Máy bay không người lái của Mỹ và cuộc khủng hoảng an ninh khu vực Thái Bình Dương
Quân đội Hoa Kỳ gần đây tuyên bố triển khai máy bay không người lái (UAV) hạng nặng Triton trên đảo Guam.
Trong cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ở Thái Bình Dương, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang dựa vào UAV trong các hoạt động tuần thám trên biển, trên không, thu thập thông tin thủy văn và theo dõi tàu bè đối phương, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nói trong bài bình luận với Sputnik.
Việc tuần tra thường xuyên bằng các phương tiện không người lái, điều khiển từ xa hoặc tự hành, trở thành một đặc điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khác biệt với cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây. Trước đây, UAV được Hoa Kỳ sử dụng khá tích cực chống lại Trung Quốc. Nhưng khi đó những thiết bị này cực kỳ đơn giản, bay dọc theo một tuyến đường cố định, trong thời gian đó chỉ có thể thực hiện một số vòng lượn giới hạn. Trong hầu hết các trường hợp, thiết bị không thể truyền dữ liệu theo thời gian thực, tầm hoạt động thấp. Trong suốt chuyến bay, chúng không duy trì liên lạc với trung tâm điều khiển mà chỉ ghi lại dữ liệu ảnh, video và âm thanh thu nhận được trong suốt chuyến bay trên băng từ.
Không quân Trung Quốc trong thập niên 1960 đã bắn hạ rất nhiều UAV của Mỹ xâm phạm không phận Trung Quốc, đặc biệt là Ryan Model 147, sau đó được lấy làm nguyên mẫu cho phát triển tương tự của Trung Quốc.
© ẢNH : CHAD SLATTERY/UNITED STATES GOVERNMENT WORKMáy bay không người lái MQ-4C Triton
Ưu điểm của máy bay không người lái thế hệ cũ là khả năng chống lại chiến tranh điện tử và tất cả các hình thức tấn công mạng. Việc chiếm quyền điều khiển hoặc gây nhiễu là không thể, chúng chỉ có thể bị bắn hạ hoặc phá hủy. Với sự ra đời của các loại thiết bị mới phức tạp hơn, đã mở rộng đáng kể các biện pháp đối phó. UAV trở nên dễ bị tấn công vào mạng điều khiển hay can thiệp vô tuyến. Ví dụ các phương tiện tự động dưới nước có thể đơn giản biến mất đột ngột khi thực hiện nhiệm vụ. Đã có những trường hợp như vậy xảy ra ở phía tây Thái Bình Dương.
Đồng thời, ngưỡng sử dụng vũ lực đối với UAV thấp hơn nhiều so với máy bay có phi hành đoàn điều khiển. Cụ thể Iran đã bắn hạ máy bay trinh sát Triton tương tự vào tháng 6 năm ngoái mà không có bất kỳ hậu quả kịch tính nào xảy ra sau đó.
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc trong lĩnh vực máy bay không người lái, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng các thiết bị chiến đấu và trinh sát như vậy. Việc sử dụng UAV trong khu vực tranh chấp sẽ tạo ra những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử khác nhau, và thậm chí có thể là vũ khí tấn công.
Vai trò quân sự của máy bay không người lái trong trường hợp xảy ra xung đột ở Thái Bình Dương đặc biệt tăng lên do sự xuất hiện của tên lửa chống hạm tầm trung ở Trung Quốc và triển vọng Hoa Kỳ sẽ trang bị tên lửa chống hạm cận âm với tầm bắn 1000 km. Chỉ định mục tiêu là điểm yếu của tất cả các hệ thống tên lửa như vậy, trong khi các hệ thống trinh sát vệ tinh hiện đại vẫn chưa hiệu quả và không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề này. Máy bay không người lái trở thành phương tiện quan trọng nhất để theo dõi liên tục đội hình hành quân của hải quân đối phương và kết quả phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng của UAV thực hiện các nhiệm vụ này. Do đó, trong các điều kiện mới, chúng là phương tiện quan trọng để thể hiện sức mạnh, gây áp lực lên đối thủ trong tình huống tiền khủng hoảng và là yếu tố chính của bất kỳ cuộc xung đột quân sự lớn nào có thể xảy ra ở Thái Bình Dương.