Những nguy cơ Iran trả thù sau vụ Mỹ hạ sát tướng Soleimani

Những nguy cơ Iran trả thù sau vụ Mỹ hạ sát tướng Soleimani

Đăng ngày: 06/01/2020

\"Dầu
Dầu hỏa đi qua eo biển Ormuz liệu có là mục tiêu Teheran nhắm tới để trả thù cho cái chết của tưởng Soleimani ? REUTERS/Raheb Homavandi/File Photo/File Photo

Minh Anh

Ngày 05/01/2020, tổng thống Mỹ dọa đánh vào 52 điểm của Iran nếu chế độ Teheran có ý định trả đũa vụ Hoa Kỳ hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Al-Qods của Vệ Binh Cách Mạng. Phát ngôn viên giáo chủ Ali Khameini đáp lại « câu trả lời chắc chắn sẽ bằng quân sự ». Vậy đâu là những nguy cơ mà Iran có thể tiến hành trả đũa nước Mỹ ?

Do tương quan lực lượng bất cân xứng giữa Iran và Hoa Kỳ, giới chuyên gia tại Pháp nhận định, khủng bố, dầu hỏa và hạt nhân có thể là ba mối họa chính đối với Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.

Hậu quả nhãn tiền thứ nhất là sự xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết năm 2015 với sáu cường quốc (Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Trung Quốc).

Ngày 05/01/2020, chính quyền Iran quyết định sẽ không tôn trọng bất cứ giới hạn nào trong lãnh vực tinh lọc Uranium. Cụ thể là không hạn chế khả năng tinh lọc, mức độ Uranium tách ly và số lượng máy ly tâm trang bị. Thông báo này xem như đã « khai tử » hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran. Cơ may cho các nhà thương thuyết Iran áp đặt giải pháp ngoại giao đối với phe cứng rắn trong chế độ Teheran xem như là tan vỡ. Hơn bao giờ hết, nguy cơ phổ biến hạt nhân ngày càng hiện rõ. Nếu Iran quyết định sở hữu bom nguyên tử, các nước trong khu vực như Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập cũng lao vào cuộc chạy đua hạt nhân.

Mối họa thứ hai mà Hoa Kỳ và cả các đồng minh của Mỹ phải đối mặt là sự trỗi dậy và đoàn kết mạnh mẽ của các lực lượng thân Iran, mà Hoa Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Nếu như tổng thống Donald Trump cho rằng việc tiêu diệt tướng chỉ huy Al-Qods có thể buộc Iran phải quy hàng trong hồ sơ hạt nhân, thì đây có lẽ là một sai lầm chiến lược. Theo quan điểm của ông Emmanuel Dupuy, chủ tịch Viện Dự phóng và An ninh châu Âu (IPSE) với đài Franceinfo, « lằn ranh đỏ đã bị vượt qua » và vụ tấn công hoàn toàn bất cân xứng này của Washington tạo ra hậu quả là thúc đẩy sự đoàn kết, tập hợp tại Iran.

Ở bên ngoài, dưới sự chỉ huy của tướng Soleimani, chính quyền Iran từ nhiều thập niên qua đã mở rộng các mạng lưới ảnh hưởng trong toàn khu vực Trung Đông và lân cận như Liban, Irak, Yemen hay Syria… Vẫn theo chuyên gia Dupuy, « kể từ giờ các nhóm lực lượng có xu hướng chính trị khác nhau tạo thành một mặt trận chung chống lại kẻ thù Hoa Kỳ ».

Chỉ có điều, do tương quan lực lượng, chính quyền Iran sẽ không bao giờ chọn đối đầu vũ trang trực diện, mà đó sẽ là một cuộc chiến ủy thác. Hoa Kỳ triệt hạ một biểu tượng của Iran. Lời đáp trả cũng phải tương xứng : Đó sẽ là những nơi nào « mang tính biểu tượng của Mỹ (đại sứ quán, căn cứ quân sự, văn phòng đại diện…) hay các đồng minh của Mỹ trong khu vực » như lưu ý của bà Amélie Chelly, chuyên gia về Iran thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS).

Cuối cùng, vũ khí trả thù thứ ba mà Iran dường như đã sử dụng và nay sẽ gia tăng : đó là ngăn chặn tuyến vận chuyển dầu khí tại eo biển Ormuz. Đây chính là điểm khiến thế giới lo ngại nhiều nhất. Liệu Teheran có thể cho đóng cửa eo biển chiến lược này không, nơi trung chuyển của khoản 30% lượng dầu hỏa tiêu thụ của thế giới ?

Về điểm này, bà Amélie Chelly cho rằng Iran là một Nhà nước cực kỳ thực dụng : « Nếu như họ muốn đóng eo biển, họ sẽ làm ngay. Nhưng nếu như họ không làm, chính vì họ biết là chẳng có lợi gì ».

Chỉ có điều an ninh cho eo biển có thể sẽ bị xáo trộn. Năm 2019, để trả đũa các lệnh trừng phạt của chính quyền Donald Trump, nhiều chiếc tầu chở dầu tuy không mang cờ hiệu Mỹ nhưng đã bị tấn công ngoài khơi vị Ba Tư và Iran bị nghi ngờ đứng sau các hành vi gây hấn này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment