Hội nghị An ninh Munich 2020: Vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế
Ngày đăng 17-02-2020
Hội nghị An ninh Munich(MSC) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 14-16/2 với hơn 35 nguyên thủ quốc gia và hơn 100 Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng từ các nước trên thế giới tham dự. Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về hòa bình và an ninh quốc tế.
Báo Deutsche Welle (DW) của Đức dẫn Báo cáo An ninh Munich 2020 được đưa ra trước thềm hội nghị cho rằng, tình hình an ninh thế giới tiếp tục bấp bênh những năm gần đây trong bối cảnh cả thế giới nói chung và các nước phương Tây đều không chắc chắn về giá trị và định hướng chiến lược của họ. Trong khi một số chuyên gia đánh giá, phương Tây đang bị đe dọa từ “chủ nghĩa quốc tế tự do”, nhiều người khác lại cho rằng, “sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi tự do và sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc khiến phương Tây gặp nguy hiểm”. Dù có sự bất đồng về quan điểm trên, nhưng các tác giả đều nhận định, việc phương Tây tăng cường can dự vào các cuộc xung đột bạo lực ở nước ngoài không làm cho những cuộc xung đột này biến mất.
Báo Deutsche Welle nhận định Hội nghị An ninh Munich sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề sau: (i) Chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo đó, MSC thường là một trong những sự kiện tốt nhất để đánh giá định hướng tư duy chính sách đối ngoại của Mỹ, bởi nó thu hút nhiều nhà hoạch định chiến lược cấp cao. Hội nghị cũng là cơ hội để kiểm tra phản ứng quốc tế đối với Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới được tiết lộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (ii) Diễn biến tình hình châu Âu. Với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc dân túy ở nhiều quốc gia, một số chuyên gia dự đoán, EU có thể sẽ “co lại” và ít can dự vào các vấn đề thế giới. Do đó, các chuyên gia tại hội nghị sẽ phân tích, liệu EU sẽ làm thế nào để hiệu quả hơn, đặc biệt là về hợp tác quốc phòng. Trong khi đó, nhiều người châu Âu muốn thấy EU khẳng định mình là một thế lực toàn cầu theo đúng nghĩa, có sự độc lập hơn với Mỹ. Nếu Mỹ có xu hướng từ bỏ Trung Đông – trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở những nơi như Syria và Libya – đây có thể là thời điểm để châu Âu đưa ra cách tiếp cận tập trung hơn vào lợi ích của mình trong khu vực, cả về chiến lược và kinh tế. Bên cạnh đó, tại hội nghị năm nay, Nga vẫn sẽ là vấn đề gây tranh cãi cho các chiến lược gia châu Âu. Châu Âu bị chia rẽ giữa việc duy trì đối thoại cùng quan hệ kinh tế và sự cảnh giác đối với các mục tiêu chiến lược của Nga. Trong khi một số người thậm chí mong đợi Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được mời tham dự hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay tại Mỹ, những người khác cho rằng, trọng tâm nên tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc. (iii) Trung Quốc và tình hình bán đảo Triều Tiên. Với châu Á, năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẵn sàng đẩy lùi những gì họ cho là sự can thiệp từ bên ngoài vào “sân sau” của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hiện Trung Quốc đang rơi vào cuộc cạnh tranh thương mại với Mỹ và đang đối phó với đợt bùng phát chủng mới của virus corona (2019-nCoV) – điều khiến một số quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại. Do đó, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ làm gì để thực hiện tuyên bố trên. Tiếp theo, những chủ đề về quan hệ giữa Trung Quốc với Hong Kong hay sự quan ngại của phương Tây về công ty viễn thông Trung Quốc Huawei cũng có thể được quan tâm mạnh mẽ. Ngoài ra, Báo Deutsche Welle cũng cho rằng, một vấn đề trọng tâm ở châu Á khác sẽ là tình hình Bán đảo Triều Tiên. Năm 2019, Tổng thống Trump đã tổ chức hai cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Năm nay, bầu không khí có vẻ ảm đạm hơn. Triều Tiên tuyên bố họ không còn bị ràng buộc bởi các cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa – và trên thực tế, Bình Nhưỡng hiện đang sở hữu một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ. Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ vì đã không thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt “tàn bạo và vô nhân đạo”.
Trong khi đó, Đài Sputnik của Nga lại cho rằng dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị An ninh Munich sắp tới. Nguồn tin trên dẫn lời Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, nhà ngoại giao kỳ cựu người Đức Wolfgang Ischinger cho biết Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong hội nghị toàn thể, mà còn cả trong các chương trình chính và phụ, cũng như trong hậu trường. Ông Wolfgang Ischinger cũng xác nhận Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ không tham dự hội nghị sắp tới.
