Chứng khoán tăng vọt: Nhân loại \’\’trên miệng núi lửa\’\’

Chứng khoán tăng vọt: Nhân loại \’\’trên miệng núi lửa\’\’

Đăng ngày: 30/12/2019 – 15:52

\"Thị
Thị trường chứng khoán Wall Street, New-York. © RFI/Ariane Gaffuri

Trọng Thành

Vào ngày áp cuối năm 30/12/2019 này, sự khởi sắc bất thường của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm qua – mang lại nhiều hy vọng nhưng cũng chứa đầy lo âu về các hiểm họa – là tựa lớn của trang nhất nhiều nhật báo Pháp. Le Figaro chạy tựa : \’\’Chứng khoán Paris kết thúc năm 2019, cao nhất từ 12 năm nay\’\’. Trang nhất Les Echos : \’\’Tất cả các thị trường chứng khoán toàn cầu đều ở đỉnh cao. Wall Street phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác trong năm nay\’\’. Le Figaro có bài xã luận \’\’Trên miệng núi lửa\’\’.

Les Echos cho biết cụ thể : \’\’Một vài ngày trước khi năm cũ khép lại, các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt là 29%, 23% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái\’\’. Tình hình tại Trung Quốc và các quốc gia đang trỗi dậy khác cũng được đánh giá là tương tự như châu Âu và Mỹ.

Les Echos có bài xã luận : \’\’Chứng khoán, sự phối hợp của nhiều nhân tố thuận lợi\’\’ nhấn mạnh, tỉ lệ tăng trưởng chứng khoán ở mức 2 con số cho thấy \’\’niềm tin tưởng vững chắc vào tương lai\’\’ của giới đầu tư. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế Pháp cũng thừa nhận mức độ hoài nghi rất cao trong giới quan sát, và không khí lạc quan cao độ này \’\’dường như không thực sự phản ảnh đúng không khí kinh tế chung, và rất gần với một tình trạng trước cơn bão lớn\’\’. Les Echos ghi nhận không thiếu hàng loạt yếu tố gây lo ngại, như \’\’căng thẳng địa – chính trị khắp nơi, đe dọa chiến tranh thương mại, hay nguy cơ suy thoái kinh tế\’\’… dẫn đến nhận định đầy ấn tượng, được nhiều người chia sẻ, đó là sự tăng vọt của chứng khoán hiện nay rất giống với \’\’chiếc bong bóng\’\’ của con ếch căng mình lên để biến thành con bò, trong chuyện ngụ ngôn, sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào.

Phép lạ

Tuy nhiên, theo Les Echos, cần phải đánh giá đúng những gì ẩn đằng sau sự tăng vọt ngoạn mục của chứng khoán toàn cầu trong năm vừa qua. Thứ nhất là vai trò của các ngân hàng trung ương, ít nhất là 15 ngân hàng đã hạ lãi suất chỉ đạo trong năm 2019, \’\’giảm bớt giá tín dụng\’\’ để hỗ trợ đầu tư là những gì đã được tiến hành từ một thập niên nay. Nhân tố quan trọng thứ hai, theo Les Echos, là vai trò của tổng thống Mỹ Donald Trump, từ khi lên nắm quyền, đã làm mọi thứ để tiếp nối đà tăng trưởng kinh tế có từ thời Obama. Kết quả là Hoa Kỳ đang ở trong \’\’thời kỳ tăng trưởng liên tục dài nhất trong lịch sử\’\’, và các thị trường được hưởng lợi từ xu thế này. \’\’Toàn bộ vấn đề là, liệu trong năm tới, sự kết hợp đầy ma thuật giữa chính sách lãi suất thấp này với những lời lẽ (hô hào đầy lạc quan) của tổng thống Mỹ có đủ để cho chứng khoán toàn cầu tiếp tục đà đi lên hay không\’\’. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 do vậy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Theo Les Echos, khác hẳn bốn năm về trước, lần này đông đảo giới đầu tư tin tưởng ở ông Trump.

