Tương lai GHPGVNTN sau khi Hòa thượng Thích Quảng Độ qua đời
- 25 tháng 2 2020
Sự viên tịch của Hòa thượng Thích Quảng Độ, thọ 92 tuổi, ở Sài Gòn, là dịp để đánh giá di sản của ông và nỗ lực giữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – tổ chức tôn giáo của miền Nam Việt Nam bị chính quyền sau này cấm.
Chùa Từ Hiếu (Quận 8, Sài Gòn) là nơi hòa thượng Thích Quảng Độ cư ngụ trong hơn một năm cuối đời, sau khi ông rời Thanh Minh thiền viện, quay ra Bắc, rồi về Sài Gòn.
Hòa thượng Thích Nguyên Lý, trụ trì ngôi chùa này, nói với BBC News Tiếng Việt rằng, ông biết đến thầy Quảng Độ ngay từ những ngày còn nhỏ.
Ngày 22/11/2018, hòa thượng Thích Nguyên Lý đưa hòa thượng Thích Quảng Độ về chùa Từ Hiếu. Và từ đó đến lúc viên tịch, hòa thượng sống ở đây.
Bà Đặng Thị Thu Huyền, pháp danh Diệu Thân, cháu gọi hòa thượng Thích Quảng Độ là chú ruột, là người ở lại chùa Từ Hiếu để chăm sóc ông trong những ngày cuối đời ở chùa này, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 24/2 rằng, trong suốt cuộc đời ông, trước cũng như sau, luôn đau đáu nỗi niềm.
\”Tôi nghe kể rằng, năm 1945, bố tôi, tức anh của thầy Thích Quảng Độ thập tử nhất sinh, lả đi vì đói ở quê nhà. Lúc đó ngài mới 17 tuổi, đang tu tập ở chùa Thanh Sam, ngoại thành Hà Nội nhưng đã đi bộ hai ngày trời về quê, cõng anh mình về chùa rồi đổ nước cháo bảy ngày, bố tôi mới tỉnh lại và thoát chết. Những ngày ngài sống ở chùa Từ Hiếu, tôi cũng đã hết lòng.\”
\”Nói chung, những ngày ở chùa Từ Hiếu, thầy hầu như không thiếu một thứ gì, cả tinh thần lẫn vật chất. Quý thầy cũng như phật tử từ khắp nơi trên thế giới đều quan tâm chăm sóc đến ngài. Chính thầy cũng nói, có lẽ những ngày sống ở chùa Từ Hiếu là những ngày thầy thấy viên mãn, an lạc nhất\”.
Các vấn đề của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (từng hoạt động ở VNCH) và bị chính quyền mới cấm sau khi thống nhất đất nước luôn là băn khoăn của Hoà thượng Thích Quảng Độ, theo lời bà Huyền:
\”Băn khoăn lớn nhất của ngài vẫn là vấn đề của Giáo hội [Phật giáo Việt Nam Thống nhất]. Thực sự thì lúc đó, tôi cũng hiểu khá mơ hồ về nội tình của giáo hội vì trước đó tôi không có đủ thông tin. Cho đến ngày đủ duyên để hầu hạ bên thầy thì thầy cũng kể, tôi cũng được thầy chia sẻ về những thăng trầm, cũng như những khó khăn trong những năm gần đây trong hoạt động của giáo hội\”.
Khi được hỏi, trong những ngày hòa thượng Thích Quảng Độ sống ở chùa Từ Hiếu, chính quyền có gây khó dễ gì hay không, bà Huyền kể:
\”Những ngày thầy về đây, chính quyền yêu cầu khai báo, rồi đăng ký tạm trú tạm vắng. Tuy nhiên, thầy nói rõ là tôi không có giấy tờ chứng minh, tôi không đăng ký. Các ông muốn bắt tôi vô tù thì tôi lại vô tù thôi.\’\’
Sau đó, công an thường xuyên đến hỏi, cũng may là hòa thượng Thích Nguyên Lý rất can cường và hết lòng bảo vệ thầy. Hòa thượng Thích Nguyên Lý nói, \’bây giờ ông ngài rất yếu, và ông ngài cũng không làm gì cả, nên xin các ông hãy để cho ông ngài được yên\’. Ngoài ra, sức khỏe của thầy cũng ngày một yếu đi nên họ cũng không làm phiền gì nhiều\”.
HT Thích Quảng Độ và GHPGVNTN
Nhà thơ Tâm Nhiên có câu \”Đại hùng tâm giữa cuộc bể dâu\” để nói về hòa thượng Thích Quảng Độ, người cùng các vị sư tăng của một giáo hội không được chính quyền công nhận cố bảo vệ tổ chức này với tinh thần vô uý.
