Bác Sĩ Phạm Gia Cổn trong những trận đánh cuối cùng tại miền Nam
Feb 25, 2020
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Sau khi bị tổn thất nặng, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù được lệnh rút quân ra ngoài đóng gần trại Pháo Binh Nhảy Dù để chờ đưa thêm quân số. Khi ổn định, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù đánh tái chiếm nhà thờ La Vang, cùng hai làng Tích Tường và Như Lệ nằm sát ven sông Thạch Hãn, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn được thuyên chuyển về Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, và được thăng cấp đại úy.
Bác Sĩ Cổn kể: “Sau đó, tôi được Lữ Đoàn 3 cho đi học lớp Tham Mưu Trung Cấp. Sau khi ra trường, tôi được chỉ định làm chỉ huy trưởng bệnh viện 3 Dã Chiến Phú Bài. Một thời gian sau, Nhảy Dù được lệnh vào Đà Nẵng để tham chiến trận Thường Đức, thì tôi cũng được làm chỉ huy trưởng một bệnh viên dã chiến của Nhảy Dù đóng tại phi trường Đà Nẵng. Trong mặt trận Thường Đức thì các chiến sĩ của Quân Lực VNCH bị thương rất nhiều. Chỉ một thời gian ngắn, thì tôi lại được làm Đại Đội Trưởng Quân Y của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, và tiếp tục theo Lữ Đoàn hành quân. Lúc đó Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Nguyễn Thu Lương. Được lệnh rút quân từ Đà Nẵng vào Sài Gòn trong khoảng cuối Tháng Ba, 1975. Trong thời gian này, có rất nhiều tỉnh ở miền Trung đều bị thất thủ.”
Những ngày tháng cuối cùng trong nhiều trận chiến tại miền Nam
Trong những ngày đầu Tháng Tư, 1975, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù được lệnh ra Phan Rang để thay đổi với Lữ Đoàn 3 từ Khánh Dương về Sài Gòn. Nhảy Dù đụng địch quân rất nhiều trận tại Phan Rang, nhưng vì quả lực của địch quân quá mạnh nên chưa đánh lui được địch quân tại Phan Rang. Sau đó, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù được lệnh rút về Sài Gòn, và Liên Đoàn Biệt Đông Quân của Đại Tá Biếc, cùng Sư Đoàn 22 của Tướng Nhật ra Phan Rang thay thế Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đóng quân tại Phan Rang.
Khoảng chừng 10 ngày nữa đến cuối Tháng Tư, 1975, thì sáng hôm đó, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù rút về Sài Gòn trước. Bác Sĩ Cổn còn lên trực thăng với Thiếu Tá Nguyễn Lô, tiểu đoàn trưởng, để đi đón những toán Nhảy Dù từ tiền đồn trên đồi đang đi về. Nhưng khi Tiểu Đoàn 7 về đến Sài Gòn một số thì lại có lệnh không rút quân của Nhảy Dù nữa. Vì thế, Tiểu Đoàn 3 và 11 Nhảy Dù vẫn còn kẹt lại Phan Rang cho đến ngày Phan Rang bị Cộng Quân tràn ngập. Nhưng cũng may là Bác Sĩ Cổn đã thoát được về Sài Gòn trước khi địch vào chiếm Phan Rang, vào gần cuối Tháng Tư, 1975.
Tại Sài Gòn, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đóng quân tại Tam Hiệp, Biên Hòa. Buổi chiều ngày 28 Tháng Tư, Cộng Quân đánh vào vùng Tam Hiệp đánh Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù với nhiều lực lượng mạnh. Hơn nữa, Lữ Đoàn 2 khi đánh trận Phan Rang thì cũng đã bị hao mòn nhân lực rất nhiều, nên tối hôm đó, xem như Biên Hòa gần như bị thất thủ.
Ngày 29 Tháng Tư, 1975, Bác Sĩ Cổn về bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn Quân Y ở bệnh viện Đỗ Vinh trong Bộ Tư Lệnh của Nhảy Dù. Đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, Sài Gòn xem như đã bị thất thủ.
“Tôi vẫn nằm lại với Tiểu Đoàn Quân Y Nhảy Dù. Trưa hôm đó, vị chỉ huy trưởng là Bác Sĩ Trần Đức Lượng cho lệnh chúng tôi tan hàng. Lúc đó tôi mới về nhà thì biết gia đình của tôi đã đi theo phái đoàn Không Quân ra Côn Sơn để tránh quân Cộng Sản tràn ngập và chờ hạm đội Mỹ đến rước. Tôi mới tấp vào với mấy anh em Biệt Động Quân ra bờ sông Sài Gòn. Lúc đó chiếc tàu Trường Sơn đang nằm tại giữa sông Sài Gòn. Thì gặp được mấy anh Biệt Kích cho biết là bên Kho 5 có sà lan để đưa chúng tôi ra biển. Khi đến kho 5 thì chúng tôi được lên sà lan đi ra biển được vài ngày thì gặp tàu Mỹ đón chúng tôi lên tàu để rời khỏi quê hương Việt Nam,” Bác Sĩ Cổn cho biết thêm.
