Những Quân lệnh chỉ huy của tướng Ngô Quang Trưởng trong trận đánh kinh điển: \”81 ngày đêm tái chiếm thành cổ
Ngày 4/5/1972, Trung tướng Ngô Quang Trưởng được lệnh tức tốc bay ra Huế nhậm chức Tư lệnh Quân Đoàn I để cứu vãn tình hình Vùng I chiến thuật. Khi đến Huế thì tình hình Vùng I đã bi quan rồi, đúng hơn là bi đát. Ngày hôm sau, Trung tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh lập Bộ tư lệnh tiền phương của Quân Đoàn I ở hướng Bắc thành phố Huế. Đồng thời, ông ra lệnh tất cả các quân nhân đang đi lạc khỏi đơn vị, hay không còn đơn vị lập tức quay trở về ngay, phải tìm cách trình diện thẩm quyền quân sự lập tức. Mọi sự bất tuân th¬ượng lệnh sẽ bị trừng phạt ngay tại chỗ.
Sau khi phân chia vùng trách nhiệm tác chiến cho các đơn vị đã được ổn định, tướng Trưởng ra lệnh tái huấn luyện, tái trang bị lại cho các đơn vị bị tan rã 1 tháng trước đó. Trong khi chờ đợi các đơn vị hồi phục sức chiến đấu. Ông sử dụng hỏa lực của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ để phá hủy các điểm tập trung quân của Cộng Sản (CS).
Trong tháng 5, sau khi được Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện cho hai lữ đoàn Dù, tướng Trưởng bắt đầu \”chuyển từ thế phòng thủ qua thế tấn công giới hạn\”. Tấn công giới hạn ở đây có nghĩa là ông dùng trực thăng vận để bất thần đột kích sau lưng những đơn vị Cộng Sản.
Với không vận cung cấp từ TQLC Hoa Kỳ, tướng Trưởng lệnh cho những Tiểu đoàn của Thủy quân lục chiến (TQLC) và Sư Đoàn 1 Bộ binh (SĐ1BB) đột kích sau lưng địch. Hai Tiểu đoàn của Lữ Đoàn 369 được lệnh nhảy vào Hải Lăng, Lữ Đoàn 147 vừa đổ bộ bằng tàu lên Mỹ Thủy, vừa đổ bộ bằng trực thăng vào Cổ Lũy. Sau những lần đột kích như vậy, TQLC hoàn tất nhiệm vụ và trở lại tuyến bạn một cách an toàn. Cùng lúc, ông lệnh cho SĐ1BB bất thần nhảy vào chiếm lại căn cứ hỏa lực Bastogne, rồi từ đó chiếm lại luôn căn cứ Checkmate. Đây là hai cao điểm quan trọng bảo vệ hướng Tây Nam của Huế.
Cuối tháng 5, Sàigòn cho tướng Trưởng thêm Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (LĐ1ND). Như vậy, Vùng I bây giờ có được hai sư đoàn tổng trừ bị đủ và ba sư đoàn bộ binh thiếu, nhưng phải chia ra giữ đất khắp nơi, vì thế SĐ2BB và SĐ3BB không thể điều về lấy lại Quảng Trị. Tình hình cuối tháng 5 ở Vùng I khả quan hơn hai tháng trư¬ớc. Khi biết tướng Trưởng trở lại trấn thủ biên cương Vùng I thì người dân và binh sĩ Vùng I khấp khởi vui mừng, họ kháu nhau: \”Ông Trưởng trở lại rồi! Ông Trưởng trở lại rồi!\”.
Cuối tháng 6, khi thấy mình có đủ quân và khả năng để lấy lại Quảng Trị, tướng Ngô Quang Trưởng soạn thảo một kế hoạch và trình về Sàigòn, cùng lúc ông cho MACV (Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam – The US Military Assistance Command, Vietnam) một bản sao của kế hoạch hành quân. Vài ngày sau, trước khi Sàigòn trả lời, MACV đã trả lời nói với ông là \”Chưa đến lúc\”. MACV đề nghị ông tiếp tục đột kích và chờ một thời gian nữa. Thất vọng vì kế hoạch không được chấp nhận, tướng Trưởng bay về Sàigòn đích thân tường trình kế hoạch cho Tổng thống Thiệu. Theo những gì tướng Trưởng viết lại trong tác phẩm: \”The Easter Offensive of 1972\”, sau khi nghe kế hoạch của ông, Tổng thống Thiệu cũng có thái độ như MACV và ra lệnh cho ông chờ thêm một thời gian nữa. Trong lúc này chỉ nên tấn công phá rối và đột kích như đang làm. Bực tức và thất vọng tràn trề, tướng Trưởng gom bản đồ lại và bay trở về Bộ tư lệnh. Sau một đêm mất ngủ, sáng sớm hôm sau ông gọi điện thoại cho Trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Thiệu, ông nói: “Tôi sẽ không đệ trình thêm một kế hoạch nào nữa. Nếu họ muốn tôi thi hành ra sao thì nên đưa cho tôi một bản kế hoạch bằng tiếng Việt và tôi sẽ thi hành”.
