Canh Tý tán phét chuyện Chuột.
Trước thềm năm mới Canh Tý 2020, Người Lính Già Nashville, TN xin kính chúc quý Đồng Hương, quý Quan Anh dồi dào sức khỏe.
Xin phép quý vị cùng quý Quan Anh được tán phét và hầu chuyện về Ông Tý nhà ta.
Không biết tự bao giờ, có lẽ lúc thời đại chúng ta chưa có Dương Lịch, với hơn 1000 năm ảnh hưởng phong tục của người Tàu. Việt Nam chúng ta xử dụng âm lịch bằng những hình tượng các con vật (12 con giáp) để tính tuổi cho mình, một sự vô tình hay cố ý họ sắp cho hai con vật đi liền nhau: Bác Lợn cuối cùng và Bác Tý đi đầu trong 12 con giáp.
Nếu có ai hỏi mình tuổi con gì? Nếu là tuổi Hợi, đây là tuổi sung sướng ăn no lại nằm, hay tuổi Tý ăn và phá hoại…!?
Theo người viết, tán phét ra thì hai tuổi của con vật vô tội, nhưng nếu ngụ ý bàn ra tính vào hai tuổi nầy gán ghép cho người hay thời thế thì đúng là mạt vận cho gia đình và cho đất nước.
Nói tới năm Hợi, ai cũng biết Bác đã hiến dâng đời mình cho phong tập tập quán trong ba ngày Tết:
Thịt mở dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
Về Bác Tý thì ca dao ta nhắc nhở:
Chuột kêu rúc rít trong hang
Anh đi cho khéo, đụng giường Mẹ hay
(có lẽ hai câu nầy nói về thân phận ở rể của mấy chàng trai).
Ngoài tên thường dùng là CHUỘT còn có những tên khác như: Tý, Thử…
Chuột tạm chia thành ba nhóm theo lối sống bầy đàn của chúng: chuột đồng, chuột nhà và chuột trắng (Bạch Thử) dung trong phòng thí nghiệm.
Chiều ba mươi Tết hai bác nhà ta bàn giao chức vụ cho nhau:
– Bác Lợn: thành thật xin lổi Bác Tý nha. Thú thiệt do tính ham ăn và ham gái nên tôi đã ăn không chừa thứ gì. Nhỏ ăn theo nhỏ, lớn ăn theo lớn. Từ cây đinh, cọc sắt, cầu đường rổng ruột, đất đai biển đảo tôi không chừa thứ gì, vài ba trăm ngàn đến vài trăm tỷ (VN đồng). Vì vậy bác đừng buồn khi tôi bàn giao cho bác những tấm giẻ rách xác xơ, mục rổng cơ đồ. ” Hy sinh đời bố cũng cố đời con.”
– Bác Tý: Ôi chuyện nhỏ mà, thân xác bác to lớn thì cần phải tiêu thụ nhiều, ăn nhiều, đó là lẽ đương nhiên. Bác mà không ăn đó mới là chuyện lạ. Thôi thì còn kho thóc trong nhà và đám lúa ngoài đồng tôi xài tạm cũng được. Bác chỉ ăn một mình, còn tụi tôi có cả một bầy đàn. Nhỏ con như vậy nhưng xúm vào thì tàn gia, bại sản.
Thế là câu chuyện hai Bác bàn giao xong. Kẻ đi, người đến đều là một lũ tham ăn và phá hoại.
Trở lại câu chuyện về Ông Tý, dĩ nhiên năm Thử nói chuyện Chuột theo lẽ vần xoay của trời đất.
“ Tháng Tư ngày ấy, chúng tôi là những kẻ chưa đánh trận sau cùng thì bị gãy súng, sống trong nổi uất hận, ngậm cay chuốt đắng.
Vào những trại tù cải tạo, ban ngày thì bị đày ải khổ sở, tối đến với bộ xương gầy lũ chuột cũng không tha. Bọn chúng lợi dụng đêm tối, sự mõi mệt vì thiếu ăn bò vào cắn những ngón tay chân chúng tôi. Lâu lâu có những tiếng thét vang lên giữa đêm khuya. Ngày nầy qua ngày khác, bao nhiêu cái bẩy cũng không xua đuổi được bọn chúng. Phải nói một điều là bọn chúng rất tinh ma, nếu cái bẩy nào bắt được một ông Tý thì hầu như không bắt được lần sau, dù có đem bẩy đi rửa sạch.