Trở thành giáo sư tại Đại Học UCLA
Gia đình Bác Sĩ Phạm Gia Cổn định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975. Những ngày đầu tiên sống trên đất khách quê người, gia đình ông được một bác sĩ Mỹ đưa về Florida. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau ông bất bình vì bị kỳ thị, nên quyết định không cần sự giúp đỡ của người này và tự đi làm làm y công tại một bệnh viện từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng.
Một thời gian sau, ông tham gia vào khóa học của Hiệp Hội Bác Sĩ Hoa Kỳ AMA (American Medical Association) tại Miami, Florida, để đi tiếp con đường học hành. Ông thi lấy bằng ECFMG (The Educational Commission for Foreign Medical Graduates) cho người “ngoại quốc” tạm gọi là để “tương đương với bác sĩ Hoa Kỳ.”
Tốt nghiệp xong ngành bác sĩ tại Hoa Kỳ, ông rời Florida đến một thành phố nhỏ tại Georgia. Vì chưa từng sống bằng nghề bác sĩ tại Hoa Kỳ, hơn nữa, lúc đó chưa có nhiều người Việt sống trên đất Mỹ, nên ông tạm xin vào một nhà hàng của người Tàu làm phụ bếp để chu toàn đời sống cho gia đình. Sau đó, ông chuyển về Houston, Texas, và học thêm bằng Anh ngữ để đủ điều kiện hoạt động nghề bác sĩ tại Hoa Kỳ. Thời gian này ông kiếm được việc cao hơn một chút là làm “technician” về ngành y khoa lọc thận. Sau khi có bằng tiếng Anh, ông di chuyển đến Chicago, vào nhà thương làm bác sĩ nội trú một năm, rồi tiếp tục làm bác sĩ thường trú.
Để người Mỹ không xem thường và kỳ thị người Việt, Bác Sĩ Cổn quyết tâm phải lấy bằng bác sĩ chuyên khoa và đã đạt được kết quả là trở thành một bác sĩ chuyên khoa gây mê.
Từ những thành tích sáng giá đó, nhiều đại học của Mỹ muốn mời ông về làm việc, với tư cách một giảng sư của trường đại học. Bác Sĩ Cổn chọn về dạy học tại Đại Học UCLA vì là nơi gần gũi và nhiều cơ hội sống chung với cộng đồng Việt Nam. Ông đã đi dạy từ năm 1982 đến năm 2010. Suốt 28 năm trong nghề giáo chức, ông cũng từng là chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam, Nam California. Đến khi về hưu, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn không mở phòng mạch khám bệnh riêng cho mình. Vì thế, ông còn được xem như một bác sĩ nghèo nhất vùng Little Saigon.
Sáng lập “Gia Đình Khí Công Hoàng Hạc”
Suốt thời gian trong quân ngũ, ít có người biết được ông vừa là một bác sĩ vừa là một võ sư. Nói về võ học, ông từng là vị chưởng môn kế thừa Việt Nam Thất Sơn Thiếu Lâm; Hapkido 9 đẳng: chủ tịch American Hapkido Federation; phó chủ tịch Jin Pal Hapkido Federation; Taekwondo 8 đẳng.
Ngoài ra, ông còn là một nhạc sĩ chuyên sử dụng các loại kèn saxophone, trumpet, clarinet. Đồng thời ông cũng là một nhạc sĩ sáng tác, thành lập ban nhạc Star Band tại Little Saigon.
Như cố thi sĩ Du Tử Lê từng nói: “Bằng vào kinh nghiệm cá nhân, tôi xin nhấn mạnh, hầu hết sáng tác đầu tay của những người làm văn học nghệ thuật, thường không được biết tới. Ca khúc đầu tay ‘Tiếng Mưa’ của nhạc sĩ Phạm Gia Cổn đã được nữ ca sĩ Hoàng Oanh, chọn hát, trên đài phát thanh Quân Đội cho hàng trăm ngàn người nghe… Thành tựu này, Phạm Gia Cổn bạn tôi, khiến chúng tôi, những người bạn thân thời đó, của họ Phạm, như Nguyên Vũ, Mai Trung Tĩnh, Nhật Trường, Ngọc Hoài Phương, Tâm Chung, Nguyễn Chí Khả, Sao Biển, Phan Diên, Điền Bích… hãnh diện, ngây ngất như thể chính mình là tác giả của ca khúc ‘Tiếng Mưa’ vậy.”
