Philippines: Duterte ủng hộ Trung Quốc bất chấp quyền lợi quốc gia
Đăng ngày: 20/01/2020
Mai Vân
Càng gần đến ngày mà trên nguyên tắc tổng thống Philippines hết nhiệm kỳ, ông Rodrigo Duterte càng để lộ rõ vai trò người phục vụ đắc lực cho quyền lợi của Trung Quốc.
Ngoài việc chiều ý Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, mới đây ông đã bất chấp ý kiến phản đối của giới quân sự Philippines, cho một công ty Nhà nước Trung Quốc tham gia đề án xây dựng một sân bay quốc tế mới gần Manila, nằm sát các cơ sở quân sự trọng yếu của Philippines.
Trong bài phân tích đăng trên trang mạng báo Asia Times tại Hồng Kông ngày 14/01/2020, chuyên gia Philippines Richard Javad Heydarian đã phê phán quyết định của ông Duterte, cho rằng việc tổng thống Philippines đang cấp tốc bật đèn xanh cho các đề án được Trung Quốc hậu thuẫn có nguy cơ để lại những hậu quả lâu dài nghiêm trọng cho quốc gia Đông Nam Á này.
Dự án sân bay về tay công ty Trung Quốc đã bồi đắp Đá Vành Khăn cướp của Philippines
Chuyên gia Philippines trước hết ghi nhận quy mô to lớn của dự án sân bay vừa được chính quyền Duterte bật đèn xanh trong một cuộc đấu thầu mờ ám.
Trị giá 10 tỷ đô la, đây sẽ là một sân bay quốc tế mới, nằm ở Sangley Point, tỉnh Cavite vùng ngoại ô Manila. Dự án này đã được trao cho một liên doanh giữa Công Ty Thiết Kế Xây Dựng Giao Thông Trung Quốc (CCCC), một trong những tập đoàn Nhà nước lớn nhất của Trung Quốc trong lãnh vực xây cất cơ sở hạ tầng, và đối tác địa phương MacroAsia, thuộc sở hữu của Lucio Tan, một tài phiệt người Philippines gốc Hoa.
Vấn đề là tiến trình đấu thấu xây dựng sân bay mới đó rất mờ ám, và liên doanh trúng thầu là đơn vị duy nhất tham gia đầu thầu.
Mặt khác, CCCC là một doanh nghiệp từng bị Ngân Hàng Thế Giới đưa vào danh sách đen trong khoảng thời gian từ 2011-2017, và nhất là đã từng tham gia vào các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã cho tiến hành tại vùng Trường Sa, trong đó có Đá Vành Khăn mà Trung Quốc đã cướp từ tay Philippines vào năm 1995.
Sân bay mới có ảnh hưởng lớn đối với an ninh quốc gia
Ngay từ khi ý định trao dự án sân bay Sangley Point cho Trung Quốc được tiết lộ, giới chức quốc phòng và quân sự Philippines đã cảnh báo chính quyền Duterte về những ảnh hưởng đối với an ninh quốc phòng Philippines của dự án nằm gần các cơ sở hải quân hiện có.
Cựu tư lệnh Hải Quân Philippines, đô đốc Alexander Pama, đã từng chỉ trích dữ dội ý định của chính quyền. Đối với đô đốc Pama, cũng như nhiều người khác, mối quan ngại chính yếu đến từ việc giao cho một công ty Nhà nước Trung Quốc dự án phát triển một cơ sở trọng yếu và có một và có vị trí chiến lược của Philippines.
Theo chuyên gia Heydarian, thái độ quan ngại của giới chức quốc phòng Philippines rất có lý trong bối cảnh đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây đã thông qua một quy định mới có hệ quả là biến các đại tập đoàn Trung Quốc thành cánh tay nối dài mà chế độ kiểm soát.
Theo quy định mới, tất cả các quyết định quản lý và kinh doanh quan trọng phải được đảng bộ của tập đoàn thảo luận trước khi trình lên ban giám đốc hoặc ban quản lý để ra quyết định, và chủ tịch tập đoàn Nhà nước và bí thư Đảng bộ phải “cùng là một người”.
