Chủ nghĩa bài Trung: Virus corona tiết lộ vô số cách thế giới e sợ Trung Quốc
Tessa WongBBC News, Singapore
Sammi Yang lần đầu nhận thấy có cái gì đó \’sai sai\’ khi cô tới một phòng khám ở Berlin (Đức) và ngay lập tức bị cấm bước vào tòa nhà.
Các bệnh nhân khác xì xào sau cánh cửa phòng khám; trong khi cô Yang – một nghệ sỹ trang điểm từ Trung Quốc – phải đợi bên ngoài trong thời tiết tháng Giêng lạnh giá.
Cuối cùng, bác sỹ của cô cũng xuất hiện. Và câu đầu tiên bà bác sỹ nói là: \”Đây không phải là vấn đề cá nhân nhưng…\”
Rồi bà bác sỹ nói: \”Chúng tôi không nhận bất cứ bệnh nhân Trung Quốc nào bởi vì loại virus Trung Quốc này\” – cô Yang kể với BBC. \”Tôi không có cơ hội để giải thích và nói rằng tôi khỏe mạnh.\”
Cô Yang không hề tới Trung Quốc thời gian gần đây.
Trong nhiều tuần kể từ khi virus corona lây lan khắp thế giới, xuất hiện vố số vụ việc kỳ thị chống người Trung Quốc hoặc bất cứ ai trông giống người châu Á.
Thậm chí ngay cả khi cảm thông tăng lên đối với các nạn nhân người Trung Quốc, đặc biệt với cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng – người đầu tiên cảnh báo sự xuất hiện của virus corona – cộng đồng người châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng cho hay, phân biệt chủng tộc và bài ngoại liên quan đến virus này vẫn gia tăng.
Chống Trung Quốc và kỳ thị người Trung Quốc không phải là điều mới – Chủ nghĩa bài Trung là một hiện tượng đã tồn tại hàng thế kỷ.
Nhưng vô số cách mà Chủ nghĩa bài Trung thể hiện trong đại dịch corona cho thấy mối quan hệ ngày càng phức tạp hiện nay giữa thế giới và Trung Quốc.
\’Không quen thuộc ở phương Tây, quá quen ở phương Đông\’
Những chỉ trích thậm tệ liên quan đến virus corona đã xuất hiện khắp thế giới, được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau.
Ở những nơi mà người châu Á là thiểu số như ở châu Âu, Mỹ và Úc, Chủ nghĩa bài Trung có vẻ bị thúc đẩy bởi những định kiến hời hợt rằng, người Trung Quốc là bẩn thỉu và thiếu văn minh.
Bị gọi là \”virus\”, ví dụ, là rất phổ biến. Cộng đồng thiểu số châu Á bị xa lánh nơi công cộng và trở thành mục tiêu của các cáo buộc và các vụ tấn công phân biệt chủng tộc.
Các tiêu đề như \’mối nguy hiểm màu vàng\’, \’Gấu trúc nhiễm virus Trung Quốc\’, \’Trẻ em Trung Quốc nên ở nhà\’ xuất hiện trên các báo ở Úc và Pháp.
Với thông tin rằng, virus này bắt nguồn từ một chợ buôn bán động vật hoang dã và có thể lây từ loài dơi, các lời đùa cợt quen thuộc rằng, người Trung Quốc ăn mọi thứ \’động đậy\’ đã lan truyền khắp nơi.Bản quyền hình ảnh @LukeValentine01@LUKEVALENTINE01
Trong khi các bình luận tương tự cũng xuất hiện ở châu Á, các chỉ trích chống Trung Quốc được thực hiện với giọng điệu bài ngoại ở mức độ sâu sắc hơn. Một chủ đề phổ biến là nghi ngờ có phải chính Trung Quốc đã làm lây lan virus này cho dân của họ.
Tại Singapore và Malaysia, hàng trăm ngàn người đã ký một thỉnh nguyện thư online kêu gọi cấm công dân Trung Quốc vào lãnh thổ nước mình. Và chính phủ cả hai nước này đã \’cấm cửa\’ với người Trung Quốc ở một số địa điểm.