Lúc đó tôi đang ở tù Phước Long Bùi Gia Mập, chuột rừng con nào con nấy to tổ bố, tụi tôi vì thiếu ăn nên hể thấy con nào nhúc nhích, động đậy là chúng tôi bắt Bồi Dưỡng. Chộp hay bẩy được lũ chuột rừng, chuột trại (vì bọn chúng sống cùng trại tù với chúng tôi dù ghẻ lở cũng không tha). Thế là hôm đó có buổi đại tiệc.
Ngược lại để trả thù cho đồng bọn, ban đêm lũ nó bò vào tấn công tụi tôi, phải nói hai răng cửa của lũ nó sắt và bén cắn vào là đổ máu. Chúng tôi bàn với nhau nhưng không có cách nào để trị bọn chúng được. Nói theo kiểu con nhà lính: bọn chúng áp dụng chiến thuật du kích, đánh lén vào ban đêm giống y như bọn vi-ci ngày xưa.
Ngày qua ngày, tình cờ một hôm trên đường đi lao động khổ sai, tôi thấy trong nhóm người Thượng đi vào rẩy mang trên vai một con khỉ.
Vác bó lồ ô trở về trại, đầu óc tôi không biết sao cứ nghỉ hoài về hình ảnh con khỉ. Đang ngồi nhai kẹo cao su (bo bo chúng tôi gọi là kẹo cao su cho sang) vào buổi chiều, có người bạn tù đến hỏi tôi:
– Ê nghe nói mầy hồi trước học ngành Nông Lâm Súc phải không? Có bao giờ mầy nuôi chuột không?
– Sao ông hỏi tôi câu hỏi sóc ốc vậy
– Hỏi mầy vậy chơi xem ra mầy có cách gì trị lũ chuột không?
Từ câu hỏi đó, tôi suy nghỉ miên man về bọn khỉ: “ nhớ về câu chuyện đuổi khỉ khi bọn chúng về phá rẩy, người ta bắt con khỉ đầu đàn, cạo trọc tóc, lông mày, sau đó lấy sơn vẽ rằn ri lên mặt và lên đầu, thả nó về rừng. Vì đặc tính sống theo bầy, khi nó trở về bầy, những con khác thấy nó lạ cả đàn bỏ chạy, càng chạy nó càng đuổi theo, vậy là nhà nông dùng chiến thuật dùng địch đuổi địch.”
Còn mấy ông Tý thì sao? Đặc tính nó cũng sống bầy đàn. Sau nhiều đêm tôi cố nhớ về những bài học ở trường NLS về những phương pháp phòng và trị chuột, không có phương pháp nào khả dĩ có thể áp dụng cho hoàn cảnh chúng tôi. Nhớ lại những thủ thuật thiến gà, thiến heo…tôi cũng làm thử bắt được con chuột đực, thiến hai hòn bi của nó, sau đó thả nó ra, nhưng không có kết quả, bọn tôi hằng đêm vẫn bị bọn nó tấn công.
Cuối cùng tôi cũng tìm được kết quả qua những câu nói của nhân gian: Nhất nhật bất giao cấu khí tồn tại não, hay đau như tức dái, đau như thiến…”.
Thế là tôi dặn những người bạn khi nào bẩy được con chuột đực thì giao cho tôi, tôi có thể trị tụi nó. Cuộc chiến tiếp diễn, một hôm có người bạn bẩy được con chuột đực đem lại giao cho tôi, quan sát tôi thấy đây là anh chàng tôi đang trông đợi.
Đè nó nằm xuống, bóp chặc hàm răng, lật ngữa nó ra, một tay tôi lấy sợi thun, tay kia lần và bóp cho hai hòn dái nó dồn lại. Sau đó tôi lấy sợi thun cột chặt lấy hai hòn dái theo lối thắt ống dẫn tinh trùng đàn ông. Cuối cùng thả nó ra, nó vừa chạy vừa rên la đau đớn. Mấy ngày sau, toàn khu vực tôi không còn nghe tiếng thét giữa đêm khuya. Mấy người bạn xúm lại hỏi tôi:
– Mầy làm sao mà lũ chuột biến mất tiêu vậy?
– Tôi cười và trả lời: tôi không có tài cán gì đâu, vì đặc tính của lũ chuột sống theo bầy đàn, con chuột đực bị tôi cột hai hòn dái làm cho nó đau và không phủ đực được, tức khí thì nó rượt đuổi mấy con khác mà cắn, đây là cách dùng địch đánh địch.”
Âu cũng là mua vui một vài trống canh khi mùa Xuân về. Cầu chúc quý vị Đồng Hương, quý Quan Anh vạn an, vui khỏe cùng gia đình và con cháu.
CẢM ƠN TÁC GIẢ Người Lính Già Nashville.