ASEAN xem xét đề nghị của Mỹ về thượng đỉnh đặc biệt
Đăng ngày: 18/01/2020
Minh Anh
Ngày 17/01/2020, hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN kết thúc hai ngày họp tại Việt Nam. Ngoài việc kêu gọi tiếp tục hợp tác tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng ở Biển Đông và khủng hoảng người Rohingya, ASEAN xem xét khả năng mở thượng đỉnh đặc biệt với tổng thống Trump theo đề nghị từ phía Mỹ.
Trong thông cáo chung, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết ASEAN « hoan nghênh lời mời của tổng thống Donald Trump triệu tập một Thượng đỉnh Đặc biệt để kỷ niệm năm năm quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Mỹ trong năm nay, và quyết định sau cùng sẽ do lãnh đạo các nước thành viên đưa ra ».
Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, chính phủ Hoa Kỳ đã đề nghị tổ chức sự kiện này tại Las Vegas vào trung tuần tháng 3/2020, nhưng chưa cho biết ngày giờ cụ thể.
Hãng tin Kyodonews nhận định tổng thống Trump đưa ra lời mời này sau khi đã xem nhẹ hai kỳ thượng đỉnh được tổ chức ở Bangkok, thủ đô Thái Lan tháng 11/2019 và Singapore cũng trong tháng 11/2018, khiến nhiều lãnh đạo khối ASEAN thất vọng.
Tuyên bố chung của hội nghị không chính thức cấp ngoại trưởng Đông Nam Á hoan nghênh việc Hoa Kỳ tham gia trở lại các cuộc họp cấp cao với ASEAN, bao gồm cả thượng đỉnh ASEAN – Đông Á diễn ra vào tháng 11/2020 tại Hà Nội.
Biển Đông và hồ sơ Rohingya : Trọng tâm của ASEAN 2020
Về tình hình căng thẳng ở Biển Đông do những tranh chấp chủ quyền giữa một số nước thành viên với Trung Quốc, thông cáo bày tỏ « quan ngại về những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, các tiến triển gần đây và những sự cố nghiêm trọng, đang làm xói mòn niềm tin và sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại cho nền hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực ».
Ngoại trưởng các nước ASEAN một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng luật quốc tế, nhất thiết phải tạo một môi trường thuận lợi cho các cuộc thương lượng đang được tiến hành nhằm đúc kết một bộ Quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông.
Các ngoại trưởng ASEAN còn thảo luận về triển vọng của ASEAN về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhằm khẳng định rằng ASEAN có một « vai trò trung tâm và chiến lược » cho sự phát triển của khu vực.
Đối với cuộc khủng hoảng Rohingya, các ngoại trưởng tái khẳng định ASEAN nên « can dự nhiều hơn và tăng cường vai trò của mình trong việc hỗ trợ Miến Điện thông qua các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tạo thuận lợi cho tiến trình hồi hương và phát triển bang Rakhine ».