Ngô Quang Trưởng đinh ninh: Phải chăng người Mỹ đã làm áp lực với tổng thống Thiệu và không cho đánh trong thời gian đó hoặc một nguyên nhân nào khác?
Qua những tài liệu của MACV được giải mật sau này, trong khoảng thời gian từ 1 đến 17 tháng 6, tình hình Vùng I và tên của tướng Trưởng được nhắc đến nhiều lần. Những tài liệu mật cho thấy MACV không nói gì đến kế hoạch phản công chiếm lại Quảng Trị, nhưng có vài đoạn chúng ta đọc thấy MACV và chính tướng Abrams lo ngại Quân Đoàn I không đủ quân để thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng như vậy. Trong tập hồ sơ giải mật do sử gia Sorley soạn thảo và tướng Trưởng cũng ghi những chi tiết tương tự trong tác phẩm của ông đến giữa tháng 6/1972, Quân Đoàn I chỉ có hai sư đoàn TQLC và Nhảy Dù là đủ cấp số và khả năng tác chiến. Các đơn vị cơ hữu còn lại của Quân Đoàn: ba sư đoàn bộ binh 1, 2, 3, Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ và Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân thì chỉ còn 1/3 cấp số và khả năng tác chiến nguyên thủy. Sư Đoàn 3 Bộ Binh (SĐ3BB) chỉ còn 2 Tiểu đoàn tác chiến được, 4 Tiểu đoàn thì đang được tái trang bị và bổ sung.
Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ mất hơn 200 xe tăng và thiết vận xa, 10 Tiểu đoàn pháo binh cần phải được trang bị lại 100%. Trong một buổi họp ở MACV ngày 18/6 (hai ngày sau khi tướng Trưởng đề nghị kế hoạch tái chiếm Quảng Trị), một sĩ quan sau khi tường trình về tình hình các đơn vị ở Vùng I, nói tướng Trưởng cần phải có hơn hai sư đoàn Nhảy Dù và TQLC nếu muốn tái chiếm Quảng Trị, ông không biết số quân cần thêm đến từ đâu nhưng phải có nếu tướng Trưởng muốn thực hiện kế hoạch hành quân. Cũng trong buổi họp này, sĩ quan thuyết trình nói đến vấn đề tiếp liệu đạn đại bác cho Vùng I. Đại bác 105 ly được giới hạn lại 20 quả cho một khẩu/ngày, trong trường hợp cần thiết 40 viên/khẩu/ngày. Nếu bắt đầu chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, pháo binh có thể xài 120 viên và có thể lên 180 viên/khẩu/ngày.
Chín giờ sáng hôm sau, Tổng thống Thiệu gọi điện thoại và yêu cầu tướng Trưởng trở lại trình bày lại kế hoạch một lần nữa. Lần này, Tổng thống Thiệu chấp thuận kế hoạch hành quân tái chiếm Quảng Trị của tướng Trưởng.
Tại Vùng I, Trung tướng Ngô Quang Trưởng liền ra lệnh mở cuộc \”Hành quân Sóng Thần 72\” tái chiếm Quảng Trị. Từ ngày 10/6 đến ngày 18/6, tướng Trưởng đã ra lệnh hai Sư đoàn 2 và 3 bộ binh ở lại lo bảo vệ và phòng thủ. Ông lệnh cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh tấn công về hướng Tây, Nhảy Dù và TQLC đánh nhích qua sông Mỹ Chánh vài cây số thăm dò khả năng phản cự của địch.
Ngày 19 đến 27 tháng 6, tướng Ngô Quang Trưởng lệnh cho hai Sư đoàn Nhảy Dù và Sư đoàn TQLC nhảy vào Cam Lộ và Cửa Việt bằng đường không và đường thủy.
Hai ngày trước đó, ông yêu cầu hỏa lực từ Không và Hải quân Hoa Kỳ dùng bom dọn bãi và san bằng những điểm kháng cự khả nghi
trước để đề phòng bất trắc khi đổ quân.
Ngày 28/6, tướng Ngô Quang Trưởng lệnh cho Nhảy Dù đánh bên trái, mục tiêu là: \”La Vang\” và TQLC đánh bên phải, mục tiêu là: \”Triệu Phong\”. Ông dặn các tướng, tá thật kỹ là lấy Quốc lộ 1 là trục làm chuẩn của hướng tiến quân. Tướng Trưởng đặt Nhảy Dù là lực lượng có trách nhiệm chiếm thành phố Quảng Trị. Những ngày đầu của cuộc hành quân, Nhảy Dù và TQLC đánh chậm nhưng tiến quân được vài trăm mét. Trừ một vài trận đụng độ mạnh cấp Trung đoàn với địch ở những lớp phòng thủ vòng ngoài, CS rút dần theo đà tiến của quân VNCH.
