Giới hoạt động, trí thức đề nghị khởi tố vụ ông Lê Đình Kình ‘bị giết’
21/01/2020
Một nhóm gồm 12 người thuộc giới hoạt động và trí thức hôm 21/1 đến Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội nộp đơn tố giác về vụ mà họ gọi là ông Lê Đình Kình bị tội phạm giết hại, theo thông tin đăng trên trang Facebook cá nhân của những người nộp đơn, trong đó có các tiến sĩ Nguyễn Quang A và Nguyễn Xuân Diện.
Ông Lê Đình Kình, một thủ lĩnh nông dân, thiệt mạng hôm 9/1 khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào xã Đồng Tâm sau một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài hàng năm trời giữa người dân và chính quyền.
Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này.
Đơn tố giác, cũng có chữ ký của các nhà hoạt động như Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Huỳnh Ngọc Chênh và Vũ Mạnh Hùng, viết rằng “qua thông tin của Bộ Công an và các video clip trên mạng”, họ nhận thấy ông Kình “đã bị bắn ở cự ly gần” và “chết”.
Những người tố giác viết họ cho rằng “đã xảy ra sự phạm tội giết ông Lê Đình Kình”, một hành vi “vi phạm pháp luật hình sự”.
Nhóm ký đơn đề nghị Viện Kiểm sát và Công an Hà Nội nhận đơn tố giác, tiến hành các bước đi cần thiết theo luật và “khởi tố vụ án hình sự”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết trên trang cá nhân rằng “những kẻ giết cụ [Kình]” cần phải được tìm ra và bị trừng trị theo pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện viết cụ thể hơn trên trang Facebook của mình rằng cần phải “truy tố những người chỉ đạo và những người đã giết cụ Lê Đình Kình”.
Ông Quang A bày tỏ ý kiến rằng động thái này thể hiện việc công dân “biết quyền của mình, làm đúng luật và buộc chính quyền làm đúng luật”.
Vẫn theo tiến sĩ Quang A, đơn tố giác vụ giết người này có thể bị “chính quyền cộng sản né tránh” song đơn vẫn có giá trị trong nhiều năm nữa, kể cả phải chờ đến khi có một chính quyền phi cộng sản mới được giải quyết.
Số người đồng ý ký đơn nhiều hơn con số 12 nhưng vì nhiều người ở xa không thể ký trực tiếp, ông Quang A cho biết.
Theo quan sát của VOA, đơn tố giác này đã được hàng trăm người chia sẻ trên Facebook.
Một nữ nhân viên Viện Kiểm sát Hà Nội đã tiếp nhận đơn của nhóm các nhà hoạt động và trí thức với giấy biên nhận có nội dung là đơn “phản ánh vụ việc xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội ngày 9/1/2020”. Tiến sĩ Quang A nhận xét rằng nữ nhân viên đã ghi “không trung thực”.
Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017 cho đến đỉnh điểm là cuộc đột kích hôm 9/1.
Ông Kình và nhiều người dân chuẩn bị một số vũ khí tự chế để “giữ đất, giữ làng” song Bộ Công an Việt Nam coi việc làm của những người dân này là có mục đích “tấn công lại lực lượng chức năng”, “có dấu hiệu của khủng bố”.
Sau cuộc đột kích, 22 người trong đó có 2 con trai và 2 cháu nội ông Lê Đình Kình bị bắt và bị khởi tố về tội giết người và chống người thi hành công vụ.