AN LỘC: TRẬN VERDUN CỦA VIỆT NAM

AN LỘC: TRẬN VERDUN CỦA VIỆT NAM
Trích- “La Mort du Việt Nam”
Tác Giả: Đại Tướng Vanuxem
Dịch Giả: Dương Hiếu Nghĩa
An Lộc là một Quận Lỵ nhỏ của một Tỉnh miền Đông Nam Việt. Quân Bắc Việt đã vây hãm Quận Lỵ nầy, nã vào đó đủ mọi loại trọng pháo, hỏa tiễn, và tấn công vào đó nhiều lần. Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ Vùng 4 Chiến Thuật (đồng bằng sông Cữu Long), lẽ ra được đưa ra Huế cho Tướng Hoàng Xuân Lãm, được hấp tấp thả xuống một vùng nằm giữa An Lộc và Sài Gòn, với nhiệm vụ sơ khởi là chặn địch lúc bấy giờ đang tự do tiến bọc vòng quanh An Lộc, bao vây cô lập Thị Xã này cốt không cho trong ngoài liên lạc được với nhau. Người ta ngăn chặn được phần nào ý định của địch, nhưng không giải tỏa được An Lộc, và phải thú thật đây không phải là một chuyện dễ làm. Tuy nhiên An Lộc vẫn đứng vững.
Để so sánh và cũng để thực sự thấy được giá trị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chúng ta phải nói rõ là Thị Xã An Lộc giống như Điện Biên Phủ, nằm dài trên hai bên sườn đồi của một lòng chảo mà vành đai của lòng chảo nầy địch đã làm chủ. An Lộc không có nhiều binh sĩ trú phòng như Điện Biên Phủ, có 20,000 dân, chẳng những không giúp ích được gì mà trái lại còn là một gánh nặng cho quân trú phòng nữa. Quân số Bắc Việt bao vây An Lộc nhiều hơn quân số bao vây Điện Biên Phủ trước kia; họ cũng tiến hành cuộc tấn công bằng cách đào chiến hào đi lần vào trung tâm thị trấn, giống như ở Điện Biên Phủ vậy, tiến đến đâu lấp hầm đến đó. Lực lượng pháo binh Bắc Việt nhiều hơn lúc ở Điện Biên Phủ, và họ pháo nhiều vào trung tâm thị xã, họ dùng đại bác 130 ly và hỏa tiễn, nên phố xá và nhà cửa trong thị xã gần như bị các loại này phá nát hết.
Quân trú phòng không có thiết giáp, nhưng Bắc Việt lại dùng loại chiến xa T. 54 của Nga Sô mà Phòng Nhì Việt Nam Cộng Hoà cũng như Hoa Kỳ không rõ bằng cách nào họ mang được loại chiến xa nặng nầy đến tận An Lộc được. Nhưng điều bất ngờ là các chiến xa Nga Sô nầy lại được các súng phóng hỏa tiễn cầm tay M.72 của Hoa Kỳ niềm nở đón tiếp, và có một số lớn T.54 bị bắn cháy hay bị bỏ lại rải rác trong thị xã như là chiến lợi phẩm đặc biệt của quân trú phòng. Số tử thương tại An Lộc nhiều hơn Điện Biên Phủ.
Quân Bắc Việt còn tiếp tục bao vây An Lộc, nhưng tình hình có vẻ sáng sủa hơn, khi Tổng Thống Thiệu quyết định dùng trực thăng đáp xuống ngay An Lộc. Cùng đi với Ông còn có Tướng Viên, tổng tham mưu trưởng, Tướng Minh, Tư Lệnh Vùng 3 Chiến Thuật, và một số sĩ quan khác, trong số nầy có Tướng Lãnh người Pháp muốn hưởng một chút thú vị kiêu hãnh là được tham dự vào một trận phục thù cho Điện Biên Phủ.
(Lời người dịch: Đó chính là tác giả quyển sách nhỏ nầy, Đại Tướng Vanuxem. Ông được quân trú phòng “anh hùng An Lộc” tặng cho một lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà trong chuyến đáp xuống An Lộc nầy, gọi là để kỷ niệm trận “Bình Long Anh Dũng”, và sau nầy trước khi qua đời tại Pháp năm 1982, Ông đã trao lá Quốc Kỳ nầy lại cho Trung Tướng Trần Văn Trung, chủ tịch hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà tại Pháp).
