Việt Nam xếp hạng 136/167 về Chỉ số Dân chủ 2019
23/01/2020
Việt Nam xếp hạng 136/167 về Chỉ số Dân chủ trong năm 2019, theo đánh giá của The Economist Intelligence Unit (EIU), một tổ chức nghiên cứu và phân tích về kinh tế và chính trị của tạp chí The Economist.
Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 do EIU vừa công bố hôm thứ Tư 22/1 cho thấy Việt Nam được chấm 3,08 điểm trên 10 điểm, đứng ở vị trí thứ 136 trong số 167 nước được đánh giá trong năm 2019, và vẫn nằm trong nhóm các nước “Độc tài”, chế độ kém dân chủ nhất trên thang đánh giá của EIU về bốn chính thể từ “Dân chủ Trọn vẹn,” “Dân chủ Có Khuyết điểm”, đến “Chính thể Hỗn hợp” (hybrid) và mức thấp nhất là chính thể “Độc tài”.
Trong nhóm các nước độc tài ở Châu Á, Việt Nam ‘dân chủ hơn’ Afghanistan, Trung Quốc, Lào và Triều Tiên nhưng thua Campuchia, Myanmar, Pakistan và Nepal, theo xếp hạng của EIU.
Triều Tiên, đạt 1,08 điểm, vẫn là nước đứng chót bảng trong khi Trung Quốc đạt 2,26 điểm, tụt hạng xuống 153, xếp dưới Việt Nam, so với năm ngoái khi Trung Quốc được phân loại là ‘dân chủ hơn’ nước láng giềng Việt Nam.
Chỉ có 4 nước ở Châu Á là Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Triều Tiên bị nhận điểm 0 trong hạng mục đánh giá về tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên. Đây là một trong năm hạng mục được tính trong chỉ số dân chủ. Các hạng mục khác bao gồm hoạt động của chính quyền, các quyền tự do của công dân, sự tham gia chính trị, văn hóa chính trị.
Kết luận của EIU là Việt Nam vẫn là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trong trung hạn, và là một trong các nước được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. EIU tiên đoán trong vài năm tới, chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi tự do hóa mậu dịch, kể cả cổ vũ đàu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng nỗ lực tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước sẽ chậm. EIU nhận định cải cách chính trị sẽ không xảy ra trong thời gian từ 2019-2023.
EIU nói năm 2019 là năm đen tối của dân chủ toàn cầu với kết quả tệ nhất tính từ năm 2006. Trong báo cáo này, Hoa Kỳ đạt 7.96 điểm trên 10, xếp hạng 25; Na Uy là nước dân chủ nhất thế giới ở vị trí đầu bảng, tiếp theo là Iceland, Thụy Điển và New Zealand.