Sử dụng vũ lực đánh chiếm biển đảo của Việt Nam: TQ vi phạm luật pháp quốc tế

Sử dụng vũ lực đánh chiếm biển đảo của Việt Nam: TQ vi phạm luật pháp quốc tế

Ngày đăng 12-02-2020

Việc Trung Quốc đưa quân chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế đương đại như Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

\"\"/

Trung Quốc đã chiếm đóng biển, đảo của Việt Nam

Năm 1956, Trung Quốc đã lợi dụng khoảng trống bố phòng mà quân đội Pháp vừa mới rút đi để đưa quân chiếm đóng phía Đông quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1974, quân đội Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực để chiếm đóng 6 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Xu Bi, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Ga Ven. Năm 1995, Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng bãi cạn nửa nổi nửa chìm Vành Khăn. Năm 2005, Trung Quốc mở rộng chiếm đóng bãi cạn nửa nổi nửa chìm Bàn Than. Trung Quốc hiện tại đang chiếm đóng trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 9 thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa.

Từ đó đến nay, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng, cải tạo trái phép trên các đảo, đá chiếm đóng của Việt Nam. Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự. Điển hình là năm 2014, Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm có chiều dài 2.000m và sau đó là điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm; năm 2016, nước này xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.

Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoạt động đáng chú ý nhất là kể từ năm 2014 Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi. Cụ thể: Tại đá Tư Nghĩa, Trung Quốc đã cải tạo, mở rộng trái phép 62.710m2, xây dựng các công trình được kiên cố như các công sự ven biển, bốn pháo phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Tại đá Ga Ven, Trung Quốc đã mở rộng trái phép 114.000m2; xây dựng kênh tiếp cận, bệ súng phòng không, thiết bị liên lạc, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Tại đá Gạc Ma, Trung Quốc mở rộng trái phép 10,9ha (109.000m2), xây dựng sáu công trình khác nhau với một khu vực cảng có thể đốn các tàu tải trọng lên tới trên 5.000 tấn, xây dựng đường băng dài 1,6km đủ cất và hạ cánh các loại máy bay chiến đầu. Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc mở rộng trái phép 2,79km2 (2.790.000m2), trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa. Tại đá Châu Viên, Trung Quốc mở rộng tới 119.711m2, xây dựng nhiều công trình như kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng-ten liên lạc vệ tinh, radar. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, nhiều công trình vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Tại đá Xu Bi, Trung Quốc mở rộng lên tới 2,27km2 (2.270.000m2), xây dựng các công trình gồm có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quân sự, xây một đường băng dài khoảng 3.300m, có thể tiếp nhận được hầu hết các loại máy bay chiến đấu của lực lượng Trung Quốc. Tại đá Vành Khăn, Trung Quốc đã mở rộng trái phép 2,42 km2 (2.420.000m2), xây dựng nhiều công trình quân sự trên đá Vành Khăn.

Trung Quốc phạm luật

Việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí là quân đội chính quy, đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được pháp điển hóa trong Hiến chương Liên Hợp quốc 1945 và Tuyên bố 1970, cụ thể: Một là, vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Trung Quốc đã dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, từ đó, tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự nhằm “bảo vệ” cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của những quốc gia nhỏ hơn. Hai là, vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Ở cả ba vùng biển mà Trung Quốc tiếp giáp đều có tranh chấp quốc tế, ngược hẳn với tinh thần nguyên tắc này, Trung Quốc càng thúc đẩy hiện đại hóa quân đội, triển khai hoạt động quân sự trên biển ở cường độ cao hơn. Ba là, vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, quy định tại khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc 1945: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào dưới bất kỳ hình thức nào trái với những mục đích của Liên Hợp quốc”. Trung Quốc đã và đang sử dụng vũ lực trên các vùng biển thông qua hàng loạt hoạt động quân sự, trực tiếp xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích trên biển của quốc gia khác, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như trên thế giới trước nguy cơ chiến tranh quân sự. Bốn là, nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda). Trung Quốc đã tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Việc sử dụng vũ lực, sẵn sàng điều động lực lượng quân đội ngoài vi phạm những quy định chung của luật quốc tế còn vi phạm tất cả các cam kết song phương và đa phương của nước này.

Bên cạnh đó, hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc cũng vi phạm các nguyên tắc và quy định của luật biển quốc tế, cụ thể: Vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Trước cường độ hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe và tính mạng con người và rủi ro tổn thất hàng hóa. Đặc biệt, đối với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa và yêu sách vùng nước xung quanh các đảo nhân tạo đó đã làm rối loạn tuyến đường giao thông huyết mạch này. Vi phạm vào các “đặc quyền kinh tế” của quốc gia khác. Trong luật biển quốc tế, chỉ có quốc gia ven biển mới có đặc quyền xây dựng đảo nhân tạo trong nội thủy, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình căn cứ theo Điều 60 và Điều 80 UNCLOS 1982. Các vị trí mà Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động quân sự để bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo thì không nằm trong các nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nên nước này không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo. Vi phạm nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. UNCLOS 1982 tại Điều 279 quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng cường hoạt động quân sự trên biển, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên biển.

Cần làm gì để Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… cần gia tăng mức độ can dự ở Biển Đông bằng nhiều hình thức khác nhau; phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp và ngăn chặn Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông; chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực. Các nước cần thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bằng cách kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế. Không những vậy, các nước cần chuẩn bị sẵn sàng về hồ sơ tài liệu để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về việc vi phạm các quy định, cam kết liên quan vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ rút khỏi UNCLOS nhằm tránh bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích. Trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế thì việc tham gia ký kết các công ước quốc tế là tự nguyện và chấm dứt hay rút khỏi UNCLOS cũng thuộc về quyền của Trung Quốc. Về mặt pháp luật mà nói thì không ai có thể ràng buộc, áp đặt không cho Trung Quốc rút khỏi UNCLOS.

Bài Liên Quan

Leave a Comment