Virus corona : Chính quyền Trung Quốc và quả báo gian dối
Đăng ngày: 05/02/2020
Tú Anh
Công xưởng của thế giới tê liệt, người Trung Quốc bị kỳ thị, trong nước dân bị cách ly thô bạo, ngoài nước bị cấm cửa. Liệu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt này có hiệu quả ngăn chận virus corona hay không ? Vì sao tâm trạng sợ virus làm bùng lên tâm lý bài Trung Quốc ? Đó là những chủ đề tốn hao giấy mực trên báo Pháp hôm nay.
Nỗi lo khánh tận
Kinh tế Trung Quốc ngưng trệ. Đường giao thông bị phong tỏa, hãng xưởng đóng cửa, hàng quán thưa khách … tác hại của siêu vi corona mới bắt đầu được thấy rõ. Nhiều chủ doanh nghiệp loại vừa lo sợ khánh tận.
Le Monde mượn trường hợp cụ thể để minh họa cho tình trạng suy nhược của đại cường kinh tế, liệt giường vì siêu vi viêm phổi mới.
Giả Quốc Long, chủ nhân thương hiệu 400 nhà hàng Tây Bắc (Xibei) tại 60 thành phố Trung Quốc, sử dụng 20.000 nhân viên than thở với báo chí Nhà nước : « Kéo dài tình trạng sống dở chết dở này tối đa ba tháng là tôi sạt nghiệp ». Doanh nghiệp này chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp cụ thể.
Tình trạng đóng cửa nhà máy, biện pháp cô lập thành phố, cách ly cư dân đã làm cho đại cường kinh tế số hai thế giới gần như tê liệt. Oxford Economics hạ điểm tăng trưởng của Trung Quốc trong quý đầu là 4%, tăng trưởng toàn năm 2020 được 5,4% là cao nhất.
Hồng Kông : Tâm lý bài Hoa lục có thêm nhiên liệu
Siêu vi « Vũ Hán », theo cách gọi của dân Hồng Kông, đã gây chết người tại đặc khu. Cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng Trung Quốc có thêm nhiên liệu. Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga chịu áp lực đình công của hàng chục ngàn nhân viên y tế.
Kể từ đêm thứ Hai, những trạm biên giới cuối cùng giữa Hồng Kông và Hoa lục phải đóng cửa trừ hai điểm : đồn Thâm Quyến phía Hoa lục và chiếc cầu vượt sông Châu Giang nối Hông Kông với Chu Hải và Macao. Tuy nhiên, biện pháp trấn an này không xoa dịu được giới y tế Hồng Kông, 2700 người đã đình công, 9000 người sẽ gia nhập phong trào trong nay mai nếu bà Lâm không nhượng bộ. Đa số dân Hồng Kông chủ trương phong tỏa biên giới cấm triệt để người dân Hoa lục.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao tâm lý bài Trung Quốc dâng cao với con virus corona? Theo nhận định của Le Figaro, nguy cơ dịch bệnh tràn sang Hồng Kông làm giảm đi các cuộc xuống đường. Bù lại, phong trào dân chủ có một hướng tấn công mới : Tại sao cho dân Hoa lục mang bệnh qua Hồng Kông ? Tại sao bác sĩ Hồng Kông phải chết vì Trung Quốc ? Một nhân viên y tế tên Kai Yeung gằn giọng : « Nếu có một người Hồng Kông chết vì bị lây bệnh, những người Trung Quốc này sẽ xuống hỏa ngục ».
Cũng cùng một câu hỏi, nhật báo công giáo La Croix mượn ngòi bút của một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và một sử gia y tế cộng đồng. Theo bác sĩ Christoph Rapp, công luận ở Tây phương lo sợ nhiều hơn là chính phủ. Các nước giàu, rút kinh nghiệm khủng hoảng dịch viêm phổi cấp tính 2003 cũng xuất phát từ Trung Quốc, nên đã có « bí kíp » ngăn chận lan truyền. Thế nhưng, Trung Quốc là một thế giới khác, có lẽ vì dân số quá đông, biện pháp chống dịch ban hành quá trễ. Hậu quả là hơn 20 nước cấm cửa dân Trung Quốc làm Trung Quốc cảm thấy bị cô lập.
Nhân quả vụ SARS : chỉ cần đọc báo Hồng Kông và Việt Nam
Face au coronavirus, le monde s’inquiète-t-il trop ?
Trong bài « Trước dịch bệnh virus corona, phải chăng thế giới lo ngại quá mức? », trên báo La Croix, sử gia y tế cộng đồng Patrick Zylberman cho rằng « sự gian trá của Trung Quốc trong vụ dịch SARS để lại nhiều dấu vết » và ông khuyến cáo Bắc Kinh hãy xét mình trước khi trách người : « Chúng ta không rõ chính quyền Trung Quốc lương thiện đến mức độ nào trong vụ virus corona chủng mới 2019 nhưng chỉ cần đọc báo chí Hồng Kông và Việt Nam là thấy rõ Trung Quốc lừa đảo như thế nào trong vụ SARS 2003 ».
Rất có thể họ đã trung thực hơn vào thời điểm này nhưng họ đã che giấu thông tin trong hơn một tháng, từ cuối tháng 11 cho đến cuối tháng 12/2019. Tổ Chức Y Tế Thế Giới bị Bắc Kinh gây sức ép không cho báo động toàn cầu. Vấn đề là thái độ của Bắc Kinh tạo ra một loạt hệ quả và phản ứng khắp thế giới. Nếu dịch kéo dài, nhiều dây chuyền sản xuất sẽ đình trệ như trường hợp của Hyundai ở Hàn Quốc.