Ngoài ra, hội đồng quản trị của tập đoàn cũng phải bao gồm một phó bí thư đảng bộ, có vai trò thuần túy về ý thức hệ, không có trách nhiệm liên quan đến quản lý.
Quy định này như vậy sẽ thắt chặt quyền khống chế của đảng Cộng Sản đối với các quyết định của các đại công ty Trung Quốc, trong đó có các đơn vị tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới.
Trả lời tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review vào tháng 12 vừa qua, một quan chức Hải Quân Philippines cao cấp xin giấu tên đã khẳng định rằng việc trao cho tập đoàn Nhà nước Trung Quốc xây dựng sân bay Sangley Point “không chỉ là mối quan ngại lớn của riêng Hải Quân và Quân Đội Philippines mà còn là của cả đất nước”.
Duterte kiên quyết bác bỏ phản đối của giới quân sự
Trong thời gian qua, với lý do an ninh quốc gia, giới chức quốc phòng Philippines đã nhiều lần chỉ trích và ngăn chặn thành công một số đề nghị của phía Trung Quốc, muốn mua lại hay xin thuê một số cơ sở trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng. Nhưng lần này, tổng thống Duterte đã quyết định phớt lờ phản đối của giới quân đội.
Theo ghi nhận chuyên gia Heydarian, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana vào năm ngoái đã từ chối không cho các công ty vận tải biển Trung Quốc mua lại xưởng đóng tàu Hanjin ở vùng Vịnh Subic đang gặp khó khăn về tài chính. Subic là nơi đặt các cơ sở quân sự lớn của Philippines. Thay vào đó, ông đề xuất thành lập một cơ sở hải quân Philippines cho khu vực.
Một ví dụ khác: Khi một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Hạ Môn, đề nghị xây dựng một thành phố thông minh 2 tỷ đô la trên đảo Fuga, nằm sát với Đài Loan, Hải Quân Philippines đã lên tiếng công khai chỉ trích. Và sau đó, họ đã xây dựng một tiền đồn trên đảo để ngăn chặn và giám sát mọi hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Theo báo chí Philippines, vào thời đó, chuẩn tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên Quân Đội Philippines đã công khai cảnh báo rằng Philippines chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về an ninh và chiến lược nếu đảo Fuga rơi vào tay nước khác.
Đối với phát ngôn viên này, việc giúp kinh tế Philippines phát triển là điều đáng hoan nghênh, nhưng “cũng nên xem xét nguy cơ an ninh bị tổn hại nếu không nghiên cứu đầy đủ ý nghĩa của việc cho nước ngoài thuê”.
Duterte nhắm mắt hậu thuẫn cho các dự án của Trung Quốc
Vấn đề đối với Philippines hiện nay, theo nhà phân tích Heydarian, là tổng thống Duterte đã bác bỏ những quan ngại được nêu lên và càng lúc càng đẩy mạnh các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn khi ông bước vào những năm cuối của nhiệm kỳ.
Ông Duterte đã đích thân can thiệp để thúc đẩy cả những dự án gây tranh cãi.
Gần đây chẳng hạn, tổng thống Philippines đã cảnh cáo các tòa án là không nên ngăn chặn các dự án của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thực hiện, trong đó có dự án thủy lợi Chico River trị giá 66 triệu đô la, và dự án đập Kaliwa 24 triệu.
Cả hai dự án do Trung Quốc tài trợ đều bị chỉ trích nặng nề vì các tác hại môi trường tiềm tàng, cũng như các điều khoản trả nợ mang tính chiến lược, chẳng hạn như phải thế chấp cho Trung Quốc các tài sản chiến lược quốc gia của Philippines như tài nguyên năng lượng tại vùng Bãi Cỏ Rong đang tranh chấp ở Biển Đông.
Duterte đã cực lực bảo vệ các dự án của Trung Quốc và các điều khoản của họ, và công khai đe dọa các tòa án muốn ban hành các Lệnh Cấm Tạm Thời có thể làm đình trệ các dự án, trong đó có cả thỏa thuận về sân bay Sangley Point.