Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo các công ty Mỹ không được phép trợ giúp TQ
Ngày đăng 17-01-2020BDN
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm 13/1 cảnh báo các công ty Mỹ tại thung lũng Silicon về những nguy cơ khi hợp tác với Bắc Kinh, kêu gọi không để công nghệ Mỹ trợ giúp cho “nhà nước giám sát toàn trị” Trung Quốc.
Trong một cuộc họp của Nhóm Lãnh đạo Thung lũng Silicon tại Câu lạc bộ Liên bang ở San Francisco – một hiệp hội của hơn 350 công ty tại trung tâm công nghệ California, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: “Chúng ta cần đảm bảo rằng các công ty của chúng ta không thực hiện các thỏa thuận giúp củng cố cho quân đội của đối thủ cạnh tranh, hoặc thắt chặt sự đàn áp của chế độ tại các khu vực của quốc gia đó”.
Yêu cầu các công ty công nghệ Mỹ “cần đảm bảo công nghệ Mỹ không tạo ra sức mạnh cho một nhà nước giám sát đích thực theo kiểu Orwellian toàn trị”, ông Pompeo nhấn mạnh: “Chúng ta cần đảm bảo các nguyên tắc của Mỹ không bị hy sinh để đổi lấy sự phát đạt”.
Những phát biểu của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về việc chính quyền Trung Quốc sử dụng công nghệ tiên tiến để giám sát và kiểm soát người dân trong nước, bao gồm cả mạng lưới rộng lớn các camera quan sát (CCTV camera), một camera giám sát trung bình 4 người, trong đó rất nhiều camera được trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Theo Epoch Times, các nhà lập pháp và chuyên gia Mỹ gần đây đã thu hút sự chú ý đến vai trò của các công ty công nghệ Mỹ, trong việc xây dựng khả năng giám sát của chính quyền Trung Quốc.
Tháng 12/2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, bao gồm các quy định về kiểm soát xuất khẩu công nghệ Mỹ trợ giúp cho việc giám sát của chính quyền Trung Quốc tại khu vực Tây Bắc Tân Cương. Ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ trong các trại “cải tạo” ở nơi đây.
Một phiên bản dự luật của Thượng viện đã được thông qua vào tháng 9/2019. Các nhà lập pháp hiện đang nghiên cứu chỉnh sửa dự luật để thông qua, và gửi đến tổng thống Mỹ.
Tháng 2/2019, Công ty Sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm Thermo Fisher Scientific ở tiểu bang Massachusetts, thông báo rằng họ sẽ ngừng bán bộ giải mã DNA cho Tân Cương, sau khi bị chỉ trích từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ, rằng các sản phẩm của công ty đã được chính quyền Trung Quốc sử dụng để nhận diện người dân trong chiến dịch đàn áp của mình.
Hôm 2/1/2020, ông Ross LaJeunesse, cựu giám đốc điều hành Google, đã phê phán Google đặt lợi nhuận lên trên nhân quyền, dẫn chứng việc Google hợp tác với chính quyền Trung Quốc, bao gồm dự án “Dragonfly”, một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt đã từng bị loại bỏ, và dự án trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) ở Bắc Kinh.
“Đúng lúc Google cần tăng gấp đôi cam kết về quyền con người, thay vào đó họ quyết định theo đuổi lợi nhuận lớn hơn, và giá cổ phiếu thậm chí còn cao hơn”, ông La Laeunesse chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội. Ngoại trưởng Pompeo đã trích dẫn lời chứng thực của cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên Quân Mỹ, Đại tướng Joseph Dunford, tại Thượng viện Mỹ trong năm 2019, nói rằng: “Công việc mà Google hiện làm ở Trung Quốc đang gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc”.
Chính quyền của Tổng thống Trump gần đây đã áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ AI, phân tích hình ảnh vệ tinh để bảo vệ công nghệ mới nổi, có thể mang lại cho Mỹ một lợi thế tình báo hoặc quân sự quan trọng.
Đề cập đến nỗ lực của Bắc Kinh thúc đẩy công nghiệp tư nhân và nghiên cứu tại các trường đại học để phát triển quân đội Trung Quốc, ông Pompeo cho rằng chính quyền Trung Quốc đã ưu tiên cho một chiến lược phát triển quân sự, được gọi là “hợp nhất dân sự – quân sự”.
Ông Pompeo nói rằng, theo luật pháp Trung Quốc, các công ty và các nhà nghiên cứu Trung Quốc phải chia sẻ công nghệ với quân đội Trung Quốc. Nếu vi phạm, họ sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt.
“Ngay cả khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết công nghệ của bạn được giới hạn cho những sử dụng hòa bình, bạn cũng nên biết rằng có nguy cơ rất lớn, rủi ro đối với an ninh quốc gia của Mỹ”, ông Pompeo lưu ý.Trung Quốc đánh cắp công nghệ
Ngoại trưởng Pompeo cũng nhấn mạnh “hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ tràn lan của chính quyền Trung Quốc”, không chỉ gây hại cho các công ty nạn nhân riêng lẻ, mà còn gây nguy hiểm cho sự đổi mới của Mỹ”.
Ông Pompeo cho hay các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã từng chia sẻ riêng với ông về những lo ngại của mình khi bị gián điệp kinh tế Trung Quốc nhắm đến, rằng họ “lo sợ bị tấn công mạng, lo sợ một công ty được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ, làm giảm lợi nhuận của họ; lo sợ rằng một công ty Trung Quốc sẽ đánh cắp ý tưởng của họ để sản xuất nó ở Trung Quốc, và sau đó kiện họ ra tòa, cấm họ kinh doanh vì vi phạm bằng sáng chế”.
Theo ông Pompeo, FBI hiện có khoảng 1.000 vụ sở hữu trí tuệ mở (IP) chưa giải quyết, gần như tất cả chúng đều có liên quan đến Trung Quốc.
Chính quyền liên bang trong những năm gần đây đã triệt phá các vụ trộm cắp tài sản trí tuệ, được nhà nước Trung Quốc trợ giúp, bao gồm các vụ thông qua tấn công mạng, gián điệp kinh tế tại các công ty Mỹ, và chuyển giao công nghệ của các nhà nghiên cứu Trung Quốc tại các trường đại học và viện nghiên cứu.
Đồng thời, chính quyền Mỹ đã thắt chặt các quy định, hạn chế các rủi ro bảo mật do các công ty Trung Quốc gây ra.
Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa và các chi nhánh của quân đội Mỹ đều cấm nhân viên tải ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc TikTok lên điện thoại do chính phủ cấp, do lo ngại về an ninh mạng.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ sẽ tạm dừng lắp đặt khoảng gần 1.000 thiết bị không người lái do Trung Quốc sản xuất, do nguy cơ chúng có thể bị Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp.
Năm 2019, Hoa Kỳ cấm người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei làm ăn với các công ty Mỹ do những lo ngại bảo mật tương tự.