Bác Sĩ Nhảy Dù Phạm Gia Cổn và ba trận đánh Kon Tum, An Lộc, Quảng Trị
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
Feb 18, 2020
WESTMINSTER, California (NV) – Với nhiệm vụ là một bác sĩ quân y của Binh Chủng Nhảy Dù Quân Lực VNCH, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn từng sát cánh với những cuộc hành quân của các tiểu đoàn tác chiến để chăm sóc cho các thương bệnh binh tại mặt trận.
Ngoài ra, ông còn làm những công tác Dân Sự Vụ là khám bệnh hay cho thuốc đồng bào sống ở những vùng sâu, vùng xa sau khi đơn vị các chiến sĩ VNCH đã đánh đuổi địch quân và kiểm soát an ninh. Những lúc được về hậu cứ của đơn vị, Bác Sĩ Cổn còn khám bệnh cho những gia đình của binh sĩ tại khu gia binh.
Vận nước điêu linh, sau ngày “gãy súng” vào cuối Tháng Tư, 1975, những người trai thế hệ của miền Nam Việt Nam, một số phải bị giam cầm trong những trại tù Cộng Sản, một số phải lìa xa quê hương yêu dấu của mình. Hơn 45 năm trên đất khách, nhưng, những chứng tích chiến đấu bảo vệ quê hương, những hình ảnh chiến trường cận kề với bom đạn và cái chết, và với trách nhiệm của một bác sĩ quân y vẫn còn canh cánh trong lòng của một chiến sĩ Quân Y “Mũ Đỏ” Phạm Gia Cổn.
Ông từng là cựu sinh viên sĩ quan Khóa 18 Quân Y Hiện Dịch, Trường Quân Y, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn 1971 và phục vụ Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù trong ngành Quân Y. Khi đến Hoa Kỳ, ông từng là giảng sư dạy 28 năm tại đại học UCLA, chuyên ngành gây mê và trị đau nhức. Ông cũng từng là chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam, Nam California.
Nghỉ hưu từ năm 2010 nhưng trong thời gian hưu trí, Bác Sĩ Cổn dành thời gian còn lại trong việc phát triển và nuôi dưỡng môn thể dục “Khí Công Hoàng Hạc,” và là vị chưởng môn của môn phái này cho đến bây giờ. Môn phái này đã được phát triển tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, và trên thế giới, với mục đích “giữ gìn sức khỏe, thoải mái về tinh thần, chậm tiến trình lão hóa” cho các học viên hoàn toàn miễn phí.
Vừa về đơn vị, tham chiến mặt trận Tam Biên, Kon Tum
Kể về cuộc đời binh nghiệp của mình, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn cho hay, sau khi tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn 1971, ông tình nguyện về phục vụ Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù và tham chiến trận đầu tiên tại vùng Tam Biên, Kon Tum vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Cộng Quân cùng tấn công đồng loạt tại ba địa điểm Kon Tum, An Lộc và Quảng Trị.
Ông kể: “Trong toán Quân Y của chúng tôi có một bác sĩ là tôi và khoảng 10 y tá. Mỗi đại đội, tôi phải cử một y tá để săn sóc cho những chiến sĩ bị thương. Tại địa điểm này, hằng ngày, đơn vị Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù bị địch quân pháo kích hàng trăm quả đạn pháo. Vì thế, coi như ngày nào toán Quân Y của tiểu đoàn cũng bận rộn cho việc băng bó, chăm sóc vết thương cho các anh em thương binh. Ngoài ra, nếu có anh em nào bị thương nặng quá hay tử trận, thì chúng tôi phải gọi trực thăng đến đưa những người này về hậu cứ của tiểu đoàn. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi chiến trường, nhưng lúc nào chúng tôi cũng cố gắng tản thương càng sớm càng tốt, để tránh tình trạng vừa đụng trận lại vừa phải bảo vệ những thương binh tại chiến trường.”
“Tại Vùng Tam Biên, toán Quân Y của tôi đi theo bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, những đại đội của tiểu đoàn thì đóng quân rải rác cách bộ chỉ huy vài cây số, nên thường bị chạm địch, còn bộ chỉ huy thì bị ‘ăn’ pháo của địch nhiều hơn. Địch thường pháo kích vào bộ chỉ huy ban ngày, chớ ít khi chúng pháo vào ban đêm, vì sợ bị lộ điểm bắn. Mỗi ngày, bộ chỉ huy của tiểu đoàn bị chúng pháo ít nhất cũng từ một ngàn quả pháo trở lên. Những buổi sáng sớm khi đang khám bệnh cho các thương binh thì bị Việt Cộng pháo kích, thành ra, chúng tôi vừa khám bệnh và vừa nhảy xuống hầm trú ẩn. Cho đến khi chiều tà, mặt trời vừa tắt nắng thì chúng ngưng pháo,” bác sĩ cho biết thêm.
