Tết Hành Quân – Bảo Định
Tết năm đó đơn vị tôi đồn trú tại Hiệp Hòa thuộc tỉnh Hậu Nghĩa. Hiệp Hòa là một xã lớn của quận Đức Huệ, nằm sát con sông Vàm Cỏ Đông hùng vĩ. Lòng con sông rộng, dòng nước chảy chậm, màu nước không trong không đục. Hai bên bờ là những rặng cây xanh um tùm uốn khúc, ôm theo dòng sông. Bên này bờ là những xóm làng rải rác, bên kia bờ, lác đác có vài xóm nhà nhỏ. Những xóm nhà lẻ loi này được che chở bởi những hàng dừa xanh và rặng cây mù u. Kế tiếp là vùng đầm lầy rộng lớn, đó là Đồng Tháp Mười. Xa xa là biên giới Việt Miên. Khi vào Hè, màu xanh tươi của cây cỏ nơi đầm lầy, từ từ ngả qua màu vàng úa, trông như một cánh đồng lúa trong mùa gặt.
Hiệp Hòa có mật độ dân cư cao. Phần lớn dân chúng quần tụ chung quanh một thị trấn nhỏ, bao quanh là những công ruộng mía cao quá đầu người. Những ruộng mía nối liền nhau, dày đặc như rừng. Không biết từ bao giờ, nơi đây mọc lên một nhà máy sản xuất đường cát trắng, cung cấp cho cả miền Nam. Nhà máy có sân bay riêng.
Sau Hiệp định Đình chiến Genève năm 1954, một số đông đồng bào Miền Bắc di cư được chính phủ thời Đệ Nhất Cộng Hòa đưa về đây lập nghiệp. Họ sinh sống dọc theo hai bên con đường Tỉnh Lộ 7A, từ Tân Mỹ vào đến Hiệp Hòa, và hình thành những khu dân cư đông đúc, tách hẳn với người dân bản xứ. Họ là những người Công Giáo di cư, tinh thần chống Cộng rất cao, VC khó xâm nhập.
Sắp đến Tết, những người lính chiến gia tăng hoạt động. Chúng tôi ngày đêm lặn lội, lùng sục, xua đuổi đám Cộng phỉ ra xa thôn xóm để người dân yêm tâm đón Xuân. Bọn này không bao giờ dám đối đầu với các đơn vị chính quy. Chúng chỉ tìm cách bắn sẻ hay gài lựu đạn. Chúng chỉ là bọn du côn, hoặc những thanh thiếu niên mới lớn lên bị dụ dỗ hay bị ép buộc phải vào bưng. Bọn họ tinh thần không cao, trình độ chiến đấu thấp.
Trước đây, một trại LLĐB gồm các toán Dân sự Chiến Đấu do người Mỹ tuyển dụng và chỉ huy, hoạt động trong vùng để phát hiện và ngăn chận con đường xâm nhập của CS từ các mật khu Ba Thu và Mỏ Vẹt trên đất Miên, nhưng bị VC tấn công, bị thiệt hại nặng, sau đó thì bỏ. Việc bảo vệ nhà máy và dân cư trong vùng sau này đều do các đơn vị QLVNCH đảm nhiệm. Đây là vùng trách nhiệm của Đặc Khu Hậu Nghĩa do Thiếu Tá Sầm Tấn Phước làm Đặc khu trưởng chỉ huy, kiêm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 46 Biệt Lập vừa từ ngoài Trung di chuyển vào. Khi tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập vào cuối năm 1963, Thiếu Tá Phước là vị Tỉnh trưởng đầu tiên, và cũng kiêm luôn chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 46 BL, BCH dời về Ấp Bàu Trai, nay trở thành Thị xã Khiêm Cương. Các tiểu đoàn thay nhau về đây bảo vệ vùng đất đông dân cư và nhà máy đường quan trọng này.
