5 nhà lãnh đạo “định hình” thế giới năm 2019
Suckhoedoisong.vn – Thông qua chính sách và quyền lực của mình, những nhà lãnh đạo từ New Zealand, Pháp, Ấn Độ và Mỹ đã gây ảnh hưởng tới thế giới hơn bất kể ai khác. Đó là lý do tại sao 5 nhân vật này đã định hình nên thế giới của chúng ta trong năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trong năm thứ 3 làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã thực sự bước chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Ông đưa ra chính sách về đường biên giới Mỹ-Mexico. Ông công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel. Đây là những điều mà chưa ai ở Nhà Trắng từng làm trước đó. Ông đã dùng quyền lực tổng thống của mình để đảo ngược lại nhiều chính sách cũ như tiến hành cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong nhiệm kỳ của ông, mức thất nghiệp tại Mỹ giảm tới mức kỷ lục. Tuy nhiên, ông Trump cũng phải đối mặt với cáo buộc của Đảng Dân chủ cho rằng ông đã lạm quyền qua việc gây sức ép lên Ukraine để tiến hành điều tra đối thủ Joe Biden và con trai ông này. Hạ viện đã chuẩn bị những điều khoản luận tội mà có thể gây trở ngại cho cuộc đua tổng thống lần 2 của ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi “tay bắt mặt mừng” trước chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Năm 2019, ông Narendra Modi bắt đầu nhiệm kỳ 2 trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ. Vào tháng 5, Đảng BJP của ông giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử kéo dài nhiều tháng giúp cho ông trở thành Thủ tướng quyền lực nhất thế hệ qua. Ông là một nhà cải cách kinh tế nhưng đồng thời lại rất nổi tiếng với hình ảnh tập yoga cùng toàn thể người dân Ấn Độ. Vào tháng 9, có tới 50 nghìn người theo dõi “Howdy Modi” (Diễn đàn Ấn Độ-Texas) ở Mỹ với sự góp mặt của Thủ tướng Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump coi trọng và mở rộng cũng là một nhân tố cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ trong địa chính trị thế kỷ 21.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi
Được bầu lại làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong bối cảnh “chính phủ Mỹ đóng cửa” dài ngày nhất trong lịch sử, ban đầu bà từ chối đòi hỏi của ông Trump về ngân sách xây bức tường biên giới với Mexico. Sau này bà mới thông qua khoản 4,6 tỷ USD xây bức tường biên giới với Mexico nhưng với điều kiện dành quỹ cho các trung tâm giam giữ người tỵ nạn.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người “cầm cân nảy mực” ở Mỹ
Bà là người trung hòa hai phe cánh tả và cánh hữu. Bà cố gắng thỏa thuận với ông Trump về chính sách cơ sở hạ tầng hay giá thuốc kê đơn . Trong số hơn 300 dự luật mà Hạ viện đã thông qua, có 275 dự luật là sự thương thảo giữa hai bên phe Cộng hòa và Dân chủ. Ngày 10.12, bà Pelosi tuyên bố các điều khoản luận tội Tổng thống Mỹ của Hạ viện. 1 tiếng sau đó, bà nhất trí với kế hoạch của Tổng thống Trump về nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern
Cử chỉ đơn giản, hiệu ứng sâu sắc. Chỉ chưa đầy 24h sau khi những kẻ quá khích thảm sát 50 người cầu nguyện ở đền thờ hồi giáo tại thành phố Christchurch vào tháng 3/2019, Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand trùm khăn đen của người phụ nữ hồi giáo tới chia buồn, lắng nghe những tâm tư lo lắng của cộng đồng người hồi giáo. Ngay lập tức hành động của bà đã đoàn kết người dân, tránh gây ra chia rẽ. Chủ nghĩa khủng bố gây ra hoang mang và chia rẽ, nhưng bà đã góp phần xây dựng lòng tin.
Nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sinh con gái đầu lòng khi đang tại vị
Khi bà lên nắm quyền vào năm 2017 ở tuổi 37, bà là nhà lãnh đạo nữ trẻ nhất thế giới. Bà tiến hành nhiều chính sách tiến bộ, tập trung vào môi trường. New Zealand cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, trồng 140 triệu cây xanh và thông qua đạo luật cắt giảm phát thải carbon xuống mức bằng 0 vào năm 2050. Bà cũng đã ra luật tăng thời gian nghỉ thai sản cho cha mẹ. Trên cương vị Thủ tướng, bà cũng nghỉ phép 6 tuần sau khi sinh con, đây là trường hợp hiếm hoi một vị nguyên thủ sinh con trong khi tại vị.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Khi Emmunel Macron đắc cử vào tháng 5/2017, ông ăn mừng chiến thắng không phải trong trong tiếng nhạc La Marseillaise, quốc ca Pháp mà là “Ode to Joy” (Khải hoàn ca) của Beethoven-quốc ca EU.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Và hiện giờ, mới đi chặng đường nửa nhiệm kỳ Tổng thống, ông được coi là nhà lãnh đạo thực sự của châu lục. Bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp về hưu, Anh chia rẽ vì Brexit, nên nhà lãnh đạo Pháp dường như là nhân tố không thể thiếu trong giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) như biến đổi khí hậu, thương mại toàn cầu, trừng phạt Iran, quan hệ với Nga và sự cạnh tranh từ siêu cường Trung Quốc. Tháng 11, ông thậm chí còn đưa ra lời tuyên bố xanh rờn, gọi NATO là “chết não”, và gợi ý EU cần liên minh quân sự riêng.
Hương Trà
(theo Time)