HRW: VN chưa cải thiện nhân quyền, TQ đang là mối đe dọa toàn cầu
- 15 tháng 1 2020
Báo cáo mới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nhận xét rằng Việt Nam chưa làm gì nhiều để cải thiện nhân quyền; trong khi các động thái của Trung Quốc đang đe dọa hàng thập niên tiến bộ về nhân quyền toàn cầu.
Báo cáo thường niên dày 653 trang này được phát hành tại cuộc họp báo ở trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, hôm 14/1.
Thoạt đầu, HRW dự tính ra mắt báo cáo tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài ở Hong Kong, nhưng Giám đốc Điều hành của tổ chức này, ông Kenneth Roth, đã bị từ chối nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Hong Kong.
Điều này diễn ra sau khi năm ngoái Bắc Kinh đã quyết định trừng phạt một số tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, với cáo buộc khuyến khích người biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong thực hiện các hành vi bạo lực.
Khi được hỏi về trường hợp nhập cảnh của ông Roth, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từng nói với các phóng viên rằng, đó là \”quyền chủ quyền\” của Trung Quốc trong việc quyết định ai được và ai bị từ chối nhập cảnh.
\”Tôi cũng muốn chỉ ra rằng, rất nhiều bằng chứng cho thấy, các tổ chức phi chính phủ có liên quan đã hỗ trợ những kẻ âm mưu chống Trung Quốc gây rối tại Hong Kong bằng nhiều cách khác nhau, kích động bạo lực và tiến hành các hoạt động ly khai để giành độc lập cho Hong Kong.
\”Do vậy, việc trừng phạt với các tổ chức này hoàn toàn hợp lý vì họ phải trả giá cho những gì họ đã làm\”, ông Cảnh Sảng nói.
Nhưng ông Roth đã dùng điều này làm bằng chứng mới nhất cho thấy \”Chính phủ Trung Quốc đang làm mọi việc có thể nhằm làm suy yếu việc thực thi các tiêu chuẩn nhân quyền toàn cầu\”.
Với Việt Nam, báo cáo cho rằng, nước này đã không làm được gì nhiều để cải thiện tình hình vốn tệ hại về nhân quyền.
Việt Nam- chưa cải thiện gì
Báo cáo của HRW nhận xét, trong năm 2019, Việt Nam đã không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ nhân quyền vốn yếu kém của mình.
Theo báo cáo, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.
\”Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động\”, báo cáo của HRW viết.
Liên quan đến quyền tự do ngôn luận, báo cáo trên viết rằng nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và các mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Đường kết nối tới các trang mạng, các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là trái ý chính quyền về chính trị bị chặn hay đóng.
Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ và tù giam. Các nghi can bị bắt có thể bị công an giam giữ hàng tháng trời mà không được tiếp xúc với luật sư và bị thẩm vấn thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia.
Theo báo cáo, trong năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết án ít nhất là 25 người trong các vụ án có động cơ chính trị.
Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị hành hung dưới tay của các nhân viên công quyền hoặc côn đồ dường như có sự phối hợp với nhà cầm quyền và được miễn trừ trách nhiệm.
Báo cáo viện dẫn việc nhà vận động chống tham nhũng Hà Văn Nam bị một số người lạ mặt bắt cóc và trùm đầu, đưa anh lên một chiếc xe van và đánh đập, rồi bỏ ngoài cổng một bệnh viện với hai chiếc xương sườn bị gãy.
Hay việc nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Hưởng rồi một nhóm các nhà hoạt động bị hành hung sau khi đi thăm một số tù nhân chính trị hay gia đình họ.
Báo cáo cũng đánh giá Luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 1/2019 quá mơ hồ và lỏng lẻo, và việc này đã tạo điều kiện cho chính quyền khả năng kiểm duyệt quyền biểu đạt tự do và buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải gỡ bỏ các nội dung trái ý với chính quyền trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu.
Liên quan đến quyền tự do lập hội, báo cáo viết rằng Việt Nam tiếp tục cấm các công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị độc lập.