Cũng cùng hướng với Les Echos, nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận tính chất ngoạn mục của tăng trưởng chứng khoán bất ngờ trong năm qua. Bài xã luận \’\’Ngồi trên miệng núi lửa\’\’ ghi nhận chứng khoán Paris đạt mức tăng trưởng kỉ lục, và đây là điều đặc biệt bất ngờ, bởi cách nay một năm, thế giới đang trong bối cảnh chiến tranh thương mại, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại, các ngân hàng trung ương đứng trước viễn cảnh phải chấm dứt chính sách cho vay dễ dãi. Bí quyết của tăng trưởng chứng khoán được tóm trong ba điểm: xung đột thương mại không bùng phát, tăng trưởng ít tồi hơn dự kiến và các ngân hàng Mỹ và châu Âu tiếp tục chính sách tín dụng dễ dàng, đặc biệt là châu Âu, với chính sách cho vay với \’\’lãi suất âm\’\’.

\’\’Lãi suất âm\’\’ phá hoại nền kinh tế

Tuy nhiên, Le Figaro cảnh báo, chính sách cho vay dễ dãi này là đầu mối của lo ngại lớn. Theo thuật ngữ của giới tài chính, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng được gọi là Tina (There is no alternative), có nghĩa là chỉ có một giải pháp duy nhất : không có giải pháp nào tốt hơn là đầu tư vào Chứng Khoán. Le Figaro cáo buộc chính sách cho vay dễ dãi này \’\’đang phá hoại cơ chế vận hành bình thường của nền kinh tế\’\’.

Chính sách lãi suất âm đang khuyến khích chính quyền các nước vay mượn để chi tiêu, thổi bùng lên các bong bóng trên thị trường địa ốc. Le Figaro cảnh báo nạn nhân trước hết của chính sách này là những người chọn gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm, chứ không đầu tư vào chứng khoán. Việc chứng khoán được đẩy lên hết kỉ lục này đến kỉ lục khác một cách nhân tạo đặc biệt gây khó khăn cho các ngân hàng bình thường, và các nhà bảo hiểm nơi đang giữ hàng trăm nghìn tỉ euro tiền gửi của khách hàng.

Trước thềm năm mới, Le Figaro bày tỏ một lời nguyện ước, đó là các lãnh đạo ngân hàng hãy thay đổi chiến lược tiền tệ trong năm tới, cho dù có khiến cho giới đầu cơ tài chính phải thất vọng.

Le Figaro cũng có một bài viết khác phân tích kỹ về tính chất nguy hiểm của chính sách \’\’lãi suất âm\’\’ đối với những người gửi tiền tiết kiệm và đầu tư theo những con đường thông thường. Trong tình trạng hiện nay, lãi suất tiền gửi đang tiến tới mức âm, do mức lãi tăng quá thấp, dưới mức lạm phát.

2019 – \’\’Năm kinh hoàng\’\’ với nước Trung Hoa của ông Tập

Về Trung Quốc, Le Monde có bài tổng hợp đáng chú ý, mang tựa đề \’\’2019, ‘năm kinh hoàng’ với Trung Hoa của ông Tập Cận Bình\’\’.

Từ phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, đến vụ rò rỉ tin mật về chính sách đàn áp của Bắc Kinh tại Tân Cương, đối đầu với Hoa Kỳ về thương mại. Hình ảnh Trung Quốc trở nên tồi tệ đi trong năm 2019. Những bê bối của Trung Quốc lộ rõ trước con mắt toàn thế giới. Đối với lãnh đạo Trung Quốc, giờ đây, mỗi biến động nhỏ ở địa phương cũng có thể gây tiếng vang toàn cầu.

Một ví dụ được Le Monde nêu ra là, vụ một số nhân viên của một thư viện ở tỉnh Cam Túc miền tây bắc xa xôi, thể hiện quá mức lòng trung thành với chế độ, bằng cách đối cháy khoảng 60 cuốn sách bị họ cho là \’\’sai lầm về chính trị\’\’. Ngay lập tức làn sóng phẫn nộ quốc tế bùng lên buộc chính quyền địa phương này phải can thiệp, yêu cầu tiến hành điều tra, trước khi trừng phạt một trong những người đốt sách. Vụ đốt sách tại Cam Túc chỉ là \’\’một chuyện hết sức nhỏ nhặt\’\’ so với những gì diễn ra tại Hồng Kông và Tân Cương.

