Úc: Cháy rừng làm tranh luận chính trị về biến đổi khí hậu thêm nóng bỏng
Cháy rừng ở Úc dự báo vẫn có thể diễn ra trong vài tháng tới dù thời tiết mát hơn, kéo theo các tranh luận chính trị nảy lửa.
28 người thiệt mạng, hơn 5.900 ngôi nhà bị phá huỷ, hàng chục ngàn người phải sơ tán, 11 triệu ha rừng bị thiêu rụi., cho đến thời điểm này do cháy rừng tại Úc năm nay.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ước tính có khoảng 1,25 tỉ động vật có thể đã bị chết cháy, nhiều khu rừng sẽ cần nhiều chục năm để hồi phục.
Những ngày này ở Úc thời tiết đã mát dịu hơn nhưng Dịch vụ cứu hỏa nông thôn vẫn cảnh báo rằng, những vụ cháy rừng có thể vẫn diễn ra trong vòng vài tháng tới.
Và nhiều đám cháy hiện vẫn diễn ra trên toàn nước Úc.
Chính phủ liên bang Úc loan báo sẽ hỗ trợ tài chính cho 42 hội đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi cháy rừng. Mỗi hội đồng sẽ nhận được 1 triệu Úc kim.
Cháy rừng cũng kéo theo hàng loại tin đồn lan tràn trên mạng xã hội. Trong đó, nhiều tin đồn đã cố ý lái nguyên nhân cháy rừng là do có người đốt, chứ không phải do thời tiết hay biến đổi khí hậu gây ra.
Nhà báo Tuy Nguyen viết trên facebook rằng, phóng hỏa là tội bị trừng phạt nặng ở Úc, đặc biệt là trong các mùa cháy rừng. Đến nay, cảnh sát tiểu bang New South Wales cho biết họ đã truy tố 24 nghi phạm về tội đốt lửa gây cháy rừng kể từ tháng 11.
Thế nhưng trên các mạng xã hội, phóng hỏa đã bị biến thành nguyên nhân chính gây ra cháy rừng.
Cháy rừng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch Úc với việc nhiều khách du lịch mang ấn tượng về sự không an toàn khi du lịch đến Úc thời điểm này.
Tuy nhiên, cơ quan du lịch Úc nói rằng ở thời điểm hiện tại, Brisbane, Cairns và Great Barrier Reef ở Queensland, nhiều khu vực ở Tây Úc,Tasmania và vùng lãnh thổ phía Bắc vẫn an toàn để thăm viếng. Tất cả các sân bay quốc tế ở Úc, trong đó có cả Sydney, Melbourne và Adelaide vẫn hoạt động bình thường, theo trang ttgasia.com.
Những thông tin về các khu vực ở Úc vẫn an toàn khi du lịch có thể tìm thấy tại đây.
Trong hoạn nạn mới tỏ lòng nhau
Những hình ảnh về các vụ cháy rừng đã chạm đến trái tim, không chỉ người Úc mà khắp nơi trên thế giới.
Hơn 25.000 người đã đệ đơn tình nguyện tham gia Dịch vụ chữa cháy nông thôn kể từ đầu mùa cháy năm nay – một con số kỷ lục.
Nhiều người đã quyên góp tài chính để góp một phần trong khắc phục hậu quả.
Một người gây quỹ cho các dịch vụ chữa cháy ở New South Wales (NSW), do nghệ sĩ hài người Úc Celeste Barber khởi xướng, đã quyên góp được hơn 20 triệu đô la Úc (13 triệu Mỹ kim) chỉ trong có 48 giờ.
Tính ra, đã có hơn 70 triệu đô la Úc đã được quyên góp, bao gồm tiền hỗ trợ dịch vụ cứu hỏa, hỗ trợ những người mất nhà cửa và người chăm sóc động vật hoang dã.
Cộng đồng người Việt cũng không đứng ngoài những hoạt động như vậy.
