Đài Loan chặn máy bay ném bom của Trung Quốc
- Hồng Đậu
- 10/02/2020
Lực lượng phòng không Đài Loan hôm 9/2 đã chặn các máy bay chiến đấu J-11 và máy bay ném bom H-6 từ Trung Quốc đại lục bay quanh hòn đảo.
Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan mô tả cuộc tuần tra của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc là đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực.
Trong một tuyên bố, cơ quan phòng vệ Đài Loan nói rằng các chiến đấu cơ J-11 và máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đại lục đã bay vào kênh Bashi, phía nam Đài Loan rồi bay vào Thái Bình Dương trước khi quay lại căn cứ qua eo biển Miyako – nằm giữa các đảo Miyako và Okinawa của Nhật, ở phía đông bắc Đài Loan.
“Trong suốt tiến trình đó, lực lượng phòng vệ (Đài Loan) đã sử dụng một cách thích hợp máy bay trinh sát trên không và lực lượng phòng không theo quy định sẵn sàng chiến đấu”, tuyên bố nêu rõ.
Phía Đài Loan còn cung cấp một bức ảnh cho thấy máy bay F-16 của không lực Đài Loan chặn một trong những chiếc máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đại lục.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết các máy bay chiến đấu J-11 và máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đã bay quanh hòn đảo hôm 9/2. Ảnh: SCMP. |
Các sứ mệnh biển khơi tầm xa của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới an ninh và ổn định khu vực, đe dọa hòa bình và lợi ích của các bên trong khu vực, cơ quan phòng vệ Đài Loan nhấn mạnh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Chỉ huy phía Đông của PLA, Thượng tá Zhang Chunhui, nói rằng cuộc tuần tra có sự tham gia của một số lượng không xác định các tàu khu trục cùng máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm.
Ông Zhang còn nói rằng đợt tuần tra này là “hành động cần thiết” giữa “tình hình an ninh hiện tại\” ở eo biển Đài Loan.
Trước đó, hồi cuối tháng 1, các chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay qua kênh Bashi đến phía nam Đài Loan trong cuộc tập trận tầm xa ở Thái Bình Dương sau cuộc bầu cử ở hòn đảo này.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết đây là cuộc tập trận đầu tiên kể từ khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, trong cuộc bầu cử vào giữa tháng 1.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và sẵn sàng sử dụng vũ lực để thu hồi nếu cần thiết. Bắc Kinh thường xuyên điều động máy bay chiến đấu bay qua gần hòn đảo kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền từ năm 2016.