Những tâm sự đẫm nước mắt của người dân Vũ Hán
Helen Raleigh | Quý Khải biên tập
Vũ Hán, tâm chấn của dịch COVID-19, đã bị phong tỏa từ ngày 23/1. 11 triệu cư dân thành phố đã bị cách ly với thế giới bên ngoài trong gần một tháng nay. Một nơi từng rất nhộn nhịp giờ đây đã trở thành một thành phố ma.
Khi số ca tử vong và lây nhiễm tiếp tục gia tăng, không có dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Người Vũ Hán đang cảm thấy vô vọng khi bị bỏ lại phía sau. Lệnh cấm dường như không phải để chế ngự loại virus chết người, mà về cơ bản là nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra một hình ảnh tích cực, mạnh mẽ bằng cách che đậy sự thật và bỏ mặc hàng triệu người dân tự tồn tự vong.
Đối với bất kỳ ai có may mắn sống trong một thế giới tự do, thật khó để tưởng tượng cuộc sống ở một thành phố bị phong tỏa là như thế nào. Một số người đang làm việc không mệt mỏi để chia sẻ những câu chuyện của người dân Vũ Hán với thế giới còn lại. Bà Helen Raleigh – một người Trung Quốc nhập cư tại Mỹ – là một người như vậy. Trên tờ the Federalist, bà đã chia sẻ những thanh âm tuyệt vọng của người dân Vũ Hán tại hiện trường đại dịch. Bà cho biết, thông qua những trích đoạn này bà muốn bày tỏ sự cảm kích trước nỗ lực của người dân Vũ Hán. Bà mong muốn nhiều người ở xã hội tự do có thể nghe thấy những tiếng nói chân thực, không bị kiểm duyệt này trực tiếp từ tâm chấn đại dịch.
Badiuchao * là một họa sĩ hoạt hình chính trị và nhà hoạt động nhân quyền, đối tượng hiện đang bị chính phủ Trung Quốc săn lùng. Gần đây, anh đã khởi động một dự án đáng quý khi tự nguyện dịch thuật các trích đoạn nhật ký của người dân Vũ Hán trong thành phố bị phong tỏa. Dưới đây là một vài trích đoạn từ các bài đăng #WuhanDiary của anh, được bà Helen trích lại.
Ngày 27/1/2020
“Tôi đã kêu gọi gia đình dự trữ thêm nhu yếu phẩm hàng ngày nếu xảy ra một vụ phong tỏa tiềm tàng. Nhưng họ lại chế giễu và gọi tôi là “diễn viên điện ảnh mơ mộng”. Chính vì thế tôi đã phải tự mình đi mua sắm để có thêm đồ dùng trong hai ngày tiếp theo. Vào đúng ngày thứ ba, chính quyền bắt đầu phong tỏa thành phố. Giờ gia đình tôi không còn dị nghị gì với quyết định của tôi nữa. … Mỗi ngày từ nhóm online này đến nhóm online khác, rất nhiều người đang kêu gọi sự giúp đỡ cho những người thân của họ. Một vài người bạn của tôi kêu gọi sự trợ giúp cho ông bà của họ. Một số bạn học kêu gọi sự giúp đỡ cho cha mẹ. Họ là những người tôi quen biết; họ là những người đang trong tình cảnh bất lực vô vọng”.
Ngày 28/1/2020
“Người dân Vũ Hán đã sống dưới áp lực lớn trong một khoảng thời gian dài. Họ cần một lối thoát để xả đi sự buồn bực. Hai ngày trước, khu dân cư chỗ chúng tôi đã có một vài người thò người ra từ cửa sổ nhà họ, hết cửa sổ này đến cửa sổ khác, để kêu gọi sự trợ giúp. Bố tôi nói, ‘Cứ chờ cho đến khi dịch bệnh kết thúc. Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Vũ Hán sẽ tràn ngập người nhập viện cho xem’”.
29/1/2020
“Tôi đã khóc thút thít khi đọc bài báo ‘Mẹ đã qua đời ở khu cách ly Vũ Hán’. Tôi đã chuyển bài báo đó cho mẹ, bảo rằng bà phải chăm sóc bản thân mình cho thật tốt, để tôi không phải trở thành một đứa trẻ mồ côi. … Hôm nay tôi ra ngoài một lúc. … khi trở về nhà thì quả là một cực hình. Đứng ở hành lang phía trước căn hộ, tôi phải cởi bỏ áo khoác, quần, giày, khẩu trang, găng tay, lộn ngược khẩu trang về phía sau, cắt bằng kéo, buộc chặt, rồi bỏ vào thùng rác đặc dụng. Tôi phải lật ngược tất cả quần áo từ trong ra ngoài, gấp lại và mang ra ban công để sưởi nắng [virus sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao]. Sau đó tôi vào nhà vệ sinh rửa tay. Sau khi giặt xong, tôi quay trở lại ban công và xịt quần áo bằng chất khử trùng. Sau đó tôi quay lại phòng vệ sinh để rửa tay lần nữa”.