Hòa thượng Thích Thái Hòa, trụ trì chùa Phước Duyên, tại TP Huế, người tại Đại hội bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 2003, được bầu là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp, đã dẫn bốn chữ mà Trí Quang Thượng Nhân tặng cho hòa thượng Thích Quảng Độ là: \”Phật pháp công thần\”.
Còn Hòa thượng Thích Quảng Ba (Viện trưởng Tu viện Vạn Hạnh ở Canberra – Úc châu, Phó Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan), nói với BBC News Tiếng Việt hôm 24/2:
\”Đóng góp của ngài không chỉ ở chỗ ngài viết bao nhiêu chục quyển sách, dẫu dĩ nhiên, tất cả những tác phẩm đó của ngài là vô cùng giá trị cho vấn đề nghiên cứu, học thuật. Nhưng cái đó vẫn là rất nhỏ. Cái đóng góp lớn nhất vẫn là tinh thần bất khuất mà ngài đã giữ được liên tục, từ lúc đóng vai trò Tổng thư ký Viện Hóa đạo cho đến ngày ngài nằm xuống\”.
Hòa thượng Thích Quảng Ba vẫn nhớ về một phát ngôn của hòa thượng Thích Quảng Độ tại chùa Ấn Quang tại cuộc họp mở rộng của Viện Hóa Đạo vào năm 1979, khi nhà nước Việt Nam cố tình lôi kéo một ít vị lãnh đạo trong Viện Hóa đạo đi theo ý muốn của chính quyền, sát nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức chính thức thành lập năm 1981 và nói là đại diện cho tất cả các Phật tử Việt Nam.
\”Khi ba vị lãnh đạo Viện Hóa đạo quay lại vận động những người còn lại, ngài Thích Quảng Độ nói các vị đó một câu, nếu các ngài muốn theo vinh quang thì cứ đi, còn con thuyền này dù có nát, bể hay chòng chành thì hãy để chúng tôi tự lo lấy\”, hòa thượng Thích Quảng Ba nhớ lại.
\”Tinh thần bất khuất trước cường quyền để soi lên ngọn đuốc sáng, làm lương tâm dân tộc của hòa thượng Thích Quảng Độ, là sự đóng góp cao quý nhất. Tinh thần bất khuất đó đã dẫn đạo cho thế hệ chúng tôi khi từ khi còn trẻ cho đến hôm nay. Chúng tôi đã sống theo hướng đi ấy của tiền nhân và hy vọng, thế hệ sau sẽ tiếp bước\”, hòa thượng Thích Quảng Ba nói.
Khoảng trống để lại?
Bình luận về các suy diễn tiêu cực của vài người về ngài Quảng Độ, thí dụ như có người nói: \”Hòa thượng chịu trách nhiệm quan trọng trong việc gây phân hóa, chia rẽ trầm trọng nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất\”, hòa thượng Thích Quảng Ba nhận xét:
\”Đó chỉ là một số khuyết điểm về hành chánh. Khiếm khuyết nhiều khi không phải do ngài Thích Quảng Độ mà ra, nhưng vì ngài là lãnh đạo nên người ta dễ quy trách nhiệm cho ngài. Cũng có ai đó đã lợi dụng yếu điểm là ngài không hiểu hết thế sự, rồi mớm cho ngài những suy nghĩ phiến diện, dẫn đến hành xử của ngài trong một số trường hợp mà tôi gọi là khiếm khuyết hành chánh.
\”Thực ra ngài cũng có những văn thư sai về hành chánh, sai về hiến chương của giáo hội nữa, nhưng ngài hoàn toàn không thảo chúng. Ai đó, khi trong nước, khi nước ngoài, thảo ra rồi nhiều khi đọc qua điện thoại, ngài thấy chấp nhận được, rồi họ ụp dấu gửi đi mà ngài không biết hậu quả của nó\”, hòa thượng Thích Quảng Ba nói.
Hòa thượng Thích Quảng Ba phân tích thêm:
\”Điều đó rất đáng tiếc nhưng chúng tôi cũng không nỡ trách tất cả là do ngài, mà chỉ vì ngài một tấm lòng quá đỗi thiết tha với việc cưu mang, giữ gìn giáo hội mà thôi. Hơn nữa, sở trường của ngài là tu hành, từ bi, giữ vững tinh thần dân tộc, hay chiến đấu với cái ác; chứ không phải là những chuyện hành chánh. Và chúng tôi vẫn tôn kính ngài như thường, chứ không có gì là rạn nứt hết\”.