Người Việt đang sinh sống ở khắp nơi trên nước Úc cũng như những người đã từng gắn bó hay yêu mến nước Úc đã chung tay đóng góp một phần để giúp đỡ cộng đồng đang gặp khó khăn.
Sáng 11/1, tại Cabramatta – \’thủ đô\’ của cộng đồng người Việt tại Úc- Hội Tương Trợ Người Việt Hải ngoại New South Wales và Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do tiểu bang này đã tổ chức gây quỹ \”Koala Rescue Appeal\” nhằm hỗ trợ cho các hoạt động cứu vãn các chú gấu Koala bị \’mất mạng\’ trong các vụ cháy rừng tại tiểu bang NSW.
Dạ tiệc Tấm lòng vàng lần thứ 7 cũng được cộng đồng người Việt ở đây tổ chức nhằm quyên góp hỗ trợ các nạn nhân cháy rừng.
Trước đó, tại Victoria, Hội Văn hóa Nghệ thuật và CLB Người Việt trên 50 tuổi tại Melbourne đã tổ chức \’Đêm văn nghệ nghĩa tình\’ nhằm gây quỹ ủng hộ lực lượng cứu hỏa -vốn luôn đứng ở tuyến đầu hiểm nguy trong trận chiến với cháy rừng.
Hội chợ Tết của người Việt ở New South Wales cũng tổ chức một gian để bán hàng gây qũy ủng hộ cháy rừng.
Ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Ban chấp hành Cộng đồng người Việt tự do tiểu vang New South Wales cho biết, người Việt là một trong những cộng đồng tích cực gây quỹ để ủng hộ cho các hoạt động chữa cháy và khắc phục.
Ông nêu dẫn chứng rằng, chỉ trong một hoạt động xuống đường gây quỹ, chỉ trong có 4 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ 30 sáng đến 2:30 chiều, đã thu được gần 40 ngàn đô la Úc.
\”Vụ cháy năm nay ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng cũng như tài sản trước mắt cũng như về lâu về dài sẽ ảnh hưởng râts lớn đến nhiều cộng đồng địa phương của nước Úc. Tuy cộng đồng người Việt không bị ảnh hưởng nhiều từ vụ cháy này, cũng như tôi chưa có thông tin về bất cứ nạn nhân nào trong các vụ cháy rừng vừa qua là người Việt. Tuy nhiên, đây là thảm hoạ chung của tất cả các cộng đồng cùng chung sống trên đất nước Úc. Bởi vậy, cộng đồng người Việt rất tích cực trong hoạt động này,\” ông Paul Huy Nguyễn nói.
Ông Huy Nguyễn cũng cho hay rằng, con số 40 ngàn nói trên chỉ là một trong rất nhiều hoạt động sẽ còn được liên tục tổ chức bởi các hội đoàn cũng như các tổ chức, thậm chí các doanh nghiệp trong cộng đồng để góp một phần dù nhỏ \”như một lời tri ân đến nước Úc đã cưu mang cộng đồng người Việt và chúng tôi có trách nhiệm để đáp lại và cùng với các cộng đồng khác, cùng vượt qua thời khắc khó khăn như thế này,\” ông Paul Huy Nguyễn nói.
Cộng đồng các du học sinh từng học tại Úc cũng tổ chức quyên góp, kêu gọi qua Facebook và nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành.
Đâu là nguyên nhân?
Thực tế, với nước Úc từ xưa đến nay, cháy rừng là chuyện xảy ra hàng năm.
Tuy nhiên, điều kiện thời tiết trong đợt cháy lần này được các chuyên gia khẳng định là không có tiền lệ.
Giáo sư David Bowman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cứu hỏa, Đại học Tasmania, Úc, trả lời BBC News Tiếng Việt qua email cho rằng, cường độ và sự trải rộng của các vụ cháy rừng trên năm tiểu bang ở toàn nước Úc là minh chứng cho tính chất bất thường, chưa từng có từ trước đến nay của vụ cháy năm nay.