Ở Nhật Bản, nhiều người gọi người Trung Quốc là \”những kẻ khủng bố sinh học\”, trong khi thuyết âm mưu về việc Trung Quốc làm lây nhiễm virus cho người dân, nhất là người Hồi giáo, đã sinh sôi nảy nở ở Indonesia và các nơi khác.
\”Ở phương Tây, Trung Quốc bị nhìn nhận như vậy và bị loại bỏ, và Chủ nghĩa bài Trung ở đó có khuynh hướng sinh ra từ sự không quen thuộc. Nhưng ở châu Á và Đông Nam Á, nó sinh ra từ quá nhiều sự quen thuộc,\” Giáo sư Donald Low, một học giả tại Hong Kong, người nghiên cứu về chính sách công Trung Quốc, nói.
Ở châu Á, nhiều thế kỷ qua, cái bóng của Trung Quốc đã phủ lên các lĩnh vực như tranh chấp khu vực, bất bình về lịch sử và làn sóng di dân Trung Quốc. Gần đây, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và việc họ giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương đã làm dấy lên sự tức giận và nghi ngờ đặc biệt ở Đông Nam Á – nơi có dân số Hồi giáo đáng kể.
Tiền và đầu tư Trung Quốc đổ vào khu vực được chào đón, nhưng cũng làm dấy lên ngờ vực về sự thống trị và bóc lột với rất ít lợi lộc đem về cho kinh tế địa phương.
Thậm chí, ngay cả trong các nước chủ yếu là người Hoa, như ở Hong Kong và Singapore, đã có một sự gia tăng trong tình cảm chống đại lục, một phần do những lo lắng kéo dài về việc người Trung Quốc nhập cư, bản sắc, cũng như ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
\’Kinh ngạc và coi thường\’
Một số người tin rằng làn sóng bài Trung này chủ yếu là do việc Trung Quốc đã cư xử thế nào, cả trong khủng hoảng hiện thời và trong các năm gần đây trên trường thế giới.
Thái độ chung đối với Trung Quốc là một hỗn hợp của \”kinh ngạc và coi thường,\” Giáo sư Low cho hay.
Đối với một số người đang xem xét cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng virus corona,\”có sự ngưỡng mộ đáng kinh ngạc về những gì người Trung Quốc có thể làm, chẳng hạn như xây bệnh viện trong vài ngày. Nhưng cũng có sự khinh miệt vì họ không thể kiểm soát những thứ như buôn bán động vật hoang dã, hoặc tính minh bạch.\”
Giới chức Trung Quốc đã thừa nhận rằng họ quá chậm trễ trong các báo cáo và kiểm soát ban đầu về dịch bệnh, và đã bị trừng phạt vì cách họ đối xử với bác sỹ Lý Văn Lượng – người từng bị cảnh sát điều tra khi ông gửi thông tin cho đồng nghiệp cảnh báo sự xuất hiện của virus corona.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách quảng bá một Trung Quốc mạnh mẽ và tự tin, thông điệp được truyền đi là Trung Quốc là một đối tác có trách nhiệm, trong khi nước này đã đầu tư hàng triệu đô la vào các nước khác trên khắp thế giới.
Nhưng Trung Quốc không ngần ngại tăng cường \’sức mạnh cơ bắp\’, như đã thấy trên mặt trận truyền thông khốc liệt trong thời gian chiến tranh thương mại với Mỹ; hay việc có thêm bằng chứng về chương trình gián điệp nhà nước sâu rộng của Trung Quốc, và việc họ không ngừng đặt ra các yêu sách đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp.
\”Họ muốn được yêu mến, nhưng cũng muốn được e sợ,\” Giáo sư Low nói.
Sự giàu có ngày càng tăng của Trung Quốc dẫn đến số lượng khách du lịch và sinh viên đến thăm và sống ở khắp nơi trên thế giới tăng vọt hơn bao giờ hết, khiến sự hiện diện của nước này rõ rệt hơn. Các báo cáo lẻ tẻ về hành vi xấu cùng với sự hiện diện đông đảo của họ đã làm nảy sinh những định kiến về khách du lịch Trung Quốc thô lỗ hay sinh viên Trung Quốc siêu giàu vung tiền qua cửa sổ.