Hai chiếc trực thăng đáp xuống và cất lên ngay thật nhanh, sau khi các vị tướng lãnh vừa nhảy xuống xong thì các loạt đạn pháo Bắc Việt cũng vừa tới. Người ta đi thăm Bộ Chỉ Huy Hành Quân, phát sao, gắn “lon”, “huy chương”, tuyên dương công trạng khen thưởng các cấp v..v… sau đó đi thăm và ủy lạo các đơn vị (binh sĩ các cấp nhảy lên khỏi chiến hào để hoan hô ầm ĩ vị tổng tư lệnh của họ), thăm và an ủi các thương binh, bệnh binh, đến tận các xác chiến xa Nga T.54 để sờ các pháo tháp hay xem cái vỏ thép của loại chiến xa nầy, người ta cũng đi viếng các nghĩa trang “bất đắc dĩ” nằm trên các vỉa hè đường phố, và trước một nghĩa trang, Tướng Thiệu quỳ xuống cầu nguyện… Người ta cũng có cầu nguyện như vậy giữa sân của một nhà thờ đã bị đổ nát, chỉ còn trơ lại có một pho tượng lớn của Chúa đang giăng hai tay nhân ái ra, coi như để chúc lành cho phái đoàn. Tổng Thống Thiệu thản nhiên như không có gì xảy ra, quỳ một gối xuống ngay trên vũng bùn, làm dấu thánh giá, và cầu nguyện….trong khi tất cả đều đứng ngay ngắn nghiêm trang… Đâu đây bên bìa rừng gần đó có một vài tiếng nổ của đạn rocket.
Chuyến về của phái đoàn cũng như chuyến đáp xuống, tất cả quan khách đều đứng dưới các hố cá nhân, chờ khi các trực thăng đáp xuống, tất cả đều nhảy lên thật nhanh để trực thăng vọt đi ngay, vì trước đó ai cũng được báo cho biết là nếu không lên kịp thì sẽ bị ở lại An Lộc.
Tất cả đều được an toàn, về được đến Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Quân Đoàn 3 ở Lai khê.
An Lộc đã trở thành một biểu tượng, đó là một khi quân đội và dân chúng đã cương quyết một lòng thì khẳng định là chận được quân thù. Đó là tinh thần của trận chiến Verdun của Việt Nam Cộng Hoà, một chiến trận mà Việt Nam Cộng Hoà đã làm lễ kỷ niệm thật long trọng để xác nhận ý chí quyết chiến quyết thắng của Quân Dân Miền Nam Việt Nam. Tiếc rằng ngày lễ Quốc Khánh của Việt Nam Cộng Hoà đã được chọn là ngày 1/11 rồi, nếu không thì người ta nghĩ có lẽ nên chọn ngày mà An Lộc được giải tỏa hoàn toàn, để nói lên biểu tượng Tự Do của Quốc Gia nầy.
Đó là nhưng sự việc đã xảy ra năm 1972. Lúc đó có ai dám nghĩ được rằng ba năm sau, vâng chỉ không đầy 3 năm sau thôi, một Quân Đội đã từng biểu diễn một “pha” hết sức ngoạn mục, về sức mạnh, về ý chí của quân nhân các cấp, được lòng tin cậy hoàn toàn của dân, lại có thể bị suy sụp đến độ phải tan rã hoàn toàn?
Vả lại Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, với một quân số được Ngũ Giác Đài tính toán quá khít khao lúc bắt đầu Việt Nam Hoá, nên chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phòng ngự để gìn giữ lãnh thổ mà thôi. Sau đó lại bị hao hụt trầm trọng trong 3 năm liền, trong khi các đơn vị Miền Bắc tiếp tục được bổ sung đầy đủ, tăng cường cả về lượng cũng như về phẩm, nhất là chiến cụ, so sánh thì hơn xa Quân Đội Miền Nam, cho nên các ước tính tương quan lực lượng phải là 4/1, tôi nói lại là bốn trên một.
Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đã được Quân Đội Pháp thành lập sau đó mới được Hoa Kỳ tái tổ chức lại, nên dù muốn dù không, Quân Đội Miền Nam cũng giữ vài kỷ niệm về lề lối hay phương thức do quân đội Pháp để lại.
Điều nầy đã đem lại nhiều chuyện không hay cho một vài tướng lãnh, tuy nhiên dù gì đi chăng nữa thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng vẫn phải chấp nhận phuơng thức tác chiến học được từ Quân Đội Hoa Kỳ. Do đó nếu không chấp nhận điều quân mà chỉ dùng hỏa lực không mà thôi, trong tấn công cũng như trong phòng thủ, thì phương thức nầy bắt buộc phải có yểm trợ hùng mạnh của Không Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh và của cả Hải Quân nữa. Điều nầy Quân Đội Hoa Kỳ được trang bị quá đầy đủ, nếu không muốn nói là quá dư thừa, cho nên từ khi quân đội Mỹ rút đi thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị thiếu mất trầm trọng một hỏa lực yểm trợ mạnh và hữu hiệu.