Nhưng càng đi gần về bờ sông Thạch Hãn, sức chống cự của CS càng mãnh liệt hơn, mỗi góc phố, mỗi căn nhà là những trận kịch chiến không khoan nhượng, tướng Ngô Quang Trưởng đích thân ra chiến trường cùng anh em ngoài mặt trận vì thế tinh thần binh sĩ lên rất cao.
Đầu tháng 7/1972, khi quân Nhảy Dù đến ngoại ô thành phố Quảng Trị, Cổ thành Quảng Trị là cứ điểm kháng cự cuối cùng, quân CS cố thủ ngoan cường, 2 bên quyết chiến đấu ngày đêm đến người cuối cùng, viên đạn cuối cùng. Từ căn cứ bên Lào, pháo binh quân CS bắn hàng ngàn quả đạn pháo sang yểm trợ suốt ngày đêm, trong khi tầm bắn của pháo bên QLVNCH ngắn hơn nên khó lòng bắn trả đũa, khó khăn chồng chất. Chẳng những quân CS quyết tâm tử thủ, họ còn có thêm viện quân từ ngoài vào để củng cố thêm hàng phòng thủ, lực lượng CS trong Cổ Thành rất đông đảo và được trang bị hàng loạt vũ khí mới nhất và hiện đại nhất của Liên Xô và Trung Quốc.
Tướng Trưởng sau khi \”chấm\” một toạ độ đóng quân và tiếp tế bí mật của CS đã ra lệnh cho Tiểu Đoàn 1 TQLC dùng trực thăng vận nhảy thẳng vào một địa điểm ở hướng Đông Bắc của thành phố để ngăn chặn hướng tiếp tế, tiếp viện của CS, đúng như dự tính, đây là nơi đóng quân và tiếp tế quan trọng chiến lược của CS, khi đổ quân xong, TQLC bị bộ binh và thiết giáp của địch lao ra chặn ngay nơi họ đổ bộ. Nhưng sau khi chỉnh đốn, lính Tiểu Đoàn 1 của Trung tá Nguyễn Đăng Hòa chẳng những bám được địa điểm đổ quân, họ còn gom địch ngược về hướng Tây (về hướng cổ thành).
Đến ngày 14/7, TQLC thành công cắt được đ¬ường liên lạc tiếp tế của quân CS. Hơn 50 ngàn quân của địch ở Quảng Trị bây giờ chờ tiếp viện từng ngày.
Cuối tháng 7, các cuộc tấn công của Nhảy Dù gần như kiệt sức, cách bức tường Cổ thành Quảng Trị chừng 200 mét, Lữ đoàn 2 của Đại tá Trần Quốc Lịch tỏ ra mệt mỏi. Tướng Trưởng nhận biết ngay tình hình đó và nhận định: \”Những trận đánh đẫm máu ở Võ Định, Tân Cảnh, ở Quân Đoàn II đã làm Lữ Đoàn 2 bị móp. Cộng thêm vào đó là sự cương quyết tử thủ của Cộng quân\”.
Ngay sau đó, ngày 27/7/1972, tướng Trưởng lệnh cho SĐ TQLC thay thế SĐND. “Mục tiêu vẫn như cũ, chỉ thay đổi vùng trách nhiệm\”.
Tướng Trưởng lệnh cho tướng Bùi Thế Lân dùng hai Lữ Đoàn 147 và 258 TQLC \”Đột kích cuối cùng\” đánh chiếm Cổ Thành. Tướng Ngô Quang Trưởng cùng các thuộc cấp trực tiếp chỉ huy chín Tiểu đoàn tác chiến và một Tiểu đoàn pháo binh TQLC chiến đấu liên tục hơn 50 ngày để hoàn tất nhiệm vụ, đột phá thành công vào thành. Kết hợp các lực lượng khác, ngày 16/9/1972, những người lính Tiểu Đoàn 3 – Sói Biển cùng Tiểu Đoàn 6 – Thần Ưng được lệnh đánh kẹp 2 bên mạn trái và phải của thành cổ và đột kích thành công, tiêu diệt hoàn toàn quân CS, kéo cao lá kỳ VNCH tung bay trên kỳ đài Cổ Thành, tiếng reo hò cùng những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi trên má của những chiến binh và người dân còn lại tại Quảng Trị, tướng Trưởng im lặng, trầm ngâm nhìn xung quanh chiến địa hoang tàn, vẫn với điếu thuốc trên môi, ai cũng thấy ông đã gầy gò hơn, hốc hác đi rất nhiều trong trận đánh lớn này.
Huy Khac Pham
https://www.nguoivietdallas.com/nhng-qun-lnh-ch-huy-ca-tng-ng-quang-trng-trong-trn-nh-kinh-in-81-ngy-m-ti-chim-thnh-c-qung-tr