Chuly sưu tầm
Hùng Lân-Nhạc sĩ của những bản hùng ca tươi sáng
Ngày 17/09 là ngày mất của hai nhạc sĩ thuộc hàng cổ thụ nhất của nền âm nhạc Việt Nam: Lê Thương và Hùng Lân. Bài viết tuần trước của chuyên mục này đã giới thiệu về nhạc sĩ Lê Thương. Trong tuần này xin được nói đến nhạc sĩ Hùng Lân.
Theo Wikipedia, Nhạc sĩ Hùng Lân sinh ngày 23/06/1922 tại Hà Nội (kém nhạc sĩ Phạm Duy 1 tuổi), mất ngày 17/09/1986 tại Sài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình Công Giáo, từ thuở nhỏ đã được học nhạc với các linh mục tại các trường dòng. Nhạc sĩ Hùng Lân đã bắt đầu đến với âm nhạc với thể loại thánh ca, và ông cũng sáng tác nhiều bài Thánh VỊnh. Trong thể loại Thánh Ca, ông chính là người đã đặt lời Việt cho bài hát Giáng Sinh bất tử Silent Night- Đêm Thánh Vô Cùng, mà cho đến giờ này vẫn còn được lưu truyền: “ Đêm Thánh vô cùng, Giây Phút Tưng Bừng…”.
Di cư vào Nam năm 1954, một thời nhạc sĩ Hùng Lân đã từng phụ trách chương trình nhạc Phát Thanh Học Đường. Ông là tác giả của nhiều ca khúc thiếu nhi trước 1975. Ca khúc “Thằng Tí Sún” của Hùng Lân đã được rất nhiều các em học sinh tiểu học ở Miền Nam hát thuộc lòng, như một lời nhắc vui cho việc phải lo đánh răng mỗi ngày 2 bận:
“Ê cái thằng Tí Sún Tí Sún,
Nhe cái răng nham nhở vô cùng
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không thôi…”
Còn phải kể đến bài Em Yêu Ai nữa. Những ngày xưa còn bé, hỏi mấy ai không biết đến ca khúc hồn nhiên này:
“ Nếu hỏi rằng, em yêu ai
Rằng em thì em yêu mẹ này
Rằng em thì em yêu cha này
Yêu chị yêu anh, yêu hết cả nhà
Nhưng, nhưng nhất là yêu mẹ cơ…”
Tuy là một nhạc sĩ sáng tác đa chủng loại như vậy, nhưng có một khuynh hướng rất rõ nét trong phong cách sáng tác của nhạc sĩ Hùng Lân: rất ít các ca khúc nhạc tình ủy mị. Nhạc của ông là những ca khúc yêu đời, dâng tràn nhựa sống. Ca khúc Hè Về của là một trong những thí dụ cho phong cách này, một trong những ca khúc viết cho mùa hè thuộc hàng phổ biến nhất
Cũng vì khuynh hướng lạc quan như vậy, nhiều bản hùng ca của nhạc sĩ Hùng Lân đã trở nên nổi tiếng, phổ biến rộng rãi tại Miền Nam trước 1975. Ca khúc Khỏe Vì Nước của ông hình như không bao giờ thiếu trong các sự kiện lớn của thanh niên, học sinh. Khỏe Vì Nước được sáng tác từ năm 1946, và trở thành ca khúc chính thức của các sự kiện thể dục thể thao của Việt Nam. Đây là một trong những ca khúc kêu gọi thanh niên Việt Nam phải khỏe mạnh, tráng kiện, để có thể góp phần xây dựng đất nước:
Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia.
Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.
Khỏe vì nước chí khí cương kiên.
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên.
Trong khốn nguy can trường sống thác ta coi thường.
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm…
Tương tự như Khỏe Vì Nước, ca khúc Cô Gái Việt là một bản hùng ca rất phổ biến của những thiếu nữ Việt Nam. Bài hát vẫn thường vang vọng trong các dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng, trong các dịp diễn hành của nữ quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa:
Lời sông núi bừng vang bốn phương trời
Giục chúng ta đường phụng sự quyết tiến
Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời
Giòng máu thiêng còn đượm nồng vạn trái tim
Dẫu không cùng tài trai vui tranh đấu
Gánh sơn hà còn trọng hơn xương máu
Dù thành thị hay thôn trang ai ơi
Lòng hẹn lòng bạn gái ta xây đời
Chị em ơi! Quê nước chờ mong
Ta sớm lập công, Tô thắm giang sơn Việt Nam
Ngoài những phút quán xuyến tề gia
Hãy hướng lòng ta đến những ai đang cơ hàn
Kìa cô nhi không chút tình thân
Đây lớp tàn nhân Năm tháng đau thương thầm trôi…
Lời bài hát là một định hướng rất rõ cho vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội thời đại của tác giả. Người phụ nữ ít có khả năng tham gia chinh chiến như nam giới, nhưng trách nhiệm quán xuyến gia đình đóng một vai trò rất quan trọng cho xã hội. Bên cạnh đó, người phụ nữ còn tham gia những việc từ thiện, giúp đỡ những kẻ khốn khó trong xã hội, tạo thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của xã hội Việt Nam.
Một bản hùng ca xuất sắc khác của nhạc sĩ Hùng Lân, mà đã có người cho rằng xứng đáng là bài quốc ca thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa, đó là ca khúc Việt Nam Minh Châu Trời Đông. Bản hùng ca này được sáng tác vào năm 1944, đạt giải nhất kỳ thi Âm Nhạc Toàn Quốc năm đó. Sau đó, ca khúc đã từng tham dự kỳ tuyển chọn quốc ca cho Việt Nam Cộng Hòa (cùng đợt với ca khúc Việt Nam- Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy). Việt Nam Minh Châu Trời Đông của được Việt Nam Quốc Dân Đảng sử dụng làm bài hát chính thức của đảng. Đánh giá ca khúc này xứng đáng là một quốc ca hoàn toàn có lý. Bởi vì nó là một tuyệt tác ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp, lịch sử Việt Nam hào hùng, dân tộc Việt Nam sẵn sàng xả thân để bảo vệ sơn hà:
Việt Nam minh châu trời đông.
Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng
Non sông như gấm hoa uy linh một phương.
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.
Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi
Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời
Máu ai còn vương cỏ hoa
Giục đem tấm thân trải với sơn hà.
Giơ tay cương quyết ta ôn lời thề ước
Hy sinh xương máu mong báo đền ơn nước.
“Dù thân này tan tành chốn sa trường cũng cam.
Thề trọn đời trung thành với sơn hà nước Nam !”.
So với bản Quốc Ca VNCH hiện thời, lời của Việt Nam Minh Châu Trời Đông ít có dấu hiệu của hận thù. So với Việt Nam Việt Nam- một ca khúc cũng được đánh giá xứng đáng trở thành quốc ca- thì giai điệu Việt Nam Minh Châu Trời Đông lại có vẻ uy nghi, hùng tráng hơn. Mỗi khi nghe lại bản hùng ca này, người Việt Nam như sống lại với một thời hào hùng của dân tộc.
Trong lúc vận nước đang suy vong như hiện nay, người Việt trong nước nên hát lại những bản hùng ca của nhạc sĩ Hùng Lân. Để nuôi lại ý chí quật cường. Để dũng cảm vượt qua nỗi sỡ hãi bạo quyền CSVN, để đưa dân tộc Việt Nam trở lại với truyền thống hào hùng muôn thuở.
Cung Mi / SBTN