HRW tố cáo 2019 là một năm tàn khốc về nhân quyền tại Việt Nam

HRW tố cáo 2019 là một năm tàn khốc về nhân quyền tại Việt Nam

Đăng ngày: 15/01/2020

\"Ông
Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) giới thiệu bản Báo cáo Thế giới 2020 về tình trạng nhân quyền, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Mỹ, ngày 14/01/2020. REUTERS/Carlo Allegri

Thanh Phương

Trong bản báo báo về tình hình nhân quyền toàn cầu, được công bố hôm 14/01/2020, tổ chức Human Rights Watch của Mỹ cho biết trong năm 2019, có ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến đã bị xử án tù ở Việt Nam chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của họ về tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo.

Bản Báo cáo Thế giới, dày 652 trang, của Human Rights Watch trình bày tình hình nhân quyền tại 100 quốc gia trong năm 2019. Trong phần nói về Việt Nam, ông Brad Adams, giám đốc Ban Á châu của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, nói : « 2019 là một năm tàn khốc đối với các quyền tự do cơ bản ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam khẳng định rằng người dân Việt Nam được hưởng quyền tự do ngôn luận, nhưng “quyền tự do” này biến mất khi được sử dụng để kêu gọi dân chủ hay chỉ trích đảng Cộng Sản cầm quyền ».

Báo cáo của Human Rights Watch ghi nhận : « Nhà nước độc đảng hạn chế gắt gao mọi quyền chính trị và dân sự cơ bản, và cấm mọi hoạt động bị đảng Cộng Sản cầm quyền coi là mối nguy đối với độc quyền lãnh đạo của họ. Đặc biệt là các nhà hoạt động và blogger vẫn bị theo dõi, cấm đi lại, hành hung, thẩm vấn và bắt giữ, bị các tòa án kết tội và tuyên án bản án tù nhiều năm ».

Cũng theo Human Rights Watch, chính quyền Việt Nam vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là gây phương hại cho « lợi ích quốc gia »« trật tự công cộng », hay « khối đoàn kết dân tộc ». Những người theo các tổ chức tôn giáo không được chính quyền công nhận thì bị kiểm điểm, buộc từ bỏ tín ngưỡng, bị câu lưu, thẩm vấn, đánh đập và bỏ tù.

Tổ chức nhân quyền của Mỹ còn nhắc lại là từ tháng 01/2019, Luật An ninh Mạng gây nhiều tranh cãi đã bắt đầu có hiệu lực ở Việt Nam. Dựa trên bộ luật quá mơ hồ và lỏng lẻo này, chính quyền có thể tùy tiện kiểm duyệt tự do ngôn luận và buộc nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung mà chính quyền xem là « xấu » trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu. Có ít nhất 25 người đã bị kết án tù vì bày tỏ ý kiến chỉ trích trên mạng Internet.

Bài Liên Quan

Leave a Comment