Hiến pháp với quyền được sống và cụ Kình
11/02/2020
Đã tròn một tháng kể từ khi công an Việt Nam tổ chức đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã khởi tố, tạm giam 26 người được xác định là bị can trong vụ án “giết người, tàng trữ – sử dụng trái phép vũ khí và chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành vào lúc rạng sáng 9 tháng 1.
Tuy nhiên căn cứ vào Hiến pháp và các qui định pháp luật hiện hành, còn một vụ án khác chưa được khởi tố để điều tra – xác định xem có ai phạm tội hay không khi ông Lê Đình Kình, 84 tuổi thiệt mạng và phạm những tội gì.
***
Điều 19 của Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam minh định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật (1).
Để bảo đảm yếu tố đã được Hiến định này, Cộng hòa XHCN Việt Nam đặt định hàng loạt qui định không chỉ trong Luật Tố tụng hình sự (bộ luật qui định về cách thức thực thi những biện pháp liên quan đến việc xử lý công dân bằng biện pháp hình sự) mà theo đó, tước đoạt sinh mạng một công dân phải được nhiều ngành (công an, kiểm sát, tòa án), nhiều cấp (kể cả Chủ tịch Nhà nước) xem xét một cách cẩn trọng, thậm chí xét đi, xét lại nhiều lần trong một vài thập niên.
Bởi “mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ” và các cơ quan bảo vệ – thi hành pháp luật có thể xâm hại quyền này nên năm 2013, chính phủ Việt Nam ban hành một Nghị định – Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ (Nghị định 208/2013). Bởi quyền sống và các quyền căn bản khác của con người là tối thượng kể cả khi người đó chống người thi hành công vụ, Nghị định 208/2013 nhấn mạnh một số nguyên tắc:
– Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể: Lấy phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Thận trọng, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra (Điều 4).
– Người thi hành công vụ bị cấm: Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Tham nhũng, hách dịch, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ. Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ… (Khoản 1, Điều 5).
– Người có quyền ra lệnh thực thi công vụ thì bị cấm: Giao nhiệm vụ trái thẩm quyền. Đưa ra yêu cầu trái quy định của pháp luật. Không xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh vi phạm của người thi hành công vụ (Khoản 2, Điều 5).
Theo Khoản 5, Điều 14, những người thi hành công vụ chỉ sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng trong trường hợp cấp bách, hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí tấn công người thi hành công vụ. Nổ súng trong khi thi hành công vụ phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định pháp luật khác có liên quan.
***
Năm 2017, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được thay thế bằng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (3). Việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo Nghị định 208/2013 phải tuân thủ qui định của luật này. Theo đó, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường (Khoản 5, Điều 4).
Khoản 2, Điều 22 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhấn mạnh: Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.
Song Khoản 2, Điều 22 cấm dùng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp họ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công, chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hoặc người khác.
***
Không phải tự nhiên mà Bộ Công an loan báo cụ Kình chết nhưng tay vẫn còn nắm chặt một trái lựu đạn. Trái lựu đạn này đã được tổ chức trưng bày cùng các “tang vật” khác và rõ ràng nó đã bị rút chốt, cần bẩy có thể bật ra bất kỳ lúc nào (4)… Tuy nhiên căn cứ vào Hiến pháp và một số qui định pháp luật như đã dẫn, rõ ràng không thể nào bỏ qua, không khởi tố vụ án để điều tra về việc “tiêu diệt” cụ Kình để xác định hành vi này có đúng với các qui định pháp luật hay không?
Có nhiều câu hỏi mà không khởi tố vụ án, không thể có câu trả lời chính xác, làm diện mạo của công lý méo mó và công chúng bất phục, phẫn nộ. Một người tàn tật đã 84 tuổi có thể tấn công, chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hoặc người khác đến mức cần “tiêu diệt” ngay tại chỗ hay không? Không khởi tố vụ án làm sao có thể xác định câu trả lời về các dấu vết trên thi thể cụ Kình (khớp gối bị trật, các vết đạn ở tim và đầu). Ai đánh trật khớp gối, ai hoặc những ai bắn vào tim và đầu cụ Kình?