Trưa ba mươi Tết, đại đội tôi mới trở về đến căn cứ nằm bên ngoài thị trấn. Nhân dịp Xuân về, Tết đến, Tiểu Đoàn vừa phân phối cho một con heo lớn, tặng phẩm của nhà máy đường, để những người lính được no nê, ngon miệng trong ba ngày Tết. Các trung đội được phân công đi mổ heo và nhận mức bánh để thưởng Xuân. Phần lớn quân sĩ lo đi tắm giặt để tẩy đi những lớp bùn phèn bám đầy người. Tôi cùng các vị Trung đội trưởng chưa tắm giặt vội, mà ra một quán cóc đầu chợ nhâm nhi vài chai bia, ăn tô phở nóng mà chúng tôi vẫn thèm khát trong những ngày gối đất nằm sương. Bọn chúng tôi chuyện trò rôm rả, kể chuyện ngày xưa, ngày chúng tôi chưa vào lính, ngày còn bé được hưởng những bao lì xì mỗi lần Tết đến. Mới nhâm nhi vài chai bia, chưa ăn xong tô phở nóng, thì chú lính truyền tin của tôi theo chiếc xe Jeep Ban 3 Tiểu Đoàn, vội vã chạy ra tìm :
– Trình Thiếu úy, có lệnh mời thẩm quyền vào Tiểu đoàn họp gấp.
– Ngay bây giờ ?
– Vâng, ngay bây giờ.
Tôi vội vàng ăn nốt tô phở, uống cạn chai bia, leo lên xe Jeep vào gặp Đại Úy Nguyễn Tri Phương, Tiểu Đoàn Trưởng. Ông Đại Úy này rất khó tính, kỷ luật gắt gao, đến quái gở ! Trong thời gian hành quân, dù một ngày, hai ngày, hay nhiều hơn, người lính không bao giờ được cởi bỏ đôi giày trận, ngay cả trong lúc ngủ. Nếu ông bắt gặp thì thế nào cũng bị ăn vài cây hèo. Tôi là Sĩ quan Đại Đội Trưởng, nhưng cũng chỉ dám len lén cởi giày một lúc vào ban đêm để tránh bị bắt gặp, nhưng sau đó cũng phải mang lại đi ngủ. Bộ Chỉ huy Tiểu Đoàn đặt bên trong một dãy nhà xây.
Khi tôi vào phòng họp, các Đại đội trưởng khác và Sĩ quan tham mưu đã tề tựu đầy đủ. Cuộc họp được bắt đầu ngay. Đại Úy TĐT ban lệnh hành quân. “Nửa đêm truyền hịch, định ngày xuất quân”. Đúng 1 giờ chiều, đơn vị xuất phát. Các Đại đội đã được lệnh chuẩn bị 4 ngày lương thực, sẵn sàng lên đường ngay khi tan họp. Sau đó là vị Sĩ quan Hành quân trình bày chi tiết kế hoạch hành quân. Thế là mất toi ba ngày Tết. “Tết nhất làm chi”. Tết chỉ làm khổ lính !
Khi về đến Đại Đội, quân sĩ của tôi đã sẵn sàng. Súng đạn, ba lô, và những khẩu phần lương thực phân phối xong. Con heo vừa mới hạ xong, chưa kịp xẻ thịt. Những thùng mức bánh còn nằm ngổn ngang, chưa lấy ra. Tôi cho lệnh xẻ thịt con heo, chia ra mang theo. Và phân phát những thùng mứt bánh. Nhưng không ai chịu ngó ngàng đến con heo thịt đang nằm kia, những thùng mứt bánh vẫn vô duyên còn nằm nguyên vẹn. Tôi cho tập họp Đại Đội để lên đường hành quân. Những người lính của tôi bất mãn. Chính tôi cũng đang bất mãn ! Nhưng lệnh là lệnh. Ai dám không tuân theo ?
