Được Toà án Philippines trả tự do 8 tháng, 20 ngư dân vẫn chưa được về nước
Cao Nguyên
2020-02-22
Hình minh hoạ. Các ngư dân Việt Nam bị phía Philippines bắt giữ và trả về Việt Nam hôm 2/11/2016.
Nhóm 20 ngư dân Việt Nam bị lực lượng hải quân Philippines bắt hồi tháng 5/2018 với cáo buộc đánh bắt trộm cá mập đã được toà án nước này trả tự do và có lệnh trục xuất từ ngày 1/8/2019. Nhưng đến nay, tất cả họ vẫn chưa được trở về nhà dù đã đóng đủ 480 triệu đồng theo yêu cầu của giới chức Việt Nam. Các ngư dân cho Đài Á Châu Tự Do biết.
Hôm 19/5/2018, một tàu hải quân Philippines trong khi tuần tra gần đảo Mangsee (Philippines) đã phát hiện hai tàu cá Việt Nam với 20 ngư dân cùng với 54 con cá mập và cá đuối trên tàu.
Các ngư dân này bị bắt ngay sau đó và bị truy tố vì tội nhập cảnh trái phép, đánh bắt trộm và vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã và ngư nghiệp, theo luật của Philippines.
Vẫn chưa biết khi nào được về
Theo ông Đoàn Ngọc Tình, một thành viên trong số 20 ngư dân hồi ngày 21/2 nói với RFA rằng họ bị đưa ra toà tổng cộng năm lần. Lần cuối cùng là vào ngày 1/8/2019 với kết quả là tất cả được trả tự do, mỗi người đóng phạt khoảng 100 đô-la Mỹ và bị trục xuất về nước.
Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả 20 người vẫn đang phải sống trong tình trạng bất hợp pháp ở Philippines vì “sai tên trong biên bản trục xuất”:
“Em ra toà năm lần, lần nào ra toà cũng hẹn lại mỗi lần 2-3 tháng. Từ lúc được thả ra đến giờ là khoảng tám tháng. Lần ra toà cuối cùng là được thả tự do.
Thông dịch viên có xuống làng đưa một miếng giấy gọi là giấy trục xuất, có lệnh trục xuất là ngày 12/12/2019.
Giờ hỏi giấy tờ thì Đại Sứ Quán trả lời là giấy tờ giờ lộn tên phải sửa lại. Nhưng mà hỏi lộn tên chừng nào sửa lại thì họ nói vài tháng. Tới nay ra tù cũng tám tháng mà cũng vậy.”
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với ông Nguyễn Việt Cường, một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, người thường xuyên làm việc với nhóm ngư dân trên, thì được ông xác nhận rằng 20 người này chưa thể về Việt Nam vì có một số người bị sai tên trong lệnh trục xuất, phải chờ bên cơ quan nhập cư của Philippines sửa lại. Tuy nhiên ông không thể trả lời thêm các câu hỏi của phóng viên mà yêu cầu phóng viên trực tiếp đến đại sứ quán để xin phỏng vấn với đại diện của đại sứ quán.
Đóng 480 triệu đồng chỉ để mua vé máy bay?!
Trong khi đó, ở Việt Nam, Sở ngoại vụ tình Tiền Giang, nơi cư trú của 20 ngư dân, yêu cầu người nhà phải đóng 24 triệu đồng mỗi người vào “Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài” để họ làm thủ tục và mua vé máy bay về nước. Ông Tình cho biết:
“Sở ngoại vụ của tỉnh Tiền Giang gọi điện kêu người nhà mỗi người đóng 24 triệu để lo giấy tờ cho anh em được về.
Lúc gia đình lên đóng tiền thì Sở có nói là đóng tiền để gởi ra ngoài Hà Nội, rồi mới chuyển qua Philippines, rồi bên đây mới lấy tiền lo giấy tờ cho anh em được về.”
