Libya : Lò lửa chiến tranh Nga-Thổ

Libya : Lò lửa chiến tranh Nga-Thổ

Đăng ngày: 07/01/2020

\"Người
Người biểu tình ở Benghazi (Libya) ngày 03/01/2020 phản đối quyết định của Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ gởi quân sang Libya. REUTERS/Esam Omran Al-Fetori

Tú Anh

Sau Syria, Libya có nguy cơ trở thành vùng chiến địa thứ hai tại Trung Đông. Trong bối cảnh khủng hoảng Mỹ-Iran lên cao độ, lực lượng ở miền đông Libya của tướng Khalifa Haftar, được Nga ủng hộ, thông báo chiếm được Syrte, một thành phố biển, trên đường tiến về Tripoli. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng loan báo đưa quân vào Libya để yểm trợ cho chính phủ trung ương. Bị chia rẽ, Libya sẽ là mồi ngon cho các thế lực khu vực và quốc tế, đứng đầu là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Syria đi trước

Từ khi chế độ độc tài Kadhafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya rơi vào vòng tranh đoạt quyền lực giữa hai phe : Chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc, được quốc tế công nhận, kiểm soát thủ đô Tripoli và phe thứ hai là « chính phủ và Nghị viện » đóng đô ở Benghazi, theo tướng Haftar nổi dậy.

Chia rẽ dân tộc là nguồn cội của các cuộc xung đột tại Trung Đông, mà Syria là trường hợp điển hình. Năm 2011, thảm họa bắt đầu với xung khắc giữa chế độ độc tài Bachar Al Assad và một phong trào đối lập. Thế rồi, chiến sự lan rộng khi nhiều tác nhân ngoại nhập tham gia : Liên quân quốc tế đánh với Daech, đối lập võ trang chống quân đội chính phủ, Ả Rập Xê Út (Sunni) chống Iran (Shia), Israel đụng độ gián tiếp với Iran, qua trung gian Hezbollah-Liban, cánh tay võ trang của Teheran tại Syria.

Đến 2015, Matxcơva, không quên mối thù Liên Xô tan rã, nhập trận trả thù nước Mỹ. Tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ khai thác thời cơ Mỹ lui quân, để tấn công người Kurdistan ở Syria.

Lybia tiếp bước theo sau

Trong một thế giới đầy xáo trộn về địa chính trị, Lybia là nạn nhân mới. Theo nhà báo Pháp Isabelle Lassierre (Le Figaro 19/12/2019), cũng từ năm 2011, Libya cũng rơi vào vòng bạo lực và cũng như Syria, qua cuộc xung đột giữa một chế độ độc tài và phong trào đối lập. Tiếp theo đó là cuộc can thiệp quân sự do liên quân Anh, Pháp, có Mỹ sau lưng, tiến hành.

Tám năm sau, đất nước chia đôi với một chính quyền trung ương ở Tripoli và một lực lượng võ trang ở miền đông, do tướng Haftar, một thủ lĩnh đối lập chống Kadhafi lãnh đạo và muốn thống nhất Libya.

Haftar được nhóm các nước Ả Rập Sunni như Ai Cập, Jordani, Ả Rập Xê Út ủng hộ kinh tế và quân sự. Bên cạnh các nước dầu hỏa vùng Vịnh, còn có nước Nga của Putin qua lực lượng đánh thuê tư nhân Wagner, ít nhất là 2000 tay súng. Haftar còn được Sudan và Tchad ở châu Phi đưa các nhóm võ trang sang giúp « quân đội giải phóng Libya ».

Trong khi đó, thủ tướng Fayez El Sarraj và chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc ở Tripoli, được quốc tế trong đó có Ý, mẫu quốc cũ, ủng hộ ngoại giao. Từ một tháng nay, sau khi ghi điểm ở Syria, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, nhanh chóng tranh thủ thời cơ, đơn phương đưa quân vào Libya để giúp chính quyền hợp pháp. Kỳ thực là để bảo vệ đặc quyền khai thác tài nguyên trong vùng duyên hải của Libya sau khi ký được một thỏa thuận với Tripoli, gây bất bình cho đảo Chypre và Hy Lạp.

Theo quan điểm của giới chuyên gia, sở dĩ Ankara có thể lấp vào khoảng trống chính trị này là do trách nhiệm của Anh và Pháp, không tích cực giúp đỡ người dân Libya sau khi lật đổ được Kadhafi.

Chiến trường Nga-Thổ

Chuyện cũ đã xong rồi, nhưng ván cờ mới sẽ ra sao ?

Theo một bài phân tích từ nhật báo El Pais của Tây Ban Nha và Le Figaro của Pháp, Lybia sẽ là đấu trường đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm .

Một cách thận trọng, Matxcơva sử dụng lính đánh thuê Wagner và lá bài Haftar tại Libya để mở rộng tăng cường ảnh hưởng trong vùng. Còn Ankara, theo giải thích của tổng thống Erdogan, lực lượng viễn chinh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ do một « trung tướng chỉ huy » còn chiến binh là người Syria trong tổ chức « Quân đội giải phóng Syria » do Ankara trả lương.

Khó có thể dự đoán là trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm này, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, trang bị tên lửa phòng không S400 của Nga, sẽ hành động ra sao nếu bị phe thân Nga đè bẹp ?

Bài Liên Quan

Leave a Comment