Đại Đội vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng những chiếc ghe thuyền của dân được trưng dụng. Cuộc hành quân kéo dài 4 ngày, dọc theo bờ sông, đi từ Bắc xuống Nam. Mỗi ngày ông Tướng Vùng, Thiếu Tướng Lâm Văn Phát đều bay thị sát. Có lúc ông đáp xuống thăm viếng ủy lạo ! Đến ngày cuối cùng thì đoàn quân đã tới Ấp Trà Cú, một hoang địa, nằm phía Tây Thị xã Khiêm Cương của tỉnh Hậu Nghĩa. Tôi có cảm tưởng cuộc hành quân này như một cuộc dạo mát Mùa Xuân. Cánh đồng cỏ rộng mênh mông, bát ngát, không nhà cửa, không một bóng người. Xa xa về phía Tây, in rõ trên nền trời xanh nhạt là những rặng cây màu đen thẩm.
Quận lỵ Đức Huệ nằm ở cuối chân trời, gần sát biên giới. Thời gian này Cộng Sản chưa mạnh. Các đơn vị chính qui từ miền Bắc xâm nhập vào Nam theo con đường mòn Hồ Chí Minh chỉ là nhỏ giọt. Chúng chỉ quanh quẩn nơi rừng sâu, hay trên núi cao. Bọn khỉ đột này chưa dám rời rừng, xuống núi quấy phá dân làng. Tại tỉnh Hậu Nghĩa, hoạt động quấy phá của VC chỉ là đắp mô, đặt mìn, ám sát các viên chức Xã Ấp. Lâu lâu tập trung được một lực lượng lớn cỡ Tiểu Đoàn Cơ Động tỉnh Long An và các Đại Đội Chủ lực Huyện – VC vẫn duy trì tỉnh Long An – thì mới dám đi đánh phá một vài đồn bót Nghĩa Quân hẻo lánh, rồi lại phân tán, hoặc chuồn về bên kia biên giới. Trại LLĐB Hiệp Hòa bị đánh là do bị nội tuyến bởi thành phần hỗn tạp của Trại.
Trong cuộc hành quân này, chúng tôi không gặp một cuộc chạm súng nào, dù nhỏ. Nhưng thỉnh thoảng trên cánh đồng cỏ hoang, chúng tôi đã phát hiện những bộ xương người trắng hếu cùng với những khẩu súng CKC rỉ rét. Với Quốc sách Ấp Chiến Lược của Chính phủ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, VC hầu như bị loại trừ ra khỏi địa bàn dân cư. Chúng phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn và đói khát. Khi tấn công một đồn bót hẻo lánh nào của quân chính phủ, khi rút lui, chúng lấy cả những bịch muối, những hũ mắm ruốc. Các Ấp Chiến Lược là những pháo đài chống Cộng rất hữu hiệu. Các đơn vị chính qui của ta chỉ việc mở những cuộc hành quân tiểu trừ bên ngoài thôn xóm. Như vậy lại tránh được sự thiệt hại cho đồng bào. Những trận đánh thường diễn ra ở những khu rừng, những cánh đồng hay tại những ấp bỏ hoang vì người dân đã dời vào Ấp Chiến lược.
Cuộc hành quân tìm địch và diệt địch mở ra trong ba ngày Tết là không cần thiết. Lệnh Hành Quân, về phần tình báo, đã không ghi nhận chính xác của sự tập trung quân VC, chỉ là mơ hồ và vu vơ. Kiểu “số cô có mẹ có cha, sinh con đầu lòng không gái thì trai”. Nhưng đơn vị tôi phải mất công đi tìm đánh trong lúc thiên hạ rộn ràng đón Xuân sang. Cuộc hành quân này, nói một cách mỉa mai là hành lính. Đúng là Tết Hành Quân !
Michigan, ngày cận Tết năm Mậu Tý, 2008
Bảo Địnhhttps://hoiquanphidung.com/showthread.php?23483