thể hiện thái độ rõ ràng. Chỉ với một thái độ rõ ràng như vậy, cộng đồng quốc tế mới có thể thuận tiện hơn để sát cánh với Đài Loan, có thể thuận tiện hơn để hỗ trợ Đài Loan. Bạn không nên có thái độ mơ hồ ba phải. Đối với Đài Loan thì không nên chọn cách không kết liên minh, cho nên tại thời điểm này tôi khuyến khích Đài Loan thể hiện rõ ràng thái độ, Đài Loan không chỉ đi theo con đường dân chủ mà còn cần lấy lại toàn bộ vùng đất đã mất thì mới xem là có con đường lý tưởng.
Tôi đã gặp Lại Thanh Đức nhiều lần ở Đài Loan, trao đổi nhiều và nói chuyện rất nhiều, tôi nghĩ Lại Thanh Đức là người rất thông minh và suy nghĩ thấu đáo, tôi cho rằng chuyến đi Mỹ vừa qua của ông ấy có tác dụng rất lớn đối với hướng đi của Đài Loan. Quan trọng nhất là nền dân chủ Đài Loan sẽ hạn chế được bị ĐCSTQ xâm nhập và làm xói mòn, sẽ ngày càng tốt hơn, nếu vấn đề này không giải quyết được thì sẽ đối mặt với rắc rối lớn. Nhưng để thay đổi được một cách triệt để thì cũng không thể.
Phóng viên: Gần đây, có nguồn tin từ truyền thông Nhật Bản nhận định rằng có thể xảy ra vụ ám sát ứng cử viên Tổng thống Đài Loan, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Trần Quang Thành: Trừ khi ĐCSTQ không muốn sống, họ có thể hành động như vậy nếu nhận thấy khả năng chuẩn bị mất mất quyền lực, nếu họ không có cảm nhận như vậy thì chuyện ám sát này sẽ không thể xảy ra.
Nếu trước đây từng có một số người đã bị ĐCSTQ hạ bệ, mua chuộc, đồng ý làm việc cho ĐCSTQ, nhưng trong một số trường hợp thì họ lại không làm theo, còn ĐCSTQ sẽ xem vấn đề này như một phần của mâu thuẫn nội bộ, có thể có những hành động nào đó đối với họ, cụ thể là gì thì rất khó biết. Nhưng việc ĐCSTQ thù địch và phá hủy nền dân chủ của Đài Loan với ĐCSTQ ám sát ứng viên Tổng thống Đài Loan là những vấn đề rất khác nhau.
Giữ tâm thái cảnh giác là rất cần thiết, loại chính quyền tàn ác như ĐCSTQ thì không chuyện xấu gì không dám làm, vấn đề này chúng ta phải nhận rõ ràng, vì vậy chúng ta cần thiết phải có biện pháp phòng ngừa.
Hiện nay cộng đồng quốc tế đang chú ý đến việc hỗ trợ Hồng Kông, một số kế hoạch chống lại ĐCSTQ đã đặt trên bàn. Theo tình thế hiện nay cho thấy ĐCSTQ sẽ không ngu ngốc làm như vậy. Vì không lẽ ám sát ứng viên Tổng thống lại giúp thay đổi được nền dân chủ Đài Loan? Đây là điểu không thể. Trái lại làm thế càng củng cố nền dân chủ của Đài Loan mạnh hơn, khiến mọi người càng căm ghét chế độ chuyên chế cộng sản.
Phóng viên: Tương lai dân chủ Hồng Kông sẽ diễn biến như thế nào?
Trần Quang Thành: Ít nhất là Hồng Kông có thể giành được quyền bầu cử phổ thông đích thực đối với Trưởng Đặc khu và Hội đồng lập pháp, một trong những kết quả tốt nhất là dưới áp lực toàn cầu sẽ làm cho chế độ ĐCSTQ sụp đổ, giúp Trung Quốc bắt đầu xây dựng nền dân chủ, pháp trị. Còn trong chuyện các nước khác nghiên cứu [ban hành luật noi theo] Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông hoặc Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnisky, tôi cảm thấy có nhiều vấn đề không ngừng nổi lên, ví dụ vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan còn có thể nhạy cảm hơn việc tung ra những dự luật này, đối với ĐCSTQ thì những vấn đề mới nhạy cảm này sẽ khiến những vấn đề trước đó không còn nhạy cảm nữa.
Hiện nay Mỹ nắm giữ rất nhiều dữ liệu về tài sản của các quan chức ĐCSTQ, nếu công bố thì điều gì sẽ xảy ra với ĐCSTQ? Đáng mừng là hiện nay không phải chỉ có Mỹ làm tất cả mọi việc, các quốc gia dân chủ toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã hình thành liên minh ngầm để âm thầm cùng nhau hành động. Thụy Sĩ là một minh chứng, đã tra khảo danh sách 100 người giàu của ĐCSTQ gửi tiền vào Thụy Sĩ xem nguồn tiền của những người này lấy từ đâu? Giai cấp vô sản sao lại giàu vậy?
Qua thực tế này , chúng ta có thể hiểu rằng, ở một mức độ nhất định, các nước dân chủ đã tiết lộ thông tin về tài sản cá nhân của quan chức ĐCSTQ giấu ở nước ngoài, đây cũng là biện pháp khiến quan chức ĐCSTQ rất lo ngại, điều này không chỉ do Mỹ thực hiện, mà được nhiều nước hậu thuẫn cùng làm, mỗi nước có những biện pháp khác nhau. Về mặt quân sự đã có NATO thể hiện rõ quan điểm, cái hay của vấn đề này là không phải hành động của Mỹ khiến Mỹ tiến tới trở thành kẻ thù duy nhất của ĐCSTQ, mà trái lại ĐCSTQ đã trở thành kẻ thù của nhân dân các nước dân chủ trên toàn thế giới, là kẻ thù chung của nhân loại.
Phóng viên: Phe nào sẽ thắng trong bầu cử Đài Loan?
Trần Quang Thành: Cho đến nay thì tình hình Đài Loan không thấy có gì thay đổi.
Tuyết Mai (Theo Vision Times)