Cố thi sĩ cho biết thêm: “Với khởi đầu tốt đẹp như vậy, cá nhân tôi không chút ngạc nhiên khi sau này, bạn tôi lần lượt cho ra đời những ca khúc khác, như ‘Một Ngày Mũ Đỏ, Một Đời Mũ Đỏ’ phổ thơ của Hà Huyền Chi, ‘Buổi Chiều, Nhớ’ phổ thơ của Như Thường, ‘Hẹn Ước’ và ‘Lệ Hoa’ phổ thơ của Phan Xuân Hiệp, ‘Đã Một Lần’ tức ‘Cổ Tích Tôi’ phổ thơ của Định Nguyên, ‘Buổi Sáng’ phổ thơ của Long Ân, ‘Nhớ’ phổ thơ của Sương Mai, và ‘Một Lá Thư’ phổ thơ của Phạm Kim Khôi, v.v…”
Sau khi nghỉ hưu, Bác Sĩ Võ Sư Phạm Gia Cổn là người sáng lập môn “Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc” năm 2007 tại Little Saigon. Một môn thể dục khí công đặc biệt được phối hợp từ y-võ-nhạc, hướng dẫn tập luyện để phục vụ sức khỏe con người bao gồm “tinh thần, thể chất và xã hội.”
Theo Bác Sĩ Cổn, môn thể dục này có mục đích giúp các lão niên chống “lão hóa,” chống bệnh tật, thân tâm an lạc để tránh bớt các chứng lú lẫn, cao máu, tiểu đường…, mà những hội chứng này luôn tàn phá thân thể con người khi đến tuổi già! Hoàng Hạc có nghĩa là “tuổi Hạc,” một cách nói văn hoa của “tuổi già.” Và, Hoàng Hạc không dính dáng gì đến Ngũ Hình Quyền bên Trung Hoa. Môn thể dục khí công này được gói trọn trong bốn thế: Bấm, Vòng, Vươn, Buông. Được áp dụng vào võ thuật, phối hợp với Tây y và Đông y, với những động tác giúp làm mềm mại từng phần của cơ thể: tay, chân, vai, cổ, eo, háng, hông, xương sống, hạ chi, cổ chân, đùi…
Qua những cử động rất nhẹ nhàng, bác sĩ chưởng môn muốn ứng dụng vào đời sống sinh hoạt của các bậc cao niên, giúp cho các lão ông, lão bà dễ dàng tập các thao tác tay chân, nếu tập nhiều lần sẽ làm cho máu huyết lưu thông, 640 bắp thịt hoạt động, giúp phổi nở ra… Nếu thực tập đều đặn, người tập sẽ có một sức khỏe ổn định, không bị tăng áp suất máu, không tăng cholesterol và có được tinh thần thoải mái, giúp cho cuộc sống tươi vui. Sự kết hợp y-võ-nhạc cũng nhằm nâng cao tinh thần và thể chất cho đời sống con người. Vì con người cần phải khỏe mạnh, từ tinh thần cho đến thể chất, quân bình trong cơ thể, cuộc sống vui tươi, lành mạnh, hài hòa với thiên nhiên và xã hội.
Môn thể dục này được lan rộng ra lần đầu tiên tại San Jose (California), rồi đến Orlando (Florida), Houston (Texas), Washington D.C., Montreal (Canada). Kể cả các thành phố bên Âu Châu như Copenhagen (Ðan Mạch), Frankfurt (Ðức), Paris (Pháp), Melbourn và Sydney (Úc) cũng có nhóm Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc. Hiện nay, tại Orange County, có trên 200 học viên theo môn phái này.
Ngoài những thành tích trên, Bác Sĩ Cổn còn là thành viên sáng lập & cựu chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thành viên sáng lập và trong Hội Đồng Đại Diện Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do, cựu chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam, chủ tịch sáng lập V.I.E.T. Foundation (Volunteers for Integration of Ethnic Traditions Foundation). Ông hai lần được bầu là “Teacher of the Year” tại UCLA (1986 và 1991), “America’s top physician” (2009).
Bác sĩ đã từng được mời tham dự và thuyết giảng tại nhiều Đại Học Seoul (Nam Hàn), Kowloon (Hồng Kông), trong các lần Đại Hội International East/West Pain Society tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và tại Seoul (Nam Hàn), Guest Speaker tại Asian American và Pacific Islander.
Ông từng được mời thuyết trình các đề tài liên quan đến giáo dục Việt Nam trong các buổi hội thảo tại các đại hội: Hội Chuyên Gia Việt Nam, Hội Khoa Học Kỹ Thuật Nam California, Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Thế Giới tại Melbourne, 1999 và tại Sydney, Úc, năm 2005.
Kinh nghiệm về những chuyên ngành y-võ-nhạc, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn đã cống hiến cho xã hội những lợi ích về sức khỏe con người trên cả ba phương diện tinh thần, thể chất và xã hội. (Lâm Hoài Thạch)