Ngày 1/2/2020
“Dì tôi đã bị chẩn đoán nhiễm virus corona. … Ngoài ra, con trai bà (em họ tôi) cũng bị sốt và có một số triệu chứng lâm sàng. Hôm nay mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Tôi không biết phải an ủi bà như thế nào. Tôi chỉ có một suy nghĩ ích kỷ rằng ít nhất bà vẫn ổn. … Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng việc che giấu sự thật ngay từ đầu và lời quảng cáo ra rả rằng “có thể ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh” của chính quyền trên các phương tiện truyền thông nhất định phải chịu trách nhiệm cho tất cả những việc này. Giờ điều quan trọng hơn cả là thông báo cho người dân biết về tình trạng nguy hiểm hiện tại và hướng dẫn họ các biện pháp phòng chống. Nhưng quá muộn rồi”.
Ngày 2/2/2020
“Có một vụ tự tử ngày hôm qua. Người ta nói rằng một bệnh nhân “bị chẩn đoán nhiễm bệnh” không thể nhập viện do quá tải. Anh ấy lo lắng có thể lây bệnh cho vợ con nếu về nhà. Giao thông công cộng đã bị đình chỉ, có nghĩa là anh sẽ phải đi một quãng đường rất dài đến và về từ bệnh viện để được điều trị. Do đó, anh đã quyết định nhảy xuống từ cây cầu sông Dương Tử ở Vũ Hán. Đây không phải là vụ tự tử đầu tiên tôi nghe thấy trong những ngày này. Nỗi tuyệt vọng tràn ngập khắp nơi xung quanh tôi”.
Những gì chính quyền Trung Quốc không muốn bạn biết
Có nhiều chủ đề về #WuhanDiary trên trang mạng Twitter. Bà Helen khuyến khích mọi người đọc chúng và chia sẻ cho cộng đồng.
Fang Fang là một nhà văn ở Vũ Hán. Bà Helen cho biết, tuổi thơ bà gắn liền với các tác phẩm của Fang Fang. Bà luôn yêu thích sự thẳng thắn và bộc trực trong phong cách hành văn của Fang Fang. Chính quyền Trung Quốc đã cấm lưu hành một trong những cuốn tiểu thuyết của Fang Fang, có tựa đề “Soft Burial (Sự mai táng nhẹ nhàng)”, trong đó đề cập đến chính sách “cải cách ruộng đất” tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào những năm 1950.
Bà Fang hiện đang sống ở Vũ Hán. Sau khi hay tin về sự ra đi của bác sĩ Lý Văn Lượng , một trong 8 người đã cảnh báo sớm cho công chúng về dịch virus corona vào tháng 12/2019 nhưng lại bị chính quyền buộc tội “phát tán thông tin sai lệch trên mạng”, bà đã viết một bài có tựa đề “Bác sĩ Lý Văn Lượng là ánh hào quang trong bóng tối tối tăm”. Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã nhanh chóng xóa bài đăng này. May mắn, trước khi bị xóa, bài đăng đã được chia sẻ rộng rãi, và có thể đọc được tại trang web này . Bài viết của bà bằng tiếng Trung, và trong bài có mấy đoạn thế này:
“Đã 16 ngày kể từ khi chính phủ phong tỏa Vũ Hán. Tôi rất buồn khi biết về cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Tôi đã đăng trên WeChat [một ứng dụng tin nhắn phổ biến ở Trung Quốc] rằng tất cả người dân Vũ Hán đều thương khóc cho sự ra đi của bác sĩ Lý vào tối nay. Sau đó không lâu tôi hay tin tất cả người dân ở Trung Quốc đều thương tiếc và chia sẻ nỗi đau buồn chung của chúng tôi. Nước mắt chúng tôi tạo nên một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt, tiễn đưa bác sĩ Lý sang thế giới bên kia. …