Tổng Thống Thiệu là một người am tường về chiến lược, lại là một nhà chánh trị thận trọng há đã không đề ra được một phương thức tiết kiệm, vừa để dưỡng sức các đơn vị tinh nhuệ, vừa tránh hao tổn phí phạm đạn dược hay sao? Cho nên mỗi người lính chỉ được phát 80 viên đạn và một trái lựu đạn trong một tháng. Ông quan niệm rằng, trước một kẻ thù như Bắc Việt, và trên một lãnh thổ quá dài và quá hẹp của Miền Nam Việt Nam Ông không có thể điều quân được. Đã từ lâu,Ông nói là chỉ với lực lượng của Miền Nam, Ông không thể chống lại được một cuộc tấn công quy mô của Bắc Việt trên một chiến tuyến quá dài từ Bắc xuống Nam dọc theo biên giới Lào và Cambodia, chỉa mũi thẳng vào Sài Gòn, chỉ còn cách đó dưới 100 cây số mà thôị, Ông cũng biết là địch quân tất phải chủ động, nhưng giờ thì hệ thống phòng thủ bị gặm nhấm, quân số các đơn vị bị hao hụt và tiếp vận thì quá nghèo nàn nên chắc chắn là không thể chịu nổi sức tấn công mạnh của địch, và dè dặt hơn trong trường hợp nếu được bảo đảm là có một sự tiếp viện từ phía đồng minh, thì Ông cũng phải đi đến chỗ phải bỏ rơi một phần lãnh thổ để tập trung lực lượng vào việc cố thủ Sài Gòn và đồng bằng Sông Cửu Long. Nếu quân đội Bắc Việt tiến hành một chiến dịch tấn công theo kiểu gặm nhấm tiêu hao dành dân lấn đất, thì cố thủ như vậy cũng có thể thành công được, nhưng Miền Nam Việt Nam sẽ bị một chấn động tâm lý, mất hết tinh thần và rồi cũng phải thua, mất hết mà thôi. Còn nếu Miền Bắc dàn quân đánh mạnh theo chiến tranh quy ước thì tai họa lớn sẽ xảy ra, nhanh hơn.
Đã từ lâu, miền Nam Việt Nam không áp dụng phương thức phòng thủ lưu động, nên không có khả năng để tiến hành một cuộc rút lui quy mô, một cuộc hành quân rất khó, vì phải vừa lui quân vừa phải chiến đấu không ngừng với quân Bắc Việt, vốn lúc nào cũng nhẹ nhàng luồn lách, xâm nhập, đánh ngang cạnh sườn, bọc hậu bao vây, sau lưng đánh tới, đe dọa tuyến phòng thủ…, bắt buộc lực lượng nầy phải rút đi càng sớm càng tốt, (nếu không sẽ bị bao vây và tiêu diệt), lần lần sẽ bị gậm nhấm rồi cuối cùng sẽ bị tràn ngập. Những cánh đồng lầy mênh mông vắng vẻ như sa mạc, Bắc Việt thâm nhập vào sâu trong Miền Nam Việt Nam quá dễ dàng, và rừng cây bao la rậm rạp làm cho vũ khí chống chiến xa vốn thuộc loại quá cũ kỹ mất đi phần nào hữu hiệu và chính xác. Hơn thế nữa, những hỏa tiễn SAM (Địa Không) do Nga Sô viện trợ, đã ngăn chận được khả năng Không Yểm từ các loại phi cơ có tốc độ chậm, chỉ có những chiến đấu cơ F.5 do Hoa Kỳ trang bị cho Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, là có thể thỉnh thoảng yểm trợ hỏa lực được cho các đơn vị bộ binh dưới đất nếu không thì các đơn vị nầy phải tự lo liệu lấy mà thôi. Cuối cùng là những khinh tốc hạm phóng ngư lôi do Nga Sô viện trợ có thể vô hiệu hóa lực lượng Hải Quân của miền Nam Việt Nam, vốn cũng có khả năng nhiều tàu chiến nhưng toàn thuộc loại cổ xưa.
Do đó mà cuộc hành quân triệt thoái của Vùng 2 Chiến Thuật từ Cao Nguyên về vùng duyên hải, và cuộc rút quân của Vùng 1 Chiến thuật, từ Huế, vào Đà Nẵng về hướng Nam, đã biến thành một cuộc thua chạy hỗn loạn, khiến cho không còn gom góp lại được đơn vị nào, không còn chiến cụ vũ khí nào, trong khi miền Nam đang cần tiết kiệm nhân lực và trang thiết bị để có thể lo cho tuyến phòng thủ ở phía Nam. Tuyến nầy mặc dù có một số lớn hành động thật anh dũng, nhưng rồi cũng vỡ ra từng mảnh, thì làm sao có được chiến trận ở vùng Sài Gòn?