Giáo sư Bowman cũng khẳng định tính chất bất thường của mùa cháy rừng năm nay thể hiện qua mức độ tàn phá rừng do cháy, độ khô của thảm thực vật rừng và chất lượng không khí kém đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân trên khắp nước Úc.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, có những khu vực các năm trước chưa từng hay ít khi bị cháy thì năm nay lại bốc cháy.
Ông đưa việc một trang trại chuối ở Taylors Arm, phía tây Macksville, tiểu bang New South Wales, hay thảm thực vật thời Gondwana ở Vùng hoang dã ở Tasmania, vốn chưa từng bị cháy trong hơn 1.000 năm qua như bằng chứng của sự thay đổi.
\”Tôi không rõ lý do vì sao nhiều người cứ khẳng định rằng, những vụ hoả hoạn như thế này trước đây vẫn từng xảy ra. Trong khi, muốn ứng phó tốt với những vụ cháy rừng như thế này hiện tại và trong tương lai, điều đầu tiên là chúng ta phải thừa nhận quy mô của vấn đề,\” Giáo sư Bowman nói.
Nói về nguyên nhân các vụ cháy rừng, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Bowman cho rằng, nguyên nhân chính của các vụ cháy rừng đang xảy ra ở Úc là do thời tiết khô hạn kéo dài khiến thảm thực vật trở nên dễ bắt cháy; kết hợp với sóng nhiệt dữ dội, gió cực mạnh và sét.
Thảm thực vật Úc rất dễ cháy tự nhiên, nhưng điều kiện khí hậu khắc nghiệt hiện tại khiến nguy cơ này tăng cao.
Tiến sĩ Alexander Filkov (Trường hệ sinh thái và khoa học lâm nghiệp, Đại học Melbourne) trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, cũng đồng quan điểm khi cho rằng, một trong những lý do chính của các vụ cháy rừng thảm khốc năm nay là hạn hán. Năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử nước Úc. Thời tiết nóng và gió tạo điều kiện cho các vụ cháy rừng bùng phát một cách chưa từng có.
Nhưng liệu có phải biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết khắc nghiệt hơn và đây là nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng năm nay trầm trọng hơn?
Giáo sư Bowman tin rằng, còn những các yếu tố khác cũng góp phần vào vấn đề này; chẳng hạn yếu kém trong quản lý các tác nhân gây cháy, sai lầm trong việc thiết kế và quy hoạch các khu dân cư; trong khi bản thân cảnh quan của Úc vốn dĩ đã rất dễ bốc cháy.
Còn Tiến sĩ Filkov thì cho rằng, thực ra cháy rừng là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái rừng của Úc. Lửa sẽ dọn sạch các cây già cỗi, khiến vật chất hữu cơ phân hủy thành khoáng nhanh chóng hơn, để hạt giống tái sinh và nảy mầm. Tuy nhiên, với những người cư dân sống gần các khu vực có rừng, cháy rừng là một yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của họ.
Do vậy, theo Giáo sư Bowman, muốn hạn chế cháy rừng, cần xây dựng một chương trình thích ứng quy mô để giúp các cộng đồng chung sống với một thực tế là các vụ cháy rừng cực đoan do biến đổi khí hậu sẽ diễn ra sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
\”Người thổ dân Úc đã có kinh nghiệm hàng ngàn năm sống chung với tình trạng này. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm để giảm rủi ro và tác động của hỏa hoạn, nhưng điều này đòi hỏi phải đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng chính sách và quy hoạch cảnh quan đô thị,\” Giáo sư Bownman nhấn mạnh.