Cũng trong thời gian này, tại đồi Charlie bị địch quân pháo dữ dội nên Trúng Tá Nguyễn Đình Bảo đã tử trận trong trận này. Lúc đó Bác Sĩ Nhảy Dù Tô Phạm Liệu hành quân tại đồi Charlie, còn Bác Sĩ Cổn hành quân tại đồi thuộc căn cứ Hotel.
Những khi đụng trận lớn thì cấp Lữ Đoàn Nhảy Dù sẽ thành lập một bệnh viện dã chiến tại trung tâm hành quân chiến trường để kịp thời giải quyết quá nhiều những thương binh tại mặt trận, rồi sau đó mới di chuyển họ về những quân y viện lớn tùy theo tình trạng sức khỏe và vết thương của từng người.
Bác sĩ kể thêm: “Tôi đã từng chứng kiến những sự đau lòng là vì có những người lính đã bị thương và chờ đến lúc có trực thăng đáp xuống để được tải thương. Nhưng, hễ địch quân thấy trực thăng vừa đáp xuống thì chúng nó bắn pháo kích vào để diệt trực thăng. Vì thế, có những chiến sĩ bị thương được đưa ra gần đến trực thăng thì lại bị trúng pháo lần nữa, có khi cũng bị mất mạng và những y tá của quân y cũng bị thương. Trên chiến trường, chuyện người lính bị chết hai lần là chuyện có thật, vì khi họ đã hy sinh được quấn poncho để chờ trực thăng xuống đưa xác về, khi trực thăng đáp xuống thì lại bị địch pháo vô nữa, nên có những xác chết phải bị trúng đạn pháo thêm lần nữa, và xác của họ cũng không còn được toàn vẹn khi bị chết lần thứ hai.”
Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù tham chiến trận An Lộc
Sau đó, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù theo Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù được lệnh về để giải tỏa An Lộc. Lúc đó Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 là Thiếu Tá La Trinh Tường.
Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù được di tản bằng trực thăng về Biên Hòa trong những chuyến bay đêm. Đến sáng sớm hôm sau, tiểu đoàn được lệnh đóng quân tại Lai Khê chờ lệnh để vào An Lộc. Không bao lâu thì trực thăng đến bốc tiểu đoàn vào Tân Khai, rồi hành quân bằng đường bộ tiến vào An Lộc. Khi đến rừng cao su gần An Lộc, tiểu đoàn nằm ở đây một đêm.
Nguyên tắc hành quân của Nhảy Dù là một tiểu đoàn gồm bốn đại đội, được chia ra gồm hai tiểu đoàn thì với sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng (bộ chỉ huy của tiểu đoàn) và hai đại đôi với sự chỉ huy của tiểu đoàn phó, được chia ra thành hai cánh để hành quân. Toán Quân Y được đi theo cánh của bộ chỉ huy tiểu đoàn.
Trên đường tiến vào An Lộc thì các đại đội đi đầu đã đụng trận với địch quân ngay tại rừng cao su, rồi sau đó, cả tiểu đoàn đều đụng trận với địch quân với nhiều trận đánh rất ác liệt. Đang đụng trận thì Tiểu Đoàn 1 được lệnh rút quân khỏi An Lộc để về giải tỏa Quảng Trị. Tiểu đoàn vừa đánh, vừa rút quân từ từ, và đoàn Quân Y phải đi theo đơn vị cuối cùng trên đường di tản khỏi An Lộc.
Bác Sĩ Cổn kể: “Ra khỏi trận An Lộc, tiểu đoàn được đóng quân tại hai làng Sa Cam, Sa Cảnh để dưỡng quân chờ lệnh. Trong lúc toán quân y đang làm nhiệm vụ với các thương binh thì dân trong làng này lại kéo đến nơi đóng quân của tiểu đoàn để xin được khám bệnh và xin thuốc, vì dân trong làng quá nghèo, thiếu thốn mọi phương tiện về chữa trị bệnh hoạn. Trong số này, lại có một số dân đi làm ở Sài Gòn, Chợ Lớn về thăm quê lại bị kẹt trong trận chiến An Lộc cũng đến xin khám bệnh và thuốc uống. Hơn nữa, có một số dân trong làng, vì sống trong hoàn cảnh chiến tranh nên cũng có một số dân bị những đạn pháo vô tình rơi vào làng của họ và cũng có một số bị thương. Vì ‘tình quân dân như cá với nước,’ nên tôi đã ra lệnh cho toán Quân Y của Nhảy Dù phải thực hiện ngay công tác Dân Sự Vụ này.”