Vợ của ngư dân, thuyền trưởng Võ Quốc Phong từ Tiền Giang nói với RFA rằng họ đã đóng đủ tổng cộng 480 triệu đồng cho 20 người. Nhưng khi thấy người nhà đã được toà tha mà chưa được về, họ hỏi lại nhân viên Sở ngoại vụ thì nhận được câu trả lời là “do giấy tờ còn trục trặc ở bên Philippines, họ cũng không biết rõ”:
“Bữa đó em đi đóng là 480 triệu cho 20 ngư dân. Chị Dung (cán bộ Sở ngoại vụ – PV) gọi điện kêu lên đóng tiền thì tụi em đóng tiền thôi.
Nghe bị bắt lâu rồi thì người ta kêu đóng tiền đặt mua vé máy bay về thì tụi em cũng không biết gì đâu, khổ gần chết cũng phải chạy tiền đi đóng rồi mấy ông cũng chưa về được thì cứ nói hoài như vậy đó.
Bên mình đóng tiền rồi mà nghe nói giờ chờ bên bển nó kí giấy trục xuất còn lộn tên mấy thằng nhỏ mà nói hoài chưa thấy được lãnh về.”
Ông Nguyễn Văn Công là phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang trả lời RFA rằng số tiền đó chỉ để mua vé máy bay cho 20 ngư dân về nước:
“20 công nhân này đã nộp tiền để mua vé máy bay vào “Quỹ bảo hộ công dân của Việt Nam ở nước ngoài”. Đã nộp rồi nhưng không biết tình hình sao bởi vì tôi chỉ ở trong nước nên cũng không biết.
Có văn bản hướng dẫn ở dưới địa phương cấp xã phường, người ta trao đổi với ngư dân và ngư dân đi đóng. Tôi có gặp một số người đại diện đến đây trao đổi với tôi. Sở ngoại vụ chỉ hướng dẫn cho người dân thực hiện theo yêu cầu của Đại sứ Việt Nam ở Philippines.
Bảo hộ công dân thì người Việt Nam đi Sứ ở nước ngoài thì trách nhiệm phải bảo hộ công dân, đi thăm này kia. Này chỉ là tiền mua vé máy bay cho mấy người này về nước khi được nước ngoài thả nhưng không biết sao đến nay phía Đại sứ Việt Nam ở Philippines chưa có thông báo, chưa trả lời gì nên tôi cũng chưa rõ.”
Sau khi đóng đủ số tiền theo yêu cầu, 20 ngư dân Việt Nam chỉ mong muốn được nhanh chóng trở về nhà. Hiện tại họ đang sống trong tình trạng bất hợp pháp, thiếu thốn vật chất, phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của một số người Việt ở Philippines và tiền người nhà ở Việt Nam gởi sang:
“Giờ chỉ muốn về thôi chứ người nhà trông. Ở đây có chú Ba Thanh, mỗi tuần chú vô cho 1-2 bao gạo, còn đồ ăn thì tự mua. Còn tụi em thì 5-6 thằng thì có một ông anh người Việt mướn xuống xây phụ nhà cho ảnh nên tụi em xuống phụ làm.
Lúc bị bắt đến nay thì người nhà gởi tiền qua, cỡ 500 ngàn hay một triệu/tháng, có nhiều gởi nhiều, ít gởi ít để ăn đỡ vậy.
Bây gờ tụi em gọi điện Đại sứ quán cũng không bắt máy, nhắn tin cũng không trả lời nữa. Làm như Đại sứ quán trốn tránh không muốn nói chuyện với chúng em hay sao đó.”
Một vụ việc tương tự xảy ra vào ngày 27/9/2019. Trang web “Palawan Council for sustainable development” của Chính phủ Philippines thông báo đã bắt giữ thêm 8 ngư dân Việt Nam khác vì xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh vùng bển thuộc chủ quyền của Philippines.
Khi kiểm tra, cảnh sát biển Philippines phát hiện có một số con cá mập và cá đuối đã chết trên tàu Việt Nam. Tám người này sau đó bị cáo buộc thêm tội đánh bắt động vật hoang dã.