Dĩ nhiên, không phải nơi nào trên thế giới cũng có chung nỗi nghi ngại về Trung Quốc như chúng ta có thể thấy rõ ở Tây Âu, Mỹ và châu Á. Người dân Nam Mỹ, châu Phi và Đông Âu nhìn nhận về Trung Quốc tích cực hơn, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Một số nhà quan sát và chính phủ Trung Quốc nói rằng các đối thủ của Trung Quốc cũng đổ lỗi cho Chủ nghĩa bài Trung, với các cơ hội và quyền lực chính trị mà họ có thể gặt hái được từ đó.
Những năm gần đây, một số lượng đáng kể những chỉ trích chống Trung Quốc đến từ Mỹ – đặc biệt dưới thời chính phủ Trump, theo Giáo sư Barry Sautman, một nhà xã hội học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong.
Chính Mỹ đã có lịch sử lâu dài về Chủ nghĩa bài Trung, đáng chú ý nhất là Đạo luật Loại trừ Trung Quốc năm 1882 cấm lao động người Trung Quốc sau làn sóng nhập cư bắt đầu từ Gold Rush. Làn sóng hiện nay trùng khớp với việc này, và có lẽ một phần là do sự gia tăng của chủ nghĩa bản địa bài ngoại của Mỹ, cũng như phần còn lại của thế giới, Giáo sư Sautman nói.
\”Trung Quốc hiện này đang được nhìn nhận là kể thách thức quyền bá chủ của Hoa Kỳ, và hầu hết mọi khía cạnh của những gì chính phủ Trung Quốc đang làm đã bị chỉ trích nặng nề. Kết quả là rất nhiều người trên thế giới nhắm vào đó, và nó dựa trên Chủ nghĩa bài Trung đã ăn sâu trong lịch sử, như ở châu Á,\” ông nói.
\”Tấn công Trung Quốc khi họ đang đuối\”
Trong vài tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải những bài bình luận buộc tội chủ nghĩa kỳ thị, phân biệt chủng tộc, đáng chú ý là bằng tiếng Anh và nhắm vào độc giả toàn cầu.
Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ các bài tường thuật trên truyền thông quốc tế về cách họ đối phó với dịch virus corona, mặc dù một vài trong số đó là các chỉ trích được đăng trên truyền thông địa phương. Trung Quốc gọi đó hoặc là thông tin sai lệch, hoặc kỳ thị chống lại Trung Quốc. Người dẫn chương trình nổi tiếng Liu Xin của CGTN so sánh việc này với \”tấn công Trung Quốc khi họ đang yếu\”.
Chính phủ Trung Quốc chính thức chỉ trích các nước, nhất là Mỹ, đã \”tạo ra và giao rắc nỗi sợ hãi\” bằng cách ban hành lệnh cấm nhập cảnh \”không cần thiết\” đối với du khách Trung Quốc.
Trong khi đó, căng thẳng và thất vọng đối với sự kỳ thị ngày càng sâu sắc tại nhiều cộng đồng thiểu số Trung Quốc và châu Á, khi đại dịch diễn biến phức tạp mà chưa có dấu hiệu kết thúc.
\”Tôi thấy sợ hãi\”, cô Yang, nghệ sỹ trang điểm ở Berlin mà chúng tôi đề cập ở đầu bày nói. Yang dự định sẽ tránh ra ngoài trong vài tuần tới.
Không phải những gì cô Yang trải qua tại phòng khám đã khiến cô hoảng sợ. Một người bạn Đức gốc Á gần đây cũng bị quấy rối tại một nhà ga xe lửa, trong khi một phụ nữ Trung Quốc bị tấn công dã man trên đường về nhà. Cảnh sát Berlin xếp vụ này vào loại phân biệt chủng tộc. Người phụ nữ Trung Quốc khẳng định trên mạng xã hội rằng bà bị gọi là \”virus\” và bị đánh đập sau khi bà chống trả.
\”Tôi không muốn cự cãi với những người gọi tôi là virus. Tất cả những điều họ biết là những thứ mà họ đọc trên báo, và ta không thể thay đổi suy nghĩ của họ\”, Yang nói.
\”Thậm chí nếu tôi cho họ xem visa của tôi, nói với họ tôi thường trú ở đây, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi vì tất cả mọi thứ họ thấy chỉ là gương mặt Trung Quốc của tôi.\”