Ông cho biết thêm: “Trong khi làm công tác Dân Sự Vụ tại mặt trận An Lộc thì có một số dân làm việc ở Sài Gòn, Chợ Lớn đến nài nỉ với chúng tôi là xin được theo đoàn quân của Nhảy Dù để cùng về Sài Gòn. Nhưng đây không phải là nhiệm vụ của tôi giải quyết, vì công việc vừa lội bộ di chuyển vừa phải lo khám bệnh cho mấy anh em chiến sĩ nữa, nên tôi cũng không rõ là những người dân này có được về chung với tiểu đoàn hay không.”
Trên đường rút quân về Sài Gòn, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù cũng đụng vài trận đánh lẻ tẻ với Cộng Quân, và tiểu đoàn phải lội qua suối Tàu Ô mới được đến Sài Gòn để chờ lệnh lên máy bay để về giải tỏa Quảng Trị.
Trận Quảng Trị tổn thất nặng nề
Dưỡng quân tại Sài Gòn vài ngày thì Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù được lệnh ra Quảng Trị.
Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù đến Quảng Trị một vài ngày thì được lệnh vượt sông Mỹ Chánh đánh vào căn cứ Nancy ở phía Bắc Quảng Trị.
“Trong trận này, buổi chiều trước khi vượt sông Mỹ Chánh, Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Lê Hồng đã họp tất cả đại đội lại và có tôi trong đó, ông cho lệnh là trong đêm, Nhảy Dù sẽ vượt sông Mỹ Chánh để đánh địch quân. Sau khi họp tiểu đoàn về, ông cho tôi biết về tình hình địch, tình hình bạn như thế nào. Tiểu Đoàn Trưởng Lê Hồng nhìn tôi rồi ra lệnh. Tôi còn nhớ câu cuối cùng của ông nói với tôi là: ‘Xin bác sĩ lo giùm vấn đề thuốc men để cấp cứu và những thứ cần thiết về y tế đầy đủ, vì lệnh từ trên xuống cho biết là ước tính trong mặt trận này, sau khi vượt sông Mỹ Chánh, trong vòng 10 ngày đầu thì có thể quân ta bị tổn thất đến 2/3 tiểu đoàn.’ Lúc đó tôi cũng đã lạnh người, vì mình cứ nghĩ rằng, mình sẽ nằm trong 2/3 bị tổn thất đó.”
Khoảng 7 giờ chiều, toán Quân Y đi bằng xe GMC theo tiểu đoàn đến nằm ở một địa điểm trên Quốc Lộ 1. Đến 2 giờ sáng hôm sau thì tiểu đoàn vượt sông Mỹ Chánh đánh vào căn cứ Nancy đã bị Cộng Quân chiếm đóng. Khoảng 8 giờ sáng thì Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù chiến thắng trận đầu tiên này. Nhảy Dù có công lớn trong trận chiến này vì đã đánh tan Cộng Quân tại đây và lấy được hơn 30 Đại Liên Phòng Không 37 ly của địch quân.
Bác sĩ kể tiếp: “Xong trận này, lúc tôi ngồi ăn sáng, hút thuốc lá với tiểu đoàn trưởng và một sĩ quan Ban 3 của tiểu đoàn là Đại Úy Thái Văn Minh. Chúng tôi đang ngồi thì một sĩ quan của Đại Đội 12 đang đóng quân bên ngoài vào báo cáo là họ thấy xe tăng của địch chạy tung bụi mù mịt tiến vào nơi đóng quân của tiểu đoàn. Tuy hơn ‘lạnh cẳng’ vì lần đầu tiên tôi mới biết là sẽ đụng trận với xe tăng của địch. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh nói với tiểu đoàn trưởng là: ‘Ban ngày, ban mặt thì sợ gì xe tăng của bọn chúng nó. Xin thiếu tá ra lệnh cho lính bao vây đánh tăng và bắt sống chúng nó. Cho đến bây giờ, không biết lúc đó tại sao tôi lại hăng đến thế.’”
Thiếu Tá Hồng cho lệnh đánh xe tăng địch liền sau đó. Nhưng khi lính đến nơi thì mới phát giác ra là đoàn xe này không phải xe tăng của địch mà là xe quân y của bộ binh VNCH đang di chuyển, vì họ chạy quá nhanh xe tung bụi mù mịt nên từ xa các chiến sĩ Nhảy Dù không nhận rõ được.
Sau đó, Tiểu Đoàn 1 được lệnh lên đánh chiếm ngọn đồi Barbara, nhưng vì ngọn đồi này Cộng Quân với lực lượng quân số quá đông nên Nhảy Dù không thể lên chiếm được trong trận đầu tiên. Và cũng y như lời của tiểu đoàn trưởng, sau trận này, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù tổn thất từ tử thương cho đến bị thương hết 2/3. Thế nên, Tiểu Đoàn 1 phải rút ra ngoài để Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù lên thay thế đánh tiếp tục. (Lâm Hoài Thạch)