Rạp Nguyễn Văn Hảo năm xưa với những cái Tết tưng bừng
Ngành Mai/Người Việt
Trong khoảng 15 năm tính từ đầu thập niên 1950 dài đến giữa thập niên 1960, cứ đến Tết Nguyên Đán là rạp Nguyễn Văn Hảo lại tưng bừng náo nhiệt, khán giả đi coi không còn chỗ đứng.
Đây là rạp hát cải lương được coi như lớn nhất ở đô thành Sài Gòn thời bấy giờ, nên giới nghệ sĩ đã gọi là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có ba tầng lầu, khán giả hạng “cá kèo” ngồi ở tầng ba, ghế như chiếc băng dài uốn cong từ trái sang phải chứ không có ngăn riêng biệt nên tha hồ mà chen lấn giành chỗ ngồi.
Ở lầu ba này khán giả hạng đứng, họ đứng nghẹt không còn chỗ trống. Hạng đứng là hạng không có vé, chỉ cần đến cửa rạp đưa tiền (ngang với giá vé ngồi hạng ba) là đi vô. Ở tại cửa có cái thùng bỏ tiền khán giả không có vé gọi là “thùng tiền cửa.”
Các gánh hát hạng “B” ngày thường đã khó về đây rồi, huống chi là ngày Tết. Chỉ có các gánh đại ban hạng “A” như Thanh Minh Thanh Nga, Hoa Sen, Kim Chưởng, Kim Thanh, Thống Nhứt (Út Trà Ôn) thì hầu như chia nhau hát Tết ở rạp này.
Rạp nằm ở vị trí quá thuận lợi cho vấn đề khai thác thương mại ở lãnh vực cải lương, khó có rạp nào sánh được. Bởi vì trước mặt tiền là đại lộ Galiéni (Trần Hưng Đạo sau này); mặt sau là đường Bảo Hộ Thoại (Bùi Viện); bên phải là đường Dixmute (Đề Thám); bên trái ngó xéo qua là đường Kitchener (Nguyễn Thái Học). Sở dĩ chúng tôi ghi tên đường thời kỳ trước Hiệp Định Genève 1954 (tên Pháp) là muốn những ai là khán giả của thời ấy hình dung lại ký ức của ngày xưa.
Rạp nằm ở vị trí trên, có thể đón nhận khán giả từ miền Lục Tỉnh, họ đi ghe thương hồ cập bến sông Cầu Ông Lãnh. Trong thời gian đậu tại bến chờ lên hàng, tối đến thì giải trí của họ là đi coi hát cải lương, cùng với bạn hàng mua bán ở Chợ Cầu Muối, cũng có thể đi bộ đến rạp hát rất gần. Nếu khán giả ở về phía bến xe đò Lục Tỉnh đường Genéral Marchant (Nguyễn Cư Trinh) họ cũng đi bộ đến rạp chẳng bao xa.
Ngoài ra còn khán giả ở xóm Sáu Lèo đường Bùi Viện cạnh bên thôi. Xóm Sáu Lèo thời thập niên 1930 là đất trống, đầm lầy, cỏ mọc hoang, dân miền Tây lên đây cất nhà lá ở tạm lánh nạn chiến tranh, rồi dần dần định cư luôn.
Dân ở xóm Sáu Lèo rất mặn mà với cải lương, là khán giả thường xuyên của rạp Nguyễn Văn Hảo, cứ Tết đến là đổ ra đường, đi đứng chật các con đường phía trước, phía sau rạp, gần như là họ ăn Tết quanh rạp hát vậy.
Lúc đương thời này, phía sau rạp Nguyễn Văn Hảo có cái ngã tư đường Đề Thám-Bùi Viện là nơi tập trung giới nghệ sĩ, và giới này đã đặt tên là “Ngã Tư Quốc Tế.” Người ta muốn biết đoàn hát nào đang hoạt động ở đâu, ở tỉnh nào, kể cả ở ngoài miền Trung hay vùng Cao Nguyên Trung Phần thì cứ lại đây thì biết. Hoặc các gánh hát đang ở xa thiếu đào kép, cứ về đây tuyển mộ là có. Năm 1965 trở đi giới cải lương bỏ “Ngã Tư Quốc Tế,” chuyển qua bên hông rạp Quốc Thanh.
Đến khoảng 1966, rạp Nguyễn Văn Hảo mất đi danh hiệu “hàng không mẫu hạm,” không ai gọi nữa, bởi vì có hai rạp lớn hơn mới ra đời là Quốc Thanh và Hưng Đạo cũng ở gần đó. Thời điểm này cải lương đã đi xuống, không còn rầm rộ như thời gian 15 năm như đã nói ở trên. Đó là do phim Tàu nhập cảng tràn ngập, khán giả cải lương chuyển sang coi phim Tàu nên quen dần. Cải lương mất khán giả, hát ế phải thu hẹp hoạt động.
Câu nói nhân gian “đã nghèo còn mắc cái eo” đối với cải lương thời này chẳng sai vậy. Rạp Nguyễn Văn Hảo sau mấy chục năm gắn bó với cải lương, giờ đây lại chia tay từ giã bộ môn nghệ thuật sân khấu, rạp đã sửa sang lại cho chiếu phim Tàu.
Trong khi đó rạp Thành Xương ở cạnh Đình Cầu Quan, gần hàng rào tường nhà ga xe lửa, suốt mấy chục năm sống chết với cải lương, giờ đây cũng theo chân Nguyễn Văn Hảo “bái bai” cải lương, không luyến tiếc, đổi tên rạp là Diên Hồng rước Chú Ba kiếm hiệp vào.
Ngày nay “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo đã không còn những cái Tết tưng bừng tràn đầy sức sống. Có còn chăng là trong ký ức giới cải lương, của thị dân Sài Gòn và của khách thương hồ xuôi ngược miền Tây sông nước. (Ngành Mai)