Gián điệp mạng, 5G và Iran là những vụ việc khiến Mỹ có thể bóp vụn Huawei? (Phần 1)
Marrian Zhou | Triệu Hằng biên tập 09/02/20, 17:56
Giám đốc điều hành của Huawei đang chống lại sự dẫn độ từ Canada sang Mỹ, nhưng vấn đề của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc không dừng ở đó mà còn liên quan đến những vụ việc gai góc hơn.
Vào một tối Chủ nhật giữa tháng 1/2020, cô Julia Hackstaff, diễn viên người Canada được một người quen giới thiệu đóng vai phụ trong một bộ phim. Vai diễn chỉ trong hai giờ và sẽ được trả 100 đô la. Sáng hôm sau, Hackstaff đã cùng hơn chục người khác đứng dưới cơn mưa bên ngoài Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver (Canada).
Bên trong, Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của công ty Huawei (Trung Quốc) đang chiến đấu chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ, nơi bà sẽ phải đối mặt với các cáo buộc lừa đảo các ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Ngoài đường, có những nhóm biểu tình kêu gọi Huawei rời khỏi Canada, các nhóm ủng hộ quyền cho người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, các nhóm yêu cầu trả lại hai công dân Canada hiện bị giam giữ tại Bắc Kinh.
Tấm biển mà Hackstaff cầm có nội dung “Trả tự do cho bà Mạnh. Công lý bình đẳng”, sau đó Hackstaff nói rằng cô đã bị lừa tham gia vào cuộc biểu tình.
“Khi tham gia quay một bộ phim hoặc truyền hình, thường phải chờ đợi quanh đó … nên tôi nghĩ kịch bản là như vậy”, Hackstaff trao đổi với Nikkei Asian Review qua điện thoại. “Tôi đã diễn trả lời một hai câu hỏi từ các phóng viên, tôi chỉ nghĩ đây là một phần của kịch bản … nhưng sau hai hoặc ba câu hỏi, tôi nhận ra rằng người phụ nữ đó hỏi tôi rất chi tiết và các câu hỏi rất thật, sau đó mớm lời cho tôi. Tôi đã nhận ra: “Ôi trời ơi, đây thật là…”. Hackstaff đã sớm rời cuộc biểu tình. Cô không lấy 100 đô la đó.
Huawei chối rằng họ không trả tiền cho những người biểu tình.
Mạnh Vãn Châu bị bắt vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ khiến Canada bị kéo vào cuộc chiến thương mại càng ngày càng trầm trọng giữa Nhà Trắng với Bắc Kinh. Kể từ đó, các công dân Canada đã bị bắt ở Trung Quốc, các thỏa thuận thương mại giữa Canada và Trung Quốc chịu áp lực. Vụ xét xử bà Mạnh đã tác động khắp lĩnh vực công nghệ quốc tế và dính dáng đến những căng thẳng thương mại và ngoại giao toàn cầu xoay quanh Huawei.
Không phải ngẫu nhiên
Bà Mạnh Vãn Châu, con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đã bị cảnh sát Hoàng gia Canada bắt giữ vào ngày 1/12/2018 khi bà đang quá cảnh ở Vancouver trên hành trình tới Mexico.
Nhiều tháng trước đó, Huawei không hay biết, Tòa án Quận Hoa Kỳ ở New York đã ban hành lệnh bắt giữ đối với CFO của công ty. Chính quyền Hoa Kỳ cáo buộc bà Mạnh và Huawei đã sử dụng một công ty con không chính thức, Skycom Tech, để làm ăn với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này, và công ty đã chuyển số tiền thu được thông qua hệ thống ngân hàng toàn cầu. Bà Mạnh bị buộc tội lừa gạt các tổ chức tài chính nhằm rửa tiền. Nếu bị kết án, bà có thể phải đối mặt với nhiều thập niên trong tù.
Các cáo buộc chống lại bà Mạnh khá giới hạn, nhưng đưa ra trong bối cảnh của một cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi tranh chấp gia tăng, Hoa Kỳ bắt đầu tập trung vào các công ty công nghệ lớn và có ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó Huawei là công ty nổi bật nhất.
Phe mang thái độ “diều hâu” với Trung Quốc ở Mỹ và Úc từ lâu đã cáo buộc rằng Huawei có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và quân đội Trung Quốc, có nghĩa là nó gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Trong năm qua, chính phủ Mỹ đã thêm công ty này vào “danh sách thực thể” – danh sách các tổ chức có rủi ro an ninh, nhằm giới hạn quyền tiếp cận các thành phần công nghệ cao từ các nhà cung cấp Mỹ, và cấm Huawei tham gia đấu thầu một số hợp đồng của chính phủ Hoa Kỳ.
Sau khi bà Mạnh bị bắt, Canada bắt đầu bị trút giận. Chín ngày sau khi bà Mạnh bị giam giữ, hai người Canada, cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đều bị bắt tại Trung Quốc với buộc tội “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Trung Quốc phủ nhận các vụ bắt giữ có lên quan đến vụ án bà Mạnh, nhưng nhiều người Canada nghĩ khác.
Ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc và là một người bạn của Kovrig nói rằng: “Không có sự ngẫu nhiên ở Trung Quốc”.
Ông Saint-Jacques đã lấy dẫn chứng việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada là Kevin và Julia Garratt vào năm 2014. Cặp đôi này bị bắt giam vì tội gián điệp sau khi Mỹ yêu cầu dẫn độ Su Bin, một công dân Trung Quốc sống tại Vancouver bị buộc tội ăn cắp dữ liệu nhạy cảm từ các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ. Su Bin nhận tội vào tháng 3/2016. Hai tháng sau, bà Julia Garratt được phép trở về Canada, chồng bà được thả sau đó 4 tháng.
“Tôi rất ngạc nhiên và rất buồn khi nghe tin Kovrig bị giam giữ bởi tôi biết những chịu đựng mà ông ấy sẽ phải trải qua”, Saint-Jacques nói. “Tôi biết rằng ông ấy sẽ phải chịu các phiên thẩm vấn dài. Ông ấy sẽ bị nhốt trong phòng có đèn bật suốt cả ngày và ông ấy sẽ không có quyền tiếp cận luật sư … Ông ấy sẽ phải trải qua một thử thách rất khó khăn”.
Việc hai người đều tên là Michael tiếp tục bị giam giữ đã dấy lên sự tức giận của công chúng Canada đối với Trung Quốc. Paul Evans, Giáo sư chính sách công và toàn cầu tại Đại học British Columbia nói rằng: “Cả năm ngoái, sự tức giận của công chúng Canada đã ngày càng lớn hơn về vấn đề này”.
Vào tháng 10/2019, giáo sư Evans đã dẫn đầu một cuộc khảo sát ý kiến mang tầm quốc gia Canada. Kết quả cho thấy, Trung Quốc vốn được người Canada xem là “có thiện chí” nay giảm còn 29% so với mức 36% trong năm 2017.
(Bài viết của Marrian Zhou đăng trên Nikkei Asian Review ngày 5/2, do Triệu Hằng dịch và biên tập – Hết phần 1. Nguồn ảnh chính: Global News).