Một hệ quả nữa là chính cộng đồng người Hoa phải trả giá. Năm 2003, tại một quốc gia không có tiếng kỳ thị như Canada mà tài xế xe điện ở Toronto, mỗi khi sắp đi ngang khu chợ châu Á là họ lấy khẩu trang che nửa mặt. Tại Pháp, đã xuất hiện tâm lý tránh các nhà hàng người Hoa, cho dù thận trọng không chính đáng.
Bắc Kinh hãy tự soi gương
Trước khi trách người ghét mình, Trung Quốc hãy tự xét mình vì sao nên nỗi. Le Monde phân tích : Ngay trên mặt ngoại giao, Bắc Kinh cũng bị thất bại vì xem trọng quyền lợi chính trị, địa chính trị hơn tình người. Bắc Kinh đã thuyết phục được giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế GiớiWHO không những không chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của chính quyền Trung Quốc mà còn khen ngợi phản ứng « nhanh và minh bạch ».
Thế mà, cùng ngày, công luận được tin chính quyền câu lưu 8 bác sĩ ở Vũ Hán vì họ phổ biến thông tin. Phải mất ba tuần im lặng, Bắc Kinh mới nhìn nhận có dịch. Một dấu hiệu khác chứng minh Bắc Kinh xem trọng chính trị hơn sinh mạng con người là nhất quyết không cho Đài Loan gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới để được chia sẻ thông tin về dịch, trong lúc siêu lây đến hải đảo.
Đài Loan không cô đơn
Trong cuộc khủng hoảng dịch tễ này, Đài Loan nỗ lực chứng minh là một quốc gia độc lập. Khác với vụ dịch SARS, Đài Bắc tạo được kênh liên lạc với WHO, Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Khủng hoảng viêm phổi cấp tính mới là cơ hội để thấy thái độ « nhập nhằng » của Trung Quốc đối với Đài Loan. Bất chấp kêu gọi của Mỹ, Canada và Nhật Bản, chính quyền Trung Quốc vẫn khư khư không cho Đài Loan trở lại làm thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bất chấp số phận của 23 triệu dân hải đảo. Thế nhưng, Đài Loan trên thực tế, không bị cô lập.
Một mặt, qua kênh liên lạc « Quy định vệ sinh quốc tế », một cơ cấu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thành lập năm 2005, Đài Loan được cung cấp thông tin đầy đủ về dịch bệnh hiện nay đang hoành hành Hoa lục. Thêm vào đó, giữa Bắc Kinh và Đài Bắc có một thỏa thuận chia sẻ thông tin y tế khi có khủng hoảng, ký vào năm 2010. Hệ quả là hai chuyên gia Đài Loan đã đến Vũ Hán hồi giữa tháng Giêng để lấy mẫu siêu vi.
Trung Quốc rơi vào thế bị động
Vì sao thế giới chia sẻ xúc động với Paris khi Nhà Thờ Đức Bà bị cháy mà không một chút tình tương thân với người dân Vũ Hán ? Vì sao chính quyền Nga cấm cửa dân Trung Quốc ? Vì sao dân Hồng Kông, hào phóng giúp Trung Quốc tái thiết Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2008, bây giờ đòi đóng cửa biên giới với đại lục ?
Theo bài xã luận của Le Monde, Bắc Kinh thất bại trên mọi mặt trận vì xem tình người nhẹ hơn quyền lực.
Từ khi dịch corona chủng mới hết có thể bị giấu giếm, tâm lý bài Trung Quốc hiện rõ qua những bình luận kiểu « trời trả báo kẻ ăn thịt dơi » hay qua tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ « khuyến khích doanh nghiệp bỏ Trung Quốc về đầu tư tại Mỹ ».
Theo Le Monde, Trung Quốc bị rơi vào thế thủ vì thất bại trên mọi mặt trận. Trước hết về khắc phục nhân tâm trong lẫn ngoài nước. Năm 2008, dân Hồng Kông hào phóng giúp Tứ Xuyên tái thiết sau động đất. Năm 2020, giới y tế đình công đòi đóng biên giới. Ngay những nước như Kazakhstan, Philippines, nằm trong chiến lược « một vành đai một con đường » của Tập Cận Bình cũng đóng cửa không nhận du khách Trung Quốc.
Nước Nga của Putin cũng đóng biên giới với Trung Quốc, một biện pháp mà Matxcơva không làm trong vụ khủng hoảng dịch SARS 2003. Những nước bạn của Trung Quốc chỉ áp dụng phương pháp của Bắc Kinh đối với dân Trung Quốc mà thôi : Phong tỏa Hồ Bắc, cách ly hơn 50 triệu dân trong một tỉnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Hỏa Thần Sơn : bệnh viện dã chiến hay nhà tù ?
Liên quan đến hai bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, Libération cảnh báo : đó là hai pháo đài do quân đội Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt « có vào mà không có ra ». Một đoạn phim quay lén trong ngày khánh thành và được phát tán trên mạng Taiwan News đã gây « sóng gió » trên các mạng xã hội. Tác giả giấu tên vào các phòng dành cho bệnh nhân giải thích : « Không cách nào mở cửa ra từ bên trong. Quý vị hãy ở nhà thì tốt hơn. Những người không qua khỏi sẽ bị đưa ngay đến lò thiêu ».
Si Meng Wang, một nhà nghiên cứu xã hội học Trung Quốc quốc tịch Pháp lo ngại : Trông giống trại lính hơn là bệnh viện. Chống dịch là chuyện của bộ Y Tế sao lại trao cho quân đội ? Quyền lợi của bệnh nhân có được tôn trọng hay không ? Những người lính quân y có được phép tiếp xúc hay liên lạc với gia đình hay không ?