Trong khi đó, hòa thượng Thích Thái Hòa nói với BBC News Tiếng Việt hôm 24/2:
\”Tôi không nghĩ ngài là người tạo ra một vài khó khăn cho sự hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ bên ngoài. Đó là điều không bao giờ có, bởi cương vị một Tăng thống, không ai muốn như thế cả. Nhưng có thể, do tiếp nhận từ những nguồn thông tin thiếu chuẩn mực nên dẫn đến như vậy.\”
Nói về tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hòa thượng Thích Thái Hòa nhận định:
\”Trên nguyên tắc pháp lý thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn, bởi vì giáo hội không đặt sự tồn tại của mình trong nguyên lý cá biệt mà đặt sự tồn tại của mình trong lòng dân tộc và nhân loại.\”
\”Cho nên, dân tộc Việt Nam còn thì giáo hội còn, nhân loại còn thì giáo hội còn, nhưng còn như thế nào là tùy thuộc vào tài năng lãnh đạo của từng vị trong từng giai đoạn.\’\’
\”Đương nhiên là, trong những giai đoạn tiếp theo, sự tồn tại của giáo hội, hoạt động mạnh mẽ hay không tùy theo sự hòa hợp, thanh tịnh của tăng già, cũng như niềm tin tâm linh, kiên định với Phật, Pháp, Tăng của hàng tứ chúng đệ tử đức Phật. Từ đó, giáo hội chắc chắn sẽ tiếp tục theo đúng ý nghĩa mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng.\”
Hòa thượng Thích Quang Ba cũng khẳng định rằng, tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẽ không mất đi, dẫu cho sau sự ra đi của hòa thượng Thích Quảng Độ.
\’\’Sẽ phải mất một thời gian để chúng tôi trong giáo hội sắp xếp lại Hội đồng Lưỡng viện, nhưng điều đó không có nghĩa rằng, không có Hội đồng Lưỡng viện là không có giáo hội.\’\’ Ông nói.
\”Danh xưng giáo hội với chúng tôi không phải là thực thể để mình sống chết với nó, giáo hội với chúng tôi chỉ là con thuyền để mượn đò qua sông, mượn đó mà phục vụ cho dân tộc, đạo pháp. Cho nên, không nhất thiết giáo hội phải to, phải đẹp, hay phải cố định vào một hình thể hay phong thái. Suốt hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam cho tới năm 1951, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam cần tới mô hình giáo hội để phát triển và tồn tại. Nói chung, Phật giáo sinh hoạt theo khuynh hướng tăng đoàn chứ không phải mô hình giáo hội, càng không phải là một giáo hội trung ương tập quyền áp đặt lên tất cả tăng ni Phật tử.\’\’
\”Bởi thế, khi đại hội lâm thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 2003 tái lập Hội đồng Lưỡng viện cũng chỉ nhằm tạo nên khung sườn, nhằm nuôi hy vọng cho phật tử khắp nơi, kể cả hải ngoại. Bởi thế, tôi cho rằng, vấn đề \”ở bầu thì tròn, ở ống thì dài\”.
\”Một ngày nào đó, nếu cần, chúng tôi sẽ tạo cơ hội ngồi lại với nhau, có thể ít hay nhiều hơn về số lượng so với kỳ đại hội lâm thời ở Tu viện Nguyên Thiều (tỉnh Bình Định), để lập lại Hội đồng Lưỡng viện; nhưng làm được gì, còn tùy thời thế nữa\”, hòa thượng Thích Quảng Ba nhấn mạnh.
Nói về suy đoán với khoảng trống để lại sau sự ra đi của đệ ngũ tăng thống, hòa thượng Thích Quảng Ba nhận xét:
\”Trong âm thầm, có những cá nhân tuy chưa có danh xưng, nhưng Giáo hội chúng tôi nhất định vẫn còn có nhiều ngọn đuốc sáng khác; chẳng qua lúc nào mới là thời điểm xuất hiện. Vì trong hoàn cảnh toàn quyền bạo trị hiện nay, ai cũng hiểu, có danh xưng là sẽ chấp nhận chịu \’làm bia cho người ta bắn\’, chứ không phải là không có nhân sự xứng đáng. Hãy nhìn thành phần Ban Tổ chức lễ tang của ngài Thích Quảng Độ. Mà đó cũng chỉ mới khoảng một phần năm số giáo phẩm cao cấp còn luôn trung kiên với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đứng tên vào đó mà thôi. Đúng lúc, đúng thời tự nhiên sẽ có\”.