Khớp gối của cụ Kình bị đánh trật trước rồi những cá nhân thi hành công vụ mới bắn vào tim, vào đầu hay ngược lại? Không khởi tố vụ án, không điều tra, không thể xác định cả về mức độ tôn trọng luật pháp của những người có liên quan trong khi thi hành công vụ (trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra – Điểm d, Khoản 2, Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ) lẫn nhân tính của họ.
Khởi tố để điều tra về việc “tiêu diệt” cụ Kình cũng là dịp trưng cầu giám định, xác định mức độ hợp lý của câu chuyện mà Bộ Công an kể: Một người có thể nắm chặt trái lựu đạn đã bị rút chốt, giữ cho nó không vuột khỏi tay nên không phát nổ khi nhận cùng lúc nhiều lực tác động rất mạnh đến nhiều phần khác nhau trên cơ thể (chân, tim, đầu)? Nếu không những ai phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm sát, về ngụy tạo chứng cứ, câu chuyện, tìm đủ mọi cách bao che cho việc vi phạm các qui định pháp luật hiện hành?
***
Nếu dùng Google với các từ khóa “police+administrative leave+shooting” có thể tìm thấy hàng chục ngàn trang web giải thích tại sao các quốc gia văn minh, thượng tôn luật pháp, đặt tất cả cảnh sát đã dùng súng bắn ai đó vào tình trạng “administrative leave” (tạm ngưng công tác) (5), kể cả khi có đầy đủ nhân chứng, bằng chứng cho thấy việc nổ súng là cần thiết và chính đáng. “Tạm ngưng công tác” đối với một cảnh sát do đã nổ súng bắn người là điều có tính đương nhiên để tổ chức điều tra, xác định đúng – sai.
“Tạm ngưng công tác”dành thời gian cho cảnh sát đã nổ súng bắn người viết báo cáo, trả lời thẩm vấn. Các Điều tra viên được ủy nhiệm điều tra dễ dàng hơn trong thu thập lời khai, bằng chứng của tất cả những cá nhân có liên quan, đánh giá và kết luận xem việc bắn người có vi phạm pháp luật hay không (?). “Tạm ngưng công tác” những cảnh sát đã nổ súng bắn người còn nhằm chứng minh với công chúng, quyền được sống vốn đã được Hiến pháp minh định là bất khả xâm phạm luôn được thượng tôn (6).
Ngoài ra, “tạm ngưng công tác” còn là cách giúp những cảnh sát đã nổ súng bắn người có khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết để hồi phục tâm lý, vì dù cần thiết và chính đáng, tước đoạt sinh mạng của một con người vẫn có thể gây ra chấn thương tâm lý.
“Tạm ngưng công tác” để tiến hành điều tra những cảnh sát đã bắn người, kể cả khi có đầy đủ bằng chứng, nhân chứng cho thấy nổ súng là cần thiết và chính đáng chính là hình thức nhắc nhở toàn bộ cảnh sát phải thận trọng, cân nhắc khi bắn ai đó.
Trong vài năm gần đây, trên mạng xã hội Việt ngữ, một số người thường sử dụng chuyện cảnh sát Âu – Mỹ nặng tay trong ngăn chặn tội phạm để biện minh cho cách hành xử của công an Việt Nam. So sánh này là một lối ngụy biện thô thiển vì cả công an Việt Nam lẫn hệ thống công quyền Việt Nam đều từ chối thực thi nghĩa vụ giải trình như cảnh sát Âu – Mỹ và tổ chức điều tra, minh bạch kết quả thẩm xét những tố giác, phàn nàn về lực lượng thi hành công vụ như hệ thống công quyền ở Âu – Mỹ.
Khởi tố để điều tra việc “tiêu diệt” cụ Kình không đơn thuần là đáp ứng mong muốn của nhiều người thuộc nhiều giới (7) mà sẽ là bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” hay không? Liệu dân chủ XHCN, pháp chế XHCN tại Cộng hòa XHCN Việt Nam cótạo ra một xã hội thật sự văn minh, tất cả các công dân đều bình đẳng, hay Hiến pháp và pháp luật chỉ là công cụ để lừa gạt thiên hạ trong đối ngoại và thống trị công dân trong đối nội?
Chú thích
(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Administrative_leave
(6) https://www.quora.com/Why-do-police-officers-go-on-administrative-leave-after-shooting-someone
- Trân VănTrân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.