Nhà cầm quyền Việt Nam quy định các cuộc tụ tập đông người phải được chuẩn thuận, và từ chối cấp phép một cách có hệ thống đối với các cuộc gặp gỡ, tuần hành hay hội họp công cộng bị coi là không chấp nhận được về chính trị.
Trung Quốc – mối đe dọa toàn cầu
Báo cáo năm nay của HRW mở đầu bằng bài viết về \”mối đe dọa toàn cầu\” đối với nhân quyền ở Trung Quốc. của ông Kenneth Roth.
Ông Roth nhấn mạnh rằng nếu chúng ta không làm gì để cải thiện, điều này có thể \”báo trước một tương lai đen tối là không ai có thể vượt qua sự kiểm duyệt của Trung Quốc và hệ thống nhân quyền quốc tế suy yếu đến mức nó không thể đóng vai trò giám sát sự đàn áp của chính phủ\”.
Báo cáo trích dẫn một loạt các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, từ việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Uyghur ở Tân Cương, đến việc tăng cường kiểm duyệt, sử dụng các công nghệ để giám sát người dân và kiểm soát xã hội.
HRW cũng chỉ ra hệ thống điểm tín dụng xã hội của nước này được thiết kế để giám sát công dân, không chỉ ở Trung Quốc.
\”Ở trong nước, lo ngại rằng việc cho phép tự do chính trị sẽ gây nguy hiểm cho việc nắm giữ quyền lực của mình, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một nhà nước giám sát công nghệ và một hệ thống kiểm duyệt internet tinh vi để theo dõi và đàn áp những chỉ trích công khai.
\”Ở ngoài nước, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để bịt miệng những người chỉ trích và thực hiện các cuộc tấn công dữ dội nhất vào hệ thống thực thi quyền con người toàn cầu\”, ông Roth viết.
Các tổ chức và công ty quốc tế công khai chống lại sự chèn ép Bắc Kinh cũng đối mặt với việc bị từ chối tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng của Trung Quốc.
Cần hành động toàn cầu
Nhận xét của ông Kenneth Roth cũng đưa ra một thực tế là một số quốc gia từng được xem là chỗ dựa tin cậy trong việc bảo vệ nhân quyền đến nay cũng chưa hành động gì.
Sự chú của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu bị phân tán bởi vấn đề Brexit và dân nhập cư.
Tháng trước, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật yêu cầu chính quyền Trump tăng cường phản ứng trước sự đàn áp của Trung Quốc đối với người thiểu số Hồi giáo.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, những ngôn từ mạnh mẽ lên án các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc từ các quan chức Hoa Kỳ đã bị khỏa lấp bằng lời ngợi ca của Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bản thân Hoa Kỳ \”cũng tiếp tục đi ngược lại về nhân quyền\”, mà việc các em nhỏ bị tách khỏi cha mẹ của các em ở biên giới Mỹ-Mexico được báo cáo đưa ra như một trong nhiều ví dụ.
Ông Roth cho rằng, nếu từng quốc gia riêng rẽ đang đối mặt với sự lựa chọn giữa cơ hội kinh tế khi hợp tác làm ăn với Trung Quốc và việc lên tiếng chống lại sự đàn áp của Bắc Kinh, \”cán cân quyền lực\” có thể thay đổi nếu các chính phủ cùng nhau phản đối việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ.
\”Chẳng hạn, nếu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo phản đối chính phủ Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Bắc Kinh sẽ cần phải trả đũa 57 quốc gia\”, ông viết.
Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra các giải pháp thay thế các khoản vay và viện trợ phát triển của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích như một hình thức ngoại giao \”bẫy nợ\”.
\”Trừ khi chúng ta muốn quay trở lại thời đại mà mọi người bị thao túng hoặc loại bỏ theo ý thích của các lãnh chúa, chúng ta phải chống lại sự tấn công của Bắc Kinh đối với quyền con người của chúng ta\”, ông Roth nói.
\”Những tiến bộ về nhân quyền trong hàng thập niên qua, tương lai của chúng ta đang bị đe dọa.
\”Để bảo vệ tương lai, các chính phủ cần hành động cùng nhau để chống lại sự tấn công của Bắc Kinh vào hệ thống nhân quyền quốc tế\”, báo cáo viết.