Chuly sưu tầm
70 năm tình ca Việt Nam Nhạc sĩ Hoàng Quý
Tiểu sử Hoàng Quý
– Hoàng Quý (1920 – 1946), sinh tại Hải Phòng, là anh trai của Hoàng Phú, tức nhạc sĩ Tô Vũ.
– Là học trò của Lê Thương tại trường Trung học Lê Lợi ở Hải Phòng vào cuối thập niên 1930.
– Hoàng Quý theo học nữ giáo sư âm nhạc Leperète, sau trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal.
– Từ năm 1943-1945, Hoàng Quý đã lập thành nhóm Ðồng Vọng gồm Phạm Ngữ, Ðỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, và Hoàng Phú.
– Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Cô láng giềng, Bóng cờ lau, Nước non Lam Sơn, Chùa Hương, Tiếng chim gọi đàn,Trên sông Bạch Ðằng, Ðêm trong rừng v.v..
Hoài Nam biên soạn
Thanh Thư chuyển văn bản
Trong kỳ trước, chúng tôi đã trình bày về sự hình thành và phát triển bước đầu của nền tân nhạc Việt Nam trong thập niên 1930, đồng thời giới thiệu một số tình khúc tiêu biểu. Tuần này xin mời quý vị bước vào thập niên 1940.
Hoàng Quý
Có thể nói, vừa mới hình thành và bắt đầu phát triển, nền tân nhạc của Việt Nam đã có một sự chuyển hướng quan trọng từ nhạc tình lãng mạn sang nhạc thanh niên hùng tráng. Nguyên nhân là, sau khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ ở Âu Châu, và Pháp bị đại bại trước quân Ðức, cũng như đứng trước viễn ảnh quân Nhật sẽ xâm chiếm Ðông Dương, chính phủ Pháp đã đề ra phong trào Phục Hưng, với đối tượng chính là thanh niên, vốn được xem là rường cột của đất nước. Hai chữ “Ðất nước” ở đây có nghĩa là “Mẫu quốc Pháp”. Phần Việt Nam, để thúc đẩy cho các hoạt động thanh niên, người Pháp đã chủ trương, hoặc cho phép các phong trào thể thao, huấn luyện thân thể cường tráng, phong trào Hướng Ðạo, đào luyện tinh thần thượng võ, hội Truyền Bá Quốc Ngữ, hội Ánh Sáng do nhóm Tự Lực Văn Ðoàn chủ xướng v.v.. Trong các sinh hoạt này, ca nhạc là nòng cốt. Thế nhưng trong khi người Pháp cố gắng phổ biến những bài ca Pháp như Suy Tôn Thống Chế Pétain tức Maréchal, Nous Voilà hoặc Tuổi Xanh Tươi Ðẹp tức Belle Jeunesse, thì thanh thiếu niên Việt Nam lại chỉ ưa thích những bài hát Việt như Nhà Việt Nam.
Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trời Á Ðông
Bốn ngàn năm văn hóa đã đắp xây bao kỳ công
Người Việt Nam cân quắc bao anh hùng,
Từng phen nức danh trên khắp trời Á Ðông
Ai ơi đừng phân chia Nam Bắc Trung,
Một nhà Việt Nam.
Nam Bắc Trung chung giòng
Dân con Việt Nam hằng mong
(trích Nhà Việt Nam của Thẩm Oánh – ca sĩ Kim Tước, Quốc Anh, Quỳnh Giao)
Trên Sông Bạch Ðằng, Tiếng Gọi Sinh Viên v.v… Thành thử 2 chữ “Mẫu quốc” trong phong trào Phục Hưng do người Pháp đề xướng đã trở thành hai chữ “Tổ quốc” trong lòng thanh thiếu niên Việt Nam. Hai lực lượng chính trong việc sáng tác các ca hùng tráng vui tươi là nhóm Ðồng Vọng của Hoàng Quý, tác giả bài Trên Sông Bạch Ðằng
Trên sông Bạch Ðằng
Quân Nam ầm reo
Sóng nước vang đưa
Bao con thuyền mành trôi theo
Cờ bay gươm tuốt ra, quân vùng lên
Làm cho đuổi tan hết quân Nguyên
(trích Trên Sông Bạch Ðằng của Hoàng Quý– Hợp ca)
và Tổng Hội Sinh Viên của Lưu Hữu Phước, tác giả bản Tiếng Gọi Thanh Niên, ca khúc mãi sau này được sử dụng làm quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa. Nhóm Ðồng Vọng tức nhóm Hải Phòng trước đây, gồm 2 anh em Hoàng Quý, Hoàng Phú, Lê Thương, Văn Cao chú trọng tới các sinh hoạt Hướng Ðạo bởi chính bản thân Hoàng Quý cũng như đa số các thành viên trong nhóm, đều là các trưởng Hướng Ðạo. Vì thế tinh thần các ca khúc của ông luôn luôn vui tươi, lành mạnh, tuy nhiên đó chỉ là chủ trương sáng tác, chứ không phải giới hạn khả năng của Hoàng Quý. Bởi vì, trước khi mẹ mất sớm vào năm 1946 ông cũng đã để lại cho đời 2 bản nhạc tình, Cô Láng Giềng và Tú Uyên. Bản Tú Uyên sáng tác khi ông sắp qua đời, nay đã bị thất truyền, trong khi bản Cô Láng Giềng thì trở thành ca khúc về tình yêu được ưa chuộng bậc nhất thời đó. Ðiều đáng nói là, kể cả khi viết nhạc tình Hoàng Quý vẫn duy trì được sự trong sáng, lành mạnh, khác hẳn với tính cách ủy mị, buồn sầu, đau khổ trong đa số các nhạc tình đương thời. Ngay từ tựa đề bản Cô Láng Giềng cũng cho thấy đây là một mối tình chân chất, dung dị. Làng xóm, láng giềng, biết nhau từ thuở còn bé thơ, lớn lên yêu nhau thì mối tình ấy không sôi nổi mà chân thật, không cay đắng ngọt bùi mà êm ả, hồn nhiên như đôi bướm cùng sinh ra và lớn lên trong vườn tình.
Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười
…Tuy cách xa phương trời tôi không hề
quên bóng ai bên bờ đường quê
Ðôi mắt đăm đăm chờ tôi về
(trích Cô Láng Giềng của Hoàng Quý– ca sĩ Sĩ Phú)
Ngày chàng ra đi hai người cùng đứng bên bờ Tường Vi, giữa thanh thiên bạch nhật mà ước thề, thì mối tình của họ còn trong trắng. Ngày chàng trở về, hoa Tường Vi vẫn nở thắm, có khác chăng là có tiếng pháo hồng tiễn đưa ai đó đi lấy chồng. Khi biết ai đó chính là cô láng giềng của mình năm xưa, Hoàng Quý buồn thì có buồn thật, nhưng không bi lụy, sầu khổ. không oán trách, không hận tình. Dĩ nhiên, cũng giống như bất cứ chuyện tình bất hạnh nào khác, chàng đã quay gót ra đi, nhưng Hoàng Quý không thề nguyền một đi không trở lại, mà chỉ cho biết còn lâu, lâu lắm chàng mới về.
Nói thêm về ca khúc Cô Láng Giềng của Hoàng Quý, trong một bài viết của Hữu Trịnh trên trang mạng Giai Ðiệu Xanh, có một tiết lộ về bài hát này, từ nhạc sĩ Tô Vũ (Em của Hoàng Quý tên thật là Hoàng Phú- tác giả bản Em đến thăm anh một chiều mưa). (trích Cô láng giềng – Tác phẩm trường tồn của một tác giả yểu mệnh- Hữu Trịnh)
Cô láng giềng là ca khúc nói đến một cuộc chia tay với người yêu, nhưng đó là cuộc chia tay với lời hứa thủy chung, “em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi…” nên nhạc điệu và lời ca đằm thắm, lạc quan tuy không kém phần da diết.
“Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười
…Tuy cách xa phương trời tôi không hề
quên bóng ai bên bờ đường quê
Ðôi mắt đăm đăm chờ tôi về”
Nhạc sĩ Tô Vũ cho biết thêm rằng:
“Với Cô láng giềng, anh tôi chỉ sáng tác lời 1. Ðó là những vần thơ đầy lạc quan, phấn khởi khi chia tay người yêu và hy vọng một ngày trở về gặp nhau trong vui mừng. Còn lời 2 là do tôi sáng tác thêm, đó là cảnh chàng trở về – ngày có một đám cưới làng quê tưng bừng rộn rã của chính người yêu – và chàng buồn tình lặng lẽ ra đi…
Thật ra lời 2 này không phải là tâm tư của Hoàng Quý mà do tôi hư cấu và Hoàng Quý đã đồng ý, xem như là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sự mô tả một mối tình có thật, vì thực tế Hoàng Quý không có một bi kịch về tình yêu” như nội dung của lời 2”.
Thật vậy, lời 2 là sự hư cấu để cuộc tình thêm lâm ly. Khi chàng trở về thì:
“Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháo
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao
Tôi biết người ta đón em tưng bừng”
Thế là “tan vỡ cuộc tình duyên” và:
“Ðành lòng nay tôi bước chân ra đi
Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi
Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi…”
Ðể chấp nhận một sự phũ phàng chàng đã ra đi thật “lãng mạn”:
“Chân bước xa xa dần miền quê
Ai biết cho bao giờ tôi về”
Tuy lời 2 không phải là tâm trạng của chính tác giả, nhưng chính cái nghịch cảnh éo le, lãng mạn đó làm cho ca khúc được nhiều người ưa thích hơn.
June 16, 2017