Trước đó, tại Hội nghị An ninh Munich 2019, 35 nguyên thủ quốc gia, 50 ngoại trưởng, 30 bộ trưởng quốc phòng và nhiều tổ chức quốc tế đã tham dự. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 55 đã tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng như chống khủng bố, hồ sơ hạt nhân Iran, việc giải trừ quân bị, kiểm soát việc chạy đua vũ trang, khủng hoảng tại Venezuela, vai trò và đóng góp của Trung Quốc với an ninh thế giới… Về tổng thể, Hội nghị An ninh Munich 2019 đề cập đến hầu như tất cả các vấn đề nóng nhất của an ninh thế giới, tại cả các phiên thảo luận chính thức lẫn các cuộc gặp và phát ngôn bên lề. Đây thực sự là một cuộc gặp gỡ, đối thoại an ninh thường niên rất chất lượng, với sự góp mặt của những lãnh đạo của nhiều cường quốc trên thế giới.
Tại Hội nghị An ninh Munich, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chỉ trích rất mạnh các chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump, từ vấn đề hạt nhân Iran, việc Mỹ rút quân khỏi Syria hay rút khỏi Hiệp ước INF ký với Nga năm 1987. Bà Merkel cho rằng việc Mỹ đơn phương hành động trong các hồ sơ này mà không có tham khảo quan điểm từ phía châu Âu, dù châu Âu là bên chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp, như trong vấn đề Hiệp ước INF, là “tin tức vô cùng xấu”. Ngoài ra, bà Merkel còn chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump coi ngành công nghiệp ô tô châu Âu là mối đe doạ với an ninh quốc gia Mỹ là điều khó chấp nhận. Để đáp trả, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã ngay lập tức tuyên bố rằng “đã đến lúc các nước châu Âu rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran”. Đồng thời, ông Mike Pence cũng kêu gọi châu Âu hành động giống Mỹ trong cuộc khủng hoảng tại Venezuela hiện nay là coi Tổng thống tự phong Guaido là lãnh đạo của Venezuela.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đánh giá cao các động thái chính trị mà châu Âu đã làm nhưng cho rằng chưa đủ, nhất là các giải pháp kinh tế. Iran cho rằng các giải pháp kinh tế mà EU đưa ra quá muộn, đáng lẽ nó phải được thực hiện trong vòng vài tuần sau khi Mỹ rút lui và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước này. Ông Zarif cho biết cơ chế thương mại châu Âu với Iran hoạt động không tốt và nhấn mạnh Đức, Pháp và Anh phải làm nhiều hơn để thể hiện cam kết của họ đồng thời nên sẵn sàng chấp nhận rủi ro trước chủ nghĩa đơn phương nguy hiểm của Mỹ. Ông Zarif nói Iran cam kết theo thỏa thuận hạt nhân nhưng sự kiên nhẫn bị hạn chế.
Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Singapore Ng Eng Hen cho biết ASEAN và Trung Quốc chuẩn bị đàm phán về vấn đề Biển Đông trong tháng 2/2019 nhằm tránh các sự cố quân sự nguy hiểm trên biển. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng trong bài phát biểu, ông Ng Eng Hen đã cố gắng chứng minh mức độ hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực đã bị cường điệu hóa. Luận điểm chính của ông Ng Eng Hen là các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Theo ông Ng Eng Hyun, các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ trên đảo Guam gấp 12 lần và Hawaii vượt trội hơn 70 lần so với hiện diện của Trung Quốc ở khu vực biển Đông. Đáng chú ý, cũng tại Hội nghị, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tiếng chỉ trích về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, đồng thời ông bày tỏ sự phản đối với các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông; đồng thời cảnh cáo Anh giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông.
Được biết, Hội nghị An ninh Munich ra đời năm 1963, ban đầu được xem là diễn đàn đối thoại an ninh quan trọng nhất đối với mối quan hệ châu Âu-Mỹ, tiếp đó thì mở rộng ra nhiều chủ đề an ninh lớn khác trên toàn cầu. Đây là Hội nghị quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chiến lược và các chính trị gia. Vì thế, đây trước hết là không gian đối thoại về an ninh toàn cầu, về trật tự thế giới, chứ không phải là nơi đưa ra chính sách, và vì vậy thì cũng khó có thể nói là dư luận có thể trông đợi hay kỳ vọng vào một điều gì cụ thể từ Hội nghị an ninh này.