Hôm nay chúng tôi được biết tình trạng phong tỏa sẽ kéo dài thêm ít nhất 14 ngày. Những ai không sống ở Vũ Hán sẽ không bao giờ hiểu được nỗi đau của chúng tôi, trạng thái này còn hơn cả việc bị nhốt ở trong nhà. Người dân Vũ Hán rất cần sự xoa dịu và một liệu pháp để trút bỏ sự phẫn uất trong tâm. Đó là vì sao chúng tôi rất đau lòng trước cái chết của bác sĩ Lý và tại sao chúng tôi muốn thét lên và khóc thương cho anh. Bác sĩ Lý và chúng tôi có chung cảnh ngộ. Cũng giống như anh, tất cả chúng tôi đều là những người dân bình thường, chỉ ao ước một cuộc sống bình thường như bao người khác, nhưng giờ chúng tôi lại đang bị mắc kẹt trong một tình huống tồi tệ và tuyệt vọng. …
Nhân viên y tế là những người chịu tổn thương lớn nhất trong đợt bùng phát dịch. Hầu như mỗi bệnh viện đều có một vài nhân viên bị nhiễm virus. Một số đã mất mạng, như bác sĩ Lý. … Người bạn bác sĩ của tôi từng nói, ‘Bây giờ chúng tôi đã biết virus có thể lây truyền từ người sang người, nhưng chúng tôi không được phép công khai điều này cho người dân. Đây có phải là một vấn đề nghiêm trọng khi các bác sĩ bị cấm nói sự thật hay không?’ …
Vì dám nói sự thật, bác sĩ Lý đã bị khiển trách và phải trả giá đắt bằng mạng sống của mình. Tuy vậy nhà chức trách vẫn chưa công khai xin lỗi anh. Nếu đây là cách họ đối xử với một người nói lên sự thật, vậy ai còn dám nói lên sự thật trong tương lai nữa? …
So với những ngày đầu của cuộc phong tỏa, người dân Vũ Hán giờ đây cảm thấy suy sụp và tuyệt vọng hơn bao giờ hết. Quá nhiều người trong chúng tôi đã bị nhốt trong căn hộ nhỏ của mình trong thời gian rất dài. … Tất cả chúng tôi đều có vấn đề của riêng mình nữa. Cả hai anh em tôi đều bị tiểu đường. Tôi đã “chia khẩu phần” thuốc tiểu đường của mình kể từ ngày phong tỏa thành phố, nhưng giờ tôi chỉ còn thuốc đủ dùng cho đúng một ngày nữa mà thôi”.
Bà Helen cũng quyết định dịch một đoạn khác của một cư dân mạng Trung Quốc, người đã đăng lại bài viết trên của Fang Fang, bởi vì nó nói lên rất nhiều điều về cảm nhận của người dân Trung Quốc trước sự kiểm duyệt của chính quyền trong dịch bệnh:
“Một thông điệp nhắn gửi đến các nhà kiểm duyệt tại mạng xã hội Tencent (một mạng xã hội phổ biến khác tại Trung Quốc): Tôi vô cùng cảm động trước bài viết của bà Fang, cũng như cuộc sống khốn khó mà người dân Vũ Hán đang phải chịu đựng. Họ không chỉ bị cách ly khỏi phần còn lại của thế giới, mà họ cũng không được phép nói lên sự thật. Khi bạn đang tiến hành kiểm duyệt, xin hãy rủ lòng thương và cân nhắc xem liệu bạn có thể để bài viết này ở lại trên diễn đàn lâu hơn một chút, trong khả năng của bạn trước khi bạn buộc phải xóa nó hay không. Những người dân thường ở Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc đang trông cậy vào một người như bà Fang – một người có thể thay họ cất lên tiếng nói của mình”.
Người kiểm duyệt đã không để tâm đến lời cầu xin này.
Những tiếng nói từ đáy lòng của người dân Vũ Hán, như được hé mở một phần trong những trích đoạn nhật ký và bài viết kể trên, là sự thật mà chính phủ Trung Quốc không muốn người dân thế giới biết được.
Bà Helen cho rằng, một điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa mà mọi người có thể làm để giúp đỡ những người dân Vũ Hán khốn khổ là chia sẻ những điều này ra, để cho sự thật được biết đến rộng khắp. Bà hy vọng mọi người có thể cầu nguyện cho tất cả những người dân Vũ Hán và tất cả những ai đã bị nhiễm virus corona có thể bình an vượt qua kiếp nạn.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
(Bài viết của Helen Raleigh đăng trên The Federalist ngày 13/2, do Quý Khải dịch và biên tập. Nguồn ảnh chính: ảnh chụp màn hình Youtube/唯真不破Truth Wins)