Tại Tân Cương, thoạt tiên việc cầm tù khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chỉ khiến những người bảo vệ nhân quyền và báo giới quan tâm. Tuy nhiên, kể từ đó, đặc biệt từ sau khi hơn 400 trang tài liệu nội bộ về chính sách trấn áp của đảng Cộng Sản lọt ra bên ngoài, cho thấy nội bộ chế độ cộng sản Trung Quốc phân hóa, Quốc Hội Mỹ và Liên Âu đã lên tiếng mạnh mẽ.

Người Hồng Kông biểu tình để tỏ tình đoàn kết với dân Tân Cương là điều mà Le Monde coi là hết sức mới mẻ. Cả hai cuộc khủng hoảng này đều cho cộng đồng quốc tế nhận ra bộ mặt tồi tệ của chế độ Trung Quốc. Ngay cả Hy Lạp, quốc gia đang hưởng nhiều đầu tư của Trung Quốc, chỉ có 51% dân chúng là có thiện cảm với Trung Quốc. Tồi tệ nhất là ở Mỹ, chỉ có 26% người Mỹ ưa Trung Quốc, tụt 12 điểm, trong lúc 60% ghét bỏ. Bất chấp việc Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận đầu tiên cho phép tạm hưu chiến thương mại, năm 2019 trên thực tế không mang lại cải thiện đáng kể nào đối với Trung Quốc trong hồ sơ quan trọng này. Người Trung Quốc có ấn tượng quốc gia này chỉ là \’\’một con tốt\’\’ trong cuộc cờ chính trị của tổng thống Mỹ Donald Trump, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ hai.

Núi nợ công khổng lồ của Trung Quốc được Le Monde đánh giá là một \’\’hố đen khổng lồ\’\’. Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lo ngại về tình trạng này. Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, trong năm 2019, tổng số tiền vay không hoàn trả được các doanh nghiệp công Trung Quốc là gấp ba so với năm ngoái (tương đương 5 tỉ euro). Tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng cao, chính quyền Trung Quốc năm nay còn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề của dịch tả heo, khiến giá của loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc, tăng vọt, góp phần khiến lạm phát tăng theo. Năm 2019 cũng là năm con heo theo lịch cổ truyền của người Hoa.

Hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm do cuộc chiến về thuế, Trung Quốc gia tăng nỗ lực để mở rộng quan hệ trao đổi thương mại với các láng giềng châu Á. Tuy nhiên, Ấn Độ lo ngại hàng Trung Quốc xâm lấn, vừa quyết định rút khỏi cơ chế đối tác kinh tế khu vực do Trung Quốc chủ trì, tiếp theo đó Nhật cũng rút.

Nguyên nhân thất bại dồn dập: Độc tôn tư tưởng Tập Cận Bình

Theo Le Monde, nhiều người muốn đi tìm nguyên nhân của các thất bại dồn dập này đối với Trung Quốc. Một nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là \’\’tư tưởng Tập Cận Bình\’\’. Việc ông Tập tập trung toàn bộ quyền hành trong tay có thể coi là điều khiến cho chế độ cộng sản Trung Quốc trở nên xơ cứng, không kịp trở tay đối phó với các tình thế bất thường, khiến chính quyền Trung Quốc \’\’càng trở nên dễ phạm phải các sai lầm về chính trị\’\’, theo nhận xét của nhà Trung Quốc học nổi tiếng Min Xin Pei (Bùi Mẫn Hân), trong một bài viết công bố trên mạng Project Syndicate.

Theo ông Min Xin Pei, chế độ tập thể lãnh đạo trước đây của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cho dù thể hiện rõ tính chất kém quyết đoán, nhưng có khả năng giới hạn được các khủng hoảng, do biết phản ứng mềm dẻo, kịp thời. Một ví dụ là, trong cuộc khủng hoảng 2003, tại Hồng Kông, Bắc Kinh đã chấp nhận rút lại ngay lập tức dự luật về an ninh quốc gia, khiến hơn 500.000 người Hồng Kông xuống đường phản đối. Giờ đây, tư tưởng ông Tập Cận Bình được đưa vào Hiến pháp, phê phán ông Tập bị coi là \’\’phạm tội khi quân\’\’, thì chính quyền Trung Quốc tự đánh mất khả năng phản ứng linh hoạt. Rốt cục, lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc đang trở thành nạn nhân của chính mình.

Bài Liên Quan

Leave a Comment