Cho đến sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975 là coi như tất cả đều mất hết rồi! Tướng Dương Văn Minh, người đã nhận chức vụ tổng thống Việt Nam Cộng Hoà đã kêu gọi binh sĩ hãy chấm dứt cuộc chiến mà từ nay đã trở thành vô vọng và vô nghĩa. Sau một vài hành động trong thất vọng, và một vài trận ”tử thủ kiểu Camerone” để ít nhất nói lên lòng can đảm hy sinh của Quân Lực Viêt Nam Cộng Hoà, một quân lực mà không có một người binh sĩ hay một cấp chỉ huy nào đã phản bội, thì đã thấy lá cờ đỏ của quân Cộng Sản xăm lăng Bắc Việt được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập. Giờ này đây rải rác chỉ còn một vài binh sĩ lẻ tẻ đi lang thang chưa chịu đầu hàng.
Quốc Gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa đã bị “bức tử” rồi !! Danh từ Việt Nam Cộng Hòa đã bị xóa không còn trên bản đồ của các Quốc Gia trên thế giới nữa.
“Ghi Chú BBS: Thành phố Verdun nằm về cận Đông Nước Pháp. Chiến lũy Verdun do Pháp xây cất rất là kiên cố, dọc theo ranh giới vùng đồi núi Pháp và Đức về phía Đông nước Pháp. Trận chiến Verdun được Quân Đội Đức phát động vào đêm 11 rạng 12 tháng 2 năm 1916 (Đệ Nhất Thế Chiến), có những điểm trùng hợp tương tự như trận chiến An Lộc xảy ra vào tháng 04 năm 1972:
a/ Kế hoạch tấn công vào chiến lũy Verdun của quân Đức được khởi sự vào đêm 11 rạng 12 tháng 2 năm 1916, nhưng phải tạm hoãn lại cho đến ngày 21 tháng 2 năm 1916 mới thật sự phát khởi cuộc tấn công, nguyên do chỉ vì thời tiết “quá xấu” rất bất tiện cho “Không Quân” của Đức lúc bấy giờ. Nhờ vậy mà quân Pháp có thì giờ cấp tốc điều động được 2 sư đoàn Bộ Binh kịp thời tăng cường phòng thủ chiến lũy. Sự trì hoãn (09 ngày) này của quân Đội Đức cũng giống như sự trì hoãn của quân Cộng Sản Bắc Việt đã trì hoãn tại Lộc Ninh (06) ngày vào tháng 04 năm 1972. Quân Đức đã để lỡ mất cơ hội tiến chiếm Chiến Luỹ và Thị Trấn Verdun của Pháp.
b/ Khởi đầu trận chiến, quân Đức đã huy động hằng trăm máy bay để oanh tạc, và 230 khẩu pháo từ 122 ly đến 420 ly để mong “bình địa” chiến luỹ Verdun, dọn đường cho quân đoàn quân bộ chiến, đồng loạt tấn công vào chiến lũy Verdun, trong số những quả pháo bắn vào chiến lũy Verdun có nhiều quả pháo có “hơi độc”. Cũng như An Lộc phải hứng chịu trên 200.000 quả pháo đủ loại kể cả các hỏa tiễ n 107 ly và 122 ly của Quân Cộng Sản Bắc Việt.
c/ Giữa quân đội Pháp và Đức có những trận đụng độ quyết liệt trên các cứ điểm trên các ngọn đồi chiến lược quan trọng (quân Đức chiếm xong, bị quân Pháp chiếm lại…) điển hình như trên ngọn đồi có độ cao 304 ở về cận Tây của chiến lũy, thương vong đôi bên của mỗi trận đánh lên đến vài ngàn chiến sĩ, giống như ngọn đồi có tên là Đồi Đồng Long ở trên cao thế 128 thước cách phía Bắc thành phố An Lộc 600 thước, do Biệt Cách Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã bất thần đột kích tái chiếm, gây cho quân Cộng Sản Bắc Việt một sự thiệt hại rất nặng nề (xác của các cán binh Cộng Sản dầy đặc dưới các giao thông hào và đầy cả sườn đồi).
d/ Kết cục quân Pháp đã thắng quân Đức (gấp 4 lần nhiều hơn), cũng như Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thắng được quân Cộng Sản Bắc Việt đông hơn gấp 4 lần.

Bài Liên Quan

Leave a Comment