Còn theo Tiến sĩ Fikov, ở Úc, một trong những cách thức được sử dụng rộng rãi để ngăn chặn cháy rừng ở những khu vực giao giữa hệ sinh thái rừng và các khu dân cư là đốt rừng có chủ đích. Biện pháp này làm giảm lượng nhiên liệu dễ bắt cháy và cường độ của các đám cháy tiềm năng. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, mùa cháy bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, nên chỉ có thể một khu vực nhỏ hơn có thể được xử lý. Ngoài ra, hạn hán đã ảnh hưởng đáng kể đến mùa cháy. Các khu vực ẩm, có khả năng chống cháy, trở nên khô và rất dễ cháy do nhiên liệu tích lũy trong những năm trước. Điều này dẫn đến các đám cháy lan rộng với cường độ cao như trong mùa cháy năm nay.
\”Không có giải pháp duy nhất và đơn giản cho vấn đề này. Cháy rừng dự kiến sẽ còn xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn trong tương lai. Theo tôi, những nỗ lực chính cần tập trung vào việc bgawn chặn hỏa hoạn. Đồng thời, phát triển các chiến lược mới và cách tiếp cận sáng tạo để cải thiện tình hình, điều này đòi hỏi một chương trình dài hạn\” – Tiến sĩ Fikov nói.
Chính trị của cháy rừng
Cháy rừng cũng làm dấy lên những tranh cãi giữa các đảng chính trị Úc, nhất là trong chính sách với biến đổi khí hậu.
Một số người chỉ trích chính phủ Morrison, đổ lỗi cho việc thiếu hành động chống biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân dẫn đến những đám cháy, khiến thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong khi đó, một số chính trị gia trong Liên đảng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nên chú trọng hỗ trợ để bảo vệ người dân khỏi tác động của cháy rừng, chứ chưa thích hợp để đi vào các vấn đề liên quan đến chính trị.
Giáo sư Bownman cho rằng, tới giờ, chính phủ Úc đang rất chậm chạp trong các hoạt động nhằm giảm khí thải cacbon.
Nguyên nhân là người ta lo lắng việc này có thể sẽ ảnh hướng đến sự phát triển của nền kinh tế, nhất là ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, như than đá.
Giáo sư Bownman nhấn mạnh, \”Việc không có hành động phù hợp để giảm thiểu biến đổi khí hậu đang làm chậm khả năng thích ứng của chúng ta với tình hình mới.\”
Giáo sư Bowman cũng tin rằng, nạn cháy rừng lần này sẽ có thể thành một bước ngoặt trong tranh luận chính trị nước Úc liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo ông, dù chúng ta có thể tranh cãi liên quan đến các dự đoán khoa học hay những đánh giá về mức độ rủi ro, nhưng với một nền dân chủ như nước Úc, chính trị gia và cộng đồng hẳn nhiên là không thể thờ ơ với những gì mà người dân Úc đang hứng chịu từ các vụ cháy rừng.
\”Có rất nhiều căng thẳng và lo lắng về các vụ hỏa hoạn. Và điều này đang trở nên trầm trọng hơn bởi sự thất bại của các chính trị gia trong việc chọn lựa các giải pháp nhằm thích nghi với nạn cháy rừng, trong đó có chính sách lâu dài về giảm khí thải cacbon.
\”Cháy rừng đang là một vấn đề chính trị nóng và các cuộc tranh luận này sẽ dẫn đến những câu hỏi lớn hơn về biến đổi khí hậu và việc làm thế nào để nước Úc xây dựng một mối quan hệ bền vững hơn với môi trường,\” Giáo sư Bowman nói.
Cháy rừng năm nay đã thành một thảm họa cấp quốc gia với nước Úc, và trở thành một vấn đề chính trị, theo Tiến sĩ Fikov.
Tuy nước Úc chỉ thải ra 1.3% tổng số khí thải toàn cầu, nhưng việc xuất cảng than đá của Úc mà năm tài 2018 đã đạt tới con số 26 tỉ Úc kim đã góp một con số quan trọng vào tỉ lệ này.
Khoảng 20% than đá Úc xuất sang Trung Quốc.